QĐND - Đó là người phụ nữ giản dị, đậm chất Việt, dù đã ở bên trời Tây từ rất lâu. Từ Pa-ri hoa lệ, chị vẫn không thôi đau đáu về quê hương và đó là khởi nguồn của việc chị trở thành nhà văn-dịch giả, say mê dịch rất nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại. Những công trình của chị đang góp phần rất lớn vào sự giao lưu, trao đổi văn học, văn hóa đương đại giữa Việt Nam và Pháp.

Người ước "Mỗi ngày có ba mươi giờ"...
Hiệu Constant trong cuộc giới thiệu tác phẩm tại Hà Nội ngày 12-4-2013.

Từ vùng chiêm trũng mơ về nước Pháp

Lê Thị Hiệu sinh năm 1971, tại Thường Tín, Hà Tây (cũ), trong một gia đình nhà nho nghèo. Nhà chị có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu người từ lâu đời. Tuổi thơ yên bình đi qua, cho đến năm lớp 10, lên học ở trường huyện, bắt đầu được học ngoại ngữ, tiếp xúc nhiều với văn hóa Pháp, trong chị bắt đầu lớn dần một ước mơ. Đọc say sưa những tác phẩm văn học dịch của nước ngoài, đặc biệt là văn học Pháp, chị khát khao sẽ có một ngày được cầm trên tay và đọc những tác phẩm gốc. Cô bé Lê Thị Hiệu lúc bấy giờ nuôi trong mình một ý nghĩ: “Văn dịch mà đã hay đến thế thì những tác phẩm gốc hẳn sẽ rất tuyệt vời”. Hiệu lặng lẽ phấn đấu để hiện thức hóa giấc mơ của mình, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Khi biết tin chị có nguyện vọng nộp đơn thi vào khoa Pháp, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, gia đình và thầy cô đều khuyên không nên mạo hiểm, vì không ai dám tin với kiến thức ngoại ngữ trong 3 năm ít ỏi, chị có thể bon chen được vào đại học. Không nản chí, chị dốc toàn sức ra học và kỳ tích đã xuất hiện: Chị trúng tuyển và là á khoa của kỳ thi năm đó. Nhớ lại cảm xúc của mình lúc đó, chị chia sẻ: “Tôi thực sự hạnh phúc, giống như mình vừa bê được trái đất này đặt sang một nơi khác vậy”.

Vào đại học, khi được cầm trong tay những tác phẩm nguyên bản, nhận ra việc đọc nó không hề đơn giản như mình nghĩ, chị lại lao vào học thêm ngoại ngữ, bổ sung từ vựng. Và cô sinh viên Pháp văn Lê Thị Hiệu ao ước một ngày nào đó được đặt chân đến Pa-ri, để trải nghiệm, kiểm chứng những điều bấy lâu chỉ được biết qua sách vở…

Tình yêu và những chân trời mới

Cuộc gặp đầy tình cờ ấy đã làm nên định mệnh của cuộc đời họ. Trong một lần đi chơi trên phố cổ, chị Hiệu đã gặp anh Constant trong bối cảnh anh này đang cố dùng tay chân làm ký hiệu một cách rất khó nhọc để hỏi mua mấy món đồ lưu niệm. Và chị đã tự nguyện làm một người thông ngôn nhiệt tình. Sau khi mua được món đồ ưng ý, chàng thanh niên đến từ nước Pháp gần như không thể rời mắt khỏi cô gái Việt Nam rất đặc biệt này. Họ đã có thêm những lần gặp gỡ sau đó, cô gái say sưa, tự hào kể cho chàng trai rất yêu quý Việt Nam này về đất nước của mình. Đáp lại, chàng trai giải thích cho cô những bí ẩn về nước Pháp. Tình yêu của họ đã đến nhẹ nhàng và say mê đến lạ lùng. Những cuộc điện thoại đường dài, những lá thư viết tay, bưu thiếp và đặc biệt là những chuyến bay trở lại Việt Nam sau đó của Constant đã đưa hai người đến một quyết định trọng đại. Lần thứ 8 trở lại Việt Nam sau khi gặp nhau, chàng đã ngỏ lời cầu hôn nàng, cùng nhau vượt qua những ngăn cấm quyết liệt phía gia đình cô gái. Đám cưới đã diễn ra một năm sau đó. Nhưng phải đến khi những đứa trẻ ra đời, trở về Việt Nam thăm ông bà, vẫn nói tiếng Việt, vẫn giữ lễ nghĩa và đặc biệt không ngớt thủ thỉ với ông bà về bố của mình, thì bố mẹ chị Hiệu mới chính thức vui vẻ đón nhận chàng rể. Bởi cuộc hôn nhân đó đã không làm họ “mất con, mất cháu” như ý nghĩ ban đầu.

Người ước "Mỗi ngày có ba mươi giờ"...
... và bên các con của mình. Ảnh: Đặng Hưng.

Ở Pháp, chị Hiệu dạy con ngôn ngữ và văn hóa Việt. Từ đó, chị có cơ hội tìm hiểu về Pháp, cả về văn hóa Việt Nam qua lăng kính Pháp. Chị bắt tay chuyển tải những tác phẩm văn học, văn hóa Pháp đương đại đến với độc giả Việt Nam và của các tác giả Việt Nam đến với công chúng Pháp. Đồng thời, chị viết bài đăng trên các báo và tạp chí của hai nước... Tác phẩm dịch của chị phong phú với nhiều thể loại. Về tiểu thuyết có: Nỗi niềm (Paule Constant), Rừng thẳm (Julien Gracq), Đen của vầng ánh dương (Christine Morin), Bạn tôi tình tôi (Marc Levy), Ông hoàng xứ Kahel (Tierno Monénembo) v.v... Sách về chân dung các chính khách có: Barack Obama hay giấc mơ mới của người Mỹ (Guillaume Serina), Nicolas Sarkozy, từ tòa thị chính Neuilly đến điện Élysée (Bruno Jeudy và Lucdovic Vigogne), Bản báo cáo mật của CIA (Alexandre Adler)… Ngoài tác phẩm của một số tác giả Việt Nam được Hiệu Constant chuyển sang Pháp ngữ, chị còn sáng tác một số tác phẩm được dư luận chú ý, như: Côn trùng, Đường vắng…

Hiện nay chị vẫn đi về đều đặn giữa Việt Nam và Pháp, làm đại diện cho một số Nhà Xuất bản của Pháp tại Việt Nam, như Fayard, Robert Laffont, Stock, Archipel… Hiệu Constant nói vui: “Nhiều khi chỉ ước một ngày có 30 giờ để làm việc”.

HÀ THỊ LỘC