Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Ramanujan – người dùng công thức toán học chứng minh sự tồn tại của Thần

Ramanujan – người dùng công thức toán học chứng minh sự tồn tại của Thần

 https://dkn.news/khoa-hoc-cong-nghe/ramanujan-nguoi-dung-cong-thuc-toan-hoc-chung-minh-su-ton-tai-cua-than.html



Giống như Tesla, Ramanujan là một nhà toán học thiên tài đến từ tương lai. (Được cung cấp bởi Bí ẩn chưa được giải đáp)

Mục lục bài viết

Thiên tài xuất thế

Lao đao khốn cùng trong nghèo đói

Bức thư bí ẩn từ bên kia đại dương

Thời kỳ hoàng kim của thiên tài

Thời khắc cuối cùng

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Ramanujan đã để lại gần 4.000 công thức và mệnh đề toán học. Vì ông không đưa ra quy trình chứng minh, nên đương thời không ai có thể hiểu được những công thức này. Các nhà toán học đã phải rất mất nhiều năm mới giải khai được một số công thức và mệnh đề trong đó, thậm chí nhờ đó mà đạt được những thành tựu toán học lớn…

Xin chào quý vị độc giả! Chào mừng các bạn đến tham khám những bí ẩn chưa được giải đáp cùng chúng tôi.

Hôm nay, trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu một bài toán: Tổng tất cả các số nguyên dương vô hạn, tức là 1 + 2 + 3 + 4 + 5 + ….+ vô cùng, giá trị của nó là bao nhiêu? Có thể một số bạn độc giả nói rằng, dù tôi không thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức nhưng chiểu theo logic thông thường, kết quả này hẳn phải là một con số phi thường lớn.

Tuy nhiên, trong toán học, khi liên quan đến số vô hạn, nó cũng giống như khi vật lý tiến nhập vào cơ học lượng tử, mọi thứ đều không thể dùng tư duy thông thường để suy nghĩ. 1 + 2 + 3 +… cộng thêm vào vô cùng, thì kết quả cuối cùng lại là -1/12. Và người đưa ra và chứng minh công thức này chính là nhân vật chính của câu chuyện hôm nay, ông được biết đến là Srinivasa Ramanujan, một nhà toán học thiên tài đến từ tương lai.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Liệu một thân thể có thể cư ngụ nhiều linh hồn?

 

Liệu một thân thể có thể cư ngụ nhiều linh hồn?


Từ ngoài mà nhìn, những “người” khác nhau trông thế nào khi họ chuyển hoán bên trong thân thể Billy? Đoạn video trị liệu cho thấy khi đó, đôi mắt của Billy thường đờ đẫn, có vẻ như đang nhìn vào bên trong thân thể của mình, đồng thời miệng mấp máy như thể đang nói chuyện với chính mình, một lúc sau, một người có giọng nói và thể thái bất đồng liền xuất hiện. 

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến tham khám những  Bí ẩn chưa được giải đáp cùng chúng tôi.

Nếu 24 cá nhân bị dồn vào một căn hộ đơn thân, đồng thời cư ngụ trong đó, có thể tưởng tượng căn hộ sẽ hỗn loạn như thế nào. Vậy nếu thân thể của một cá nhân bị chiếm giữ bởi 24 “người” ở các độ tuổi và giới tính khác nhau thì tình hình sẽ thế nào đây?

Daniel Keyes, một tác gia có nền tảng sẵn có về tâm lý học, đã xuất bản cuốn tiểu thuyết dựa trên người thật việc thật có tên: “Những nhân cách của Billy Milligan” (The minds of Billy Milligan). Nhân vật chính tên thật là William Milligan, nhưng mọi người gọi anh là Billy, anh là nghi phạm đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được tha bổng trọng tội, bởi vì có bốn vị bác sĩ tâm thần và một nhà tâm lý học cùng tuyên thệ chứng minh rằng Billy mắc chứng đa nhân cách phân liệt.

Từ khi bị bắt đến khi bị cáo trạng và cuối cùng được trả tự do, Billy đã luôn là một nhân vật đầy tranh cãi của công chúng. Một số người tin rằng anh ta xác thực đang có bệnh chứng, trong khi những người khác nói rằng anh ta là một kẻ lừa đảo khôn ngoan, một diễn viên ưu tú, lừa dối tất cả mọi người. Vậy thì chân tướng rốt cuộc là gì?

“Lá thư nhầm địa chỉ”: Tình yêu còn mãi (truyện ngắn của Hiệu Constant)

 

                      “Lá thư nhầm địa chỉ”: Tình yêu còn mãi

                                           (truyện ngắn của Hiệu Constant)
http://vov6.vov.vn/doc-truyen-dem-khuya/la-thu-nham-dia-chi-tinh-yeu-con-mai-c11-34758.aspx?fbclid=IwAR3h-bL2S3PEE1qvRxZxK5iPErsNkrpfd643CwfRE8RkdMIGOImMM5651Iw
Truyện đọc trong chương trình ĐỌC TRUYỆN ĐÊM KHUYA của Đài Tiếng nói Việt Nam

***

VOV6 - Thời nữ sinh ai mà chả có một mối tình, chỉ là mối tình đó có đủ sức nặng để xuyên suốt thời gian và không gian hay không. Có mối tình thoáng qua, nhưng cũng có mối tình thì lại rất sâu sắc và theo chúng ta đi suốt cuộc đời. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay, chúng ta cùng đến với một mối tình như thế qua truyện ngắn “Lá thư nhầm địa chỉ” của nhà văn Hiệu Constant


...

Chị ngẩn người, thốt một tiếng thở dài. Từ ngữ nào có thể tả được tiếng thở dài này của chị. Nó chất chứa những kìm nén, u uất, tiếc nuối trong suốt mấy chục năm. Nó dài tầm nào, nó nặng bao nhiêu? Chỉ biết rằng khi nó thoát khỏi lồng ngực... mà đúng hơn là thoát khỏi từ sâu thẳm tâm can chị, tại đây, trước mộ anh, đã khiến chị cảm thấy nhẹ nhõm hơn biết bao nhiêu, như thể vừa trút được một gánh nặng đã đeo đẳng chị từ hàng chục năm. Lúc này chị không còn là một nữ giảng viên danh tiếng của một trường Đại học ở Bắc Âu, mà lại trở thành cô nữ sinh Trung học năm nào!

Hiệu Constant: nỗ lực bắc cầu văn hóa giữa thế giới và quê nhà

 

Hiu Constant: n lc bc cu văn hóa gia thế gii và quê nhà

VOV5) - Trong chuyến về thăm quê hương lần này, Hiệu Constant trả lời phỏng vấn VOV5 về những dự án mới nhất của chị.

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant từ lâu đã là một nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam với hơn hàng chục đầu sách dịch, từ sách nghiên cứu, biên khảo, hồi ký… đến tiểu thuyết; cũng như dịch văn học Việt Nam ra tiếng Pháp.

Ngoài việc viết và xuất bản 5 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn, cuốn Tự truyện Làm dâu nước Pháp và tập truyện Ký Kiều bào với Trường Sa, Hiệu Constant vẫn nỗ lực trong những hoạt động bắc cầu văn hóa giữa thế giới và quê nhà. 

https://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/hieu-constant-no-luc-bac-cau-van-hoa-giua-the-gioi-va-que-nha-1139755.vov

PV: Thưa nhà văn, dịch giả Hiệu Constant, với vai trò là một dịch giả và đại diện văn học của một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam cũng như một số nhà văn Việt Nam tại Pháp, thì công việc của chị mỗi lần đi về vẫn là kết nối văn hóa giữa hai quốc gia Pháp và Việt Nam. Nhưng lần này dường như có điều gì khác biệt hơn?

Hiệu Constant: Vâng, lần này ngoài những công việc như những lần trước, tôi có thêm một công việc mới. Nếu như trước đây tôi đã giới thiệu các tác phẩm của Pháp đến Việt Nam hoặc tác phẩm của Việt Nam đến Pháp, thì lần này tôi đã kết nối được nhà văn Bill Pearl, một nhà văn của Mỹ. Những tác phẩm của ông viết trong mối quan hệ của ba quốc gia: Mỹ, Pháp và Việt Nam. Tác phẩm của ông đã được xuất bản tại các quốc gia này. Lần này tôi đã kết nối được với một số nhà xuất bản để xuất bản sách của Bill Pearl.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

KINH TỪ BI (METTA SUTTA)

 


KINH TỪ BI (METTA SUTTA)

Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên-Lý Thu Linh chuyển ngữ




Người hằng mong thanh tịnh:
Nên thể hiện pháp lành,
Có khả năng, chất phác,
Hiền hòa, không kiêu mạn.

Sống dễ dàng, tri túc,
Thanh đạm không rộn ràng,
Lục căn luôn trong sáng,
Trí tuệ càng hiển minh

Chuyên cần, không quyến niệm,
Không làm điều ác nhỏ,
Mà bậc trí hiền chê,
Nguyện thái bình an lạc,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Bớt một việc chi bằng chẳng có việc gì

 Bớt một việc chi bằng chẳng có việc gì

(Pháp Sư Tịnh Không )

Tuần thứ hai lại mời tôi (Đại học Queensland), trường mời tôi làm giáo thọ cho trường của họ, tặng cho tôi học vị. Tôi nói những thứ này đối với người xuất gia chúng tôi là vô dụng, không cần thiết, mọi người muốn nói chuyện cùng nhau là tốt, hội tọa đàm cũng tốt, tôi sẽ đến tham gia. Nhưng ý của hiệu trưởng nhà trường không phải ở nơi này, họ nói những cách nghĩ của tôi có thể giúp đỡ Unessco tiêu trừ xung đột. Cho nên hi vọng tôi đại diện trường, đại diện Úc Châu, tham gia Hội nghị hòa bình Liên Hợp Quốc, nguyên nhân là thế. Ông nói Liên Hợp Quốc không mời hòa thượng, đối tượng họ mời là chuyên gia, học giả, là một vài vị giáo thọ, tôi không có những điều kiện này. Cho nên họ lập tức cho tôi, trường cho tôi học vị, cho tôi thư mời làm giáo thọ, tôi đại diện trường, đại diện Úc Châu. Đó là một duyên phận tốt, cũng là bổn phận của người xuất gia, giúp đỡ xã hội hòa bình an định. Cho nên tôi nhận lời, có cơ hội đi xem, hội nghị quốc tế tôi chưa từng xem qua. (dẫn từ tuyên giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú”)

Ở cư sĩ Lâm, tại bất kì đạo tràng nào, chư vị đồng tu cúng dường tôi các bao lì xì, tôi đều chưa từng mở ra, không xem qua, đều tặng lại đạo tràng cả. Tôi ở đạo tràng nào, liền tặng đạo tràng ấy, tôi trước nay chưa từng xem qua, tôi cũng không hóa duyên, tôi cũng không xin ai một xu tiền. Tôi cảm thấy cổ nhân triều Đường nói rất hay, giảng rất tốt “nhiều một việc chi bằng bớt một việc”, Bàng cư sĩ nói: “ Bớt một việc chi bằng chẳng có việc gì”; tôi không lấy thì vô sự, vô sự so với hảo sự tốt hơn. Tôi hiểu giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, tôi học tập nghiêm túc, tôi cần thọ dụng. Tôi cũng dạy mọi người, cũng khuyến cáo mọi người, đặc biệt là các bạn đồng tu xuất gia, cần nắm vững thành tựu trên đạo nghiệp cả đời, tốt nhất học đại sư Ấn Quang, chắc chắn sẽ thành tựu. Điều đầu tiên của đại sư Ấn Quang là không thu nhận đệ tử xuất gia, bạn nghĩ thu nhận đệ tử xuất gia không tốt thì phiền phức lớn. Ngài thị hiện điều này thật là có đạo lý. (dẫn từ “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh”)

CỨ NGỠ NHÀ TU KHÔNG BIẾT YÊU?

 CỨ NGỠ NHÀ TU KHÔNG BIẾT YÊU? 



Cứ ngỡ nhà tu không biết yêu?
Sống không tình cảm, sống cô liêu
Tháng ngày chỉ biết câu kinh kệ
Chôn đời trong nếp sống quạnh hiu.
Vỡ lẽ... nhà tu cũng biết yêu!
Mà không yêu một, lại yêu nhiều.
Sang, hèn, đẹp, xấu.. đều yêu cả
Tim này không biết rộng bao nhiêu!

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Nhà thờ Thánh Nicolas (St. Nicholas Church) - tòa nhà lâu đời nhất ở thành phố Brighton, vương quốc Anh.

 Nhà thờ Thánh Nicolas (St. Nicholas Church) - tòa nhà lâu đời nhất ở thành phố Brighton, vương quốc Anh.

Khi đến thăm vương quốc Anh, nếu có chút thời gian, bạn đừng bỏ qua thành phố Brighton. Đó là một thành phố nằm cạnh một vịnh không sâu lắm bên bờ biển Manche, cách Luân Đôn không xa, ở phía đông quận Sussex, thuộc vùng Đông Nam nước Anh. Đến đây, bạn sẽ không hề thất vọng khi được đắm mình vào hương vị biển, những ngôi nhà cổ kính, làng chài, con đường thẳng tắp phẳng lì chạy dọc theo bờ biển dài hàng nhiều km. Bạn có thể thăm quần thể Nhà bảo tàng mà trước đây vốn là cung điện mùa hè của Hoàng gia, được xây dựng dưới lệnh của vua George IV từ đầu thế kỷ XIX. Bạn có thể thăm khu giải trí cực kỳ hiện đại nằm ngay trên bãi biển chính của thành phố, hay cũng có thể đi thăm khu Bảo tồn Thiên nhiên Seven Sisters mênh mông cách trung tâm Brighton chừng chục km, nơi đây có biển có rừng, có khu nước lợ cạnh bờ biển với những vách đá phấn cao ngất ngưởng…

Trong cuốn Domesday Book, Brighton trước kia được gọi là Bristelmestone. Vào tháng 6 năm 1514 Brighthelmstone đã bị quân Pháp đốt cháy gần như toàn bộ trong một cuộc chiến tranh giữa hai nước Anh - Pháp. Chỉ một phần nhà thờ Saint-Nicolas và các tuyến đường phố được cứu vãn. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn giới thiệu về chính ngôi nhà thờ cổ này và khu nghĩa địa bao quanh, St Nicolas Church.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Ai đã phát minh ra xe đạp?

 

Ai đã phát minh ra xe đạp?

Hầu như ai trong chúng ta cũng ít nhiều biết đến xe đạp nhưng mấy ai để ý xem xe đạp đã được phát minh như thế nào, từ bao giờ và do ai ?

Tóm tắt nhanh thì thế này !

Thực ra, xe đạp cũng có một hành trình ra đời, phát triển và dần dần hoàn thiện mới có thể được như chiếc xe đạp như chúng ta biết hiện nay. Thế nên, trong lịch sử của xe đạp, không chỉ có một nhà phát minh mà có đến nhiều nhà phát minh!

Một số phát minh đã dẫn đến chiếc xe đạp mà chúng ta biết.

Như chúng ta nhận thấy rằng điều quan trọng nhất của xe đạp, đó chính là bánh xe. Bánh xe tròn đã được phát minh vào vào khoảng những năm 3500 trước Công nguyên, ở Mésopotamie (Lưỡng Hà), vùng Trung Đông, thuộc đất nước Iraq ngày nay. Và hơn 5.000 năm sau, tức vào năm 1817, một quí ông người Đức, Nam tước Karl Drais von Sauerbronn đã sử dụng bánh xe để chế tạo ra tổ tiên của chiếc xe đạp hiện đại bây giờ. Phát minh này được gọi là xe Draisienne theo tên của Nam tước. « Xe » được làm bằng gỗ và không có bàn đạp, nhưng đã có yên và tay lái. Xe Draisienne cho phép ta “ngồi đi bộ” với tốc độ 14 km/h! Ở Pháp, xe được gọi là velocipede, có nghĩa là «đi bộ nhanh» và từ đó đã cho ra đời từ vélo = xe đạp.

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

TỰ SỰ ĐỚN ĐAU CỦA CHA ĐẺ “MÀU TÍM HOA SIM”

                                       TỰ SỰ ĐỚN ĐAU CỦA CHA ĐẺ “MÀU TÍM HOA SIM”

Gần đây, những tự sự của nhà thơ Hữu Loan, cha đẻ "Màu tím hoa sim” nổi tiếng đã tạo ra niềm xúc động lớn trong cộng đồng mạng. Tự sự đớn đau này được chia sẻ rất nhiều trên Facebook tạo nên nhiều thổn thức. "Rất cảm động, vì sự chân thành, vì tình người, tính người. Và có thể hình dung cả bối cảnh một thời cuộc tao loạn. Mỗi số phận cá nhân đều chứa trong lòng nó những bi kịch của lịch sử"- (Kim Dung)
Những người yêu thơ tình, không ai không biết đến bài thơ "Màu tím hoa sim” đầy xúc động. Đằng sau đó là một câu chuyện còn sâu sắc hơn, đau đáu hơn của tác giả Hữu Loan.
MÀU TÍM HOA SIM
Nàng có ba người anh
Ði bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh
Tôi người vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng
Như tìnhyêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Ðôi giầy đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên ông chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

TÂM THÁI CỦA NGƯỜI TIN SÂU NHÂN QUẢ

 

TÂM THÁI CỦA NGƯỜI TIN SÂU NHÂN QUẢ

- Khi một người tin sâu vào nhân quả,

Lúc nắm chức quyền trên tay họ cũng sẽ không dựa vào quyền thế của mình để chèn ép ai, vì họ biết nếu chèn ép ai - sau này quả báo họ nhận lại sẽ tương tự như vậy

- Khi một người tin sâu lý nhân quả.

Họ sẽ chẳng dám tham của ai dù một cây kim cọng chỉ, vì họ biết rằng, không phải của mình có lấy cũng sẽ mất - lại tạo thêm mớ tội.

- Khi một người tin sâu lý nhân quả.

Họ sẽ im lặng khi nghe ai đó nói xấu về họ, vì họ biết kẻ ấy đang gánh nghiệp giúp mình, im lặng, và hoan hỉ, xem như thử thách sự chịu đựng của bản thân.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Kinh Ðại Phước Ðức

 

Kinh Ðại Phước Ðức/Mahamangala Sutta

Bản dịch của Thượng tọa Thích Huyền Diệu,
Việt Nam Phật Quốc Tự, Lâm Tỳ Ni, Nepal


Chính tôi được nghe như vầy: Một thuở nọ khi Ðức Thế Tôn cư ngụ tại thành Xá Vệ, tại Tu Viện Cấp Cô Ðộc trong vườn Kỳ Ðà. Hôm đó, trời đã về khuya, có một vị Thiên Giả hiện xuống thăm Ngài, hòa quang và vẻ đẹp của Thiên Giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ Ðức Thế Tôn ; vị Thiên Giả đứng sang một bên và cung kính tham vấn Ngài bằng một bài kệ:

Nhiều Thiện Nhân thao thức
Muốn biết về Phước Ðức
Ðể sống được an lành
Xin Ðức Thế Tôn chỉ dạy.

Sau đây là lời Ðức Thế Tôn :

Nên tránh kẻ xấu ác (1)
Hãy gần bậc hiền lành (2)
Tôn kính bậc đáng kính (3)
Là Phước Ðức lớn nhất.

Sống trong môi trường tốt (4)
Ðã tạo tác nhân lành (5)
Ðược đi trên đường chánh(6)
Là Phước Ðức lớn nhất.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Đêm Bảo Tàng Châu Âu

Đêm Bảo Tàng Châu Âu

(Ảnh của Nhà bảo tàng/NBT Trung cổ Cluny Paris)

Tối thứ bảy 14 tháng 5 2022 là Đêm Bảo Tàng Châu Âu lần thứ 18 tại Pháp.

Đêm Bảo tàng Châu Âu là một đêm mà rất nhiều Nhà bảo tàng châu Âu đặc biệt đồng loạt mở cửa và đa phần là miễn phí. Chương trình kéo dài suốt cả buổi tối (có nơi đến 1h hoặc 2h sáng), nhằm khuyến khích công chúng, đặc biệt là lớp trẻ và các gia đình đến thăm những nơi lưu giữ di tích. Sự kiện này đã bắt đầu tại Pháp từ năm 2005.

Đôi dòng lịch sử

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI TU TẬP ĐÚNG

 

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI TU TẬP ĐÚNG

Người tu đúng là tiền của, cái ăn, cái mặc tuy không giàu như người đời nhưng lúc nào cũng có đủ, người ấy không tham, không hưởng thụ, và lấy đời sống đơn giản và thanh bạch làm nguồn vui.

Tu tập, một cụm từ mà chắc hẳn quý vị nghe cũng đã nhiều, tuy nhiên cái biểu hiện rõ nhất của người có tu không phải là vốn kiến thức Phật Pháp tích lũy được, mà chính thái độ sống của người đó được toát ra từ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý .

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

70 năm Nữ Hoàng Anh tại vị

70 năm Nữ Hoàng Anh tại vị


Một số nhà nghiên cứu và bình luận xã hội nói rằng hiện giờ, tại thời điểm những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 mà chúng ta muốn biết và nghiên cứu những gì hư hư thực thực, điều gì đó pha trộn giữa những câu chuyện cổ tích thần tiên và hiện thực cuộc sống thì hãy bỏ thời gian nghiên cứu và chiêm nghiệm về cuộc đời của Nữ hoàng Anh quốc, Elizabeth II.

Đầu tháng hai 2022 vừa qua, gia đình Hoàng gia, Anh quốc và các vùng lãnh thổ dưới quyền cai trị của điện Buckingham đã tổ chức lễ mừng 70 năm Nữ Hoàng Anh tại vị ngai vàng. Và ngày 21/04/2022 vừa qua, Nữ hoàng đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 96 của mình.

Sinh ra và được nuôi dưỡng trong gia đình hoàng tộc nhưng khác với một số gia đình hoàng gia trước đây, tức là con cái thường bị gửi cho vú nuôi và quản gia chăm sóc, tuổi thơ của bà trôi đi trong giàu sang nhưng ấm cúng tình gia đình, gần gũi với cha mẹ, nhất là cha, người sau này sẽ trở thành Vua George VI của Anh quốc (do anh trai của ông là Vua Edward VIII đã thoái vị). Bà trở thành người kế thừa trực tiếp ngai vàng Anh quốc khi lên 10 tuổi.

Năm 1947, bà thành hôn với người anh họ, là Hoàng tử Hi Lạp bị truất ngôi và có bốn người con.

Khi trở thành người thừa kế ngai vàng Anh quốc, ngay khi còn ở tuổi vị thành niên và đúng dịp cuộc Đại chiến thế giới thứ II xảy ra, bà đã lên Radio kêu gọi người dân Anh quốc hãy cùng đồng lòng để bảo vệ đất nước.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

Phố Mèo đi Câu ở Paris

Phố Mèo đi Câu ở Paris

Nói Paris cái gì cũng có, và khi Paris đã nói đến thì thường là những thứ có lịch sử từ rất lâu đời.

Ví như câu chuyện liên quan đến con phố Mèo Câu cá

Phố Mèo Câu cá (nguyên bản : La rue du Chat-qui-Pêche) là một con phố nằm trong khu Sorbonne (Latin) thuộc quận V Paris. Con phố bắt đầu từ số 9, đường kè Saint-Michel (gần đối diện Nhà thờ Đức bà Paris) và kết thúc ở số 12, phố  Huchette, với độ dài 28m.

Với một độ rộng chừng 1,8m, đây có thể coi là một trong những con phố hẹp nhất Thủ đô Pháp (vì có một con hẻm/sentier des Merisiers, nằm trong quận XII chỉ rộng 90 cm).

Lịch sử

 Phố Mèo đi Câu được hình thành vào năm 1540, khi đó phố chạy thẳng đến sát mé sông Seine. Thoạt đầu nó có tên « phố Buồng tắm hấp » (rue des Étuves), «hoặc hẻm Buồng tắm hấp » (ruelle Étuves), sau đó là “phố Con Cáo » (rue du Renard) (cần phân biệt với rue du Renard hiện tại nằm ở phía bên kia sông Seine), hoặc thậm chí là "rue des Bouticles", «rue de Neuve des Lavandières»…, và mãi sau đó mới có được tên hiện tại như bây giờ.

Nếu con phố này nổi tiếng vì độ nhỏ và ngắn của nó thì người ta còn tò mò hơn vì huyền thoại của nó !

Nguồn gốc của cái tên

Cái tên bắt nguồn từ một tấm biển của một cửa hiệu xa xưa có ở đó vào tầm thế kỷ XV. Cửa hàng bán đồ săn bắt cá ấy là gia sản của một người giúp việc cho đức Giám mục tên là Dom Perlet. Chuyện kể rằng ông này thích thuật luyện kim và đi đâu cũng có một một con mèo đen đi tháp tùng. Con mèo này rất thuần thục với khả năng bắt cá từ sông Seine, nó chỉ cần đập đập chân xuống kè sông là đã khiến cá từ dưới nước vọt lên bờ. Một hôm có ba sinh viên chừng kiến cảnh mèo bắt cá và tin chắc rằng chuyện liên quan đến thuật phù thủy ma quỷ, liền giết chết con mèo bất hạnh và quẳng nó xuống sông Seine. Những sinh viên này tin chắc rằng Nhà giả kim kia và con mèo đen là một, và ông ta là quỷ dữ. Con mèo đen chết, nhà giả kim biến mất… để rồi lại tái xuất hiện ít lâu sau đó : là do ông ấy đi công chuyện ở nơi xa ! Còn về con mèo, nó lại tiếp tục bình thản ngồi rình bắt cá bên mé nước như xưa. Chuyện cũng kể rằng ba sinh viên  đã hối hận vì giết con mèo nhưng lại không kể phản ứng của họ ra sao khi thấy nhà giả kim và con mèo bỗng bất ngờ tái xuất hiện !

 Chuyện thực tế hơn khi liên quan đến Mèo Câu cá thì kể rằng thời đó mực nước sông Seine thường ở mấp mé ngang tầm với nhà dân, nên mỗi khi có nước lớn, các tầng hầm rất dễ bị ngập và thời đó sông có rất nhiều cá, thế nên các chú mèo rất khoái và ra sức ngồi rình săn cá.

Đi vào trong văn học

Con phố ít được người ta để í nhưng nó đã đi vào một số tác phẩm văn học và nghệ thuật.

Nó đã được đề cập đến dưới cái tên “rue du Chat qui pesche” trong một bản thảo viết năm 1636.

Nó đã được đặt tên cho một truyện ký Phố Mèo đi Câu (La Rue du Chat-qui-Pêche) của Jolán Földes, một tác giả người Hungary, đã từng sống trên con phố này vào những năm 1930. Tên của nó được dịch theo nghĩa đen của tên con phố này: A halászó macska utcája. Trên mạng xã hội đã có những giai thoại kể rằng một số người Hungarie sau khi đọc truyện của tác giả Jolán Földes đã đi du lịch Paris và đã đến thăm con phố này.

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Đền Phật giáo Tây Tạng ở Paris

Đền Phật giáo Tây Tạng ở Paris

Tính từ nửa sau của thế kỷ 20 cho đến nay, Phật giáo có vẻ như ngày càng phát triển mạnh ở phương Tây, ở châu Âu, nhất là ở Pháp và đặc biệt là ở Paris. Phật tử muốn tìm một ngôi chùa thờ Phật  trong vùng Paris không còn quá khó khăn, những ngôi đền cũng theo trào lưu này mà hình thành. Trong đó có ngôi đền là trụ sở của Trung tâm Kagyu Dzong của Phật giáo Tây Tạng, nằm trong khuôn viên của Chùa Vincennes (Kagyu Dzong tiếng Tây Tạng có nghĩa là Luồng Ánh Sáng tinh khiết). Đây có thể nói là một trong những ngôi đền đẹp, trang trọng và có những hoạt động Phật giáo năng động nhất ở Paris.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Chùa lớn ở rừng Vincennes Paris - nơi thờ xá lợi Đức Phật

Chùa lớn ở rừng Vincennes Paris - nơi thờ xá lợi Đức Phật


Chùa Lớn ở trong rừng Vincennes, gọi tắt là Chùa Vincennes, thuộc dịa phận quận 12 Paris, là trụ sở của Liên đoàn Phật giáo Pháp. Nơi đây có tượng đức Phật cao nhất châu Âu và nhất là có thờ xá lợi Phật, được nước Thái Lan tặng cho nước Pháp. Cũng trong khuôn viên chùa, ta còn thấy có Đền Phật giáo Kagyu-Dzong của Tây Tạng, được xây dựng trong những năm 1983-1985.

Đôi nét về lịch sử Chùa

                                        

Ban đầu, đây là hai trong số những di tích còn lại của cuộc triển lãm thuộc địa năm 1931,  “Tòa nhà Cameroun" và "Tòa nhà Togo". Trong khu đất rộng 8.000 m2 ở bên bờ hồ Daumesnil, đây là hai tòa nhà có kiến ​​trúc đáng chú ý, được Louis-Hippolyte Boileau và Charles Carrière thiết kế.

Tòa nhà uy nghiêm và lừng lững nhất là Tòa Cameroun, cao 28 mét và đã được trùng tu lần đầu tiên và chuyển thành chùa để làm nơi thờ cúng vào năm 1977, được trùng tu lần thứ hai vào năm 2015. Tòa nhà thứ hai, vốn là Tòa nhà Togo, đã được Thành phố Paris có quy hoạch trùng tu, nơi đây sẽ là một thư viện, nơi cất giữ các văn bản liên quan đến các truyền thống đa dạng của Phật giáo.

Chùa được khánh thành ngày 28 tháng 10 năm 1977 với sự có mặt của ngài Jacques Chirac, khi ấy là Thị trưởng thành phố Paris. Năm 1977, nơi đây được Viện Phật giáo Quốc tế quản lý, một tổ chức do cựu Bộ trưởng Jean Sainteny thành lập vào năm 1969. Tổ chức này tự giải thể vào năm 2003 và Chùa Vincennes được Liên đoàn Phật giáo Pháp tiếp quản sau đó. 

Kể từ khi thành lập, Chùa Vincennes đã được nhiều trường Phật giáo vùng Paris lấy làm địa điểm hoạt động nhưng không có nhà sư nào trụ trì. Chùa là nơi thờ phụng chung, thờ tượng Phật lớn nhất ở châu Âu. Tượng Phật này được dát vàng lá và nếu tính cả đế thì cao hơn 9 mét. Địa điểm này hiện thời vẫn là tài sản của thành phố Paris. Xá lợi Phật trước được cất giữ tại đền Wat Saket ở Bangkok nay được ngài Somdej Phra Buddhacharn, Trưởng ban Giáo hội Tăng già Thái Lan là đại diện tặng cúng dường cho phương Tây. Như vậy, nơi đây trở thành Trung tâm tâm linh Phật giáo Châu Âu.

Ngày tiếp nhận xá lợi đức Phật

Vào ngày 17 tháng 5 năm 2009, xá lợi Phật được đặt trong một bình pha lê tròn, gắn trong một khán vàng hình ngôi chùa Thái, được điêu khắc hết sức tỉ mỉ và tinh vi, đặt trên trên một chiếc kiệu rực rỡ do bốn người đàn ông khiêng tiến vào chùa. Kể từ đó các Phật tử và khách tham quan có thể nhìn thấy xá lợi Phật được đặt bên dưới bức tượng chính. Xá lợi này không ở tại chỗ một cách vô thời hạn, bởi có thể có những Trung tâm Phật giáo khác sẽ mượn trong một khoảng thời gian nhất định. Hòa thượng Chao Khun Dhammasitthinayok, cùng phái đoàn gồm các nhà tu hành và quan chức Thái Lan, đã chuyển Xá lợi đến Paris vào dịp Đại lễ Vesak 2552 (2009).

Hành trình xá lợi đến Pháp: từ Ấn Độ đến Pháp, qua đường Thái Lan

Vào cuối thế kỷ 19, ở Ấn Độ có một bảo tháp thuộc về dòng tộc Shakya bị sụp đổ, tại đó người ta phát hiện ra những xá lợi đích thực của Đức Phật, đã được lưu giữ từ hơn hai thiên niên kỷ. Vào thời điểm đó, Ấn Độ và gần như toàn bộ châu Á đã bị đô hộ và thống trị, Thái Lan là quốc gia Phật giáo duy nhất không bị sống dưới ách kiềm tỏa ấy nên ngài G. N. Curzon, khi ấy là Thống đốc Toàn quyền Ấn Độ, cựu Đại sứ ở Vương quốc Xiêm - đã trao gửi những xá lợi quý giá ấy cho quốc gia này.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

TỪ ĐÓ CÓ BÌNH AN

 TỪ ĐÓ CÓ BÌNH AN

- Vì biết trong ta có cả đen lẫn trắng, không khước từ đen để hãnh diện vì mình trắng, không quá vui khi mình trắng mà cay đắng lúc mình đen - từ đó có Bình An.

- Vì biết nhìn người và vật không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng - từ đó có Bình An..

- Vì biết cảm hóa người khác là chuyện không dễ dàng, không quá mong mỏi người khác thay đổi theo ý mình - từ đó có Bình An.

- Vì biết không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè - từ đó có Bình An..

- Vì biết nhìn vào trạng thái tâm trước khi nói - từ đó có Bình An

- Vì biết sống trên cái lưỡi khen chê của thiên hạ là luôn nô lệ giá trị bên ngoài và bị tha hóa, nghe gì cũng ''Thôi Kệ!'' - từ đó có Bình An..

- Vì biết đánh giá tình cảm của con người không chỉ nhìn qua hành động tạm thời trước mắt, mà qua hoạn nạn mới rạng chân tình - từ đó có Bình An..

- Vì biết chắc chắn ta sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết. Trừ bậc Thánh, chẳng một ai thoát ra ngoài cái quy luật muôn đời ấy - từ đó có Bình An..

- Vì biết chịu trách nhiệm những hành động thiện ác lớn bé trong tam nghiệp của mình, - từ đó có Bình An..

- Vì biết Khổ đau đi theo sau Hạnh phúc như bóng dõi theo hình, không nhọc nhằn đeo đuổi hạnh phúc nữa - từ đó có Bình An..

- Vì biết bất cứ điều gì hễ có khi bắt đầu sẽ có lúc kết thúc - từ đó có Bình An.

- Vì biết cái có thể mang theo được ở cuối con đường sinh mệnh đó là Tình Thương, Trí Tuệ và Nụ Cười, mỗi ngày sống với ba điều đó - từ đó có Bình An...

Vì biết trong ta có cả Bùn lẫn Sen, có cả Ác quỷ lẫn Thiên thần, không quá thích sen mà chối bỏ bùn, không vì yêu mến thiên thần mà hận thù ác quỷ - từ đó có Bình An.

Như Nhiên.

 

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Trung Vũ hầu Gia Cát Lượng: Tài đức song toàn

 

Trung Vũ hầu Gia Cát Lượng: Tài đức song toàn (P.1)

Trường Lạc | DKN 17/01/2022 631 lượt xem

https://www.dkn.tv/van-hoa/duc-do-van-vo-song-toan-cua-trung-vu-hau-gia-cat-luong-p-1.html

Gia Cát Lượng là một nhân vật tài đức mẫu mực trong lịch sử. Ông là hiện thân của trí tuệ và được hậu thế tôn xưng là Thánh để thờ phụng. Trong suốt cuộc đời, Gia Cát Lượng dùng toàn bộ tài trí của mình tận trung với đất nước. Sau khi mất, ông được thụy phong là “Trung Vũ hầu” – danh hiệu hoàn mỹ nhất dành cho quan viên thời cổ đại.

Lòng trung nghĩa tỏa sáng ngàn năm của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng có 14 năm giữ chức thừa tướng. Trong đó, đặc biệt nhất là mười hai năm ông phò tá Hậu chủ Lưu Thiện, xây dựng một nước Thục hùng mạnh từ xuất phát điểm không chút ưu thế. Đỗ Phủ tại bài “Thục tướng” viết về Gia Cát Lượng có những câu thơ ca ngợi sự tận tâm của ông như sau:

“Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triều khai tế lão thần tâm.”

Diễn nghĩa:

Ba lần đến thăm khiến ông phải phiền muộn suy nghĩ kế sách thiên hạ
Tấm lòng của bậc công thần khai quốc làm nên sự nghiệp cho hai triều đại

Tranh vẽ Gia Cát Lượng. 

“Ba lần đến thăm” mà Đỗ Phủ nhắc tới là nói ba lần Lưu Bị tìm đến nhà Gia Cát Lượng để mời ông ra giúp sức. Trong số ba nước phân chia thiên hạ lúc bấy giờ, Thục quốc là quốc gia yếu nhất với đất đai nghèo nàn, dân chúng bần tiện thưa thớt. Nói cách khác, điều mà Lưu Bị phó thác cho Gia Cát Lượng chính là trọng trách xây dựng và duy trì cả một vương triều.

Kỳ thực, bản thân việc dựng lập và cai trị Thục quốc vào thời điểm đó đã là vô cùng khó khăn vất vả, mỗi bước đi đều phải trải qua đầy chông gai. Bởi lẽ lãnh thổ của Thục quốc là vùng Ích Châu mà Lưu Bị tiếp quản từ Lưu Chương. Nơi đây vốn là mảnh đất xấu, người dân nghèo khổ, cảnh sắc điêu tàn, đi tới đâu cũng chỉ thấy cỏ dại và đói kém. Vậy nên, việc có thể biến Thục quốc từ một nơi hoang phế thành một quốc gia thịnh vượng cũng đủ cho thấy tài năng hơn người của Gia Cát Lượng. Ông đã lấy đất của một châu, lấy sức dân vỏn vẹn mười vạn người để chống lại Tào Ngụy, hợp nhất Đông Ngô. Đối với Lưu Bị, Gia Cát Lượng có thể nói là hết lòng trung thành, tận lực phò tá. Ông luôn tự lấy mình làm gương mà hành xử, là một nhân tài đáng quý khó tìm.

Những người đầu tiên ca ngợi lòng trung nghĩa của Gia Cát Lượng là vua quan của nước Thục. Sau khi ông mất, Lưu Thiện (người kế vị Lưu Bị) đã biểu dương Gia Cát Lượng trong chiếu thư như một vị công thần khai quốc hết lòng giúp vua xây dựng và cai trị đất nước. Chúng đại thần khi dâng tấu thỉnh cầu Lưu Thiện lập đền thờ cho Gia Cát Lượng cũng viết: đức hạnh của Lượng vang danh khắp chốn, từ khi dựng nước cho đến cuối đời ông đã lập nên vô số công trạng. Đối với hoàng tộc, ông không có chút nào thiếu sót. Còn đối với chư hầu, ông chính là chỗ dựa cho cả triều đình.