Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant: Mong có nhiều thời gian dịch văn học Việt sang tiếng Pháp

 

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant:

Mong có nhiu thi gian dch văn hc Vit sang tiếng Pháp

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/768975/mong-co-nhieu-thoi-gian-dich-van-hoc-viet-sang-tieng-phap

THI THI thực hiệndientu@hanoimoi.com.vn

Nhà văn-dịch giả Hiệu Constant

(HNM) - Nhà văn, dịch giả Lê Thị Hiệu (bút danh Hiệu Constant) là tác giả của 4 tác phẩm in riêng, một tập truyện ngắn in chung và khoảng gần 50 dịch phẩm (chuyển ngữ tiếng Pháp sang tiếng Việt).

Mặc dù định cư tại Pháp nhưng trong nhiều năm qua chị vẫn liên tục về Việt Nam tham dự các hoạt động giao lưu văn học. Ngày 9-7 tới, nhà văn, dịch giả Hiệu Constant sẽ tham dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX tại Hà Nội.

Dịp này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với chị về công việc dịch thuật - câu chuyện được quan tâm trong đời sống văn học hiện nay.

- Khoảng 50 đầu sách dịch văn học Pháp sang tiếng Việt quả là con số không nhỏ. Nhưng hình như Hiệu Constant vẫn được biết tới nhiều hơn với vai trò của một tác giả?

- Thật ra, tôi được biết đến với vai trò là một tác giả hay dịch giả nhiều hơn thì cũng còn tùy theo sở thích của bạn đọc. Bạn yêu văn học Pháp thì biết tôi nhiều hơn với vai trò dịch giả. Nhưng cũng phải thừa nhận là mỗi khi tôi có sáng tác mới được xuất bản thì giới truyền thông Việt Nam thường quan tâm nhiều hơn, có lẽ cũng bởi các bạn tò mò muốn biết quan điểm sáng tác của một nhà văn Việt kiều như thế nào, hay những trăn trở của một người Việt sống xa quê ra sao. Hơn nữa, sự quan tâm có thể còn do số người viết văn ở nước ngoài nhưng lại xuất bản ở trong nước cũng không nhiều.

- Những năm gần đây các tác phẩm văn học dịch được xuất bản ở Việt Nam ngày càng nhiều, cùng với đó là các diễn đàn tranh luận về dịch thuật văn học nói chung và về một vài dịch phẩm nói riêng. Chị nghĩ thế nào về hiện tượng này?
- Đó là dấu hiệu đáng mừng, bởi bạn đọc Việt sẽ có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những nền văn học khác và hơn thế là những nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên thế giới. Đương nhiên, để có nhiều dịch phẩm thì phải cần nhiều dịch giả và việc mỗi dịch giả có quan điểm riêng cũng là dễ hiểu. Ví như có người trung thành với văn phong và thậm chí cả số chữ của bản gốc, nhưng người khác lại muốn "Việt hóa" các tác phẩm văn học dịch. Theo tôi, điều nào cũng tốt, cái quan trọng là chuyển tải được tinh thần của tác phẩm, đừng để tác phẩm ấy bị "phóng tác" hay "phỏng dịch" nhiều quá.

- Dịch văn học Pháp sang tiếng Việt với chị điều gì là khó khăn nhất và điều gì là quan trọng nhất?

- Tôi có may mắn là dịch giả được sống trong môi trường văn hóa của đất nước mà tác phẩm gốc ra đời. Nhưng tôi cũng phải thú thật là, cái gì cũng có hai mặt của nó. Ví như khi sống tại Pháp, tôi thông hiểu ít nhiều văn hóa Pháp và cách viết của một số tác giả, nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt thì phải giỏi tiếng Việt. Mới đây, tôi bị một số biên tập viên (BTV) chê là văn chưa thuần Việt. Tôi hơi hoang mang. Nhưng cũng tự trấn an bởi các sáng tác bằng tiếng Việt của tôi vẫn được bạn đọc đón nhận khá nồng nhiệt. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, để dịch tốt văn học thì đương nhiên phải thông thạo ngoại ngữ, nhưng quan trọng nhất là hiểu được văn hóa của tác phẩm gốc và tiếng Việt. Tìm những thành ngữ, ngạn ngữ tương đương trong tiếng Việt luôn là mối quan tâm nhất của tôi trong quá trình dịch văn học Pháp.

 - Là nhà văn, chị là chủ thể duy nhất của tác phẩm. Nhưng là dịch giả thì chị đồng thời phải đứng giữa các mối quan hệ với tác giả, với đơn vị xuất bản, thậm chí đôi khi còn đối diện với độc giả nữa. Giả sử có những bất đồng với đơn vị xuất bản, lúc ấy dịch giả phải xử lý thế nào?

- Đây là câu hỏi thú vị! Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn các BTV, bởi đa phần các "bà đỡ" luôn hợp sức cùng tôi để cho ra sản phẩm tốt nhất. Tất nhiên, thi thoảng tôi cũng không đồng quan điểm với một số BTV... Khi đó, tôi phải trao đổi lại với tác giả nếu điều kiện khách quan cho phép. Có tác giả thân thiện, họ đồng ý với những chỉnh sửa, nhưng có tác giả lại không. Thực sự thì ngoài vai trò dịch giả tôi còn là đại diện cho một số nhà xuất bản Pháp tại Việt Nam, với mục tiêu là tìm các đầu sách hay, thương thảo bản quyền. Đã có không ít tác giả Pháp từ chối thẳng thừng trước đề nghị chỉnh sửa bản gốc và do vậy, chúng tôi lâm vào bế tắc. Thật sự, tôi mong muốn có sự cởi mở trong văn chương, trừ các vấn đề không bao giờ có thể thỏa hiệp là chủ quyền quốc gia và lòng tự hào dân tộc.

- Chị tâm đắc tác phẩm nào nhất trong số gần 50 dịch phẩm của mình?

- Có lẽ là cuốn "Nỗi niềm" (Confidence pour confidence) của nữ tác giả Paule Constant với câu chuyện nhiều góc cạnh về người phụ nữ trong giới trí thức. Tác phẩm gốc đã được giải Goncourt năm 1998, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2006.

- Là đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, chị mong mỏi điều gì trong hoạt động hội nhiệm kỳ tới?

 - Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách đại biểu chính thức. Điều tôi mong mỏi là các nhà văn và dịch giả Việt Nam được tạo điều kiện hơn nữa trong quá trình sáng tác, dịch thuật, để có thể mang đến cho bạn đọc những tác phẩm hoàn hảo.

- Chị có dịch phẩm nào chuẩn bị ra mắt độc giả? Dự định của chị trong thời gian tới là gì?

- Tôi đang dốc sức hoàn thành cuốn "La nuit rouge de Yên Bai", tạm dịch là "Yên Bái - Đêm rực lửa", tác phẩm do viên tướng người Pháp viết về sự kiện cuộc khởi nghĩa Yên Bái và vụ hành quyết 13 chiến sĩ An Nam yêu nước, trong đó có Nguyễn Thái Học. Xuyên suốt tác phẩm là tinh thần tôn trọng, yêu văn hóa, con người Việt Nam, thể hiện cái nhìn trung thực về một giai đoạn lịch sử mang nhiều biến cố của đất nước ta. Còn về dự định tới đây, thực sự tôi rất mong có nhiều thời gian, điều kiện để dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Pháp...

- Trân trọng cảm ơn chị!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét