Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Marion, mãi mãi tuổi 13

Giới thiệu tác phẩm Marion, mãi mãi tuổi 13


Đây không phải là một tác phẩm văn học mà là một sự chia sẻ những đau đớn có thực của một bà mẹ đã mất đi đứa con mình một cách oan uổng nhất : BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG. Một cuốn sách gây rúng động tâm can, nhất là ai đã từng làm cha mẹ… Những kỉ niệm đau đớn trỗi dậy qua từng câu chữ của người mẹ trẻ. Và có lẽ những câu hỏi luôn ám ảnh các cha mẹ có con bị bạo hành học đường rằng tại sao trong chừng ấy tháng năm mà không có ai phát hiện hay đứng ra tố cáo chống lại vấn nạn hãi hùng mà các em đã phải chịu đựng trong suốt nhiều tháng trời để cuối cùng đã phải phạm điều không thể vãn hồi – tự kết thúc cuộc đời.
Mọi thứ diễn ra rất nhanh trong độ tuổi vị thành niên vốn được gọi là «bạc bẽo», chúng khó chấp nhận những gì không giống mình : Marion có những niềm đam mê khác ngoài những bộ áo quần mác sịn và điện thoại đời mới nhất, em không hút thuốc lá và luôn chăm chú trong giờ học, thế rồi một lời thóa mạ thốt ra, nhằm vào một điểm yếu nào đó của em, rồi ngày một ngày hai, những lời thóa mạ cứ tiếp tục và nhân rộng lên. Trước khi thực hiện điều tồi tệ nhất (treo cổ tự tử trong phòng ngủ của chính mình), Marion đã không hề bộc lộ gì trước các thầy cô cũng như với bố mẹ, bởi em thấy xấu hổ, bởi em không muốn bố mẹ mình thất vọng.
Cuốn sách cũng cảnh tỉnh các bậc cha mẹ nên để mắt đến các mạng xã hội của con cái như facebook, như điện thoại di động.

Cuốn sách như là một tiếng kêu đau thương của một người mẹ đi tìm câu trả lời cho hành động dại dột của con gái mình, nhưng hình như chị vẫn chỉ đối diện với những câu trả lời khó hiểu, những lời nói dối, những câu trả lời cho qua chuyện…
Đây là một câu chuyện buồn, một cuốn sách gây xúc động nhưng có lẽ sẽ khiến trẻ vị thành niên cảm thấy hứng thú đọc, bởi ít nhiều chúng thấy mình trong đó, dẫu ở trường hợp bị bạo hành hay đi bạo hành bạn bè.
Vấn đề bạo hành học đường không còn là chuyện riêng tư của một trường học, của một thành phố, một tỉnh hay một quốc gia nào nữa, mà nó đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Chắc chắn với thế giới luôn bất ổn và bạo lực có thể ập đến từ khắp nơi, từ nhà trường, ngoài xã hội, các trang mạng, điện thoại di dộng và thậm chí ngay ở trong gia đình… chúng ta khó có thể thay đổi mọi thứ trong chốc lát, và lại càng không thể thay đổi được gì nếu mong muốn thực hiện điều ấy một mình, bởi càng ngày càng xuất hiện những đứa trẻ muốn nổi lên làm « anh chị » ngay trong lòng trường học, khu phố…, chúng thích áp đặt những ý muốn của chúng lên những đứa trẻ khác. Chúng ta, thay bằng dùng đủ mọi hình thức để tránh né như chuyển trường, như chuyển nhà, kèm cặp con cái… hoặc trách cứ nhà trường hay một tầng lớp nào đó trong xã hội thì hãy cùng nhau chung tay để đẩy lùi vấn nạn này, bởi những vấn nạn này thường xảy ra khi chúng ta – những người lớn vắng mặt. Chuyện xảy ra trong hành lang lớp học, trong sân trường thậm chí là trong nhà vệ sinh…
Những cuốn sách về chủ đề bạo hành học đường này cần được phổ biến rộng rãi đến các em học sinh, các trẻ vị thành niên và cả các bậc cha mẹ, để cho các em thấy được sự đau đớn đến nhường nào khi một người bạn của chúng đã phải tự tử để thoát khỏi những quấy rối do chính các chúng bạn gây ra tại trường học.
Tác phẩm khi ra đời đã gây được tiếng vang lớn tại Pháp, và đã nhiều tuần năm trong danh sách bán chạy nhất. Sách hiện giờ đã bán bản quyền cho nhiều nước, trong đó có Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga và Hàn Quốc…
Cuốn sách cũng đã được chuyển thể thành phim, do nữ diễn viên Julie Gayet (đương kim Đệ nhất Girl French - bạn gái của đương kim Tổng Thống Pháp) thủ vai chính. Bộ phim đã được khán giả Pháp đánh giá cao và đã được đề cử các giải Lauriers de la Radio et la Télévision trong dịp đầu tháng  Hai 2017 vừa qua.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu
Paris 14/02/2017
Hiệu Constant

Sách nguyên bản : Marion, 13 ans pour toujours
Tác giả : Nora Fraise
Nhà xuất bản : Calmann-lévy
Năm xuất bản : 2015
Số trang : 192
Khổ sách : 21 X 14



Một số đoạn trích
 Trang 7
Gửi Marion
Marion, con gái yêu của mẹ, con đã tự vẫn ở tuổi 13, vào ngày 13 tháng Hai năm 2013 bằng cách tự treo cổ mình bằng chiếc khăn quàng cổ, ngay trong phòng ngủ. Bên dưới giường ngủ, người ta cũng đã tìm thấy chiếc điện thoại di động của con, được buộc vào một đầu sợi dây, cũng bị treo lơ lửng để về mặt biểu tượng mà nói, ngắt đứt mọi lời nói của những kẻ đã từng tra tấn con ở trường học bằng những lời thóa mạ và đe dọa. Mẹ viết cuốn sách này để nhớ đến con, để nói lên nỗi buồn xa vắng bâng khuâng của mẹ về một khoảng tương lai mà mẹ con chúng mình sẽ không còn chung sống và chia sẻ với nhau nữa.
Mẹ viết cuốn sách này để từ cái chết của con, mỗi người đều rút ra những bài học. Để các bậc cha mẹ tránh cho các con họ khỏi phải trở thành những nạn nhân, giống như con, hoặc những tên đao phủ, giống như những đứa đã khiến con lạc hướng. Để cho các cấp chính quyền học đường nỗ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng bị chịu đau đớn.
Mẹ viết cuốn sách này để người ta  coi việc quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm.
Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn việc làm gián đoạn cuộc đời của nó nữa.

Trang 82 83 84
Tất cả diễn ra như thể những điểm tổng kết tốt đã chắp cánh cho con vậy. Theo những gì mà mẹ đã phát hiện khi xem tài khoản Facebook của con, con đã mở xem ngày mùng 7 tháng Mười Hai, ngày nhận bảng tổng kết điểm học kì. Mẹ hình dung con đã tự nhủ : «Mẹ sẽ tự hào về mình, bố thì hài lòng, và mình sẽ tiến tới, mình làm như những đứa khác, mình sẽ thử xem.» Có thể có những ngưỡng trong cuộc đời mà ta muốn băng qua. Mẹ đã thấy, trong những cuộc trao qua đổi lại trên Facebook rằng có đứa dèm pha cơ thể của con. Chúng nói rằng con chẳng có ngực gì cả, và chúng sẽ đi xem những gì chúng sẽ xem trong phòng thay quần áo ở trường học, khi con có giờ học môn thể dục.
Con đã quay lại học môn giáo dục thân thể vào tháng Giêng. Con lẽ ra nên mặc sẵn quần áo thể thao khi đến lớp. Nhưng con lại quá điệu đàng để không thể mặc quần áo thể thao suốt cả ngày được. Vậy nên con buộc phải thay trang phục trong phòng thay quần áo.
Chính vào tháng Giêng mà có chuyện gì không ổn đã xảy ra. Những lời giễu cợt đã trở nên khó chịu đựng. Vào tháng Mười Hai, mẹ hình dung rằng con rất thích thú với Facebook. Con trò chuyện vui vẻ cùng bạn bè, con khám phá một thế giới mới mẻ. Nhưng màn báo động đầu tiên đã kịp xuất hiện, khi một đứa con trai và một đứa con gái bị đuổi học và rời khỏi trường. Một nữ bạn thân của con đã viết cho con bé ấy : « Bọn tớ sẽ rất nhớ bạn. » Và con, Marion, con đã đùa vui mà viết một câu : «« De la minute brune à la minute blonde », một trò chơi joke giữa đám con gái với nhau. Một đứa con trai lúc ấy liền nhảy vào bình luận và ném vào con một câu thật tục tĩu : « Nói lắm thì mày cũng chỉ là một con phò thôi. »
Khi ấy mẹ đã thấy con rời khỏi trạng thái Facebook, con đã chuyển về hệ « Tin nhắn cá nhân » và con đã viết cho đứa con trai kia : « Tại sao cậu lại nói tớ là con phò vậy, tớ đã làm gì cậu hả ? Cậu có nghiêm túc không vậy ? »
Kể từ lúc đó, câu ấy đã trở thành một cậu điệp trên môi con (câu cửa miệng của con). Mỗi lần con bị chửi hoặc bị hạ nhục, con đều phản ứng với câu nói đầy lo lắng và sửng người : « Cậu có nghiêm túc không vậy ?».
Đứa con trai đã nói con là « con phò » hôm đó đã đáp lại « Chỉ là đùa để cười thôi mà.» Những điều đó đã không khiến con cười. Con đã đáp trả : « Uầy, những cậu đừng có nói tớ là phò như thế nhé. »
Khi ấy là giữa tháng Mười Hai. Thế rồi con ít kể về lớp học, chuyện đã yên ắng đi một phần. Con đi chơi cùng Romain, các con đã quấn quít nhau được một thời gian rồi. Các con đã trò chuyện qua lại với nhau khá nhiều trong kì nghỉ Noel. Và ngày mùng 2 tháng Giêng, mẹ đã lái xe đưa con đến buổi hẹn hò chính thức đầu tiên với cậu ấy ở nhà hàng Mac Do. Con và Romain đã ở bên nhau hai hoặc ba giờ. Khi về nhà con đã rất hoan hỉ. Con đã kể cho mẹ nghe rằng Chloé, một người được cho là bạn của con không thích con đi chơi với Romain. Bạn ấy đã ra một kiểu như tối hậu thư : «cậu ta hay là tớ ». Mẹ nhớ là con đã tập trung vào người bạn trai của mình. Và đấy, con cứ như được chắp cánh bay lên, điểm số của con rất cao, con đi chơi cùng với bạn trai của con. Sự ghen tuông ganh ghét nơi một số bạn gái con đã phình to. Lần này thì không còn là những học sinh bị đuổi khỏi trường nhảy vào ném đá nữa. Không phải là những người mà con đặc biệt không ưa nữa. Không, lần này là những đứa bạn thân, các bạn trai và bạn gái thuộc nhóm thân thiết của con, chúng công kích con. Mẹ nghĩ rằng chính điều đó đã khiến con bị xáo trộn. Qua những tin nhắn mẹ đã đọc được trên Facebook, sự tấn công đến từ mọi phía, nhưng mẹ hình dung luồng không khí ngột ngạt khủng khiếp, cảm giác bất an nơi con, sự lo âu sầu muộn dần dần bao bọc lấy con…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét