Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

LÀM DÂU NƯỚC PHÁP- CUỐN TỰ TRUYỆN VIẾT BẰNG TRÁI TIM

LÀM DÂU NƯỚC PHÁP- CUỐN TỰ TRUYỆN VIẾT BẰNG TRÁI TIM
(Tạp chí Sông Hương Số 323 - Tháng 01.2016)
http://www.tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p4/c18/n22253/Lam-dau-nuoc-Phap-cuon-tu-truyen-viet-bang-trai-tim.html

 Có những cuốn sách khi đọc ta như được dẫn dắt vào một thế giới huyền bí của tâm hồn, trái tim và khơi dậy lên bao khát khao mơ ước -  "Làm Dâu Nước Pháp" của nữ nhà văn Hiệu Constant (Lê Thị Hiệu) là một cuốn tự truyện như thế.
Cuốn sách có 13 chương- Mỗi chương nói về một dấu ấn khác nhau trong cuộc đời người phụ nữ mà đam mê, cơ duyên và tình yêu đã đưa chị đến nước Pháp. Các sự kiện được xâu chuỗi với nhau trong một lối kể chuyện hồn nhiên dí dỏm hết sức chân thực. Nhà văn bộc bạch nỗi niềm và những trải nghiệm của mình với bạn đọc bằng ngôn từ giản dị mà đa thanh sắc, giọng điệu linh hoạt làm cho cách kể  chuyện của chị trở nên  rất cuốn hút.
Nhan đề cuốn tự truyện đưa người đọc vào một thế giới vừa gần, vừa xa. Gần là chuyện làm dâu. Bất kể người phụ nữ nào khi xuất giá theo chồng đều là đi làm dâu - mà nhà văn gọi một cách bông đùa là "Khoác áo sang nhà khác". Xa là chuyện làm dâu không phải ở xứ mình mà là xứ người. Trước Hiệu Constant không phải chưa ai từng viết về chuyện đi làm dâu ngoại quốc, nhưng điều đáng trân trọng ở cuốn tự truyện này là nhân vật Tôi- tác giả -ngoài mang trong mình thân phận làm dâu con một gia đình người Pháp còn trở thành người mang sứ mệnh gắn kết hai nền văn hóa, hai dân tộc, hai miền đất trong yêu thương.Chị đã cố gắng bằng mọi khả năng để mình và nền văn hóa đã sinh thành ra mình hòa nhập nhưng không hòa tan trong mối quan hệ riêng- chung hài hòa.
Làm Dâu Nước Pháp mở ra trước mắt người đọc một chân trời mới. Theo bước chân nhà văn và gia đình nhỏ của chị, từng địa danh cụ thể dưới ngòi bút tài hoa  lần lượt hiện ra trong thế giới tưởng tượng của người đọc. Từ kinh đô ánh sáng Pari đến Normandie, Touraine, Yonne... say đắm lòng bao lữ khách dạo chơi bằng văn chương. Thiên nhiên cảnh vật nước Pháp hiện lên tuyệt mĩ và tráng lệ với Mũi Trévignon- bãi biển với con sóng to gầm gào, muôn vàn cánh hoa đào vừa nở, những cánh đồng nho xanh mướt làm nên thứ rượu vang sang trọng và nổi tiếng khắp thế giới, hoa hướng dương vàng rực một góc trời,  ngôi nhà thờ cổ già nua, con đường đầy tuyết phủ  lấp lánh như dát kim cương khi ánh nắng ban mai rọi chiếu. Và gió tramontane  - giống như mưa dầm xứ Huế hồn nhiên thổi, cồn cào da diết trong nỗi nhớ người đi... Điều đặc biệt là nhà văn miêu tả về những miền đất ấy gắn với yêu thương và kỉ niệm của tình yêu lớn đời chị - hai đứa con bé bỏng Bin và Hà. Vì thế  cảnh vật, con người hiện lên như chị đang chụp lại còn bạn đọc đang xem một cuốn nhật kí sinh động bằng ảnh.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Ẩm thực Việt trong mắt người Pháp



Nhiều người Pháp và Việt kiều chúng tôi vẫn thường nói Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong tâm thức và cái nhìn của người Pháp. Từ lịch sử cho đến văn hóa. Từ trang phục cho tới ẩm thực. Với rất đông người Pháp hiện nay, dù đã hoặc chưa một lần đến Việt Nam, dù quan tâm hay không quan tâm đến lịch sử và mối quan hệ của hai quốc gia Pháp – Việt trong quá khứ, thì hiếm ai không biết khi nhắc tới hai món Nem và Phở. Quả vậy không khó khăn gì để tìm ra một nhà hàng Việt ở Paris và trên khắp các thành phố xa xôi của nước Pháp. Marguerite Duras, nữ văn sỹ nổi tiếng của Pháp cũng đã rất gắn bó với ẩm thực Việt. Trong một phóng sự dài về bà được phát trên truyền hình Pháp mà tôi đã được xem, nhiều hình cảnh cận cảnh những chai nước mắm, những bánh đa nem, và các gia vị để nấu món ăn Việt trong bếp nhà bà, và bà còn nói cách nấu từng món như thịt rim, tép rang…! Thật xúc động và chính tay nữ sỹ đã trổ tài nấu món ăn Việt. 
Cũng trong một chương trình Radio, tôi được nghe nữ minh tinh màn bạc Jeane Moreau kể về chuyện bà nấu món Phở. Bà giảng giải cặn kẽ từng thứ gia vị cho vào nồi nước Phở, cách ninh xương, cho dù chưa thật đúng cách nấu phở truyền thống của Việt Nam, nhưng cũng khiến tôi khâm phục và ngưỡng mộ…

RỈ RẢ VỚI “CÔN TRÙNG”

Giới thiệu tiểu thuyết đầu tay “Côn Trùng” của Lê Thị Hiệu- nhà xuất bản Phụ Nữ.



Tôi nghe em nói đến tiểu thuyết đầu tay của mình khi viết những dòng cảm xúc về Quê hương trỗi dậy.
Và tôi đã chờ đợi nó. Chờ đợi để được trân trọng nâng niu những tình cảm, suy tư, những ký ức của một người bạn, một người em, một đồng bào nơi đất khách quê người.
Nó đây rồi, những tâm huyết ấy, những yêu thương dồn nén trong em tự bao năm.
Chúc mừng Hiệu Constant, bây giờ em không những là một dịch giả nổi tiếng, niềm tự hào của TNN. Em thực sự đã là một nhà văn chuyên nghiệp!
Dễ có đến hơn 20 năm rồi tôi đã không đọc một cuốn tiểu thuyết nào.Công việc, vui chơi, Internet và TV… đã chiếm hết thời gian. Vậy mà tôi đã đọc liền một mạch 124 trang “Côn trùng” trong một buổi tối. Đơn giản “vì đó là em”, đó là tác phẩm của bạn mình. Đọc xong, thấy hiểu em hơn mà dường như lại xa em hơn. Có thể là do cảm giác mến phục chăng? Quả thật, đôi khi sự mến phục nâng người ta cao hơn, xa hơn….

Truyện của em là những hồi ức đan xen được ghi lại qua những lời đôi khi là tâm sự, đôi khi là tự sự, những độc thoại nội tâm gần như hồi ký và nhật ký được viết dưới dạng lời thoại của tác giả với một bác sỹ tâm lý- nhân vật có mà không tồn tại, chỉ là người em tưởng tượng ra để trút bầu tâm sự mà thôi.


HỐN QUÊ
Văn của em là những hồi ức đưa ta về cội. Tôi như chìm vào những lâng lâng của cô bé trong lần đầu tiên khoác áo sinh viên trở về làng . Cũng chỉ là những hình ảnh đặc trưng nhất về làng quê thôi : lũy tre xanh, khói lam chiều, bếp lửa hồng, cánh đồng lúa thì con gái, cánh cò trắng đơn lẻ…Trên cái nền quê ấy là em, cô bé thôn quê nhảy chân sáo trên đường thôn. Cái đáng quý là sau bao năm tháng giữa Paris phồn hoa, cái chất quê ấy trong em dường như vẫn còn nguyên vẹn. Và em vẫn tự hào mà hồi tưởng về nó. Không biết đến giờ em còn thích thọc tay sâu xuống lớp bùn tanh, nhầy nhụa như xưa không, nắm bùn mà em đã «mân mê trên tay, bắt con cào cào dính lên» để nhìn ngắm trong hạnh phúc.
Xa quê bao năm rồi mà vẫn còn đó nguyên vẹn trong em hương vị của “những lát bánh đúc mỏng tang, ròn ròn, càng nhai càng đậm đà, thỉnh thoảng nếu may mắn có cả viên lạc bùi bùi”.
Tôi gọi những tình cảm ấy trong em là “ hồn quê”, thứ tình cảm luôn chất chứa đầy ắp trong lòng của đứa con xa quê để rồi lúc nào em cũng thấy thiếu vắng nó và muốn đi tìm lại. Vì hồn quê ấy, em đã đổi bánh mì kẹp thịt, táo và đùi gà rán cho những đứa trẻ chăn trâu để lấy những củ khoai, bắp ngô nướng rồi ngồi bệt xuống bờ đê mà ăn…Bao giờ tôi cũng làm được như em, dù tôi vẫn đang ở ngay trong lòng đất nước ?
Thì ra em và tôi cũng có nhiều sở thích giống nhau nhỉ. Mình cùng thích nhìn mẹ rửa lá dong, chuẩn bị gạo để gói bánh chưng, ngồi bên mẹ trông nồi bánh chưng đến hai ba giờ sáng, đi chợ phiên với mẹ, rải chiếu bên hiên nhà cùng mẹ ngóng ánh trăng. Thích ra đồng giúp mẹ cấy lúa, trồng khoai, «thích nhìn sự lớn lên của những luống cải xanh hay những củ su hào to như những chiếc bát con cứ to dần lên dưới bàn tay chăm sóc của mình».