Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Giới thiệu tác phẩm Vương quốc An Nam và dân An Nam


Giới thiệu tác phẩm Vương quốc An Nam và dân An Nam


Một tác phẩm có thể coi là Sổ tay Du lịch của một quan chức Pháp được phái đến An Nam để trợ giúp chính phủ trong những năm đầu Pháp áp dụng chế độ Bảo Hộ tại Đông Dương. Cuốn sách ghi lại chi tiết những chuyến đi, thời tiết, phong tục tập quán của từng vùng trên lãnh thổ An Nam trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX.
Trích hai trang đầu :
«Vào đầu năm 1876, tôi được biết vua An Nam cần 5 viên thuyền trưởng để điều khiển những chiến hạm mà nước Pháp đã tặng cho Ngài. Tôi đề nghị được là một ứng viên cho trong những vị trí chỉ huy này và tôi đã vinh hạnh được nằm trong sự lựa chọn của Bộ Hàng hải.
Tiền lương thỏa thuận chắc sẽ đủ cho các nhu cầu của tôi và thậm chí, trong hai năm ấy (thời hạn của hợp đồng được chính phủ Pháp đảm bảo), còn cho phép tôi để dành được chút ít. Đây thì cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ của vấn đề mà thôi. Với sự thôi thúc của nước Pháp trong thời kỳ này, tôi nghĩ rằng An Nam muốn thoát ra khỏi sự cô lập  có hệ thống của mình, và tôi đã kịp hình dung thấy họ đón tiếp những người Pháp, những người mà họ muốn tuyển mộ để phục vụ cho họ. Trong những điều kiện ấy, chúng tôi phải là những người có nhiều thuận tiện để nghiên cứu về xứ sở còn rất xa lạ này, về những nguồn sản xuất của họ, những nhu cầu, và sau hai năm với những nghiên cứu thú vị và những gì mà chúng tôi đã phục vụ chính phủ họ, thì mỗi người chúng tôi đều có thể hi vọng sau này sẽ được họ ưu ái trong mọi hoạt động kinh doanh công nghiệp, thương mại hoặc nông nghiệp nào đó mà họ biết rõ về khả năng và thị hiếu, và có năng khiếu trong lĩnh vực đó. Tôi đã nghĩ như thế khi ngồi trên con tàu Tarn, từ Toulon đi Nam kì khởi hành ngày 20 tháng Năm năm 1876. Chuyến đi dài ba ngàn dặm, mà các con tàu của hãng Thư Tín (Messagerie), hiện giờ đã khá nổi tiếng nhờ giới bạn đọc, để chúng tôi có thể thực hiện chuyến đi trong ba mươi ngày. Chỉ có điều là thời gian trong chuyến vượt biển này của tôi, hầu như được dành toàn bộ để học tiếng AnNam, nên đối với tôi là quá ngắn…


Sáng ngày thứ ba mươi tám kể khi khởi hành, chúng tôi đã thoáng thấy những quả đồi thoạt tiên là phía bên phải, và trước mặt chúng tôi hình như có một dải màu xanh lục chặn đường. Chúng tôi tiến thẳng về phía trước, dải màu xanh lớn dần, trải dài và trải dài đến ngút tầm mắt hệt như một miền đồng bằng khổng lồ được cấu thành bởi bồi đắp phù sa của sông Đồng Nai và sông Mê Kông, dòng sông lớn được minh họa bởi trận đắm tàu và những bài ca của Camoes[1] trong khoảng giữa thế kỉ XVI. Một vùng đất mà hiện nay đã thuộc về Pháp, - vùng Nam kì-Hạ, đang ở trước mặt chúng tôi !...»

Phần Mục lục :
Chương Đầu tiên
Nguồn gốc chuyến đi. – Nam kì - Hạ. - Lịch sử. - Khung cảnh đất nước. - Sài Gòn. - Khí hậu. - Người An Nam. – Chợ Lớn, người Tàu. – Một buổi lễ tôn giáo. – Thăm quan chấp chính An Nam. – Khởi hành đi Đà Nẵng. – Đại cương về lịch sử An Nam. – Những tỉnh Nam kì. – Qui nhơn. – Ăn tối với viên Quan. – Tới Đà Nẵng.
Chương II
Quang cảnh vịnh Đà Nẵng. – Cuộc phiêu lưu của một thương gia An Nam. – Diện mạo quan viên. – Thủy thủ đoàn. – Thói quen, sự bẩn thỉu, thói lười nhác của dân bản xứ. -  Các nhà chức trách đón tiếp Thủy thủ đoàn tại Đà Nẵng. – Ngôi làng ở Đà Nẵng. – Nơi cư trú của một nhà quí tộc. – Cái nhìn tổng thể về Đà Nẵng, và tương lai của nơi này. – Sự tế lễ Phật. – Khởi hành đi Thuận An (cảng Huế)
Chương III
Ngành Hàng hải của người An Nam. – Quang cảnh  đất nước. – Tàu Scorpion có nguy cơ bị lạc. – Những chuyến thăm viếng. – Hạm đội An Nam (Nhân sự và vật chất). – Làng Thuận An. – Dân bản xứ (dáng điệu, trò tinh nghịch, thói giễu cợt). – Nghề chài lưới. – Chợ. – Bắn bia. – Bảo vệ Thuận An. – Sự thẹn thùng và tò mò, hoang dã và thân thiện của người An Nam.  – Thăm ngài Thị Trưởng. – Các tầng lớp dân chúng. – Hội đồng Ủy ban Thành phố. – Công chức nhà nước. – Tình trạng vệ sinh y tế. – Thuần phong mỹ tục…
Chương IV
Sông Huế (Thương – Thiên). -  Đồn lũy và những con đập (phá). – Quan viên tăng thu nhập của họ như thế nào. -  Kho và lưu vực sông. – Quang cảnh của đồng bằng Huế và ven sông. – Thuyền Tam bản. – Vườn. – Chùa chiền. – Cây Bồ Đề. – Tư tưởng mê tín của người An Nam. – Mang-cá. – Hàng nhập khẩu. – Quang cảnh thành Huế. – Những con kênh.

Chương V
Căn nhà của các Đại sứ (tòa công sứ Pháp). – Người Pháp ở Huế. – Đồng tiền. – Mua bán đàn bà. – Ngôi nhà của P. H…., thông ngôn chính thức của chính phủ An Nam. – Văn phòng trung tâm của các nhiệm sở. – Trường Thông ngôn. -  Các Bộ trưởng và quan viên cấp cao. – Việc làm và phẩm tước. – Tiền lương của quan đầu triều (Thủ tướng). – Đi dạo dưới những bức tường thành Huế. – Chuyến công du Công giáo đến Kim-Long. – Văn Hóa. – Vải Cô-tông và vải lụa tơ tằm. – Những chi tiết về Huế. – Niềm đam mê trò chơi của dân An Nam. – Dân châu Âu và Trung Quốc trước dân An Nam…
Chương VI
Một bản dịch cần mẫn. – Một dáng vẻ quan viên. – Người Tàu coi thường người An Nam. – Chuẩn bị khởi hành. - Một viên tướng. – Đi tìm … - Các tỉnh miền trung của An Nam. – Thời tiết xấu. – Hai người đàn ông lái một con tàu thủy !  Vioung-quiua. – Một vụ náo động. – Hải tặc. – Sự chia thời gian. – Vịnh Áng. – « Dang-oui » miền duyên hải. – Thống đốc tỉnh Hà Tĩnh. – Quay lại Huế. – Tấm mề-đay của đức Vua.
Chương VII
Fou-Came. – Thủ đô nhìn từ Dia-Bigne. – Dân chúng. – Tể tướng đăng đàn. – Những lời hứa. – Việc mới. – Giã biệt ở tòa Công sứ. – Chùa Đông Ba. – Ngoại ô thành Huế. – Dịch tả. – Tính cách bề ngoài của người An Nam. – Các mưu toan trộm cắp. – Khởi hành đi Đà Nẵng.
Chương VIII
Đợt công tác lần hai ở Đà Nẵng. – Tình trạng các đồng nghiệp của tôi. – Sự thấu hiểu và chương trình làm việc. – Vị quan viên ở Entrecasteaux. – Một trận cuồng bão. – Sợ của người An Nam. – Tuần dương hạm Pháp cập bến. – Tân thợ máy. – Những Đại quan viên, ủy viên chính phủ. – Mánh khóe của dân An Nam. – Đám người Pháp bị triệu tập về Huế. – Khởi hành đi Đà Nẵng.

Chương IX
Từ Đà Nằng ra Huế bằng kiệu và thuyền tam bản. – Tram (trạm). – Trà Huế. – Nam-Tung. – Ý kiến quá lố trước những phân biệt đẳng cấp xã hội. – Cửa Hải Vân. – Dãy núi Hải Vân. – Lăng cô. – Đèo Fou-ya. – Thung lũng Chân Mây. – Một mưu mẹo. – Đèo Chân Mây. – Bức thư của Vua. – Thung lũng Cầu Hai. – Từ Cầu Hai đến Huế theo những con đập (phá) và sông Fou-Cam (sông Hương ???). – Quang cảnh đất nước. – Hẹn đi săn với đức vua. – Thất bại của người Pháp. – Nạn nhân mới của dịch tả.
Chương X
Những kỹ sư An Nam. – Làng Thanh Phước và dân chúng tại đó. – Cuộc sống trên thuyền Tam bản. – Coclès mất vợ. – Vị tân quan viên. -  Lễ Phật để mong kết thúc nạn dịch tả. – Giễu đi giễu lại. – Voi tập luyện dưới những bức tường thành Huế. – Đức Vua thăm tàu Scorpion. -  Chế độ Quân chủ và chính phủ quan viên. – Thay đổi thời thế. – Sư sãi. -  Những thông tin từ Đà Nẵng. -  Những đợt  chạy thử  con tàu Entrecasteaux. – Xuất khẩu gạo.
 Chương XI
Bữa ăn, Nguồn tài nguyên quốc gia. – Đầu bếp và boy Trung hoa. – Quan hệ với Bộ trưởng và tầng lớp quan viên. – Chuyến thăm của con trai bộ trưởng Chiến tranh và của nhiều đại quan viên. – Truy tặng vinh quang cho những con người quả cảm. – Vị quan tỉnh Biên Hòa. – Chế độ đa thê, nghèo khó và bê tha. – Tư tưởng quan viên. – Đi dạo. – An táng. – Mùa mưa lớn. – Nỗi sợ chiến tranh.
Chương XII
Thay Đại biện lâm thời. – Thám hiểm nhánh tây của dòng sông. – Hình bóng của nền văn minh Trung Hoa. – Tôn giáo của các nhà sư. – Thờ cúng tổ tiên. – Tự do tín ngưỡng và tự do ca nhân bị bóp nghẹt bởi chế độ chuyên chế. – Giới quan trường. -  Thang hồ. – Van-nên. – Vườn thượng uyển. – Kiêu-toan. – Một vị quan phiền toái. – Trên vùng cao. – Những con dốc dựng đứng. – Những kẻ chèo thuyền ác ý, nỗi sợ hổ của chúng. – Trạm An Nam cuối cùng. – Khai thác rừng. – Những khu rừng cơ bản của tỉnh Huế. – Lăng tẩm các ông hoàng, vân vân…
Chương XIII
Hôn thú hợp pháp, li dị. – Thăm viếng các quan viên. – Ghen tuông, tằng tịu. – Những tin tức từ Đà Nẵng. – Quy định Hoàng gia về hàng hải An Nam. – Quan hệ của các quan viên với thuộc cấp của họ. – Tìm kiếm con tàu d’Estaing. – Chuyến đi của con tàu D’Estaing đến Biêu-cheune. – Tàu D’Estaing đắm gần biển Hà Tĩnh.  Những ngày cuối cùng ở Thuận An. – Thuyền chài. – Một hạm đội Trung Hoa nhổ leo. – Thương mại ở Huế. – Không thể lĩnh lương. – Người Pháp cặp bến con tàu Scorpion.
Chương XIV
Tạm trú ở Huế. – Dã ngoại tại Hà Tĩnh. – Những lễ hội ngày tết (Ngày đầu năm). – Dã ngoại đến Ba – Trúc. – Đón một người Công giáo An Nam. – Trồng trọt. – Hổ và bò rừng. – Thăm các dân tộc Mọi hoặc các dân tộc thiểu số hoang dã. – Quay về Huế. - Ở trong một khu nhà sấy bằng gạch. – Những tin tức từ Đà Nẵng. – Sự trung thực của các viên chức An Nam. – Đoàn tân Công sứ Pháp. – Sự chiến đóng. – Quân đội An Nam. – Sân khấu. – Tình trạng vệ sinh dịch tễ. – Một đợt dịch tả mới. – Chuyển nhà, dọn đến ở trong một cửa hàng sắt. – Những kẻ săn lùng đức vua.
Chương XV
Thám hiểm nhánh sông phía đông. – Hội kiến đức vua. – Lăng tẩm hoàng gia ở Vạn-Nên. – Buông-Tâm. – Những con đốc dựng đứng. – Trạm An Nam cuối cùng. – Con vắt. – Bằng thuyền độc mộc của người Mọi. -  Nguồn phía đông của dòng sông. – Quang cảnh đất nước. - Trở về và khởi hành. – Địa phận phía đông của tỉnh Huế. – Chân Mây. -  Từ Cầu Hai đến Huế bằng đường hoàng gia. – Đèo Cầu Hai. – Người nông dân An Nam. – Nông nghiệp. – Trồng lúa. – Cái nhìn tổng quan về tỉnh Huế (Sản xuất, khí hậu, chính quyền). – Những ngày cuối cùng ở Huế. -  Khu nghỉ dưỡng của đức vua. – Khởi hành về Pháp. – Số phận của những đồng nghiệp.
Chương XVI
Tình trạng thương mại hiện tại ở Đông Dương, và tương lai của vùng đất này.
Bảng khí tượng học liên quan đến tỉnh Huế

Tên sách bản gốc : Le Royaume d’Annam et Les Annamites
Tên tiếng Việt : Vương quốc An Nam và Người An Nam.
Tác giả : Jules-Léon Dutreuil de Rhins
Năm xuất bản : 1879
Đôi lời về tác giả Jules-Léon Dutreuil de Rhins



Jules-Léon Dutreuil de Rhins là một nhà thám hiểm và địa lí học. Ông sinh ngày 2 tháng giêng năm 1846 tại Lyon và mất ngày 5 tháng Sáu năm 1894 ở Tây Tạng. Sau khi tốt nghiệp trường Hải Quân, ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành Hải thương, sau đó mới vào Hải quân nhân chuyến viễn chinh đến Mexico trước khi lại quay về ngành Hải thương với vai trò thuyền trưởng đường dài. Ông bắt đầu tập tành ngành Địa lí học vào năm 1876 nhân việc phải liệt kê bản đồ các vùng tại An Nam. Vào năm 1881, ông dựng lại một tấm bản đồ Đông Dương thuộc Pháp, sau đó vào năm 1883, ông tháp tùng Savorgnan de Brazza trong chuyến thám hiểm vùng Tây Phi. Sau một giai đoạn tĩnh tại « án binh bất động » từ năm 1884 đến 1890, mà ông làm việc tại phòng lưu giữ Bản đồ địa chính của Hàng hải, ông quyết định tổ chức một chuyến thám hiểm vùng Thượng Á. Bắt đầu vào năm 1891, chuyến thám hiểm chủ yếu tập chung vào vùng Turkestan-đông (hiện giờ là tỉnh Tân Cương) và Tây Tạng. Tuy nhiên ông đã không thực hiện được trọn vẹn chuyến thám hiểm ấy, bởi ông đã bị sát hại trong một cuộc va chạm với người Golock gần khu Tom-Boumdo mà ngày nay thuộc tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), vào ngày 5 tháng Sáu năm 1894. Kết quả của cuộc thám hiểm này sẽ được xuất bản vào năm 1897-1898 bởi người cộng sự trẻ của ông là Fernand Grenard, dưới tiêu đề Chuyến thám hiểm khoa học vùng Thượng Á.
Jules-Léon Dutreuil de Rhins, là một nhà địa lí học chính xác và đầy tài năng, một nhà thám hiểm Tây Tạng, như Edouard Blanc đã nói về sự qua đời của ông: «Cảm tử cho ngành Địa lí học». Ông là đại diện khá tiêu biểu cho con người ở cuối thế kỷ XIX : nghiên cứu cần mẫn trong các thư viện, thám hiểm dũng cảm trên địa bàn thực tế, sẵn sàng chịu đựng và trải qua những thử thách và không để tâm lắm đến cuộc sống của chính mình miễn sao điều đó hữu dụng cho sự tiến bộ của khoa học và sự hiểu biết của những vùng đất xa lạ.
Trung Quốc đã phải trả bồi thường cho nước Pháp vì vụ ám sát Jules-Léon Dutreuil de Rhins. Chính phủ đã trích trong số tiền nhận được từ Trung Quốc để hoàn trả viện Hàn lâm Des Inscriptions et Belles-lettres một khoản là 10 000 francs (tương đương 35 000 euros hiện giờ). Và thật là một trò tò mò của lịch sử, bởi vào năm 1896 Hàn lâm viện đã dùng chính số tiền ấy, cộng với số tiền trợ cấp của mình, để tài trợ cho Fernand Foureau đi thám hiểm và chuyến này sẽ dẫn ông ấy đến nước Tchat cùng với thiếu tá Lamy vào năm 1900, và để hoàn thành sự nghiệp chinh phục vùng châu Phi-Xích đạo mà chính chuyến thám hiểm của Brazza và De Rhins đã khởi xướng vào năm 1983.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu
Paris 28/11/2017
Hiệu Constant



[1] Luís Vaz de Camões đôi khi được dịch sang tiếng Anh từ tiếng Bồ Đào Nha cổ thành Camoens ‘1524 – 1580’ là một nhà thơ người Bồ Đào Nha, ông được coi là nhà thơ vĩ đại nhất của đất nước này. Các tác phẩm thơ của Camões có thể sánh với những tác phẩm của Homer, Virgil và Dante. Ông sáng tác một lượng lớn các tác phẩm thơ trữ tình bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha và kịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét