Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Phù thuật và Tín ngưỡng An Nam: Tác giả Paul Giran; Dịch giả: Hiệu Constant

 

Phù thuật và Tín ngưỡng An Nam 

Tác giả: Paul Giran 

Dịch giả: Hiệu Constant


Lời giới thiệu 

(Phan Cẩm Thượng)

Thời Thực dân đã qua lâu, nhưng nhiều nghiên cứu của các học giả Pháp-Việt thời đó vẫn còn chưa được dịch và giới thiệu tới bạn đọc. Đó là một tổng tập quan trọng về đời sống xã hội và tôn giáo Việt Nam, khi những kẻ đến cai trị rất cần hiểu biết về người dân bản xứ, mà cái biết phải rất sâu sắc. Cuốn Phù thuật và Tín ngưỡng An Nam của Paul Giran, một viên tham biện (administrateur des services civils) phụ trách công việc hành chính dân sự thuộc địa, là một công trình như thế.

Thế kỷ 17-18, chủ nghĩa thực dân đã lan rộng ra toàn thế giới, tưởng chừng không còn mảnh đất nào là chưa được khám phá, không còn hòn đảo nào là đảo hoang. Việt Nam tuy chưa bị xâm lược, nhưng cả hai Đàng đã buôn bán với người phương Tây, người Hoa, người Nhật. Pháp là kẻ đến sau cùng, nhưng muốn ở lại, nên giữa thế kỷ 19 đã quyết định tấn công Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia lớn bé, có truyền thống văn hóa lâu đời khác ở phương Đông, nhà nước phong kiến Việt Nam nhanh chóng thất bại trước văn minh phương Tây vì sự lạc hậu của mình và sự yếu hèn trước các cường quốc thực dân. Văn minh phương Tây và chủ nghĩa thực dân thực ra là một mâu thuẫn giữa ý tưởng nhân văn từ thời Phục hưng và công cuộc khái thác thuộc địa không thương xót, kể cả buôn bán nô lệ. Người dân thuộc địa được hưởng tinh thần nhân văn Tây phương và tiếp nhận những kỹ thuật công nghiệp mới trong tình thế bị nô dịch, nhưng cùng với đó cũng làm phát sinh mâu thuẫn nội tại trong quá trình đi lên hiện đại của từng dân tộc. Mỗi đế quốc có cách tiếp cận riêng của mình với thuộc địa, với người Pháp quá trình chuẩn bị và tiếp tục nghiên cứu thuộc địa của họ là kỹ lưỡng, sâu sắc, đôi khi có phần hoang tưởng và lãng mạn, đến mức nhiều học giả bản địa hóa chính mình, trở thành người bản xứ (các học giả về Tây nguyên là một ví dụ), say sưa với đất mới như mới được tái sinh. Điều đó làm nên sắc thái thơ mộng và thực tiễn vô cùng trong các công trình nghiên cứu.

Paul Giran không phải là học giả lãng mạn như vậy. Ông học Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) ở Pháp, rồi được bổ đi làm việc cho Phủ Toàn quyền ở Đông Dương năm 1899. Đối với ông người An Nam không khác gì một bộ tộc lạc hậu, cần khai hóa. Ông đã viết trên tinh thần phân biệt chủng tộc da trắng thượng đẳng rõ ràng, một học thuyết được ngụy trang bằng khoa học ở phương Tây đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên sự kỹ càng của cách thức tiếp cận và nghiên cứu khiến cuốn sách của ông có giá trị phân tích và tư liệu về đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam, nếu tạm gác những quan điểm thượng đẳng trên. Mặt khác, ông chịu ảnh hưởng của Léopold Cadière (1869 – 1955), một linh mục am hiểu sâu sắc ngôn ngữ và phong tục phương Đông, nên phương pháp tiếp cận đời sống tâm linh người Việt Nam cũng rất khoa học và có sự thấu hiểu nhân văn. Bản thân đức cha Cadière là người truyền giáo, ông không phê phán những tín ngưỡng khác mà cố gắng tìm hiểu ngọn nguồn tâm linh người Việt cho mục đích của mình, sự ghi chép của Cadière thật đáng nể, tỷ mẫn, kỹ lưỡng, nhìn vấn đề thì bao quát, rộng lượng để thấy được tính phức hợp của tâm linh người Việt, dù nhiều hình thức và biểu tượng của tín ngưỡng tâm linh đó chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Điều này làm cho Paul Giran kết thúc công trình mơ hồ với câu hỏi: văn minh Việt Nam là bản sao mờ nhạt của văn minh Trung Hoa, hay là cái gì đó rất độc lập, như chính tinh thần của người Việt Nam khi đối đầu với văn minh phương Tây.

Đối với đức cha Cadière, tôn giáo của người Việt Nam giống như một khu rừng, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại cây chằng chịt, huyền hoặc tới mức không thể lần ra ngọn nguồn. Ông mặc nhiên cái cảm giác tâm linh này, chấp nhận tính toàn linh trong đời sống tâm thức Việt. Nhưng là một viên chức cần mẫn, Paul Giran muốn lý giải và sắp đặt, phát quang một cánh rừng, xếp nó lại để tìm hiểu, cái này làm cho hướng nghiên cứu của ông khác hẳn Cadière và chẻ rõ từng khái niệm, từng vấn đề một, rồi tích hợp chúng vào hệ thống, trong đó nổi bật là các phù thuật có liên quan chặt chẽ với tín ngưỡng, bởi vì phù thuật là cái biểu hiện, biểu tượng hình thức, lý giải được nó thì hiểu được bản chất tôn giáo. (Đức cha Cadière dựa trên nền văn hóa tập tục nhiều hơn.)

Do đó, Paul Giran đã hình thành công trình của mình trong ba quyển (ba chương lớn): Quyển một – Những khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam và nguồn gốc của chúng; Quyển hai – Phù thuật; Quyển ba – Tôn giáo. Ba bước trong nghiên cứu này có lẽ tuân theo cách cổ điển, như nhìn nhận tất cả vấn đề theo ba bước phát triển (học thuật văn minh cổ điển) – bước đầu lý giải từng khái niệm, truy tìm nguồn gốc, bước hai phân tích các hình thức (phù thuật), bước ba định hình lý thuyết tôn giáo bao gồm thuyết tự nhiên và thuyết vật linh. Đáng chú ý là Paul Giran hầu như không lý giải tôn giáo Việt Nam trên cơ sở của Tam giáo (Nho, Lão, Phật) như các học giả thường làm, mà xuất phát từ chính đời sống tâm hồn và tín ngưỡng bản địa, cách thức tiệm cận dân tộc học này của Paul Giran chính xác hơn khi loại bỏ yếu tố ngoại nhập.

Sự trừu tượng, không thể lý giải của các khái niệm tâm linh Việt Nam, vừa hấp dẫn vừa gây đau đầu cho Paul Giran. Ông lần lượt phân tích các khái niệm linh, hồn, vía, phách, ma, quỷ, mỵ, vong, trời, đất, thần, thánh, địa ngục, niết bàn, kiếp trước, kiếp sau, trấn, yểm, bùa chú, nhập và gọi hồn... trong cái quan niệm vạn vật hữu linh của người Việt, dẫn đến sinh hoạt tâm linh liên tục trong đời sống hàng ngày, từ khi bước chân ra cửa cho đến lúc đi ngủ, và kể cả nằm mơ cũng sẽ được lý giải tâm linh. Những cái này thật hỗn độn và được đảm bảo bởi các pháp sư, thầy cúng, ông đồng, bà cốt, thầy chùa, thầy phù thủy vốn có thế lực trong làng xã cổ truyền. Phù thuật và thuật yểm bùa là phần quan trọng của đời sống tâm linh này, nó sẽ giải quyết những tai nạn chưa đến và có thể sẽ đến. Hành vi của các thầy shaman cổ xưa đã hình thành nghi thức tâm linh có từ Siberia đến Việt Nam, và biến tướng qua từng sắc tộc, không được Paul Giran chú ý và đề cập, nên ông có xu hướng tìm những ảnh hưởng Trung Hoa qua Việt Nam, đồng thời không nhận ra các hình thức bùa chú là từ hành vi phù thủy, chứ không hẳn từ biến đổi chữ Hán. Ví dụ ba cái gạch chéo trên lá bùa, có ý nghĩa là: Trời đánh mày chết, Đất đánh mày chết, Tao đâm mày chết. Thầy phù thủy khi hành lễ sẽ cầm kiếm chém ba nhát, hai nhát chéo hai bên và một nhát thẳng xuống. Song hơn hết, cái nhìn thực chứng đã làm nên giá trị của nghiên cứu tâm linh Việt Nam này, Paul Giran không xuất phát nhiều từ tư biện, mà luôn từ các ví dụ cụ thể, những lần quan sát, ghi chép trong các buổi  hành lễ và hiện tượng sinh hoạt hàng ngày có liên quan đến tâm linh, rồi đúc kết lại. Cho nên ví dụ của ông luôn bắt đầu từ làng này, con người này, thời gian này, nhiều lần lặp lại, và tham khảo thêm những nhà nghiên cứu khác, ông mới kết luận. Quyển ba về tôn giáo là sự tổng kết xuất sắc những hình thức tôn giáo cơ bản ở Việt Nam, trong đó ông đặc biệt chú trọng đến tín ngưỡng bản địa: tín ngưỡng Tam phủ, tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ vĩ nhân, anh hùng và thành hoàng làng.

Cuốn sách này được một dịch giả trẻ dịch từ tiếng Pháp và tôi là một người được Nhã Nam giao cho đọc hiệu đính, cùng với ban biên tập của nhà sách. Chúng tôi cảm thấy người dịch đã thấu hiểu ý tưởng và diễn dịch của tác giả, cũng như những vấn đề có tính học thuật của văn hóa truyền thống Việt Nam, nhất là các khái niệm xưa liên quan đến tâm linh và Hán tự. Chắc chắn, mọi chuyện không thể toàn vẹn, nhưng những gì tôi đọc được là rất rõ ràng về một đời sống tâm thức Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Điều mà những học giả Việt Nam khi đó như Mai Viên Đoàn Triển và Phan Kế Bính, cũng đã làm, duy chỉ có phương pháp thực chứng là các cụ không quan tâm,  còn tính mô hình hóa phong tục tập quán Việt Nam thì rất sâu sắc, bổ xung cho khoa nghiên cứu Việt Nam học, cùng với những học giả Pháp đương thời.

Phan Cẩm Thượng

Mùa hạ, 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét