Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Thư Paris của nhà văn Hiệu Constant

Thư Paris của nhà văn Hiệu Constant


VHSG- Chỉ sau chưa đầy nửa ngày, Paris như đã khoác lên mình một chiếc áo khác, một khuôn mặt khác. Trên truyền hình, ta nhận thấy các đường phố vắng tanh, tháp Eiffell đứng đìu hiu ngả bóng xuống sông Seine. Nhà thờ Sacré-Coeur thường ngày đón hàng trăm ngàn khách tham quan, giờ đây cũng không một bóng người. Sông Seine lững lờ trôi khi vắng những con tàu trắng rập rềnh,…


Nhà văn Hiệu Constant
V. thân mến,
Mình viết thư cho V. lần này trong một tâm trạng khá nặng nề. Nước Pháp nói riêng và toàn thế giới nói chung đang sống trong một thảm họa y tế, đại dịch Covid-19 này đã ảnh hưởng đến mọi gia đình và mọi quốc gia. Để đẩy lùi và chiến thắng nó, chúng ta cần sự đoàn kết và ý chí của mỗi người!
Có lẽ V. đã xem thông tin và phần nào biết được sự bùng nổ dịch này tại châu Âu và Pháp. Số bệnh nhân dương tính, số người tử vong tăng vùn vụt. Tuần trước người ta còn nêu tuổi tác và quê quán của người nhiễm hoặc tử vong do virus Corona, nhưng giờ đây, họ chỉ nêu những con số. Những con số vô tình cứ tăng vùn vụt một cách lạnh lùng. Tại Pháp, tính đến lúc này, khi mình đang viết cho V. đây thì nước Pháp đã ghi nhận mấy trăm ca tử vong, hơn 10 nghìn ca dương tính. Paris và vùng phụ cận là đông bệnh nhân nhất, với hơn 3 nghìn ca. Hôm qua xem chương trình thời sự trên ti vi Pháp, người giới thiệu chương trình là một nữ nhà báo nổi tiếng thông minh, luôn vui vẻ và hài hước, nhưng lúc ấy, giọng cô có vẻ nghẹn ngào, như cố kìm nén điều gì đó nhưng cặp mắt đỏ thì không giấu được ai, khi đài đưa những hình ảnh về một nhà thờ ở Italia. Những dãy ghế trong gian chính nhà thờ đã được dọn đi và thay vào đó là các dãy dài quan tài, được xếp thẳng hàng ngay ngắn… Thương tâm thật, người thân cũng được khuyến cáo không nên đến đông để đưa những người quá cố ấy về nơi an nghỉ cuối cùng! Hơn 500 người ở nước Ý qua đời chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

HÃY XEM MÌNH LÀ KHÁCH VIỄN DU


 Đức đạt Lai Lạt Ma
 Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

Khoảng chừng 50 năm nữa thì tôi, Tenzin Gyatso, một tu sĩ Phật giáo, sẽ chỉ còn là ký ức. Thật vậy, chưa chắc rằng người đang đọc những dòng chữ này, sẽ còn có mặt một thế kỷ sau. Thời gian trôi qua bất chấp. Chúng ta không thể quay thời gian trở lại để chuộc lỗi lầm. Chúng ta chỉ có thể sử dụng giây phút hiện tại tốt hơn. Nhờ đó, khi những ngày cuối cùng đến, ta có thể  nhìn lại và thấy rằng mình đã sống trọn vẹn, đã cống hiến, đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa, điều đó sẽ đem lại cho ta ít nhiều an ủi. Nếu không, ta sẽ rất muộn phiền. Nhưng ta sẽ trải nghiệm điều gì, tất cả đều tùy thuộc vào lựa chọn của ta.
Cách tốt nhất để chắc chắn rằng khi ta tiến gần đến cửa tử, ta đi mà không hề hối tiếc là trong giây phút hiện tại, ta đối đãi với mọi người đầy trách nhiệm và từ bi. Thực ra, đó là vì lợi ích bản thân ngay hiện tại, chứ không phải vì nó sẽ đem lại lợi ích cho ta trong tương lai. Như chúng ta đã biết, từ bi là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho cuộc sống của ta có ý nghĩa. Đó là cội nguồn của tất cả mọi niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Và đó là nền tảng của tâm thiện, tâm của người hành động vì muốn giúp đỡ kẻ khác. Bằng sự tử tế, bằng tình thương, bằng chân thật, bằng chân lý và công bằng đối với tất cả mọi người, mà ta đảm bảo sự lợi ích của bản thân. Đây không phải là vấn đề của lý thuyết dông dài, phức tạp. Đây chỉ là vấn đề của sự hiểu biết bình thường. Không thể phủ nhận rằng việc quan tâm đến người khác là việc đáng làm. Không thể phủ nhận rằng hạnh phúc của chúng ta không thể tách rời với hạnh phúc của người khác. Không thể phủ nhận rằng nếu xã hội có vấn đề, bản thân chúng ta cũng có vấn đề. Cũng không thể phủ nhận rằng tâm ta càng đầy ác ý, ta càng khổ đau. Do đó, ta có thể chối bỏ mọi thứ khác như: tôn giáo, tri thức, các hệ tư tưởng, nhưng ta không thể trốn thoát sự cần thiết của tình thương và lòng từ bi.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

NƯỚC CÀNG SÂU CÀNG TĨNH - NGƯỜI CÀNG HIỂU BIẾT CÀNG KHIÊM NHƯỜNG




Không coi trọng bản thân mình hơn người khác, đây cũng là một loại tu dưỡng, là một loại cảnh giới, phong độ. Người có được phong thái này ắt là có sự hiểu biết sâu rộng về kiếp nhân sinh, về giá trị của cuộc đời.
Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy là một tiểu thuyết gia, triết học gia người Nga. Ông từng bị một quý phu nhân hiểu nhầm là một công nhân vận chuyển đồ đạc nên đã yêu cầu vận chuyển đồ cho mình. Tuy nhiên Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy đã rất vui vẻ nhận lời và hoàn thành công việc của mình. Sau khi hoàn tất công việc, ông được quý phu nhân trả cho 1 Rúp tiền công. Đến khi quý phu nhân kia biết được thân phận của ông đã vô cùng xấu hổ và có ý muốn lấy lại đồng Rúp đó. Nhưng Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy đã rất vui vẻ từ chối nói: “Đây là thành quả lao động mà tôi có được, nó rất quan trọng”.

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Những vết sẹo đêm thành Paris


Giới thiệu tác phẩm Những vết sẹo đêm thành Paris
Les cicatrices de la nuit
Prix Quai des Orfèvres 2020


“Một tuyệt phẩm của tiểu thuyết trinh thám Pháp cổ điển.”, một bạn đọc đã nhận xét
Bạn đã nghe nói về thành phố Ánh Sáng, bạn đã xem nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Paris. Bạn đã biết đến hương vị của Paris by Night… Bạn muốn tìm hiểu đời sống thực sự của Paris về đêm với những mảng tối của nó ư? Đây sẽ là tác phẩm bạn cần, với lối viết ngắn gọn, xúc tích, và những pha phá án ly kỳ của cảnh sát Pháp, chúng ta sẽ khám phá nhiều điều về những gì xảy ra trong đêm ở Paris với những cô gái hành nghề mại dâm, đặc biệt là các nữ sinh viên chỉ thi thoảng làm điếm để lấy tiền trang trải học hành, hoặc một số cô nàng sính đồ hàng hiệu. Những hiểm nguy, thường xuyên là tàn nhẫn, luôn rình rập họ trong một thế giới thượng lưu mà các quí ông thường không ngừng tìm kiếm niềm vui xác thịt. Và còn cả các mạng lưới mại dâm đến từ các quốc gia khác…
Truyện xoay quanh một sỹ quan thiếu tá cảnh sát Pháp, Philippe Valmy. Anh vốn làm việc tại trụ sở đầu não cảnh sát Pháp tại Paris, 36 Quai des Orfèvres. Sau hơn hai chục năm công tác trong đội tuần tra đêm trên các đường phố và các điểm nóng của Paris, nhưng trước mong muốn của Emilie, vợ anh, do chị mong muốn được ở bên chồng nhiều hơn vào mỗi đêm và cũng mong có một đứa con nên anh đề nghị được chuyển sang đội Trọng Án Hình Sự.
Dẫu tuổi tác và cấp bậc của mình, nhưng trong đội Trọng Án này, anh vẫn được coi là lính mới, nhưng anh ý thức mình cần phải học hỏi hơn nữa, và vừa làm vừa học. Kinh nghiệm nghề nghiệp giúp anh biết nhìn nhận khả năng của mỗi thành viên trong đội, anh đánh giá và nâng cao trình độ phá án của mỗi người.