Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Đường vắng – hay là những số phận muốn được cất tiếng

TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN (báo Văn Nghệ Trẻ)

Đường vắng – hay là những số phận muốn được cất tiếng 

Tôi đã bắt đầu suy nghĩ rất lung về chủ đề đàn ông bị bạo hành khi đọc tác phẩm “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu. Khi ấy, tôi đã nghĩ nhà văn gạo cội này đã hư cấu quá nhiều nhưng dù sao mối ngờ vực về vấn nạn này bắt đầu thâm nhập vào tôi và tôi để tâm quan sát kỹ lưỡng hơn những gì diễn ra xung quanh mình, những mảnh đời mà tôi nghi ngờ đã bị vướng vào “mớ bòng bong” này. Rồi qua năm tháng của cuộc sống thực tế, bằng những trải nghiệm và những quan sát của mình, thúc giục tôi viết nên “Đường vắng” .

Nhà văn Hiệu Constant chia sẻ với Văn Nghệ Trẻ về cuốn tiếu thuyết mới của mình.

“Chúng ta hơi bất công với nam giới”

l  Phóng viên (PĐ): Vấn đề phụ nữ bị bạo hành là vấn đề tòan cầu, dễ tìm được tiếng nói chia sẻ. Nhưng ở “Đường vắng” chị chọn một đề tài khá lạ: nam giới bị bạo hành?

-Hiệu Constant: Bạn nói đúng nhưng theo quan điểm của tôi là chưa đủ. Tức là ta chỉ nên dùng cụm từ «nạn bạo hành” thôi. Bởi như tôi đã nói ở phần mở đầu cuốn sách: “người ta có thể dễ dàng nhìn thấy vết bầm tím trên thân thể một người đàn bà, chứ mấy ai nhìn thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu”! Nạn bạo hành có nhiều cung bậc và những cách thức diễn ra khác nhau, nhưng những nạn nhân của nó thì cùng chung một nỗi bất hạnh đớn đau giống hệt nhau. Với phụ nữ thì còn có nhiều hội đoàn ủng hộ, bảo vệ, còn với đàn ông thì rất ít. Cũng là do những người đàn ông khi bị bạo hành thì họ cảm thấy tự ti mặc cảm, họ xấu hổ, họ không dám thổ lộ hay chia sẻ với người khác, thậm chí là người thân hay bạn bè, nên họ đành lựa chọn cách sống khép kín, âm thầm sống với nỗi đau ấy… Tôi thấy điều này hơi bất công! Chúng ta vẫn luôn đòi hỏi bình đẳng giới, thì tôi thiết nghĩ chúng ta cũng nên bình đẳng trong chuyện này.

-       Trang đầu cuốn tặng có dòng chữ “Tặng Claude”.Độc giả sẽ rất dễ suy diễn đây là một trong những nguyên mẫu của “Đường vắng”. Nếu không có gì bí mật, chị có thể cho biết Claude là ai? Tại sao chị dành tặng cuốn sách này cho Claude?

- Chả có gì bí mật đâu, mà ngược lại tôi rất muốn chia sẻ với bạn đọc điều này bởi Claude chính là “anh xã” tôi. Nhưng bạn an tâm đi, tôi đảm bảo là chồng tôi chưa bao giờ bị vợ bạo hành đâu. Khi đề tặng anh ấy cuốn sách này, thì đó là cách tôi cảm ơn “nửa kia” của mình, bởi anh luôn khuyến khích tôi trong công việc sáng tác văn học. Khi viết “Đường vắng”, tôi đôi khi cũng tham khảo ý kiến của anh ấy… Viết đề tặng anh ấy, và qua những trăn trở day dứt khi viết tác phẩm này, tôi cũng có ý định “răn mình” để trở nên hoàn hảo hơn trong mắt chồng!

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam

 

Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam

https://nghiencuulichsu.com/2013/08/06/bang-tra-cac-chuc-quan-pham-tuoc-hoc-vi-thoi-phong-kien-viet-nam/?fbclid=IwAR3ddB0EOvCKa7DPwS6YrRjLsv1JT6EK7UtfSkHpGgt7-V5kzsyPY0NU7Hk

Án sát : Tháng 6 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), đặt chức Án sát ở 12 Thừa tuyên và đặt bat y (tức Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) quy định Án sát dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ. Ty Án sát sứ các tỉnh có Thông phán, Kinh lịch, bát cửu phẩm Thư lại, Vị nhập lưu thư lại. Số lượng nhiều ít tuỳ theo từng tỉnh.

Ở các tỉnh nhỏ chỉ có Tuần vũ thì Án sát giữ vị trí tỉnh Phó giữ  việc hình. Thời Tự Đức (1848-1883) Án sát coi như tỉnh Phó của tỉnh nhỏ.

Án sát sứ ty: là cơ quan phụ trách việc hình thời Nguyễn. Là ty giúp việc cho Tổng đốc hoặc Tuần vũ.

Ấm chức: Theo Phan Huy Chú-Lịch triều hiến chương loại chí- Cấp bậc phong Ấm thực thi từ thời Trần Thánh Tông, năm Thiệu Phong thứ 10(1267). Lúc bấy giờ định lệ phong Ấm cho Tôn Thất. (Con cháu trước làm tới chức tước gì thì quy định ông cha được truy phong ở mức nào). Đến thời Lê, thời Lê Thánh Tông lệ phong Ấm được quy định khá chi tiết.

Ví dụ: Quận công thì cha và ông đều được phong tước hầu, mẹ và bà đều được phong Chánh phu nhân, vợ được phong Phu nhân, con trưởng được phong Triều liệt đại phu, các con được phong Hoằng tín đại phu, cháu trưởng được phong Hiển cung đại phu.

Tước hầu thì cha và ông đều được phong Bá, mẹ và bà đều được phong Tự Phu nhân, các con trưởng được phong Hoằng tín đại phu, các con được phong Hiển cung đại phu, cháu trưởng được phong Mậu lâm lang…

Đời Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 2 (1664). chuẩn định cho công thần khai quốc từ Tam thái, Tam thiếu trở lên con cháu đời đời là công thần tôn; công thần trung hưng, thì từ Tả Hữu Đô đốc, Tả Hữu Thị Lang trở lên con cháu đời đời là quan viên tử.

Bá: Tước thứ 3 trong 5 tước thời phong kiến: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.

Từ thời Lý đã đặt ra tước: Tước Vương, tước công ban cho các thân vương của vua.

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Amin Maalouf - thành viên Viện Hàn lâm Pháp gốc Liban


Amin Maalouf - thành viên Viện Hàn lâm Pháp gốc Liban  

HIỆU CONSTANT
(Sưu tầm và giới thiệu)

 


Thứ Năm ngày 14 tháng sáu năm 2012 vừa qua, nhà văn Pháp gốc Liban, Amin Maalouf, đã được đón tiếp trọng thể dưới mái vòm hoành tráng của viện Hàn Lâm Pháp. Năm 2011, ông đã được bầu vào chiếc ghế bỏ trống của cố nhà văn Claude Lévi-Strauss.

Trước ông, với sự hòa hợp và phát triển song song hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa Pháp - Arập, vào năm 2006, viện Hàn Lâm Pháp đã từng đón tiếp nữ văn sỹ chuyên viết tiểu thuyết gốc Algêrie: Assia Djebar, nhân vật đầu tiên của xứ Malgreb (Bắc Phi) được bầu vào Viện Bất tử.

Ông là nhà văn người Pháp gốc nước ngoài thứ năm được bước vào địa điểm huyền thoại này, nơi mà từ lâu vốn chỉ là pháo đài dành cho những người Pháp, trước khi hé mở cho các văn sỹ có gốc ngoại quốc. Lần đầu tiên vào năm 1983, dành cho thi sỹ - Tổng thống (Sênêgal) Léopold Sédar Sengor. Sau đó nơi này tiếp tục đón nhận Hector Bianciotti gốc Argentine, François Cheng gốc Trung quốc.

“Tôi đem theo mình tất cả những gì mà hai tổ quốc của tôi đã cho tôi: nguồn cội, ngôn ngữ, cách phát âm, niềm tin vào chính mình, những ngờ vực, và hơn tất cả là những ước mơ của tôi về sự hòa hợp, về sự tiến triển và tồn tại song phương...” đó là lời tâm tình của tân thành viên viện Hàn lâm Pháp trước các đồng sự của mình.

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Tiểu thuyết Dạt Vòm

 

Tiểu thuyết Dạt Vòm

Tên tác phẩm nguyên bản : La Fugue

Tên tiếng Việt : Dạt Vòm

Tác giả : Valérie Sigward

Dịch giả : Hiệu Constant

NXB : Dân Trí


 

Giới thiệu :

Cuốn tiểu thuyết rất ngắn có thể đọc ở sân bay, trên máy bay khi đi nghỉ… Tuy nhiên, khó mà coi những gì chúng ta đọc được như là một cuốn tiểu thuyết “nhẹ nhàng”! Ngược lại, đây là một cuốn tiểu thuyết rất nhạy cảm nói về sự mất mát của một người thân yêu và những nỗi đau khó bày tỏ đối với những người ở lại. Một cuốn sách mãnh liệt, dữ dội, nghiêm túc và đanh thép. Chủ đề chính của cuốn truyện vốn vẫn được coi như là cấm kỵ, đó là vấn nạn tự tử ở tuổi vị thành niên, một việc làm khiến cha mẹ sững sờ không hiểu, một mất mát khó bù đắp.

Théo, một thiếu niên mười lăm tuổi có một người anh trai tên là Alex. Alex đã chết khi nhảy xuống từ một cây cầu. Chàng trai này ra đi mà không hề để lại bất kỳ một dòng chữ nào để giải thích việc làm của mình, cũng như trước đó cậu không hề có điều tiếng lẫn phàn nàn gì về cuộc sống cũng như gia đình. Alex có cô bạn gái tên Marie. Một năm trôi qua sau sự kiện thê lương ấy thì Théo không còn chịu đựng nổi nữa. Đâu đâu, chỗ nào cũng hiển hiện hình bóng của Alex, khung cảnh bao trùm lên cha mẹ và gia đình cậu. Nỗi đau trước sự ra đi của Alex đã nhấn chìm cha mẹ vào sự thờ ơ với mọi chuyện và họ từ chối sự hiện diện của đứa con trai thứ hai của mình và không hề nhận ra nỗi đau khổ của nó. Câu chuyện của Théo quả thật xúc động. Cậu thiếu niên mười lăm tuổi đã bị hoảng loạn và thất lạc giữa cha mẹ và người anh trai Alex quyên sinh. Đâu là chỗ của cậu giữa hai thế giới ấy ? Cậu tuy được bao bọc nhưng không ngừng tìm hiểu nguyên nhân sự ra đi của anh trai mình. Câu chuyện là cả một sự hồi hộp thót tim đến tận những dòng cuối cùng.

« Lúc nào và bao giờ thì cũng vẫn là một điệp khúc ấy, một cuộc sống ấy, chỉ có điều là hiện giờ em nhận thấy khắp thân thể mình đã bắt đầu mọc lông rồi, chỉ có cằm là chưa có, và  em thấy nhớ anh da diết, hay nói trắng ra thì em không thể tiếp tục sống như thế này được nữa.

Từ hôm qua, điều đó đã trở nên hiển nhiên, em chợt hiểu ra rằng cuộc sống của em sẽ chán chường biết bao nếu như em không thực hiện cái gì đó để chữa trị cho mình khỏi căn bệnh  do anh gây lên. Trị căn bệnh thoát khỏi anh, đó chính là làm sao để cho tất cả những gì mà anh đã đụng chạm vào, tất cả những gì mà anh đã nhìn thấy biến hết, làm cho cả vũ trụ của anh thời xưa biến sạch đi. Em phải đi đến một nơi nào đó mà anh chưa hề đặt chân đến, thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ đến nữa. Anh đã từng mơ sẽ đi đến Trung Quốc, vậy thì em sẽ không đến đó đâu…

… Em sẽ để lại cho cha mẹ một lá thư bởi  em không phải là một thằng đểu giống anh, em không muốn họ lo lắng hoặc sẽ hình dung ra mọi điều, họ đau đớn như vậy là đã quá đủ rồi… »