Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Năm giải Nobel ghi dấu ấn trong lịch sử

Năm giải Nobel ghi dấu ấn trong lịch sử


Giải Nobel văn chương là hình thức thưởng công cho các tác giả mà sự nghiệp văn chương của họ đóng góp nhiều cho làng văn học thế giới. Phần thưởng quý báu này đương nhiên vinh danh các nhà văn, nhưng cũng vinh danh các nhà thơ, các triết gia, tác giả viễn xứ hay những người đối lập với đảng cầm quyền, theo di chúc của Alfred Nobel thì miễn sao tác phẩm của họ biểu thị một «khuynh hướng lý tưởng chủ nghĩa». Neruda, Camus, Hemingway, Beckett, Mann là những người có được tính thiên cảm này và họ đã ghi dấu ấn trong lịch sử của nền văn học thế giới, và viện Hàn lâm Thụy Điển.
Pablo Neruda, nhà thơ gốc Chili, Nobel 1971
Giải Nobel văn chương đôi khi lại mang một ý nghĩa chính trị. Và đó chính là trường hợp của Pablo Neruda.
Pablo Neruda là bút danh của Ricardo Eliecer Neftalí Reyes Basoalto, một trong những tác giả nổi tiếng nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của Chi-li. Ông chọn bút danh này để tưởng nhớ thi sỹ Tiệp Khắc Jan Neruda (1834 – 1891). Neruda sinh ngày 12 tháng bảy năm 1904 tại Parral, thuộc tỉnh Linares, và qua đời ngày 23 tháng chín năm 1973 ở Santiago, Chi-li. Ông là một nhà văn, nhà thơ, chính trị gia, triết gia, đồng thời cũng là một nhà ngoại giao nổi tiếng, một nhân vật quan trọng trong chính quyền Chi-li. Ông được bầu Thượng nghị sỹ năm 1945, nhưng sau đó bị buộc tội phản quốc vì đã công khai phê phán chính quyền đương nhiệm, nên phải viễn xứ. Những ý tưởng chính trị đã khiến ông quyết định về nước tranh cử Tổng thống năm 1970, nhưng tự rút lui để ủng hộ Salvador Allende, vốn  là người đứng đầu đảng Xã hội và là một thân hữu của ông. Salvador Allende đắc cử ngày 4 tháng chín năm 1970 và bổ nhiệm ông làm Đại sứ Chili tại Pháp, và chính tại đây, vào tháng mười năm 1971, ông hay tin mình đã được trao vòng nguyệt quế của giải Nobel Văn chương, nhờ khối tài sản thơ đồ sộ của ông. Ông qua đời chỉ 12 ngày sau cú đảo chính của tướng Pinochet chống Tổng thống Allende. Nguyên nhân về cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn. Vào năm 1974, trong cuốn tự truyện được xuất bản sau khi ông qua đời có tiêu đề Tôi thú nhận là tôi đã sống, có đoạn trích :

« Tôi muốn sống trong một đất nước mà ở đó không có kẻ bị rút phép thông công.
Tôi muốn sống trong một thế giới, nơi con người chỉ có tình nhân loại, mà không gì khác ngoài chức danh này, không bị ám ảnh bởi một quy định, bởi một từ, bởi một nghi thức.
Tôi muốn người ta có thể bước vào trong tất cả mọi nhà thờ, trong tất cả mọi xưởng in.
Tôi muốn người ta không bao giờ đợi ai đó nữa, trước cửa một tòa thị chính để bắt người, để trục xuất họ.
Tôi muốn tất cả cười tươi bình đẳng ra vào nhà Ủy ban .
Tôi không còn muốn bất kỳ ai bỏ trốn bằng thuyền gondole, rằng ai đó bị các xe mô tô truy đuổi.
Tôi muốn rằng số đông đông đúc, số đông duy nhất : tất cả mọi người có thể nói, đọc, nghe và thăng hoa.»

Samuel Beckett : Nhà văn và nhà soạn kịch Irlande, Nobel 1969 – Một nghệ  sỹ đi tìm sự yên lặng
«Do cứ kêu đó là cuộc đời tôi, thì rốt cục tôi đã tin điều đó. Đó là điều căn bản của quảng cáo». Samuel Becket luôn cẩn trọng tránh xa giới truyền thông và hầu như không bao giờ chấp thuận cuộc phỏng vấn nào và sự kín đáo của ông đã gần như trở thành huyền thoại, ngay cả khi được trao giải Nobel. Chính Xuất bản gia tiếng Pháp của ông, vị giám đốc Nhà xuất bản Minuit lừng danh, đã nói điều này trên đài truyền hình.
Samuel Becket sinh ngày 13 tháng Tư năm 1906 tại Foxrock, một khu ngoại ô khá giả ở phía nam thành Dublin, và qua đời ngày 22 tháng mười hai năm 1989. Sinh thời, ông viết văn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Nếu như ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và những bài văn xuôi dạng thơ, thì tên tuổi của ông lại được gắn bó nhiều hơn với thể loại Sân khấu Phi lí, mà vở Trong lúc đợi Godot (1952) là một trong những minh họa tiêu biểu nhất.
Toàn bộ sự nghiệp văn chương của Beckett phản ánh sự thấu hiểu sâu sắc về bi kịch thân phận tồn tại trên trần thế: «Anh được sinh ra trên trần gian, thì không còn phương thuốc chữa trị nữa !”, - Hamm, nhân vật chính của vở Tàn cuộc chơi (Fin de partie), đã nói thế. Cuộc đời này dẫu sao cần được sống. Bởi chính vì thế mà cuối tác phẩm Không thể gọi tên (L’Innommable), được viết : «Phải tiếp tục, tôi không thể tiếp tục được nữa, tôi sẽ tiếp tục ».
Tác phẩm là nhân chứng về đoạn kết của một thế giới. Là một nhân chứng sáng suốt trong thời ông sống, Beckett đã thông báo sự kết thúc của nghệ thuật (Trong lúc chờ đợi Godot) và đoạn cuối của một thời kỳ được ghi dấu ấn bởi tính ưu việt ở châu Âu của văn hóa Pháp (Tàn cuộc chơi), trước khi những chủ đề này trở nên được ưa chuộng. Nghệ thuật không còn có thể khiến cho thế giới đẹp lên như trong quá khứ. Một số ý tưởng về nghệ thuật đã đi đến đoạn cuối của nó. Beckett nhấn mạnh thói đạo đức giả trong Ô những ngày đẹp trời. Winnie hân hoan trong một thế giới mà mỗi ngày lại đem đến sự «tích lũy hiểu biết », trong khi trên tay Willie, bạn trai của cô, lại đang phấp phới một tấm bưu ảnh khiêu dâm.
Tóm lại, ta có thể chia cuộc đời nhà văn Beckett thành ba phần : Phần thứ nhất: những tác phẩm đầu tiên cho đến cuối cuộc Đại chiến thế giới thứ II; phần thứ hai: từ 1945 đến 1960, trong thời kỳ này ông viết những vở kịch nổi tiếng nhất; và phần cuối: từ 1960 cho đến khi ông qua đời, trong thời kỳ này, ông xuất bản ít, và văn phong của ông càng ngày càng trở nên minimaliste (một trào lưu nghệ thuật thịnh hành trong những năm 1960 tại Mỹ: đưa vào ít yếu tố nhất và làm xáo trộn vạn vật đến mức ít nhất).
Trong cuốn tiểu sử của Giải Nobel Văn chương 1969 này do James Knowlson viết, chúng ta sẽ nhận thấy rõ những ảnh hưởng và thị hiếu văn chương của Beckett (Shakespeare, Dante, Joyce, Racine, Diderot, Stendhal, Swift, Sterne ou Rabelais). Sự khám phá những thể loại khác nhau khiến Beckett say mê trong nghệ thuật, cũng như hình mẫu của ông: Beckett thừa kế sự tương đương của Joyce: “Hình thức là nội dung, nội dung là hình thức” mà sau này ông sẽ đúc kết để tận dụng lối viết và tìm kiếm những cách thức diễn đạt khác nhau.
Trong suốt cuộc đời cầm bút của Beckett, ta có thể nhận thấy rằng ông luôn không ngừng tặng chúng ta một bài học về tính ngoan cường bền bỉ, nhuốm màu khiêm nhường. Năm 1982, khi đã 76 tuổi, người ta đặt ông viết một tác phẩm, ông từ chối những vẫn nói “Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ thử sức”. Trước khi qua đời, vào tháng mười hai năm 1989, ông xuất bản những dòng viết cuối cùng của mình, một bài thơ mang tên “Nói thế nào đây”, mở đầu bằng từ “khùng điên”, và vẫn luôn luôn chăm tỉa về sự bất lực của ngôn ngữ khi muốn sao chép lại một cách trung thành một thế giới thực tế và mặt khác là kiệt lực, chết dần trong một sự im lặng mãi mãi. Chính vì thế, bền bỉ cho đến tận cuối đời, Beckett sẽ còn mãi thực hiện một cuộc dò kiếm sự yên lặng. Trong một lá thư gửi Parmela Mitchell, Beckett viết: “Ý tưởng về hạnh phúc không còn bất kỳ ý nghĩa nào với tôi nữa. Tất cả những gì tôi muốn, đó là được ở trong yên lặng.”
Albert Camus, Nobel 1957
Năm ấy Ủy ban xét duyệt đồng loạt bỏ phiếu cho Albert Camus. Nhà văn được bầu vì “với một sự nghiêm túc sắc sảo, toàn bộ khối tác phẩm đã vạch rõ những vấn đề được đặt ra trong thời đại chúng ta trước ý thức của con người”. Ông qua đời trong một tai nạn giao thông khủng khiếp sau khi nhận vòng nguyệt quế được ba năm, và trước khi hoàn thành cuốn tự truyện Người Đàn ông đầu tiên. Là một người khiêm nhường, ông không những luôn biết mình là ai mà còn thông tỏ bạn bè trong giới và thường đi trước phản ứng của họ. Giải Nobel Văn chương năm ấy đã khiến cha đẻ của Người Xa Lạ vừa thỏa mãn vừa sợ. Phản ứng đầu tiên của ông trước báo chí sau khi được trao giải: “Lẽ ra phải là Malraux được trao giải này.” Đó là phép lịch sự của một Quí ông cao thủ bậc thầy nhưng cũng là cách mà ông muốn đi trước các phản ứng ác ý mà các trí thức Paris hẳn sẽ sung sướng tung vào ông. Sâu trong lòng mình, Camus biết rõ “thế giới” ấy đã đặt ông đứng sau Malraux. Chính ông cũng thấy mình còn quá trẻ và tự đánh giá sự nghiệp còn lâu mới hoàn thiện. Ở điểm này, chúng ta có thể hơi hình dung điều gì đó qua lời nhắn gửi của ông. Ông ngỡ đã bị cạn kiệt cảm hứng. Ông đau buồn trước thảm kịch đang diễn ra ở Algérie, và những rắc rối riêng tư khiến ông lắc lư giữa sự chơ vơ cô đơn và cơn tức giận thầm kín, và điều đó đã khiến niềm ham muốn luôn sẵn sàng sống vui vẻ của ông bị giảm nhiệt. “Một xã hội Paris gièm pha chê bai, và chẳng thèm quan tâm đến Giải Nobel, giải thưởng vốn luôn khiến toàn thể châu Âu và lớp trẻ hào hứng” ông nói. Xã hội văn chương Paris thờ ơ bởi đó là một nhà văn được cho là chưa có đẳng cấp, trong khi thời kỳ ấy vẫn còn mang nặng chủ nghĩa Staline, tất cả những thành phần li khai ở Đông Âu đều sung sướng mãn nguyện. Sau Roger Martin du Gard, André Gide và François Mauriac, thì đây, ngay sau chiến tranh, ngự trên đỉnh cao vinh quang là một chàng trai bình dân đến từ khu nghèo thuộc thành phố Alger và mẹ đẻ anh ta đã từng làm nghề giúp việc nhà.
Tất cả những người được trao giải trước ông ở Stockholm đều thuộc tầng lớp quí tộc danh giá, khá giàu có để tự cho phép chờ đợi được nổi tiếng mà không quá sốt sắng. Thế thì tại sao lại là Camus chứ? Phải chăng các thành viên ban giám khảo giải Nobel đã dự đoán rằng Quán quân trẻ tuổi của họ - trẻ nhất, chỉ sau có Kipling -, sẽ qua đời ba năm sau đó ư? Một tai nạn xe hơi kinh hoàng khi ông mới chớm tuổi 47 đã chấm dứt một cuộc đời rạng rỡ và làm biến dạng một số phận. Trong bài diễn văn đọc tại Stockholm ông nhấn mạnh rằng theo ông, giải thưởng Quốc tế năm nay được trao cho một người Pháp – Algérie. Ông muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng trong số dân tộc được chỉ định dưới cái tên “Pied-noir”, bao gồm cả những ông chủ Thực dân sung túc, vậy thì hoàn toàn có thể có những người xuất thân nghèo hèn nhưng có khả năng đem lại danh dự cho Tổ Quốc mình và cả nhân loại. Trong bức thông điệp này, Camus hoàn toàn là người Algérie, và ta còn thấy điều ấy lộ rõ hơn cả trong câu trả lời đám sinh viên Algérie tại Stockholm: “Giữa mẹ tôi và công lí, tôi luôn thích mẹ tôi hơn.” Câu này có vẻ khiến một số người bị choáng, và chúng ta phải đợi đến tận tháng 5/2006 để nghe một đương kim Tổng thống Algérie, ngài Bouteflika, tuyên bố rằng sự so sánh giữa Mẹ và Công lí được Camus đưa ra đã lột tả một thứ tình cảm thực sự và sâu sắc của thuần phong mỹ tục Algérie. Cùng thời, người ta không biết nhiều về Camus lẫn các tác phẩm của ông. Nếu trên thực tế, Người Xa lạ (L’Etranger) được đọc liên tục và là một trong những tác phẩm đương đại Pháp được dịch nhiều nhất trên thế giới, thì nó đã từng bị các giáo sư đại học “tìm kiếm bới móc mổ xẻ tra tấn” hệt như một nơi chuộc tội vậy. Chỉ mới gần đây, người ta mới thừa nhận rằng, tác giả này cũng như Gide, Malraux, Aragon và Giono, là một nhà sư phạm, có trình độ triết học phong phú, ghi tên mình vào truyền thống như Montaigne, Pascal và Diderot. Nhưng người ta không thể biết Camus mà lại không liên tưởng đến Nietzsche và Dostoievski. Ông sẽ còn lấn cấn mãi với nghịch lí “Nếu chẳng có gì tồn tại, vậy thì mọi thứ đều được phép”, và trả lời cho vấn đề này, ông nói rằng đó là bởi cuộc sống không có ý nghĩa gì nên cần phải cho nó một ý nghĩa nào đó.
Phải thừa nhận rằng Người Xa LạSa ngã là những hiện tượng văn học. Người xa lạ được viết ở ngôi thứ nhất, thành quả lai tạo từ Kafka và Hemingway trên nhân vật Meursault, sự thờ ơ lạnh lùng nơi anh ta không thể dò được, sự quan sát cũng trung tính và trơn truội. Hiện giờ, người ta liên hệ cái chết của Meursault trong Người xa lạ với cái chết của Kaliaev trong Những người chính trực (Camus), nhưng với cả cái chết của Julien Sorel trong Đỏ và Đen (Standal). Các nhân vật này đã chấp nhận cái chết như họ mong muốn khẳng định sự phi lí của thế giới mà các ngài thẩm phán vùng vẫy trong đó.

Ernest Hemingway, nhà văn Mỹ, giải Nobel năm 1954: “Một nhà văn luôn cần phải cố gắng thử sức làm điều mà chưa ai từng làm...”
Khi được trao giải Nobel năm 1954, Ernest Hemingway đã thảo một trong những bài diễn văn cảm tạ ngắn nhất trong lịch sử Hàn lâm viện Thụy Điển. Nhưng đó cũng là một trong những bài diễn văn độc đáo bậc thầy nhất, trong đó tác giả đã trình bày quan điểm và cách nhìn của ông về nhà văn: “Cuộc đời của một nhà văn, nói một cách đúng đắn nhất, là một cuộc đời đơn độc[...] Tầm quan trọng của ông ta lớn dần lên dưới con mắt của bạn đọc khi ông ta từ chối sự cô độc của mình, nhưng thường xuyên tác phẩm của ông chịu nỗi đau ấy [...] Với một nhà văn thực sự, mỗi tác phẩm trong số những cuốn sách của ông ấy sẽ phải là một sự bắt đầu mới, một chuyến xuất phát mới về phía điều gì đó ngoài tầm với. Ông ta luôn phải cố gắng thử sức thực hiện điều gì đó mà nó vẫn còn chưa được thực hiện bao giờ, hoặc đã có một số người thử nhưng không thành công. Thế nên, đôi khi gặp nhiều cơ may, ông ta sẽ thành công.”...
Tác phẩm Thời đại chúng ta (In Our Time) là một tác phẩm ngắn về cuộc Đại chiến Thế giới lần I với những lộn xộn và cuộc hành hình các Bộ trưởng của Quân vương Hi Lạp... mà Hemingway đã chứng tỏ được toàn bộ sự tuyệt vời của ông tính trong nghệ thuật ngắn gọn, xúc tích. Tác phẩm được xuất bản toàn bộ lần đầu tiên vào năm 1924, trong luồng báo chí William Bird, tại đảo Saint-Louis ở Paris, chính tại nơi nhà văn trẻ Hemingway sinh sống. Trong các lần tái bản sau, truyện đã được bổ xung xen kẽ để xuất bản thành hàng loạt các truyện ngắn. Vả lại, chính vì sự xếp đặt này mà bạn đọc Pháp được làm quen trong tập Truyện ngắn hoàn chỉnh được Nhà xuất bản Gallimard/Quarto phát hành năm 1999. Những Haikus của tác giả bên kia đại dương đã gợi lại hồi ức đẹp trong sự náo nhiệt dễ kích động khôn nguôi của thời kì ấy. Kỳ tích văn chương lớn đến mức đã lấy được nụ cười của một Francis Scott Fitzgerald đang chìm vào trong một thuyết hư vô đầy hào quang óng ánh của rượu gin. “Và biết bao người trong chúng ta, dẫu vẫn rất bạc nhược [...] đã lại tìm thấy một chút hứng khởi của chính mình...” - tác giả của Gatsby ghi nhận.
Đoạn trích: “Khi ấy, chúng tôi đang ở trong vườn Mons. Chàng trai trẻ Buckley trở về  cùng với đội tuần tra của mình sau một chuyến thám thính mà cậu đã thực hiện ở bên kia sông. Người lính Đức đầu tiên mà tôi thoáng nhìn thấy thì đang leo lên bức tường bao quanh khu vườn. Chúng tôi đã đợi anh ta bước một chân qua tường rồi mới nổ súng. Anh ta mang một thứ vũ trang đặc biệt và có vẻ như đã cực kỳ bị bất ngờ, thế rồi hắn gục xuống vườn. Ba tên khác leo tường ở một đoạn hơi xa. Chúng tôi hạ gục chúng. Tất cả bọn chúng đều leo qua theo cùng một cách.” Trong phiên bản gốc, hiệu lực còn mạnh hơn nữa. Hai câu cuối là: “We shot them. They all came just like that.”
Thomas Mann, Nhà văn Đức, giải Nobel 1929
Một tượng đài của nền văn học Đức, Thomas Mann sinh ngày 6 tháng Sáu năm 1875 tại thành phố Lubeck, Đức. Ông là một trong những bộ mặt nổi trội nhất của làng văn học châu Âu trong nửa đầu thế kỷ XX và được coi như một đại văn hào hiện đại của thời kỳ suy tàn. Dần dần cắt đứt với dòng văn chương theo thể thức truyền thống, những tác phẩm của ông bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện ký, và cả lĩnh vực khoa học nhân văn, lịch sử, triết học, chính trị và phân tích văn học... Tác phẩm của ông tập trung vào nghiên cứu những mối quan hệ giữa một cá thể với cộng đồng xã hội, thường đối lập với đức tin thần linh, sự nghiệt ngã của công việc trí óc và tôn thờ hành động.
Tác giả của Cái chết ở Venise (1912) và Núi Vi diệu (1924) chính là hiện thân của một bộ phận kháng cự Đức Quốc xã. Nhận vòng nguyệt quế Nobel năm 1929, thì năm 1930 ông tung ra “lời kêu gọi quay lại với chính nghĩa” tại nhà hát Beethovensalle ở Berlin. Khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, ông buộc phải viễn xứ. Sau một chuỗi ngày tại Pháp, ông đến Mỹ và đã nhập quốc tịch nước này. Cuối  đời, ông mới quay lại Đức và qua đời tại thành phố Zurich vào năm 1955.
Liệu Thomas Man có phải là một ca điển hình của nhà văn bị sống lưu vong không? Không hẳn. Nhưng chúng ta cũng nên cố gắng hiểu những hậu quả trấn sang tâm lý của sự lưu vong ấy khi đọc những dòng mà tác giả gửi von Molo: “... Bạn đã không phải sống trong cơn ứ ngạt của con tim do tình cảnh lưu vọng gây ra, bạn không bị truất khỏi cội nguồn và phải chịu những nỗi kinh hoàng của kẻ đã bị giằng khỏi tổ quốc của mình và ném đi nơi khác...”
Tác Phẩm: Có thể nói Thomas Mann đã chỉ viết những kiệt tác và Cái chết ở Venise (der Tod in Venedig, 1912)  là một trong số ấy và đã được Dirk Bogarde dựng thành phim. Tác phẩm kể về mối quan hệ đồng tính, và đây cũng là thời kỳ mà nhà văn khám phá ra giới tính thật của chính mình. Gustave Aschenbach đã mê li trước vẻ đẹp thiên thần và sự trinh trắng của cậu bé Tadzio. Một sự quyến luyến sẽ là định mệnh của ông và kéo theo sự suy tàn của chính nhân vật ấy. Được Mann đánh giá là “một bi kịch”, tác phẩm này là sự chiêm ngẫm về cái chết, tình yêu, điều ác, nghệ thuật và văn hóa. Cái chết ở Venise bày tỏ những hoảng loạn của một người đàn ông phải đối diện trước những ác quỉ trong chính mình.
Đàm đạo về những ý tưởng tự do
Một kì nghỉ tại khu điều trị bệnh tại Davos và thảm họa của cuộc Đại chiến mà ông đã liên can khá nhiều (ông đã từng ủng hộ Đức Hoàng gia), là nguồn cảm hứng để ông sáng tác tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình Núi Vi Diệu (Der Zauberg). Tác phẩm này, được cấu thành như một sự tái tác mai mỉa của Bildungsroman (Tiểu thuyết đào tạo), làm thành một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển tri thức của ông, đánh dấu sự ra nhập với những ý tưởng tự do, sau một thời gian gần gũi với trào lưu Cách mạng bảo thủ, mà tượng trưng là tác phẩm Những suy nghĩ về một sự phi chính trị, tác phẩm quan trọng được xuất bản năm 1918. Ngoài những suy ngẫm về chính trị, cấu trúc kể chuyện của tác phẩm xen vào những suy ngẫm về nghệ thuật, thẩm mỹ, triết học, lịch sử và tinh thần và nhiều thuyết văn chương. Với các đề tài là sự suy sụp nặng nề về tinh thần, tình yêu và cái chết, với châu Âu trước cuộc Đại chiến, ông xứng đáng được vinh danh và nổi tiếng trên bình diện quốc tế. Nhưng Hàn lâm viện Thụy Điển đã trao cho ông giải Nobel Văn Chương vào năm 1929 là nhờ cuốn Les Buddenbrook (Nhà Buddenbrook). Trước sự lớn mạnh của các chủ nghĩa Cực đoan tại châu Âu, Mann đã cho xuất bản tác phẩm Mario và nhà ảo thuật vào năm trước đó, tác phẩm khơi gợi  sự nguy hiểm của những chế độ phát-xít và sự đớn hèn của tầng lớp tri thức.


Paris 18/10/2016
Hiệu Constant (sưu tầm và tổng hợp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét