Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Vĩnh biệt bố chồng tôi.

Vĩnh biệt bố chồng tôi


Vậy là mọi sự đã xong xuôi, bố tôi đã về nơi an nghỉ mà ông đã chuẩn bị trước cho mình tại khu hầm mộ của gia đình Constant.
Bố chồng tôi tên René Constant, sinh ngày 9 tháng 11 năm 1926. Quê hương ông là một thành phố nhỏ bé thơ mộng, nằm không xa bờ biển Địa Trung Hải, cách Paris chừng một ngàn km. Ông có một cuộc đời không đơn giản và nhẹ nhàng như bao người khác! Bố ông qua đời trong một tai nạn thê lương khi ông còn trong bụng mẹ. Thật khủng khiếp cho một đứa trẻ không cha ở đầu thế kỷ XX ở nước Pháp này! Mẹ ông ở vậy nuôi con. Bà đã tần tảo cả đời và mất năm 1965. Cuộc sống của những người dân tỉnh lẻ ở Pháp trong giai đoạn diễn ra giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới không hề đơn giản. Ông buộc phải nghỉ học khi mới có giấy chứng chỉ học đường, tương đương với giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông cấp II bên Việt Nam, để giúp đỡ mẹ. Quê chồng tôi nổi tiếng về nghề trồng nho làm rượu vang. Cho đến tận sau này tức vào những năm 1970 thì máy móc mới xuất hiện, còn trước đó người nông dân làm việc hoàn toàn theo lối thủ công. Cày đất bằng ngựa và thu hoạch nho bằng tay, cuộc sống trăm bề khốn khó! Ước vọng của bố tôi là theo nghiệp quân cảnh. Khi bố tôi làm nghĩa vụ quân sự, ông có thể theo nghiệp này nếu như hồi đó ông chấp nhận sang Đông Dương, nhưng nhà chỉ có một mẹ một con... Thương mẹ, ông đành từ bỏ ước mơ của mình.  

Nhưng ông có một niềm đam mê khác, và niềm đam mê ấy đã theo ông cho đến tận hơi thở cuối cùng: Đó là thể thao và làm việc trên những cánh đồng nho. Ngày xưa, một cậu bé mới 12 tuổi đã một mình đạp xe đạp cả hàng mấy chục kilômét chỉ để xem mấy phút đồng hồ của cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp! Ông mê môn bóng bầu dục, đã từng chơi và sau này đã trở thành một trọng tài kỳ cựu của môn thể thao này! Một số trong những người mà ông đã từng làm trọng tài trong các trận đấu của họ, thì sau này đã trở nên rất nổi tiếng, và họ vẫn không quên ông. Nhờ những thành tích đạt được trong thể thao, ông đã được tuyển vào ngành bưu điện. Ông cũng đã đạt nhiều giải thưởng lớn về tỉa cành nho và trong ngành bưu điện của ông.
Tôi tự công nhận là mình may mắn! Khi đi làm dâu xứ người theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khi xa cha mẹ ruột và quê hương xứ sở của mình thì tôi lại được một gia đình “khác máu”, khác cả màu da và văn hóa giang rộng vòng tay đón nhận. Quả thực, bố mẹ chồng tôi chưa bao giờ đối xử với tôi như “con dâu” mà hệt như một đứa con gái của ông bà vậy! Chồng tôi là con một, nên ông bà càng quý tôi hơn. Do tôi phải sống xa quê hương bản quán, nên ông bà càng dành cho tôi nhiều tình cảm hơn, luôn động viên tôi, nhất là khi tôi nhận được tin bố mẹ ruột qua đời. Ông bà luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho tôi đưa các con về thăm quê hương Việt Nam mỗi khi có thể. Khi tôi sinh đứa con thứ hai, tại Paris, ông bà tức tốc khăn gói lên ngay và đã ở lại giúp tôi chăm cháu lớn : đây là một điều hiếm khó ở cái nơi gọi là văn minh này! Tôi nhớ lắm! Và mỗi khi có kỳ nghỉ, tôi luôn đưa con về thăm ông bà nội.
Bố chồng tôi qua đời, đó cũng là ước nguyện của ông, bởi ông không thể chấp nhận cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác khi nằm trên giường bệnh. Ông không thể chấp nhận khi các cháu về chơi mà lại không thể lái xe đưa các cháu đi chơi...

Trong những ngày tang lễ của bố, chúng tôi đã đón tiếp nhiều người vốn chưa bao giờ gặp mặt, họ là những đồng nghiệp cũ, những người mà bố tôi một thời đã từng là trọng tài trong các trận đấu của họ. Họ cũng đã già lắm rồi, biết tin bố tôi qua đời trên một bản cáo phó đăng trên báo! Sống trên đất nước Pháp này đã nhiều năm, tôi hiểu lắm, rằng bố tôi đã sống như thế nào thì mới có những người lặn lội đường xá xa xôi như vậy để đến nhìn mặt bố tôi lần cuối và tháp tùng ông về ngôi nhà vĩnh cửu của ông! Quả là xúc động khi nghe ông Thị trưởng thành phố đọc bản điếu văn đưa tiễn bố tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Qua đám tang lễ của bố, tôi phát hiện ra nhiều điều mà trước đây tôi vẫn còn chưa biết về phong tục của “nhà chồng”.
Tôi sẽ giữ mãi hình ảnh của bố chồng, hài hước, nồng hậu tốt bụng, luôn nhìn cuộc sống bằng ánh mắt lạc quan. Bố tôi không phải là bác sỹ hay giáo sư..., nhưng trong suốt cuộc đời mình, ông là một tấm gương về sự mẫu mực, luôn phấn đấu để vươn lên, luôn làm tốt công việc được giao, không ta thán trước những phiền muộn, và nhất là luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác! Nhiều lần tôi chứng kiến khi ông chơi với các cháu nội, ông dạy dỗ các cháu những điều đơn giản mà thiết thực với cuộc sống... Thi thoảng làm như vô tình, ông đưa Bin và Hà ra những nơi mà ông đã từng “cày ruộng” trước kia, kể cho các cháu nghe cuộc sống xưa kia của ông bằng những lời dí dỏm hài hước. Ông luôn làm mọi thứ để chồng tôi thành công trong cuộc sống, và cho các con tôi sau này nữa!
Giờ đây, trong giây phút này, khi mà mọi việc tang lễ đã xong xuôi, tôi muốn nói với bố rằng ông hoàn toàn có thể bình thản để đi gặp cha mẹ của ông, vui chơi với thiên nhiên mà ông luôn vui thích khi đắm mình trong những thửa ruộng nho và những cánh đồng hoa đỏ rực, những trận gió tramontane thổi suốt bốn mùa, rằng ông sẽ mãi mãi ở trong trái tim chúng tôi!
Tôi cũng muốn thốt lên rằng cám ơn bố đã cho tôi một gia đình nhỏ bé tuyệt vời mà rất nhiều người phụ nữ khi “khoác áo sang nhà khác” hằng mong ước!

Paris tháng Ba – 2013

H. C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét