Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

RỪNG THẲM (tiểu thuyết) Tác giả: Julien Gracq, Dịch giả: Hoàng Hà/Hiệu Constant

 

RỪNG THẲM (tiểu thuyết)

Tác giả: Julien Gracq, 

Dịch giả: Hoàng Hà/Hiệu Constant

 NXB Đà Nẵng

https://www.vinabook.com/rung-tham-tieu-thuyet-p20426.html

Giới thiệu tác phẩm (Hiệu Constant) 

Hiếm có một nhà văn nào mà đương thời những tác phẩm của mình lại đựoc tuyển chọn in trong bộ sưu tập Pléiade tại Pháp. Julien Gracq là một trong những nhà văn hiếm hoi đó. Ông không những là một nhà văn nổi tiếng  mà còn là một nhà phê bình văn học rất lớn như nhà văn Philippe Sollers đã từng  phát biểu: Gracq chiếm một vị trí đặc biệt đáng kể trong nền văn học Pháp ở thế kỷ XX. Ông là hiện thân của trào lưu văn học lãng mạn Pháp, vừa thiên cảm mộng mơ vừa có tính bác học. Trong ông hội tụ những phẩm chất có từ Goeth - một nhà phiêu lưu nhất cho tới Châtaubritan rồi lại tiến tới sự mạo hiểm của trường phái siêu thực...

Trong tác phẩm này, Julien Gracq đã trao gởi nhiều kinh nghiệm của chính bản thân mình trong cuộc đời quân ngũ mà ông đã ấp ủ bấy lâu. Vào năm 1939, đây là năm đầu tiên của thứ mà ta vẫn quen gọi là Cuộc chiến tranh kỳ cục. Giai đoạn chờ đợi phập phồng , thời kỳ chờ đợi sự đổ bộ của quân Đức quốc xã vào Pháp ở vùng Ardenner, nơi mà chuẩn ý Grange cùng với tiểu đội của mình có nhiệm vụ cầm chân những chuyến xe bọc thép của Đức tràn xuống nếu như cuộc chiến bùng nổ. Nơi đây, thực ra vừa là chốn tiền tiêu, lại giống như một thứ đảo hoang trên trận tuyến Meuse luôn có những dấu hiệu đầy nghi ngại. Qua tác phẩm của mình, Gracq tố cáo chiến tranh - một cuộc chiến hết sức vô nghĩa lý như những trò chơi trẻ con với "Những cú huých khuỷu tay, những cú đạp chân...".
Từ cuộc chiến vô nghĩa lý, tác giả nâng cao giá trị nhân văn, tình nhân loại yêu thương của con người trong thời chiến: những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa những người lính với những người dân địa phương, những mối tình chớm nở đã kịp để lại  cho họ những tình cảm gắn bó không dễ gì phai mờ.

Báo (Tuổi trẻ ONline)

TT - Những người lính đang dần dấn vào một con đường xuyên rừng. Thiên nhiên cứ dần đầy lên trước mắt họ. Với chuẩn úy Grange, thiên nhiên không chỉ ở phía trước mà còn ở bên trong.

Cảm giác có thể chạy đi mãi dưới tán rừng trong buổi sớm. Và giấc ngủ, “tay buông thõng xuống thành giường trên dòng sông Meuse giống như bên thềm một bến đò” hệt như giấc mơ lãng quên, êm dịu.

Nhưng đây là đang chiến tranh. Đang vào năm 1939 - năm mở đầu của “cuộc chiến tranh kỳ cục” cùng với tất cả sự đảo lộn, phập phồng, hoang mang... Tại khu vực rừng thẳm Ardenne (nước Pháp), chuẩn úy Grange cùng tiểu đội của anh có nhiệm vụ cầm chân những chuyến xe bọc thép của Đức tràn xuống. Chiến tranh không biết nổ ra lúc nào...

Trong bối cảnh đó, Grange tình cờ làm quen với cô nàng Nona xinh đẹp. Hay nói chính xác hơn, chính Nona đã “theo dõi” sát nút anh chàng mơ mộng Grange. “Em đã quyến rũ được anh” - Nona nói như vậy với một tình yêu tràn đầy tự nhiên. Cũng có thể nói là buồn cười vì trong bối cảnh chiến tranh luôn mang tính chất “hù dọa” như thế, họ đã có những ngày sống bên nhau thật dễ chịu, vui tươi, nồng nàn... Dường như, ở đây, tác giả đã làm một động tác là “xua” chiến tranh sang một bên, hay là biến nó thành một “trường chiêm bao” với tất cả những gì không thể cưỡng lại của cuộc sống tràn trề.

Julien Gracq - tác giả của tiểu thuyết Rừng thẳm - được xem là một trong số hiếm hoi những nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất ở Pháp và trên thế giới. Và cũng hiếm có nhà văn nào mà khi còn sống tác phẩm lại được tuyển chọn trong bộ sưu tập Pléiade (Pháp). Với bạn đọc VN, hẳn đã từng biết Julien Gracq qua tiểu thuyết Bờ biển Syrtes - một cuốn sách rất tuyệt. Là người luôn phản đối việc thương mại hóa văn học, Julien Gracq chủ trương một loại văn chương thuần chất đầy thiêng liêng. Ông là người đã từng đương đầu với Sartre bằng cuốn tiểu luận Văn chương dành cho dạ dày (năm 1949). Không màng tới những gì “ngoài văn học”, thậm chí Julien Gracq còn từ chối giải thưởng Goncourt cho cuốn Bờ biển Syrtes (năm 1951).

Trở lại Rừng thẳm. Tôi đã đọc và... trở lại cuốn sách này sau những ngày bận bịu. Một cảm giác hân hoan tràn ngập trở lại. Đọc xong cuốn sách rồi mà cứ muốn cầm giữ mãi trên tay. Có những loại sách mình chỉ có thể đọc nó khi trong đầu hoàn toàn không “mưu tính” điều gì. Cuốn Rừng thẳm này thuộc loại sách đó. Một cuốn sách tràn đầy cảnh sắc và nhạc điệu thiên nhiên. Nó làm cho người đọc vừa muốn lướt nhanh vừa muốn giữ chậm; vừa nôn nóng muốn biết xem cuối cùng Grange có chết, lại vừa nín lặng từng bước chờ theo hơi thở cảm xúc của con người này (?!). Cuốn tiểu thuyết đặt mình vào một trạng thái rất “vớ vẩn” như đang yêu, chứ không phải là đang... gặm chữ (!).

TRẦN NHÃ THỤY

Đoạn trích:

Kể từ lúc đoàn tàu vượt ra khỏi vùng ngoại ô và những cụm khói mù mịt của Charle-ville, đối với chuẩn uý Grange, vẻ xấu xí của nhân loại hình như đã tiêu tan đi : anh thoáng nhận ra tất cả mọi ngôi nhà đã vượt khỏi tầm mắt. Con tàu vẫn chạy dọc theo dòng sông hiền hoà chảy, rồi nó bỗng chuyển hướng ; lúc đầu nó chạy sâu vào những vách đồi lúp xúp mọc đầy những cây dương xỉ và cây kim tước. Sau đó, cứ qua mỗi một khuỷu sông, thung lũng lại như chìm hẳn xuống, trong khi đó thì tiếng ầm ào của con tàu đi trong hưu quạnh vẫn bùng lên, nhảy xổ vào các vách đá, sườn đồi ; và cũng trong cùng lúc đó, một cơn gió hoang, đã có vẻ dịu đi trong buổi chiều mùa thu chạng vạng đang chấp chới đến gần, thổi ào vào mặt anh, khi anh thò đầu ra ngoài cửa sổ. Con tàu cứ vượt qua vượt lại dòng sông một cách thất thường đồng bóng, nó vượt qua Meuse trên những cây cầu có duy nhất một nhịp vì kèo sắt. Và trong giây lát, nó lại chìm vào một đường hầm ngắn đắp uốn khúc để vượt qua đèo. Khi thung lũng xuất hiện trở lại, chói lọi lung linh dưới ánh sáng vàng rực rỡ, mỗi lần khe thung lũng thu hẹp lại, ẩn sâu giữa hai cánh rừng là dòng sông Meuse lại có vẻ lầm lì và ủ rũ hẳn đi, như thể nó đang phải lăn dài trên chiếc giường đầy lá mục. Trên tàu, khách vắng tanh làm ta có thể suy luận rằng con tàu đảm bảo sự giao lưu trong sự hưu quạnh này là chỉ vì một thú vui duy nhất : được chạy trong đêm mát, len lỏi giữa những sườn đồi, thung lũng của vùng rừng núi vàng xộm ngày càng như cao hơn trên màu xanh thẳm trong suốt của buổi chiều tháng mười ; dọc theo triền sông, cây cối chỉ làm lộ ra như một dải ruy băng mỏng manh xanh thẫm màu cỏ, cũng rõ ràng mạch lạc như một thảm cỏ kiểu Anh. ‘Đó là chuyến tàu đi Domaine d’Arnheim’, viên chuẩn uý - bạn đọc trung thành của Edgar Poé* thầm nghĩ, và châm thuốc hút, anh ngả hẳn đầu về phía sau, gối lên thành ghế cao để có thể dõi mắt nhìn cao và xa hơn tầm nhìn  bình thường của anh về phía mỏm đá dốc dựng đứng phủ đầy những bụi cây rậm rì ; những dốc đá dựng đứng này đang hùng dũng vươn lên đấu chọi với mặt trời chiều. Trong tầm nhìn của anh, thấp thoáng những hẻm sông nhánh, những vùng đất xa xôi rậm lá mất hút đằng sau làn khói màu xanh lơ thoát ra từ điếu xì-gà ; ta cảm thấy như đất đai nơi đây như đang gợn sóng lăn tăn dưới khu rừng rậm, khúc khuỷu này, cũng hết sức ngạc nhiên như một cái đầu của thằng mọi đen. Thế nhưng, sự kém phần hoa mỹ cũng không hoàn toàn phó mặc cho sự quên lãng : thỉnh thoảng con tàu lại dừng lại ở những ga xép cóc cáy, loang lổ màu quặng sắt ; những nhà ga nằm chênh vênh trên những ụ đất đắp nổi giữa dòng sông hay treo leo trên những vách đá : ngược hẳn với màu xanh chiến tranh, những khung cửa kính đã bị nhạt màu, những người lính trong quân phục ka-ki ngồi ngủ gà gật trên những thùng xe chở hàng của bưu điện, hai chân buông thõng sang hai bên – và sau đó, thung lũng xanh ngắt bỗng chốc lát trở nên như người bị bệnh nấm tóc ; họ vượt qua ngôi nhà vàng bi thương sầu thảm, được dựng gọn gàng trong màu đất son, hình như chúng đang muốn trút bỏ lên màu xanh thẳm của lá rừng bao quanh lớp bụi đường đá vôi, và khi con mắt bừng tỉnh quay về hướng Meuse, lúc này anh đã phân biệt được từng vị trí riêng biệt, những pháo đài con còn tươi nguyên màu gạch mới và màu bê tông, màu của một công việc nặng nhọc khổ ải, và chạy dọc theo bờ sông trên những mạng lưới hàng rào dây thép gai mà cơn lũ nào đó của dòng sông đã treo lơ lửng, vương lên đó những cọng cỏ úa vàng : thậm chí ngay cả trước cú đạn đại bác đầu tiên, bệnh gỉ sắt, những hàng rào dây thép gai, mùi đất bị cày xới, những thửa ruộng hoang hoáđã làm xấu đi vùng đất hãy còn trinh nguyên của xứ Gaule trù phú.

Khi anh bước xuống sân ga Moriarmé, toàn bộ thành phố nhỏ đã khuất hẳn đằng sau bóng một vách đá dựng đứng ; trời bỗng trở lạnh đột ngột, một tiếng còi nhà máy rít xé ngang tai, và cú thứ hai nữa đập mạnh vào bả vai anh như một miếng rẻ rách ướt sượt, nhưng đó chỉ là tiếng còi hú của nhà máy dành cho một đội quân buồn tẻ vùng Bắc Phi. Anh nhớ lại trong những đêm dài của thời kỳ nghỉ hè xa xưa, thỉnh thoảng anh vẫn vểnh tai nghe tiếng còi báo động của thành phố : một tiếng – trong làng có người chết ; hai tiếng – trong làng có đám cháy ; ba tiếng – có lửa cháy ở một trang trại cách xa thành phố. Tiếng còi thứ ba làm tan đi nỗi lo lắng bồn chồn, một tiếng thở phào nhẹ nhõm. “Ở đây mọi thứ sẽ bị đảo ngược lại, anh nghĩ : một tiếng cho khoảng khắc an bình ; ba tiếng cho bom nổ, vấn đề là phải biết phân biệt nó”. Mọi thứ trong cuộc chiến này diễn ra có phần kỳ quặc. Nhờ một viên chức hoả xa ở trạm điều khiển trung đoàn chỉ dẫn, lúc này anh đang tản bộ trong khu phố nghèo xám xịt dẫn tới Meuse ; hoàng hôn đến nhanh của bầu trời tháng 10 khiến khách vãng lai dân sự nhanh chóng mất hút hết trên các đường phố, nhưng khắp nơi, trước những toà nhà quét vôi vàng, những tiếng ồn ào của lính quốc phòng phả ra, tiếng mũ sắt, cà-mèn va vào nhau loảng xoảng, tiếng giầy đinh nện xuống nền nhà lát gạch vuông : nếu ta nhắm mắt lại và cố lắng nghe trong vài giây, Grange nghĩ bụng, thì quân trang khí giới hiện đại cũng vẫn còn kêu leng keng y trang tất cả các loại áo giáp cổ xưa của thời diễn ra cuộc chiến trăm năm.

Nằm bên bìa rừng, sở chỉ huy tiểu đoàn là một ngôi nhà xây bằng đá cối, kiểu kiến trúc của vùng ngoại ô Paris và trông nó quả là buồn tẻ, được ngăn cách với kè sông bằng một hàng rào sắt và một dãy bồn hoa xơ xác, đã bị nát nhừ dưới những gót giầy nhà binh, bên cạnh những bồn hoa là những chiếc xe đạp máy dựng dựa vào các thân cây hoa đinh trơ trụi : giống như lỗ tổ ong quá chật, hai tháng đóng quân đã phá hoại hết cảnh vật : chân cột và toàn bộ những bức tường của hành lang cao ngang đầu người đã trơ ra những khung nõi sắt. Grange phải chờ đợi khá lâu trong căn phòng đầy bụi, một chiếc máy chữ đang lạch xạch làm việc sau cánh cửa sổ nửa đóng nửa mở : thỉnh thoảng người hạ sĩ quan, đầu không ngẩng lên, đè dí mẩu thuốc lá xuống góc bàn vẽ : trước đây, ngôi nhà này chắc đã từng là nơi ở của một kỹ sư luyện kim. Đằng sau cánh cửa sổ đang chấp chới, hàng cây cao có vẻ như tiến sát đến tận mái nhà, chạm cửa sổ, phía trên Meuse dọc theo triền sông chất đầy xỉ than, lúc này trời đã rất tối, tiếng trẻ kêu khóc thỉnh thoảng lại ré lên trong khu phố, tan loảng đi trong không khí ngột ngạt của chiến tranh, những tiếng khóc đó cũng chẳng có chút ý nghĩa gì mà cũng chỉ như những tiếng kêu của loài thỏ rừng. Khi anh dập gót giầy đứng nghiêm trong phòng làm việc vẫn còn rất sáng sủa của thiếu tá, cái nhìn phát ra từ đôi mắt xám màu nước biển và cái miệng mím chặt như bị biến mất hẳn dưới hàng ria cứng rậm rạp đã làm Grange hết sức kinh ngạc : viên thiếu tá quả là rất giống Moltke*. Có một sự đột khởi mạnh mẽ thô bạo và chát chúa trong cái nhìn ấy, nhưng liền sau đó cặp mắt ấy lại như mờ đi do lớp màng vẩy cá bao phủ, và rồi lại khép lại dưới hàng mí mắt nặng nề, cách biểu lộ nói nên sự mệt mỏi, nhưng là thứ mệt mỏi ranh mãnh chỉ bày tỏ ra ngoài một cách dè xẻn : đằng sau sự bất động kiểu chim cắt trùm đầu này, ta nhận thấy bộ vuốt đang sẵn sàng chờ lệnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét