QĐND - Đó là người phụ nữ giản dị, đậm chất Việt, dù đã ở bên trời Tây từ rất lâu. Từ Pa-ri hoa lệ, chị vẫn không thôi đau đáu về quê hương và đó là khởi nguồn của việc chị trở thành nhà văn-dịch giả, say mê dịch rất nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại. Những công trình của chị đang góp phần rất lớn vào sự giao lưu, trao đổi văn học, văn hóa đương đại giữa Việt Nam và Pháp.

Người ước "Mỗi ngày có ba mươi giờ"...
Hiệu Constant trong cuộc giới thiệu tác phẩm tại Hà Nội ngày 12-4-2013.

Từ vùng chiêm trũng mơ về nước Pháp

Lê Thị Hiệu sinh năm 1971, tại Thường Tín, Hà Tây (cũ), trong một gia đình nhà nho nghèo. Nhà chị có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu người từ lâu đời. Tuổi thơ yên bình đi qua, cho đến năm lớp 10, lên học ở trường huyện, bắt đầu được học ngoại ngữ, tiếp xúc nhiều với văn hóa Pháp, trong chị bắt đầu lớn dần một ước mơ. Đọc say sưa những tác phẩm văn học dịch của nước ngoài, đặc biệt là văn học Pháp, chị khát khao sẽ có một ngày được cầm trên tay và đọc những tác phẩm gốc. Cô bé Lê Thị Hiệu lúc bấy giờ nuôi trong mình một ý nghĩ: “Văn dịch mà đã hay đến thế thì những tác phẩm gốc hẳn sẽ rất tuyệt vời”. Hiệu lặng lẽ phấn đấu để hiện thức hóa giấc mơ của mình, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Khi biết tin chị có nguyện vọng nộp đơn thi vào khoa Pháp, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, gia đình và thầy cô đều khuyên không nên mạo hiểm, vì không ai dám tin với kiến thức ngoại ngữ trong 3 năm ít ỏi, chị có thể bon chen được vào đại học. Không nản chí, chị dốc toàn sức ra học và kỳ tích đã xuất hiện: Chị trúng tuyển và là á khoa của kỳ thi năm đó. Nhớ lại cảm xúc của mình lúc đó, chị chia sẻ: “Tôi thực sự hạnh phúc, giống như mình vừa bê được trái đất này đặt sang một nơi khác vậy”.