Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Đền Phật giáo Tây Tạng ở Paris

Đền Phật giáo Tây Tạng ở Paris

Tính từ nửa sau của thế kỷ 20 cho đến nay, Phật giáo có vẻ như ngày càng phát triển mạnh ở phương Tây, ở châu Âu, nhất là ở Pháp và đặc biệt là ở Paris. Phật tử muốn tìm một ngôi chùa thờ Phật  trong vùng Paris không còn quá khó khăn, những ngôi đền cũng theo trào lưu này mà hình thành. Trong đó có ngôi đền là trụ sở của Trung tâm Kagyu Dzong của Phật giáo Tây Tạng, nằm trong khuôn viên của Chùa Vincennes (Kagyu Dzong tiếng Tây Tạng có nghĩa là Luồng Ánh Sáng tinh khiết). Đây có thể nói là một trong những ngôi đền đẹp, trang trọng và có những hoạt động Phật giáo năng động nhất ở Paris.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Chùa lớn ở rừng Vincennes Paris - nơi thờ xá lợi Đức Phật

Chùa lớn ở rừng Vincennes Paris - nơi thờ xá lợi Đức Phật


Chùa Lớn ở trong rừng Vincennes, gọi tắt là Chùa Vincennes, thuộc dịa phận quận 12 Paris, là trụ sở của Liên đoàn Phật giáo Pháp. Nơi đây có tượng đức Phật cao nhất châu Âu và nhất là có thờ xá lợi Phật, được nước Thái Lan tặng cho nước Pháp. Cũng trong khuôn viên chùa, ta còn thấy có Đền Phật giáo Kagyu-Dzong của Tây Tạng, được xây dựng trong những năm 1983-1985.

Đôi nét về lịch sử Chùa

                                        

Ban đầu, đây là hai trong số những di tích còn lại của cuộc triển lãm thuộc địa năm 1931,  “Tòa nhà Cameroun" và "Tòa nhà Togo". Trong khu đất rộng 8.000 m2 ở bên bờ hồ Daumesnil, đây là hai tòa nhà có kiến ​​trúc đáng chú ý, được Louis-Hippolyte Boileau và Charles Carrière thiết kế.

Tòa nhà uy nghiêm và lừng lững nhất là Tòa Cameroun, cao 28 mét và đã được trùng tu lần đầu tiên và chuyển thành chùa để làm nơi thờ cúng vào năm 1977, được trùng tu lần thứ hai vào năm 2015. Tòa nhà thứ hai, vốn là Tòa nhà Togo, đã được Thành phố Paris có quy hoạch trùng tu, nơi đây sẽ là một thư viện, nơi cất giữ các văn bản liên quan đến các truyền thống đa dạng của Phật giáo.

Chùa được khánh thành ngày 28 tháng 10 năm 1977 với sự có mặt của ngài Jacques Chirac, khi ấy là Thị trưởng thành phố Paris. Năm 1977, nơi đây được Viện Phật giáo Quốc tế quản lý, một tổ chức do cựu Bộ trưởng Jean Sainteny thành lập vào năm 1969. Tổ chức này tự giải thể vào năm 2003 và Chùa Vincennes được Liên đoàn Phật giáo Pháp tiếp quản sau đó. 

Kể từ khi thành lập, Chùa Vincennes đã được nhiều trường Phật giáo vùng Paris lấy làm địa điểm hoạt động nhưng không có nhà sư nào trụ trì. Chùa là nơi thờ phụng chung, thờ tượng Phật lớn nhất ở châu Âu. Tượng Phật này được dát vàng lá và nếu tính cả đế thì cao hơn 9 mét. Địa điểm này hiện thời vẫn là tài sản của thành phố Paris. Xá lợi Phật trước được cất giữ tại đền Wat Saket ở Bangkok nay được ngài Somdej Phra Buddhacharn, Trưởng ban Giáo hội Tăng già Thái Lan là đại diện tặng cúng dường cho phương Tây. Như vậy, nơi đây trở thành Trung tâm tâm linh Phật giáo Châu Âu.

Ngày tiếp nhận xá lợi đức Phật

Vào ngày 17 tháng 5 năm 2009, xá lợi Phật được đặt trong một bình pha lê tròn, gắn trong một khán vàng hình ngôi chùa Thái, được điêu khắc hết sức tỉ mỉ và tinh vi, đặt trên trên một chiếc kiệu rực rỡ do bốn người đàn ông khiêng tiến vào chùa. Kể từ đó các Phật tử và khách tham quan có thể nhìn thấy xá lợi Phật được đặt bên dưới bức tượng chính. Xá lợi này không ở tại chỗ một cách vô thời hạn, bởi có thể có những Trung tâm Phật giáo khác sẽ mượn trong một khoảng thời gian nhất định. Hòa thượng Chao Khun Dhammasitthinayok, cùng phái đoàn gồm các nhà tu hành và quan chức Thái Lan, đã chuyển Xá lợi đến Paris vào dịp Đại lễ Vesak 2552 (2009).

Hành trình xá lợi đến Pháp: từ Ấn Độ đến Pháp, qua đường Thái Lan

Vào cuối thế kỷ 19, ở Ấn Độ có một bảo tháp thuộc về dòng tộc Shakya bị sụp đổ, tại đó người ta phát hiện ra những xá lợi đích thực của Đức Phật, đã được lưu giữ từ hơn hai thiên niên kỷ. Vào thời điểm đó, Ấn Độ và gần như toàn bộ châu Á đã bị đô hộ và thống trị, Thái Lan là quốc gia Phật giáo duy nhất không bị sống dưới ách kiềm tỏa ấy nên ngài G. N. Curzon, khi ấy là Thống đốc Toàn quyền Ấn Độ, cựu Đại sứ ở Vương quốc Xiêm - đã trao gửi những xá lợi quý giá ấy cho quốc gia này.