Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

PHÙ THUẬT & TÍN NGƯỠNG AN NAM (tác giả Paul Giran; dịch giả: Hiệu Constant)

 PHÙ THUẬT & TÍN NGƯỠNG AN NAM

(tác giả Paul Giran; dịch giả: Hiệu Constant)


Đoạn trích:

... Ngoài ma, chúng ta còn thấy nhiều âm linh quỷ hồn được tuyển mộ trong số những hồn người chết. Đó là những con tinh hoặc yêu tinh, những ngạ quỷ, v.v... Con tinh là quỷ cái, hồn người đàn bà đã chết và nhập vào thân cây. Người bản xứ thường không muốn đụng vào một cây cổ thụ nào đó vốn được đồn là nơi trú ngụ của một con tinh. Cũng chính vì tín ngưỡng này mà vào lúc khâm liệm một xác chết, người ta phải tiến hành những nghi lễ trừ tà nhằm trục xuất những yêu tinh có thể đã bị nhốt từ trước trong gỗ đóng quan tài.

Có thể đặt trên cùng một bình diện với âm binh, ma, v.v... những ác linh thuộc một thể loại rất chung chung: hung thần. Những hung thần này không có nguồn gốc xác định và do đó, chúng khác với âm binh hoặc ma, vốn chỉ được tuyển mộ trong số những hồn của người chết. Hung thần cũng không hề có những quyền hạn phân cấp cố định. Đây là bản liệt kê mà Tam Giáo (trang 3)(1)

1. Bản liệt kê này là nội dung trong một bài niệm chú nhằm mục đích xua đuổi những tà linh có thể tra tấn hồn của một người chết. Trong năm, có cả loạt những ngày xấu, và mỗi ngày trong số đó thuộc về một hung thần. Nếu ai đó qua đời vào những ngày đó, hồn người đó sẽ bị vị hung thần ngự trị trong ngày bất hạnh đó quấy nhiễu.đưa ra: “Thần Uế tích kim cương thích tạo ra rác rưởi; Mật tích kim cương có thói quen bí mật làm điều ác; Tam chử giải phả hủy hoại các gia đình; Hô thực hô sát đòi ăn liên tục bất chấp việc sát hại con người; Vong vị hung ương phạm nhiều điều ác hơn cả quỷ; Cô lư khô kháo muốn rằng tất cả những ngôi nhà tranh đều trở nên trống vắng tiêu điều, v.v...”

Quyền hạn của mỗi vị thần này được định nghĩa khá mập mờ và rất hay xâm phạm lẫn nhau; tuy nhiên cá tính của họ đậm nét hơn cá tính của ma, âm binh, v.v... Thực ra, những linh thể mới này có tên gọi riêng; họ cũng có một hộ tịch mà chúng tôi đã không đưa ra để tránh liệt kê dài dòng vô ích; vị này vốn người xứ Thanh, vị nọ đến từ đất Ngô, vị thứ ba từ đất Yên.(2)

2. Những vùng đất này đều thuộc Trung Hoa. Các hung thần đến từ Trung Hoa. Hàn Tín, vị thủ lĩnh của họ, là một chiến binh Trung Hoa. Mỗi người trong họ thậm chí lại có những sở thích riêng mà ta phải nắm cho kỹ để chuẩn bị đồ tế lễ: vị này thích cá chép; vị khác thích chó phèn hoặc lươn hơn; lại có vị ăn thịt chó mực, cá chép, gà mái mơ v.v...

Còn có những linh khác đi theo đàn đông đảo mà cá tính vẫn chưa phát triển; đó là những linh gieo tai họa, dịch hạch, dịch tả: Quân ôn 軍瘟. Ôn trong tiếng An Nam có nghĩa là dịch hạch, dịch tả [ôn dịch]; vậy là những linh này được chỉ định dưới cái tên gọi chung của căn bệnh mà chúng đại diện. Chỉ cần gọi tên dịch hạch và dịch tả, vậy là đủ để chúng có một sự khởi đầu về tính cách. Sau đây là cách mà, theo truyền thuyết, người An Nam mường tượng ra quân ôn này: dưới triều đại cuối cùng của nhà Trần (1410), ở An Nam có một nho sĩ nổi tiếng tên là Di Thanh. Thời ấy, đám quân ôn gây rất nhiều tai ương; theo thói quen, chúng tụ tập trong những quán rượu, làm đủ trò đồi trụy và gây bệnh cho mọi người mà chúng gặp. Di Thanh, vốn chẳng hề sợ ma quỷ, liền đi tìm chúng; đám hung thần này vừa sợ hãi lại vừa ngưỡng mộ con người quá đỗi dũng cảm ấy, liền phục tùng ông. Thế là Di Thanh chia chúng thành từng trung đoàn và tiểu đoàn và bắt chúng tuân thủ kỷ luật rất nghiêm khắc. Sau khi chết, ông được tôn làm thủ lĩnh của quân ôn, đám này kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của ông ta, đi phá phách nhân gian.

Như chúng tôi đã chỉ rõ ở phần trên, không nên hiểu cụm từ quân ôn chỉ như những âm linh gieo bệnh dịch hạch và dịch tả; dẫu từ nguyên của nó rất rõ ràng, thuật ngữ này hiện tại được sử dụng để chỉ một lượng lớn các thứ ác độc nói chung: đó là các vị thần của tai ách, họ giết hại con người bằng nạn dịch, chiến tranh, nạn đói v.v...

Vậy là chúng ta đứng trước các ý tưởng khái quát song vẫn còn rất mơ hồ, dẫu vậy chúng ta sẽ thấy chúng dần dần được cụ thể hóa. Bởi lẽ trong thế giới tâm linh có chỗ cho những khái niệm và những cá tính tách biệt hơn. Để diễn đạt chúng, sẽ chỉ cần một sự khái quát hóa đầy đủ hơn và tập hợp tất cả các thuộc tính chung của một chủng loại âm linh vào một cá thể duy nhất và cá thể đó sẽ đại diện cho tất cả.

Người An Nam đã đến được tầm mức khái quát mới này bằng nhiều cách. Nhưng mặc dù có nhiều phương thức khác nhau, hoạt động tinh thần lúc nào cũng như nhau. Có khi linh thể vượt lên trên những thực thể khác, được gọi là thủ lĩnh và được đồng hóa với một kiểu tướng lĩnh chỉ huy một đội quân; lúc khác, y là vua, hoặc còn được quan niệm như là cha hoặc là mẹ của những linh thể cấp thấp hơn, v.v...

Với đám quân ôn, chúng ta nắm bắt được theo cách tự nhiên và tốt nhất quá trình mà qua đó tư duy tôn giáo đã dần dần vươn lên tới quan niệm về những thực thể trừu tượng thực sự riêng biệt. Thật vậy, đám quân ôn có một thủ lĩnh: chúa ôn, chúa tể các dịch bệnh. Binh lính bầu ra cho mình một thủ lĩnh, đó chẳng phải là cách tốt nhất để biểu trưng cho sự chuyển tiếp từ số nhiều sang đơn vị, từ tập thể sang cá thể hay sao.

Cũng chính bởi quá trình như thế mà có Ma Vua, vua của các bóng ma: Hàn Tín, vị thủ lĩnh của các tà linh, tức “Ma”; số lượng các vị thần mang chức danh “Đại tướng”, tổng chỉ huy, thì nhiều vô kể.

Mặt khác, từ tục thờ phụng Tam phủ chúng ta sẽ thấy cả một hệ thống thứ bậc phức tạp: các ông hoàng bà chúa của nhiều tầng lớp, các ông vua nhỏ và vị vua tối cao; Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Và đây là một cách thức khác để tiếp cận thứ bậc chư thần. Lần này là các vị thần của đất: thổ địa hoặc thổ thần. Như chúng tôi sẽ trình bày chi tiết điều này trong các phần sau, mỗi một mảnh đất xác định: vị trí của một ngôi nhà, một ngôi đền, một ngôi mộ, lãnh thổ của một ngôi làng, của một thành, v.v... đều được nhân cách hóa thành một vị thần và ngài sẽ là vị bảo trợ chu toàn của mảnh đất đó. Với danh nghĩa ấy, ngài là đối tượng thờ cúng của cư dân sống trên mảnh đất mà ngài đại diện. Như vậy trước hết chúng ta thấy một loạt các vị thổ thần: các thần trong nhà hoặc các vị khác; rồi đến cấp liền trên, các vị thành hoàng của các nhóm dân cư lớn hơn: làng hoặc “giáp”, rồi đến xã, bao gồm nhiều giáp. Các vị thần này được coi như là những thực thể riêng biệt không thể bị nhầm lẫn với nhau; tuy nhiên, chức năng của họ lại giống hệt nhau và nên lưu ý rằng dù họ đều có một cái tên riêng, song họ luôn luôn được chỉ định bằng cùng một cách gọi chung: thổ thần 土神, thần của đất.

 ...



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét