Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Hiệu Constant chia sẻ với bạn đọc về Tình viễn xứ

Hiệu Constant chia sẻ với bạn đọc về Tình viễn xứ
 Phi Hà - 23 Tháng Tư 2023 | 14:30:00 (VOV5)
- Tiểu thuyết "chia sẻ với bạn đọc những suy nghĩ những tình cảm của người viễn xứ, muốn họ hiểu được nỗi niềm thương nhớ vẫn luôn đau đáu trong lòng kẻ xa quê." 


Trang bìa tác phẩmTÌNH VIỄN XỨ


Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
 "Cuộc đời viễn xứ luôn đầy ắp những bất ngờ, nhiều cơ hội phát triển nhưng không thiếu những khó khăn. Nó hẳn sẽ làm thui chột những ý chí èo uột nhưng sẽ là cơ hội cho những tâm hồn cởi mở, đam mê, cầu tiến, thích khám phá và tìm hiểu, sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống và nền hóa mới. Những người Việt xa xứ thành công lại hay day dứt với quê hương, những hồi ức của họ về quãng thời gian trên quê hương vẫn luôn sống động trong họ. " Hiệu Constant chia sẻ với bạn đọc về Tình viễn xứ 
 Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant

 Đây là những chia sẻ của nhà văn, dịch giả Hiệu Constant, người Việt tại Pháp khi cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị có tên Tình viễn xứ (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành) ra mắt bạn đọc Việt Nam. Cuốn sách sẽ đưa bạn đọc các bạn đi giao du khắp nơi trên thế giới và chia sẻ những cung bậc của tình người ở những nơi xa cố hương. Nữ tác giả Hiệu Constant trả lời phỏng vấn về tác phẩm mới nhất này của chị. 

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Chuyện mưu sinh của người Việt ở Pháp sau đại dịch COVID-19

Chuyện mưu sinh của người Việt ở Pháp sau đại dịch COVID-19

***
Pháp là một trong những quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng vì đại dịch COVID-19. Vì thế dù sinh hoạt thường ngày đã có vẻ như trở lại bình thường nhưng nhiều người đều thừa nhận rằng trong suy nghĩ của họ, ngoài việc gặp phải những khó khăn liên quan đến tài chính thì hình bóng COVID-19 vẫn lẩn quất đâu đó chứ chưa thực sự biến mất.
Chị Trần Thị Phương Thảo và gia đình trước cửa hàng
Đời sống khó khăn hơn Chị Trần Thị Phương Thảo là chủ một cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu từ châu Phi và châu Á ở thành phố Laval, miền Tây Bắc nước Pháp. Trong khi những khó khăn vì dịch COVID-19 còn chưa qua thì giờ đây lại thêm hệ luỵ từ cuộc chiến ở Ukraine khiến nguồn cung cấp hàng hóa càng thêm khó. Vì vậy, chị Thảo đã thay đổi nguồn cung cấp hàng hóa, hủy hẳn những mặt hàng quá khó kiếm và phát triển những mặt hàng mới. Trong câu chuyện với tôi, chị cho biết từ sau dịch COVID-19, tình hình kinh doanh thực sự khó khăn, giá cả mọi mặt hàng đều tăng nhanh. "Nhiều thứ khi nhìn báo giá tôi đã quyết định không lấy hàng nữa, còn có những mặt hàng do khách vẫn có nhu cầu thì tôi chỉ lấy ít và đành phải tăng giá bán. Ví dụ như mắm cá sặc Châu Đốc đã khan hàng từ rất lâu. Thế nên khi báo có hàng, tôi đặt luôn mà không để ý giá. Trước mùa dịch tôi bán 6 Euro/ chai, nhưng bây giờ tôi buộc phải bán giá 12 Euro/ chai vì không thể bán rẻ hơn…". Hàng hóa tăng giá khiến người tiêu dùng cũng phải thắt chặt chi tiêu. "Người Pháp hiện giờ đã chuyển sang mua thực phẩm châu Á về để tự nấu. Nhiều người mới đến mua đồ rồi hỏi thêm cách làm các món như sushi, cơm rang, mì xào, nem... Tôi đều nhiệt tình hướng dẫn. Nhưng tôi cũng phát triển thêm các mặt hàng hướng đến người Pháp và khách tuổi teen", chị Thảo cho biết. Việc kinh doanh khó khăn khiến anh Phan Thanh Liêm, chồng chị Thảo, vốn là kỹ sư tin học, trước đây làm cùng vợ, nhưng hiện giờ đã đi làm cho một công ty khác để có thêm thu nhập. "Chúng tôi cố gắng sau khi trả hết nợ ngân hàng thì anh ấy lại về đây làm việc", chị Thảo chia sẻ. Chồng đi làm công ty khác, chị Thảo phải huy động cả hai con, một 15, một 11 tuổi ra cửa hàng phụ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi. Chị Thảo nói: "Các cháu học được rất nhiều từ cửa hàng, hiểu hơn giá trị của đồng tiền và sức lao động. Thương bố mẹ hơn vì chúng làm việc cũng mệt mà chứng kiến thấy mẹ còn làm nhiều hơn chúng… Khi về nhà thì các cháu tự động dọn dẹp, không để mẹ phải nhắc". Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như của chị Thảo, để tồn tại và vượt qua khó khăn, bắt buộc phải tìm cách thích ứng hoàn cảnh. Vì thế, "cái khó, ló cái khôn", nếu trước dịch, để chở hàng hóa, chị Thảo đầu tư một chiếc xe tải loại 7,5 tấn để hàng tuần đi Paris chở hàng thì từ khi có dịch, do việc hạn chế di lại, chị đã quyết định bán xe và chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ vận chuyển của công ty chuyển phát. Nhờ thế, giờ đây hàng tháng cũng tiết kiệm được một khoản chi phí nuôi xe trong khi tiền cước vận chuyển tính ra còn rẻ hơn tự mua xe. Để tiết giảm tối đa chi phí, các nhà cung cấp cũng đã cùng hợp tác với nhau, ví như như trước đây mỗi nhà cung cấp buộc khách hàng phải lấy một kiện rau tươi thì cửa hàng nhỏ như của chị Thảo sẽ không tiêu thụ hết nhưng bây giờ chị đặt hàng từ một nhà, sau đó nhờ các nhà khác mang hàng đến góp lại thành một kiện lớn và gửi đến địa chỉ của chị. Nhờ thay đổi phương thức kinh doanh mà chị Thảo đã dần qua khó khăn.

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Bán đấu giá bức tranh Chân dung mẹ tôi của Nguyễn Nam Sơn ở Paris

 

Bán đấu giá bức tranh Chân dung mẹ tôi của Nguyễn Nam Sơn ở Paris

Hiệu Constant (từ Paris)

 https://vannghethainguyen.vn/2023/03/31/ban-dau-gia-buc-tranh-chan-dung-me-toi-cua-nguyen-nam-son-o-paris/?fbclid=IwAR0J4cYO6ydEBtML1KQpKviNhmTOwXhCHIMFBe5DasEdAUetXqjxoE_WBMI

Sau 91 năm « ẩn dật », bức tranh Chân dung mẹ tôi » của Họa sỹ Nguyễn Nam Sơn lại có cơ hội xuất hiện trước công chúng trong dịp bán đấu giá tại Paris. Đây là một bức tranh sơn dầu, vẽ trên vải, kích thước 103,5 x 170cm. Đó là chân dung một người phụ nữ trung tuổi, trang phục giản dị. Hàng chữ "chân dung mẹ tôi" nằm ở phía trên bên phải được viết bằng chữ Hán. Phía dưới bên trái có thêm dòng chữ Hán “Con trai Nguyễn Văn Thọ cung kính”. Phía sau bức tranh vẫn còn nhãn hiệu triển lãm của Salon Các Nghệ Sỹ Pháp năm 1932. trên đó ghi địa chỉ của Nguyễn Nam Sơn ở Hà Nội (4 rue de la Citadelle, Hanoi, Tonkin) và địa chỉ của Victor Tardieu (3 rue Chaptal à Paris).

Cuộc bán đấu giá đã được hãng Art Research Paris tổ chức, tại phòng triển lãm sang trọng ở số 174, phố Faubourg Saint-Honoré, quận 8, Paris, Pháp. Đây là một hãng chuyên bán đấu giá các đồ nghệ thuật cổ. Cuộc bán đấu giá kết thúc vào lúc 15h30, giờ Paris ngày 30 tháng Ba năm 2023. Giá bán cuối cùng là 200.000 Euros, tương đương hơn 5 tỷ đồng Việt Nam.

Bức tranh “Chân dung mẹ tôi” được họa sỹ Nguyễn Nam Sơn vẽ bằng sơn dầu trên vải, thực hiện năm 1930 tại Hà Nội. Bức tranh đã được đưa sang Pháp tham gia triển lãm lần đầu tiên tại Paris trong cuộc Triển lãm Thuộc địa năm1931. Cùng năm 1931, còn có một họa sỹ Việt Nam khác tham gia triển lãm, đó là Lê Phổ, với bức “Tuổi Vui”. Nhưng bức tranh của Nam Sơn đã rất thu hút giới yêu thích nghệ thuật Paris và khiến họ đặc biệt chú ý. Lúc đó Yvonne Pierre Laurens (1882 – 1974), một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Pháp, thành viên của hội Salon Các Nghệ Sỹ Pháp đã rất xúc động trước bức tranh nên đã viết cho họa sĩ Nam Sơn “Bức tranh gây ấn tượng bởi vẻ uy nghiêm, màu sắc và các đường nét thanh tao hết sức cân đối. Một tuyệt tác nghệ thuật thực sự.”