Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Đường vắng – bắt mạch nỗi đau đàn ông thời hiện đại

Đường vắng – bắt mạch nỗi đau đàn ông thời hiện đại



Trước nay thường thấy đàn ông hay đàn bà viết văn đều chủ yếu viết về giới mình, phần nhiều vì thấu hiểu và trải lòng với nhân vật dễ dàng hơn, phần nữa đều có sự cài cắm những tư tưởng riêng của mình về giới. Vì thế khi bắt gặp một tác phẩm viết về khác giới với cách nhìn riêng vừa có thái cực đảo chiều, tìm tòi, khám phá cái vũ trụ sâu thẳm mà có lẽ dùng cả cuộc đời cũng khó mà hiểu hết được cho nhau ấy, luôn tạo được cảm tình và sự chú ý của đông đảo độc giả dù mức độ thành công của tác phẩm thế nào.
Đọc Đường vắng của Hiệu Constant người viết cảm nhận được cái thú vị riêng ấy. Không biết đàn ông viết về đàn bà thế nào chứ thú thật để mà kể ra thì thế giới tâm hồn đàn ông cũng phức tạp không kém, viết về đàn ông cũng giống như một kiểu thử bắt mạch, khi đó người ta không thể dùng đến nhãn quan mà cái cần nhất vẫn là lắng nghe, cảm nhận.

"Đường vắng" của Hiệu Constant - tiếng lòng của những nam giới bị bạo hành

VTC14_"Đường vắng" - tiếng lòng của những nam giới bị bạo hành



Đã từ lâu, đề tài bạo hành gia đình thường được bàn đến từ góc độ của những nạn nhân là nữ giới. Đặc biệt là trong văn chương. Chính điều đó khiến cho "Đường Vắng" - cuốn tiểu thuyết thứ 2 của nữ nhà văn Hiệu Constant gây được một sự chú ý đặc biệt khi đề tài mà chị bàn tới là bạo hành đối với nam giới.

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Cháu nội của một thầy lang - Hiệu Constant

Cháu nội của một thầy lang
 (Kính tặng hương hồn bố)
Nhân năm Việt Nam tại Pháp


Như mọi ngày, Hùng đến bệnh viện Thế Giới làm việc mà lòng phơi phới. Anh vui khi nhìn thấy các đồng nghiệp Pháp, chia sẻ với họ li cà phê sáng trước máy cà phê tự động. Hỏi han nhau vài câu, đôi khi chỉ là xã giao, rồi ai nấy lại bắt đầu vào nhiệm vụ của mình. Anh là bác sỹ chuyên khoa tim mạch, làm việc tại bệnh viện 108 Hà Nội, được gửi sang bệnh viện này tu nghiệp hai năm.
Vào phòng làm việc, vừa rửa tay sát trùng xong thì một ông già Pháp chống gậy bước vào. Nhìn thấy anh, ông ta hỏi ngay:
- Ông là bác sỹ ư? - Mặc dù tấm biển nhỏ màu xanh lam ghi docteur Hung hiện rõ trên ngực áo blouse trắng của anh.
Thoạt đầu, ngỡ ông già vui tính hỏi đùa, anh vui vẻ đùa lại:
- Không, tôi là gã đồ tể đáng gờm đấy!
Ông già cứ nhìn anh chằm chằm. Sau khi hỏi thăm bệnh lí, đến đoạn anh đề nghị nằm lên bàn khám để nghe bệnh thì ông ta bỗng đứng phắt dậy, loạng choạng mở cửa chạy vụt khỏi phòng, miệng la toáng trong hành lang bệnh viện:
- Không được, anh ta sẽ giết tôi mất, tôi cần một bác sỹ khác, tôi muốn nói chuyện với trưởng khoa...
Tiếng kêu của ông được hành lang thăm thẳm của bệnh viện truyền đi rất xa và thu hút rất nhiều cặp mắt của các y, bác sỹ và các bệnh nhân mới được chuyển đến!
Hùng tức thời tẽn tò, không hiểu. Từ gần hai năm tác nghiệp tại bệnh viện này, anh luôn được các đồng nghiệp Pháp đánh giá cao, cả về thái độ nhân từ tận tâm với người bệnh lẫn trình độ nghề nghiệp. Vậy mà hôm nay, tại sao ông già này chưa kịp để anh khám bệnh đã quy chụp rằng anh muốn giết ông ta chứ?
Giáo sư Jean-Marie Dupont - bác sỹ trưởng khoa, sau khi nhận được thông tin, đã hối hả chạy đến. Ông già lúc này đang hổn hển, ôm ngực thở dốc, miệng vẫn lẩm bẩm: “anh ta sẽ giết tôi, ai cứu tôi... Hãy cứu tôi!” Có vẻ như ông đang lạc vào một cơn hoang tưởng. Hùng bối rối trước ánh mắt của vị trưởng khoa. Ông già càng ngày càng thở gấp, hỗn loạn và bất tỉnh, dần chìm vào hôn mê. Nét mặt ông hằn rõ sự đau đớn, những đường nhăn hình như càng sâu hơn trên khuôn mặt già nua...

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Hiệu Constant và câu chuyện Làm dâu nước Pháp

ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
HỆ PHÁT THANH ĐỐI NGOẠI QUỐC GIA
Nhịp cầu kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế

...
... Con đường tình yêu rải hoa hồng và cũng có rất nhiều gai của hoa hồng, nhưng cô gái nhỏ không chỉ bằng tình yêu, mà cả nghị lực của mình, lòng ham học hỏi, nỗ lực luôn tiến về phía trước, đã thuyết phục được cả gia đình chồng nơi xứ lạ.

Không thể quên những phút giây đẹp đẽ, khi gần đất xa trời, người cha chồng đã rưng rưng lắng nghe lời của đứa con dâu bé nhỏ: “…tôi đã hứa sẽ thực hiện tất cả mọi nguyện vọng của ông, và cũng đã cảm ơn ông vì đã cho mình một gia đình bé nhỏ tuyệt vời, rằng ông bà đã chấp nhận mình -  đứa con gái từ một phương trời xa lạ bỗng dưng cặp bến gia đình và ông bà đã giang rộng vòng tay đón nhận hệt như một đứa con gái...”

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Hiệu Constant và câu chuyện Làm dâu nước Pháp

Hiệu Constant và câu chuyện Làm dâu nước Pháp


Hiệu Constant và câu chuyện Làm dâu nước Pháp
08 Tháng Năm 2014 - 6:00:00
(VOV5)- Rất nhiều nụ cười thú vị khi người ta nhớ lại khoảnh khắc nhận lời cầu hôn, hay “bị”, “được” nói lời cầu hôn trong đời mình.
Và với Lê Thị Hiệu, một cô gái đã tốt nghiệp đại học khoa tiếng Pháp, khi ấy “cao 1m55, đi giày cao gót thì lãi thêm bảy phân, nặng 43 ký” thì là lời cầu hôn của một anh chàng người Pháp:

“….- Em có đồng ý làm vợ anh không?

 Phải nói là lúc đó, tôi thật vô duyên hết sức! Nhưng mong các bạn hiểu cho là tôi yêu tiếng Pháp, tôi thích sự trong trẻo ngân nga của nó khi phát âm, tôi thích sự biến đổi kỳ ảo của ngôn ngữ đó qua mỗi thể thức chia động từ và nhất là các văn hào Pháp và những tác phẩm bất hủ của họ... Và đôi lúc tôi cũng mơ màng đến Paris, tháp Ep-phen, đến Normandie, đến dãy núi Pyrénées, đến Canne hay đỉnh Mont-Blanc cao ngất ngưởng..., đến những vùng đất đẹp thơ mộng của Pháp mà tôi hình dung qua các trang tiểu thuyết và thực sự mơ nếu có một lần được sang du lịch bên đó thì tuyệt, chỉ một lần thôi... 
 Còn chuyện lấy chồng Pháp và rời khỏi Hà Nội thì chưa một lần tôi nghĩ đến. 
Thế nên khi nghe anh nói vậy, tôi cười phá lên...”
Trong “Làm dâu nước Pháp” (NXN Phụ nữ ấn hành 2014), cuốn tự truyện của Hiệu Constant - dịch giả văn học Pháp, đã kể lại những câu chuyện, đủ để độc giả phải tò mò dõi theo, phải mỉm cười, phải rớm lệ…như thế đó! 
Ở trong nước độc giả biết đến Hiệu Constant như là dịch giả của hơn 50 tác phẩm văn học Pháp, tác giả của 3 cuốn tiểu thuyết và nhiều bài báo khác. Nhưng lý do vì sao có một cái tên Hiệu Constant ngày hôm nay, được thuật lại sinh động với “Làm dâu nước Pháp”.

Yêu Tây, hay đi làm “dâu Tây”, hẳn nhiên, chẳng thể êm đềm từ ngày đầu tiên, nhất là khi sinh ra ở một làng quê Bắc bộ thuần chất, trong một gia đình mà “tàn dư thực dân phong kiến” hay những dư chấn chính trị vẫn còn để lại những vết thương lòng, như gia đình cô gái nhỏ Lê Thị Hiệu khi đó:

“…Mẹ: - Trời ơi, đàn ông Việt Nam chết hết rồi hay sao mà con lại đi chọn một người bạn Tây hả?

 Bố: - Cái gì? Con nói gì? Bạn trai là người Pháp? Con có điên không hả? Cái đồ thực dân, cái đồ cướp nước, cái đồ ngoại bang...”
 “Bố tôi cũng hận Pháp, dẫu biết tiếng Pháp, nhưng ông đã không bao giờ nói bất kỳ câu tiếng Pháp nào với tôi!
 …Tóm lại, việc tôi có bạn trai người Pháp là khó chấp nhận, còn lấy chồng người Pháp là điều không thể!”

Bao nhiêu trắc trở, gập ghềnh để cho hai con người ở hai phương trời xa lạ có thể đến với nhau, để từ cái tên Lê Thị Hiệu trở thành Hiệu Constant?

Con đường tình yêu rải hoa hồng và cũng có rất nhiều gai của hoa hồng, nhưng cô gái nhỏ không chỉ bằng tình yêu, mà cả nghị lực của mình, lòng ham học hỏi, nỗ lực luôn tiến về phía trước, đã thuyết phục được cả gia đình chồng nơi xứ lạ.

Không thể quên những phút giây đẹp đẽ, khi gần đất xa trời, người cha chồng đã rưng rưng lắng nghe lời của đứa con dâu bé nhỏ: “…tôi đã hứa sẽ thực hiện tất cả mọi nguyện vọng của ông, và cũng đã cảm ơn ông vì đã cho mình một gia đình bé nhỏ tuyệt vời, rằng ông bà đã chấp nhận mình -  đứa con gái từ một phương trời xa lạ bỗng dưng cặp bến gia đình và ông bà đã giang rộng vòng tay đón nhận hệt như một đứa con gái...”

“Làm dâu nước Pháp” cũng là kể lại một chặng đường với tình yêu tiếng Pháp, nước Pháp, đồng hành với người bạn đời Pháp, và thêm nữa trên chặng đường ấy, người đọc hiểu nguyên cớ vì sao có mối lương duyên bắc nhịp cầu văn học Pháp – Việt,của Hiệu.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Gặp Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam tại Paris

Gặp Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam tại Paris


http://vietinfo.cz/viet-nam-que-huong/gap-hoa-hau-dau-tien-cua-viet-nam-tai-paris.html

 Cùng sống ở Paris, nhưng cơ hội gặp gỡ nhau không nhiều, bởi cuộc sống cứ hối hả cuốn ta đi nên đa phần chúng tôi chỉ gặp nhau trong những ngày lễ lớn và những sự kiện liên quan đến Việt Nam. Là người hay đến tham gia các sự kiện văn hóa, bẵng đi một dạo, tôi không thấy bà xuất hiện mặc dù đã đảo mắt tìm kiếm trong đám đông, tôi tự nhủ phải cố dành thời gian đến thăm bà.
Paris mùa này thật lạnh. Sau khi đã gọi điện, tôi phóng xe ra vùng ngoại ô gần Paris, nơi có căn hộ duyên dáng của bà. Bà đón tiếp tôi rất niềm nở, nhưng tôi không khỏi thấy lòng mình hơi se lại ! Bởi giọng nói bà vẫn trong, nụ cười vẫn tươi nhưng mái tóc đã bạc trắng và đã phải tựa vào cây gậy nhỏ. Bà đón tôi vào nhà, hai cô cháu trò chuyện vui vẻ. Bà hỏi thăm công việc và rất vui trước những thành công tôi đạt được và luôn nói như một lời nhắc nhở : «Còn trẻ là phải cố gắng cháu ạ. Cô vui lắm khi thấy thế hệ các cháu năng động và trưởng thành nhanh hơn thế hệ cô. Làm được gì giúp ích cho xã hội, cho nước nhà thì cố gắng nhé cháu.» Tôi ghi nhận những câu nói của bà.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Côn Trùng - Mỗi ngày một cuốn sách

Video điểm sách Mỗi ngày 1 cuốn sách VTV1



"Tôi phải kể ra đây với bà bởi câu chuyện mà tôi sắp kể thì không thể không kể ra được bà ạ. Từ lâu rồi nó cứ gặm nhấm tâm hồn tôi nó cứ rỉ rả suốt đêm ngày. Tôi day dứt. Tôi bối rối. Đôi lúc tôi còn cảm thấy cả sự ân hận hối lỗi đối với những người xung quanh. Nhất là đối với mẹ tôi giờ đang ở cõi vĩnh hằng nhưng tôi biết đêm đêm bà vẫn về bên tôi vẫn chăm sóc tôi như ngày xưa. Vì tôi vốn là đứa con cưng nhất của bà. Thưa bác sĩ nhưng tôi không biết bắt đầu câu chuyện này từ đâu? Nhìn ánh mắt khuyến khích của bà tôi thấy an tâm hơn. Tôi chắc bà sẽ hiểu tôi vì đây là nghề của bà. Tôi đã đọc rất nhiều sách và nghe rất nhiều những câu chuyện nói về ngành nghề của bà. Ngày xưa đôi lúc tôi còn chế giễu những người phải tìm đến các bác sĩ tâm lý là vì dạo ấy tôi không bao giờ có ý nghĩ rằng một ngày nào đó tôi lại phải tìm đến những phòng mạch như của bà đây để điều trị. Đúng là ở đời nói trước bước không qua. Trong đầu tôi hiện giờ đang bùng nhùng biết bao ý nghĩ. Những ý nghĩ đó cứ đan xen hoà trộn lẫn nhau. Vâng chuyện quan trọng nhất tôi sẽ kể cho bà nghe ngay đây. Đấy bà lại có điện thoại rồi và tiếng chuông điện thoại đã làm tôi hoảng loạn....."

Côn trùng của Hiệu Constant - Những âm thanh trong trẻo

Côn trùng - Những âm thanh trong trẻo



ND - Tình yêu luôn là đề tài thu hút được rất nhiều nhà văn nhà thơ tham gia sáng tạo nghệ thuật. Những cung bậc vui - buồn ngọt ngào - cay đắng hạnh phúc - khổ đau... là những dư vị tạo nên muôn câu chuyện tình hấp dẫn lôi cuốn độc giả. Với tiểu thuyết Côn trùng (Nxb Phụ nữ 2008) tác giả Lê Thị Hiệu đã dệt nên một câu chuyện tình lãng mạn ở đó mỗi nhân vật chính là những thanh âm trong trẻo nhất của bản nhạc tình yêu mà tác giả đã dày công xây dựng nên bằng giọng văn tràn đầy cảm xúc.
Nhân vật chính của tiểu thuyết cô gái xưng "tôi" là một cô gái bất hạnh. Số phận nghiệt ngã đã cướp mất của cô những người thân yêu nhất. Những đau khổ liên tiếp xảy đến khi cha mẹ anh trai em trai lần lượt rời bỏ cô. Tưởng chừng cô sẽ rơi vào nỗi tuyệt vọng chán chường nhưng bằng một nghị lực sống phi thường cô đã vượt qua tất cả để sống. Cô sống không chỉ cho bản thân mà còn sống cho cả những người thân của mình nữa. Mối tình của cô với nhân vật có tên "N.V" là mối tình đẹp và lãng mạn. Họ gặp nhau trong tình huống thật đặc biệt đậm chất "sinh viên": cô gái bị hỏng xe đạp. Hầu hết những lần gặp gỡ của họ đều là tình cờ. Tuy vậy tình cảm của họ không phải là sự hời hợt thoáng qua như những cuộc gặp tình cờ khác mà nó như được gắn kết bởi một thứ "keo dính" đặc biệt vô hình nào đó. Dù mỗi người đều có cuộc sống gia đình riêng dù xa xôi về khoảng cách địa lý (một người ở Pháp một ở Việt Nam) nhưng ngọn lửa tình yêu vẫn luôn âm ỉ cháy trong họ. Ðể rồi ngọn lửa ấy đã bùng cháy dữ dội hai trái tim như hòa cùng nhịp đập khi họ gặp lại nhau. 

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Đọc Côn trùng của Hiệu Constant và nghĩ về những chuyện khác

Đọc Côn trùng và nghĩ về những chuyện khác
15/01/2010,03:33:03 | 0 Comment(s) | 77 View(s)
Tạ Duy Anh
Tôi không nghĩ mình lại có thể đọc một mạch 300 trang sách của một tác giả còn rất lạ trên văn đàn. Cái tên Côn trùng (*) đặt cho cuốn sách có vẻ hơi tuỳ tiện thiếu khả năng gây sự chú ý ngoại trừ một chút tò mò. Nhưng trên hết là bởi từ lâu đọc sách với tôi là một thao tác nghề nghiệp chứ ít khi là một hứng thú.

Côn trùng viết theo lối viết không mới cho dù tác giả đã dụng công làm cho mạch truyện có sự gấp khúc thời gian đan xen các thời một thủ pháp cũng đã quá quen thuộc nhằm tạo ra những phỏng đoán cho người đọc ở phần tiếp theo. Trong trường hợp này chỉ còn trông chờ vào nội dung độc đáo của câu chuyện. Nhưng cái mà ta chờ đợi lại cũng chả có gì lạ lùng. Những hiện thực được kể lại thậm chí còn hơi nhàm. Nó là những hồi ức của một cô gái thời sinh viên với đủ thứ chuyện ký túc xá vẫn đang tiếp tục xảy ra. Nào là thiếu ăn kinh niên nhưng đầy mơ mộng thậm chí lãng mạn đến mù quáng. Nào là những cuộc yêu đương bốc lửa và phải trả giá. Nào là những cuộc toan tính mà vật đánh đổi là thân xác... Nó có đủ mọi loại người: Từ những người tốt như tiên phật đến những kẻ khốn nạn hơn cả ma quỷ; có người lớ ngớ nhà quê ra tỉnh sợ đến cả cái bắt tay thì cũng có người lọc lõi ma mãnh thực dụng trong yêu đương... Thêm vào cái lối kể có phần lắm lời của tác giả khiến tác phẩm có gần đủ những thứ của một cuốn sách không đáng phải mất thời giờ để đọc.
Nhưng như đã nói tôi đã đọc nó một mạch và giờ đây tức là sau khi gấp sách lại chính tôi phải tự hỏi điều gì của cuốn sách hấp dẫn mình? Và tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng từ lâu tôi vẫn mong có một cuốn sách chăm chút nhiều hơn cho phần văn chương. Vì nhiều lý do trong đó có sự bức xúc về mặt xã hội mà các tác phẩm văn học nhiều năm qua chỉ dành nỗ lực cho phần cốt truyện. Tức là phần vấn đề của cuốn sách. Chỉ cần có vấn đề là cứ thế viết ào ào sao cho làm bật lên được điều mình muốn nói mà quên rằng văn học không nặng về nói cái gì mà coi trọng nói như thế nào? Cả người đọc và người viết đều tỏ ra vô cùng dễ tính khi nhanh chóng thoả mãn cơn bức bối. Không ai phủ nhận cốt truyện là xương sống của một cuốn tiểu thuyết. Cốt truyện lạ bí ẩn biến hoá khôn lường... luôn thuộc về những cuốn sách ăn khách. Nhiều cuốn sách thuộc hàng chất lượng cao cũng là những cuốn có cốt truyện hay. Nhưng với văn học thì chừng ấy là chưa đủ. Văn học đặt cái thẩm mỹ lên hàng cao nhất cao hơn cả ý nghĩa xã hội được nó chuyển tải. Yêu cầu này trước hết đặt ra cho người sáng tác dĩ nhiên. Nhưng một nền văn học trưởng thành thì lại phụ thuộc phần lớn vào người đọc. Người đọc với một trình độ văn hoá cao là kháng thể hữu hiệu ngăn cản những cuốn sách kém cỏi ra đời hoặc không cho nó cơ hội tồn tại và do đó gián tiếp tạo ra những nhà văn có tầm cỡ. Khi độc giả còn chăm chú thoả mãn những bức bối tìm thấy trong tác phẩm văn học thì văn học có đất tốt để sống tạm thời nhưng còn lâu mới thực sự có vương quốc riêng còn lâu mới đủ sức ngự trị như một yếu tố cấu thành nên gương mặt tinh thần của một dân tộc. Nhà văn mới chỉ từng trải cuộc đời là chưa đủ mà cần phải từng trải văn chương. Từ chuyện thưởng thức văn học nếu nghĩ tiếp sang chuyện khác sẽ thấy nhiều điều còn đáng nghĩ hơn. Nhưng đó là chủ đề của một cuộc bàn luận khác.

Lê Thị Hiệu viết từ những ước mơ...

Lê Thị Hiệu viết từ những ước mơ...


Phong Điệp thực hiện


"Côn Trùng - một lối viết độc đáo về nhân tình cuộc sống và những mảng đời thực ngoài xã hội. Truyện được giãi bày một cách xa xót và nuối tiếc một cách dũng cảm và day dứt về một mối tình không bao giờ tàn lụi. Vẻ đẹp của mối tình không bao giờ được xã hội công nhận này vừa như ánh sáng lung linh soi rọi vừa như loài côn trùng rỉ rả gặm nhấm; vừa làm hồi sinh cõi sống tinh thần vừa làm héo úa vẻ đẹp của hạnh phúc.Truyện được chia làm 2 mảng: kể chuyện và tự sự. Tuy là tác phẩm đầu tay nhưng tác giả đã chứng tỏ bút lực của mình tương đối mạnh mẽ và hấp dẫn người đọc". ( Võ Thị Xuân Hà)

Khác với những gì tôi tưởng tượng về một dịch giả nghiêm ngắn cẩn trọng;  Lê Thị Hiệu đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ và nồng nhiệt. Suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi chị hầu như không ngồi yên được mươi phút. Chị sinh động và mộc mạc. Chất phác và hồn hậu. 37 tuổi - ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay - chị trở nên đáng yêu với những giây phút bất chợt đỏ mặt khi nói về cuốn sách của mình. Đây là thông tin trích ngang về chị:Lê Thị Hiệu (Hiệu Constant) sinh ngày 12 tháng 10 năm 1971 tại Thắng Lợi Thường Tín Hà Tây.Học đại học Tổng hợp khoa tiếng Pháp khóa 1989 - 1994. Sang định cư sinh sống và làm việc tại Paris Pháp năm 1998. Trước đây được biết đến như một dịch giả với bút danh Hiệu Constant. 
260674-2.jpg  116 KB-         "Côn trùng" - một nhan đề sách khá gây tò mò. Song phải đến tận trang 227 - 228  của cuốn sách nghĩa là phần cuối của cuộc trò chuyện giữa nhân vật tôi với bà bác sĩ tâm lý người đọc mới có được những lý giải từ phía nhân vật: "tình yêu của tôi nỗi niềm của tôi cùng những kỉ niệm bỗng chốc bay biến lên bầu trời kia. Trong tôi bỗng có như biết bao con côn trùng rỉ rả vật vã than khóc ai oán". Và cũng cách lý giải ấy mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có những con "côn trùng" của chính mình - vấn đề là ở chỗ họ có muốn/ đủ sức  thoát khỏi chúng hay không mà thôi...
-         Nếu độc giả tinh ý thì sẽ thấy rằng nhịp điệu cuốn sách của tôi chính là nhịp điệu của loài côn trùng. Chúng rỉ rả vật vã. Ban đầu thì rất hỗn loạn. Nhưng càng về sau càng mạch lạc hơn. Nếu ai đã từng một lần lắng nghe tiếng kêu của loài côn trùng thì sẽ thấy rất rõ điều này. Và sở dĩ tôi chọn nhịp điệu khác lạ ấy cho câu chuyện của mình là bởi nhân vật chính trong tác phẩm là một cô gái không còn trẻ. Cô ta bị trầm uất cô ta hoàn toàn bối rối trong một thế giới mông lung của tâm tưởng của dĩ vãng. Bởi vậy cô ta phải cầu cứu đến một bác sĩ tâm lý để mong thoát khỏi tình trạng rối loạn ấy. Và bà bác sĩ đã làm được việc hết sức có ý nghĩa: biết khơi gợi đúng lúc đúng chỗ để cô gái kể ra câu chuyện của chính mình những câu chuyện hỗn độn nhưng dần sáng tỏ hơn.Chính điều đó giải thoát cho cô ta.
-         Chị đã ngay lập tức chọn được nhan đề cuốn sách ngay từ khi đang viết?
260674-2.jpg  116 KB-         Không thực ra tôi cũng đã khá bối rối khi chọn cho cuốn sách một nhan đề phù hợp nhất. Tôi đã thử những phương án khác nhau. Cho tới một hôm "định mệnh": một buổi tối trời đổ mưa. Tôi ngồi trong căn phòng của mình với tâm trạng day dứt. Day dứt vì cuốn sách mình vừa viết xong. Day dứt vì chưa tìm được một tên sách phù hợp - đúng với tâm trạng của nhân vật mà tôi đã diễn tả. Đúng lúc đó tôi nghe thấy tiếng côn trùng râm ran bốn bề. Tiếng kêu của chúng ban đầu hết sức hỗn loạn nhưng càng nghe càng thấy thê thiết và đầy tâm trạng. Và hai chữ "Côn trùng" hiện lên rõ ràng trong đầu tôi. Đó chính là tên sách mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay. Không còn gì có thể chuẩn xác hơn nữa.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Chênh Vênh

Chênh Vênh

                                                                                                  Truyện ngắn của Hiệu Constant 

Trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của đài tiếng nói Việt Nam



Gác máy rồi mà chị vẫn choáng váng, thực hay mơ đây? Nhìn đăm đăm chiếc điện thoại, chị ngắm nó như ngắm một vật thể lạ. Đã bao ngày chị sử dụng nó, nhưng hôm nay sao nó lạ thế. Nhấc tập giấy post-it, chị nhìn những chữ, những số mà chính tay chị vừa viết: khách sạn, tên phố, quán cà phê, địa chỉ… Đúng rồi, mọi chuyện là có thật, chị cứ nằm thế nếu như đồng hồ báo thức không réo vang đưa chị về thực tại.
Kéo tấm drap, vỗ chiếc gối, chị nhanh tay chỉnh lại giường cho ngay ngắn rồi lẩn vào phòng tắm. Những tia nước lạnh từ vòi hoa sen xổ xuống khiến chị tỉnh ngủ, nhưng trong đầu vẫn văng vẳng tiếng nói. Giọng nói thân thiết yêu thương mà bao năm nay chị không được nghe. Là anh thật ư?
Ra khỏi phòng tắm, chị hối hả chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Thực ra là chỉ cho ba mẹ con. Gille, chồng chị đang đi công tác ở Ai Cập, con trai lớn Vincent Phú Cường đã vào đại học Y, ở nội trú tận Bordeaux. Hiện chỉ còn chị, con trai thứ hai - Théo Phú Hùng và con gái út - Emilie Mai Hương. Vừa làm chị vừa nghĩ tới những câu chuyện xưa, những kỷ niệm đầu đời và mà chúng vẫn luôn ẩn mình trong một góc tâm tư chị.
Làm sao có thể quên sáng hôm ấy, dù đã hơn hai chục năm trôi qua... Phương Liên, cô bạn đồng nghiệp ghé tai chị, khi ấy mới ra trường vừa được tuyển vào tạp chí, nói rằng lên sếp gặp.
Mới vào làm, chỉ nghe nói mà vẫn chưa biết mặt sếp, chị hồi hộp gõ cửa nhè nhẹ.
- Vào đi, - một giọng nói không mấy thiện cảm vang lên.
- Chào chú ạ, chú... chú cho gọi cháu!
- Cô là Mai? Ngồi đi.
Anh chỉ hơi ngẩng lên, ngó qua chị đang đứng len lén, hai tay thừa thãi vân vê gấu áo, rồi cúi ngay xuống bản thảo để trước mặt. Vừa lia cây bút theo những dòng chữ mà chị đoán anh đang đọc rất nhanh. Chị không dám ngồi mà cứ đứng chăm chú theo dõi từng chi tiết và sự chuyển biến trên mặt anh.
Đó là một người đàn ông khá đẹp trai, cao và hơi gầy. Những đường nét hơi khắc khổ bị khỏa lấp bởi chiếc mũi cao gắn cân đối trên khuôn mặt hơi dài. Bờ môi dưới hơi trễ, cặp mắt dài có đuôi mà người ta thường nói là đa tình... Mái tóc bồng bềnh, tự nhiên, nhủ xuống vầng trán cao vuông vức...
Bỗng chị giật bắn mình.
- Viết bài thế thì có ma đọc! Bài viết không có hồn, câu văn lãng mạn nhưng nhạt thếch, thiếu tính thực tế, câu chữ lủng củng, bố cục lộn xộn, lại còn sai lỗi chính tả nữa... Viết báo thì phải khác viết tản văn, cô hiểu chứ hả? Mà trong cơ quan không có chú cháu gì hết... Chưa ai dạy cô điều này sao?...
Lúc đó, chị chỉ mong giá mà có một hố tử thần thật to mở ngay dưới chân để chị rơi tõm xuống... Nhưng động đất đã không xảy ra, nền nhà vẫn trơ lì một cách chắc chắn,... chỉ có một người đàn ông đang xả vào mặt chị những câu chữ hết sức “thực tế”. Thấy chị không phản ứng, anh từ từ ngẩng lên. Chị khi đó mặt đã đỏ như gấc, nước mắt vòng quanh... rồi bất ngờ chạy vụt ra khỏi phòng...
Chị tốt nghiệp khoa báo chí trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời sinh viên chị đã từng cộng tác với nhiều báo và các bài của chị đã được đăng khá nhiều. Vậy mà hôm nay...
Chị không về phòng mà chạy ra khu vườn cơ quan, chọn một chiếc ghế băng nằm khuất trong góc, ẩn sau một búi cây, và bật khóc nức nở. Chưa bao giờ chị bị mắng mỏ một cách bẽ bàng nhường ấy. Tính tự ái và bốc đồng của chị bốc lên ngùn ngụt. Đến gần trưa thì chị đã quyết định: Làm việc dưới trướng một người cửa quyền hống hách như vậy thì chịu sao thấu. Ông ta còn chưa biết chị là ai. Chủ đề bài viết của chị là kêu gọi tình tương thân tương ái của bạn đọc dành cho vùng vừa bị lũ lụt. Chị đã đi thực tế năm ngày tại nơi đó, gặp gỡ nhiều người, rồi cả đêm ngồi viết... Cảnh đồng trắng nước trong, ánh trăng đêm bàng bạc tãi tơi bời trên những tán lá chuối nhấp nhô giữa cánh đồng toàn nước. Những bông lúa sắp chín nặng trĩu, bơi lượn lờ dưới làn nước sâu như loài rong biển, bà con nông dân, nước gập ngang người để mò cắt lúa, những thân chuối đóng thành bè để chở lúa, nổi chấp chới trên biển nước... cái chòi vịt chỉ còn nhìn thấy mái. Trẻ em thất thểu, người già thoi thóp, ngồi đợi cứu tế... Học sinh lội bì bõm để đến trường... Vậy mà...

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Mài vào năm tháng

                                           Mài vào năm tháng 
                                                           Truyện ngắn của HIỆU CONSTANT

http://vannghetre.com.vn/vi/nha-van--tac-pham.nd162/mai-vao-nam-thang---truyen-ngan-cua-hieu-constant.i5097.html

Lần đó về Hà Nội, tâm tư khuấy động, tôi quyết định quay lại nơi tôi đã từng trọ xưa kia. Khi phóng xe băng qua ngã tư mà giờ đây đã rộng và khang trang hơn, tôi bỗng giật mình thấy hình như vừa thừa vừa thiếu một cái gì đó. Tôi dừng hẳn lại, ngắm nhìn khu phố sầm uất đồ sộ này, bởi cách đây một thời gian, nó không hẳn thế.

Vâng phải rồi, tôi thấy vắng bóng cái quán be bé quen thuộc ngày xưa nơi góc phố ấy, có cây bàng mới lớn nhưng tỏa bóng rộng vào mùa hè, nơi có bà cụ già hom hem ngồi bên bậu cửa. Dân chúng trong khu phố này đều đã quen với hình ảnh ấy. Người ta dường như cũng quên hẳn tên thật của bà, mà chỉ còn giữ lại cái tên dễ nhớ: Bà già mài dao. Vì bà vốn làm nghề mài dao kéo. Nhưng tôi thơ mộng hơn đặt cho bà biệt danh “Người đàn bà cầm dao”.

Bà quê quán ở đâu, chẳng ai biết rõ. Bà chưa già lắm, chỉ độ trên dưới sáu mươi, nhưng cuộc đời chắc lam lũ và khốn đốn khiến bà hom hem. Thời gian tàn phá đánh dấu trên khuôn mặt bà bằng vô vàn nếp nhăn chằng chịt, khắc khổ. Con phố sầm uất này trước đây vốn là một bãi rác, là một khu chứa chấp các thứ tệ nạn, nghiện ngập, trộm cắp, ca-ve… hay còn là nơi dành cho người tứ xứ phiêu bạt lên Hà thành không nơi nương tựa và người ta quen gọi là Xóm Liều.

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Mẹ

Mẹ
              
                        
     Mẹ ơi ! mẹ có thấu chăng lòng con, nỗi đớn đau dằn vặt. Mẹ ra đi về thế giới vĩnh hằng để lại chúng con trên trái đất này. Kể từ đây chúng con trở thành những kẻ ăn mày tình mẫu tử. ở trên cao ấy mẹ yên nghỉ bên cạnh đấng tối cao. Con tự hỏi liệu linh hồn mẹ có được phiêu diêu, coi như một phần trả công của tạo hoá vì mẹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình, là một người mẹ hoàn hảo, một công dân lương thiện ! Liệu mẹ có được lắp vào đôi cánh mỏng như tơ của những bà tiên trong truyện cổ tích mà con thường được thấy. Mẹ đến, mẹ đi, mẹ nhìn ngắm chúng con như xưa. Tâm hồn con trĩu nặng, cầu xin tình yêu nhân loại.
Mẹ ơi, đời mẹ nghèo, tần tảo sớm chiều song mẹ vẫn cố gắng lo cho chúng con đầy đủ, để cho chúng con hiểu được cuộc sống. Song về tinh thần mẹ đã cho chúng con nhiều quá, để rồi giờ đây không có mẹ, cuộc sống trở nên ngột ngạt đớn đau. Mẹ thân yêu của con mẹ có hiểu rằng trái tim con tan nát, tâm hồn con ủ dột, con cảm thấy một phần đời mình đã đi theo mẹ về nơi ấy. Khi con làm việc, con ăn, cũng như khi con ngủ, lúc nào con cũng thấy thấp thoáng hình bóng của mẹ, dịu dàng, tươi cười, con biết mẹ đang ở bên con, song sao con không nhìn thấy mẹ.
Nhớ không mẹ ! khi con còn bé, mỗi khi con buồn vì một chuyện gì : lỡ một buổi học do tắc nghẽn đường xá, chiếc váy con yêu thích bị bụi gai bên đường cào rách... mẹ luôn ở bên con âu yếm ddành, rồi khi con lớn thêm, chính mẹ đã cho con những lời khuyên bổ ích, chính mẹ đã hướng nghiệp cho con.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

«Những con đom đóm» của rừng Bình phước

«Những con đom đóm» của rừng Bình phước
http://www.baomoi.com/Nhung-con-dom-dom-cua-vung-rung-Binh-phuoc/c/8099786.epi


« Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng khi về bủng beo »
Câu ca dao năm nào được học trên ghế nhà trường cứ ảm ảnh tôi, và bộ phim Đông Dương thúc đẩy trí tò mò của tôi về những cây cao su… Những tư liệu về trận chiến An Lộc khốc liệt năm nào của quân giải phóng cứ hiển hiện trong đầu tôi ! Tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ dành dịp đến viếng thăm Bình Phước, một khu công nghiệp giờ đây đang chọn cây cao su làm trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Và lần này về nước, tôi đã thực hiện được ước nguyện của mình.
Từ Sài gòn, xe chạy băng băng trên quốc lộ 13. Mấy làn đường thênh thang thoáng đãng khiến tôi mê mải ngắm nhìn cảnh vật cứ lướt loáng hai bên đường. Xe chạy qua thành phố Bình Dương sầm uất với những khu đô thị đang xây dựng, những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, rồi tiếp tục chạy ngược lên thị xã Bình Long. Người nhà đã dặn tôi là chỉ đi đến ngã ba Xa Cát thì rẽ vào một con lộ nhỏ hơn, mà anh tài xế ta xi nói đùa là con lộ không tên. Đường bằng phẳng mặc dù hơi hẹp nhưng cũng bắt đầu trở nên gồ ghề với những «ổ voi». Nhưng cũng vì đi trên con đường ấy mà tôi được mục sở thị những cánh rừng ngút ngàn, xanh thẳm dưới ráng chiều, đây đó thấp thoáng những khu trồng sắn mà bà con nơi đây gọi là cây mỳ… Xa xa là dãy núi Bà Đen trong ánh hoàng hôn đã trở nên đen thẫm. Hai bên đường, một phía là cánh rừng cao su đậm đặc ngút ngàn, còn một bên thì quang đãng, thấp thoáng những thửa rau. Khi xe gần đến nơi thì trời đã nhập nhoạng tối, lại vừa đổ mưa. Những cơn mưa nơi đây cũng lạ, trời vừa nắng đó, xong lại mưa ngay, sối sả chừng mười lăm phút rồi tạnh hẳn. Những con đường đất đỏ lại khô ráo, nhưng trên đường vẫn hằn những hố sâu ũng nước. Cậu lái xe đất Sài thành không quen đường, xe bị ngụp xuống một cái hố và ngập ngang bánh xe…
Cảm giác đầu tiên của tôi là nản… vì chúng tôi đã phải nhờ người dân gần đó đem xe kéo đến cẩu xe lên, rồi sau đó tiếp tục bằng mô tô để về nhà.