Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

NHỮNG NĂM THÁNG LÀM ĐẠI SỨ TẠI VIỆT NAM

NHỮNG NĂM THÁNG LÀM ĐẠI SỨ TẠI VIỆT NAM
Hồi ký của ngài cựu Đại Sứ Pháp tại Việt Nam (1989 - 1993)
Tác giả: Claude Blanchemaison; Dịch giả: Hiệu Constant
NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản và phát hành tháng Tư năm 2016

Đôi lời của người dịch:
Lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm này bằng phiên bản gốc, tôi thấy thú vị pha lẫn nhiều cảm xúc. Thích thú vì khám phá ra đất nước mình dưới cái nhìn của một nhà ngoại giao nước ngoài, xúc động vì sau một khoảng thời gian mối quan hệ giữa hai nước bị gián đoạn thì hiện giờ Pháp Việt đã xích lại gần nhau hơn, một trang sử mới trong mối quan hệ giữa hai nước đã được mở, dẫu chỉ là bước đầu, nhưng cũng có một chút gì đó khó giải thích khi thấy một Đại sứ Pháp lại có những tình cảm trìu mến và quyến luyến đến nhường ấy với đất nước con người và văn hoá Việt. Sau những cuộc trò chuyện, tôi hiểu thêm về con người của ngài Đại sứ và quyết định chia sẻ và giới thiệu những suy nghĩ của ông với những người đã từng cộng tác làm việc và biết ông, và nhất là với các bạn đọc Việt Nam.
Do sự khác biệt về văn hoá, cách nhìn nhận và phân tích của tác giả đôi khi có lẽ  sẽ khiến bạn đọc Việt cảm thấy khó hiểu nên tôi quyết định mạnh dạn hỏi ý kiến ông để chỉnh sửa đôi chỗ trong tác phẩm nguyên bản và ngài Đại sứ đã đồng ý.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam của ngài cựu Đại sứ Pháp Claude Blanchemaison.

Paris tháng giêng năm 2016

Hiệu Constant

Đoạn trích:


Thân tặng
tất cả những ai đã khiến tôi yêu mến đất nước Việt Nam

Lời mở đầu
Cuốn sách này gồm những câu chuyện nhỏ mà qua đó phần nào chúng ta hiểu được những biến động lịch sử của một dân tộc. Tôi đến Hà Nội mùa xuân năm 1989, trong bầu không khí của thủ đô một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, và tháng ba năm 1993, tức bốn năm sau đó tôi rời khỏi một đất nước đang thay đổi nhờ ý chí phát triển và mong muốn hội nhập quốc tế, họ cũng muốn nâng cao vai trò của mình trong những hoạt động của cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Suy cho cùng, Việt Nam đã có một số kinh nghiệm trong việc quan hệ với các cường quốc. Sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa, vốn là đối tác chủ yếu của Việt Nam đòi hỏi phải cải tổ kinh tế và thay đổi chính sách đối ngoại. Quá trình này đã được đẩy nhanh một cách thuyết phục. Sự chèo lái con thuyền đất nước trên vùng biển động dữ dội ấy đòi hỏi sự khéo léo và tế nhị, nhất là đối với một quốc gia mới chỉ thống nhất được hơn chục năm. Tương tự Trung Quốc, một đất nước rộng lớn ngay cạnh, có nhiều nét tương đồng, nhưng đôi khi lại lại rất khác biệt, Việt Nam đã bắt đầu một quá trình hiện đại hóa và cải tổ kinh tế. Việt Nam bắt đầu tìm cách gây dựng quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia lân bang. Trong bối cảnh, Hoa Kỳ cho rằng, vẫn chưa đủ điều kiện để bình thường hóa quan hệ, Việt Nam buộc phải tìm cách xích lại gần Tây Âu, bình thường hóa quan hệ với nước Pháp, tăng cường hợp tác với nước Đức thống nhất, tìm cách thu hút các chuyên viên dầu mỏ Anh quốc và những thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu, Autralia cũng như Nhật Bản. Mục đích của Việt Nam cũng là muốn trở thành thành viên các tổ chức quốc tế lớn, mà cho đến khi ấy họ vẫn chưa đạt được. Nước Pháp muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc này. Sự hào hoa và thuần thục của người dân Việt sẽ thực hiện nốt phần còn lại.

 Thời kỳ bốn năm đảm nhiệm trọng trách Đại sứ của tôi tại một quốc gia đang chuyển mình và mở cửa ra thế giới được ghi dấu bằng hàng loạt những cuộc gặp gỡ với các nhân vật đáng chú ý, trong đó có rất nhiều người từng chiến đấu chống nước Pháp, nhưng khoảng thời gian đó cũng là lúc khám phá Hà Nội, được ví như Người đẹp đang ngủ vùi, và Thành phố Hồ Chí Minh –Người đẹp năng động; vịnh Hạ Long với thứ ánh sáng luôn biến đổi một cách kỳ ảo; đồng bằng sông Cửu Long luôn hoạt động sôi sục với vô vàn những sáng kiến. Khi băng qua Đèo Hải Vân, nằm giữa Huế - cố đô Hoàng Gia, - và Đà Nẵng - trước đây vốn là căn cứ quân sự của Mỹ, - thì ta không thể quên Hải Phòng và Điện Biên Phủ ở miền Bắc, Đà Lạt và Nha Trang ở miền Trung, Cần Thơ và Vũng Tàu ở miền Nam. Khắp nơi, đều mang vẻ đẹp hết sức quyến rũ, chỗ nào cũng đầy sức hút tiềm ẩn của một nền lịch sử sống động, của một dáng vẻ ngoại lai tinh khôi, êm dịu đáng ngạc nhiên. Tôi chẳng gặp khó khăn gì để thu hút các thương gia trên sân chơi mà nhìn chung họ còn chưa hiểu thấu đáo. Ngay cả những nghệ sỹ, nhà văn, các đạo diễn điện ảnh cũng gợi tò mò cho những khách quốc tế khác, thường xuyên mong muốn làm điều gì đó hữu ích cho dân tộc này, một dân tộc vốn đã phải chịu bao đau thương do các cuộc chiến tranh và rất gần gũi với nước Pháp trên nhiều phương diện.
Câu chuyện vậy sẽ được kể theo hướng khách quan, sự khách quan của một nhà quan sát, mà theo sự phân công công tác, đã cập bến một thế giới chẳng mấy giống với những gì người ta từng miêu tả cho ông ta nghe trước đây, nhưng cũng được kể theo một số hướng chủ quan, sự chủ quan của một Đại sứ Pháp, nhân vật mà người ta luôn đòi hỏi phải có những phân tích tình hình theo cách chính xác nhất và đưa ra những kiến nghị về cách thức hành động khả quan nhất, để có thể đem lại những kết quả cho thời kỳ ngắn và trung hạn.
Tác giả trên hết muốn bày tỏ lòng kính trọng tới những người dân Việt Nam, mà cùng với họ, ông đã trải qua bốn năm, rồi khám phá họ, trong một bầu không khí đầy xáo động. Một dân tộc đáng ngưỡng mộ và đầy sức thu hút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét