Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

“Nhà báo chân chính thì thời đại nào cũng gặp nguy hiểm”
Trò chuyện với báo Thể Thao & Văn Hóa số ra ngày 17/06/2016

Trong những ngày tháng 6 này, khi những trận cầu nóng bỏng của mùa EURO 2016 đang khởi tranh, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhà văn, dịch giả, nhà báo Hiệu Constant, người đã có thời gian sống và làm việc gần 20 năm trên đất Pháp; một trong những cầu nối giữa văn hóa Pháp và Việt. Chị đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của TTXVN xung quanh chủ đề báo chí và ngày 21/6.

 Bức tranh báo chí toàn cầu

* Thưa chị, là người sống tại Pháp nhiều năm, chị thấy bức tranh báo chí ở Pháp, ở phương tây hiện nay ra sao? Từ đó, chị đánh giá thế nào về xu hướng chung của báo chí hiện đại? Loại hình báo chí nào đang thế mạnh (truyền hình, báo giấy, báo in, báo mạng, tạp chí…)?
- Từ ngày các mạng xã hội phát triển mạnh, thì theo cá nhân tôi thấy báo chí Pháp nói riêng và phương Tây nói chung cũng có xu hướng đổi mới nhiều để thu hút độc giả. Đương nhiên, truyền hình vẫn đóng vai trò rất mạnh, báo giấy và báo in có phần giảm đi trong khi báo mạng phát triển khá mạnh, cũng là do vừa tiện lợi, chúng ta với những phương tiện hiện đại như điện thoại, máy tính… có thể cập nhật thông tin mọi nơi mọi lúc. Dẫu vậy, các nhà báo chuyên nghiệp Pháp vẫn không lo bị thất thế! Tôi có một số bạn phóng viên người Pháp, họ đã sẵn sàng từ nhiệm tại các báo của mình để mở trang Web riêng, các bạn đọc muốn đọc những bài báo báo trọn vẹn của họ phải trả tiền qua mạng để có thể tải bài về đọc.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Chuyện “bóng banh” với nhà văn Hiệu Constant

Chuyện “bóng banh” với nhà văn Hiệu Constant


Trong những ngày tháng 6 này, khi những trận cầu nóng bỏng của mùa EURO 2016 đang khởi tranh, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhà văn, dịch giả, nhà báo Hiệu Constant, người đã có thời gian sống và làm việc gần 20 năm trên đất Pháp; một trong những cầu nối giữa văn hóa Pháp và Việt. Chị đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của TTXVN xung quanh chủ đề báo chí.  Toàn văn bài phỏng vấn mời quý vị xem trên Báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần số đặc biệt 21/6.
* Xin chị chia sẻ về thông tin về Pháp, những khó khăn mà Pháp đang phải đối mặt nhất là đe dọa khủng bố? Đình công, biểu tình triền miên là cảnh báo gì cho chính phủ, người dân Pháp và liệu đây có phải là giải pháp tốt cho nước Pháp?
- Phải thừa nhận rằng Pháp đang đứng trước một tình thế khá nhạy cảm. Tình trạng khẩn cấp vẫn đang được áp dụng để đối mặt với nạn khủng bố, và vấn đề chống khủng bố theo tôi đã trở thành toàn cầu. Kể từ khi Pháp thành lập nhà nước Dân chủ, lãnh đạo quốc gia này không dễ. Bởi một mặt, nước Pháp nổi tiếng là tiên phong trong nhiều lĩnh vực khoa học văn hóa nghệ thuật, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều người khá bảo thủ, tức họ cứ muốn gắn bó sâu sắc với truyền thống, ít chịu cởi mở. Cứ có điều gì mới là họ khó chấp nhận, lâu rồi thành thói quen phản kháng trước mỗi điều luật thay đổi nào của chính phủ, dẫu chưa biết rõ lợi thiệt như thế nào... Ngoài ra, Pháp là một trong những quốc  gia có chế độ dân sinh ưu đãi nhất, chính vì vậy nên hàng năm quỹ này thường bị thâm hụt nặng, cho dù dưới chế độ chính phủ cánh Tả hay cánh Hữu. Cũng nên nhắc đến chuyện hàng năm dân nhập cư đến Pháp tăng một lượng đáng kể... Thế nên việc dân lao động đình công biểu tình không khiến chính phủ đương nhiệm ngạc nhiên. Trong lịch sử Dân chủ Pháp, không hiếm trường hợp Chính phủ phải lùi bước và đôi khi phải hủy hoặc chỉnh sửa quyết định của mình… Nhưng tôi thừa nhận, cuộc đình công đang diễn ra tại thời điểm hiện nay là kéo dài hơi lâu, khiến cho nền kinh tế Pháp bị tổn hại ít nhiều. Đương nhiên, chuyện đình công biểu tình thái quá như vậy và một mặt chính phủ Thủ tướng M. Valls quá cứng rắn sẽ chẳng phải là một giải pháp hay!

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Cuộc sống như mơ của con gái Việt khi “Làm dâu nước Pháp

Cuộc sống như mơ của con gái Việt khi “Làm dâu nước Pháp




Lần đầu tiên cuộc sống làm dâu của người con gái Việt được kể chi tiết tại Pháp – đất nước được ví như “Kinh đô ánh sáng”.

Làm dâu nước Pháp nằm trong series sách “Làm dâu xứ lạ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành của tác giả Hiệu Constant kể về cuộc sống của một cô dâu Việt ở trời Âu xa xôi: chủ động kiếm tìm hạnh phúc, tạo dựng mái ấm, xử lý hài hòa các mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội và đặc biệt là không đánh mất bản sắc của chính mình và của dân tộc.

Ký sự Người Viễn Xứ

Ký sự Người Viễn xứ

Phần I -  Làm quen

LTS: Lâu nay, Lê Thị Hiệu (Bút danh: Hiệu Constant) đã là một cái tên quen thuộc trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Chị là một nhà văn Việt Nam định cư tại Pháp. Sinh năm 1971 tại Thường Tín, Hà Tây, học Đại học Tổng hợp khoa tiếng Pháp, Lê Thị Hiệu là tác giả, dịch giả của gần 50 cuốn sách văn học và văn hóa đã xuất bản tại Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị còn làm cầu nối tích cực cho các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. 

Theo đề nghị của Tòa soạn báo Văn nghệ Thái Nguyên, nhà văn Lê Thị Hiệu đã viết ký sự dài kỳ mang tên “Ký sự người viễn xứ”, về cuộc sống của chị và một bộ phận đồng bào Việt Nam ở Paris - thủ đô nước Pháp. Xin trân trọng cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của nhà văn và kính mời quý độc giả theo dõi loạt ký sự này.



Rời Hà Nội đến Paris trong những năm cuối thế kỷ XX, thời kỳ Internet và các mạng xã hội chưa phát triển như hiện giờ. Thoạt đầu, tôi không bị choáng bởi xứ sở phồn hoa đô hội này, mà đúng ra là thất vọng. Vì nhiều thứ. Nhưng trên hết là tôi thấy một Paris khác xa với những gì tôi nghĩ, tôi hình dung qua những trang tiểu thuyết văn học Pháp đã được đọc, và đã có đôi lúc tôi muốn ôm con trở về Hà Nội, tôi đã nghĩ tôi sinh ra không phải để sống ở một Thủ Đô Ánh Sáng, một Trái tim của Thế giới... Ấy là vì tôi đã quá yêu nước Pháp, quá yêu tiếng Pháp và gán cho nơi này những hình ảnh và những câu chuyện theo trí hình dung của tôi... Trong tâm tưởng tôi hồi đó, Paris cổ điển hơn, “nghèo nàn” hơn. Đó phải là một Paris của những quí Ông với bộ complet đuôi tôm, quí Bà với những bộ váy dài tha thướt, và trong những phiên chợ ngoài trời có những nhóm người Di-gan với những cây đàn ghi ta réo rắt trầm bổng và họ sống trong những cỗ xe kéo...
Trên thực tế, tôi nhìn thấy một Paris hiện đại và cuộc sống hối hả. Những người đàn ông và đàn bà trong trang phục văn phòng thường nhật. Trên phố, có rất nhiều các sắc tộc khác nhau, ăn mặc khác nhau. Điều khiến tôi ấn tượng hơn cả khi ra vùng ngoại ô Paris, đó là gặp những phụ nữ Hồi giáo với những bộ khăn váy đen tuyền, chùm kín từ đầu đến chân, chỉ để hở cặp mắt được trang điểm tuyệt đẹp. Và nhất là ngôn ngữ Pháp. Thật rối rắm. Tôi đã khá tin tưởng vào khả năng ngoại ngữ của mình (tôi đã tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), thế mà sang đây, những ngày đầu tôi đã rất bối rối. Trên phố, ở chợ, ngoài công viên (môi trường của tôi ngày mới sang) người ta nói rất nhanh và không nói thứ tiếng Pháp mà tôi đã được học rất bài bản tại trường, và nhất là họ hay nuốt âm... khiến tôi không hiểu hết những gì họ nói và điều ấy đã khiến tôi rất buồn và nản mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần...

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Cuộc dạo đêm

Cuộc dạo đêm


Mẹ kính mến, bước chân đưa lối con đi và con cứ dấn sâu vào màn đêm đang vẫn vũ đầy mây. Trời bắt đầu có gió tramontane mẹ ạ. Mẹ nghe tên thì chắc có vẻ lạ, nhưng thực ra nó gần giống như gió mùa đông bắc. Chỉ có điều gió mùa đông bắc bên ta thì chỉ mùa đông mới có, còn nơi đây, gió có thể nổi lên vào bất kỳ mùa nào. Mùa đông thì lạnh, còn mùa hè thì lại nóng bỏng hệt như những cơn gió Lào vậy. Con sợ mẹ ơi, vào những đêm có gió như thế ! Tiếng gió rít âm âm vang vang hệt như tiếng ma hú! Những đám mây vần vũ kia sẽ bị xua đi nhanh thôi, vì mỗi khi gió tramontane tràn về thì sẽ không có mưa. Những luồng sáng lờ mờ từ xa đuổi tới tận chỗ con đang đi, làn hơi từ mũi con phả ra theo từng nhịp chân con bước, được gió thổi bốc lên chờn vờn trước mặt con rồi tan loảng vào đất trời. Một ngôi nhà hoang hiện ra, giờ đã vắng bóng lũ trẻ chơi đùa buổi sáng, mà chỉ còn tiếng chim lạc đang vội vã bay về tổ. Mẹ ơi, hình như con cũng nhìn thấy mẹ, mẹ phải chăng cũng đang tìm ánh mắt con… Qua những mảnh mây nhẹ, mẹ hiện ra, quá đỗi nhân hậu, quá đỗi xanh xao, quá đỗi mong manh, mà con những muốn bay lên gặp mẹ… Mẹ, cám ơn mẹ nhiều vì đã luôn theo con, đã luôn để mắt đến con ! Con biết mẹ vẫn thông tỏ những gì con làm, đúng không ? Ngay cả khi mẹ đã đi xa nhiều năm và con đã lớn lên, đã bay khắp cả bốn phương trời tìm cái gì, con không biết… Để rồi lại gặp mẹ giữa chốn hoang vu lạnh lẽo giữa mùa đông giá này. Con thì thầm gọi mẹ, những câu chữ bắt gió bỗng vang đi rất xa, và âm hưởng dội về, con lại nghe thấy hình như là tiếng mẹ. Nụ cười của mẹ khiến mặt con thêm rạng rỡ, nhưng trông con thiểu não phải không mẹ, bởi con thấy hình như đôi mày mẹ nhíu lại…