Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Hiệu Constant: Học người để tự chỉnh mình

Học người để tự chỉnh mình
Trả lời mục Quán Văn của TC VNQĐ

http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/Hoc-nguoi-de-tu-chinh-minh-6917.html

- Chào nhà văn, dịch giả Hiệu Constant. Rất vui vì được gặp chị tại không gian này. Từ Pháp, chị về Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III (tháng 3/2015) này với tâm thế như thế nào?
+ Cám ơn bạn! Từ Paris trở về nước tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần này, tôi đem theo mình tâm nguyện của một nhà văn, một dịch giả tha thiết muốn quảng bá văn học của nước nhà ra toàn thế giới, và đặc biệt là tại Pháp, nơi mà tôi đang sinh sống.
- Với tham vọng làm một sứ giả văn hóa, một cầu nối văn hóa, thời gian qua chị đã nỗ lực dịch xuôi, dịch ngược những tác phẩm văn học Việt Nam và văn học Pháp, tuy nhiên cán cân giữa hai loại dịch phẩm này của chị có vẻ không cân bằng, nhỉ? Chị có thể tường giải đôi chút về vấn đề này, được không?
+ Thật thú vị khi được người quan tâm đến công việc của mình để nhận thấy có sự khác biệt. Vâng, nguyên do của việc chênh lệch cán cân giữa hai loại dịch phẩm của tôi thì cũng dễ hiểu thôi. Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, và chỉ đến Pháp khi đã trưởng thành, và như vậy, hồi đầu vốn tiếng Việt của tôi đương nhiên là vượt trội so với tiếng Pháp. Tôi hi vọng dần dần sẽ khiến cho cán cân được trở nên cân bằng hơn.
- Đến thời điểm này, trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được bản thân dịch ra tiếng Pháp, tác phẩm nào khiến chị dịch một cách hứng khởi nhất, và ra sản phẩm tâm đắc nhất?
+ Tôi hứng khởi và tâm đắc với cuốn sách của nhà văn Hoàng Minh Tường. Một tác phẩm đồ sộ theo đúng các nghĩa của từ này. Tác phẩm đã được tôi chuyển ngữ và xuất bản vào cuối tháng 10 năm 2014 tại Pháp, và trở thành đầu sách khá nổi trong cuộc Hội sách quốc tế diễn ra tại Paris vào tháng 11 cùng năm đó.

- Tôi rất thích tham luận của dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần này, đặc biệt là phát biểu sau đây: “Không nên quan niệm rằng, tác phẩm chưa được dịch ra tiếng nước ngoài là tác phẩm không hay”. Đúng vậy, tôi nghĩ, tác phẩm được chọn dịch luôn gắn với cái duyên, luôn mang tính quan niệm, tính mục đích của người dịch, của tổ chức dịch. Không biết chị có đồng tình?
+ Vâng, câu nói mà bạn trích lại của dịch giả Chúc Ngưỡng Tu hoàn toàn không sai, và tôi cũng đồng tình với ý kiến của bạn. Để một tác phẩm được chuyển ngữ, cần hội tụ nhiều yếu tố, nhưng trên hết là cái duyên và sự hòa điệu trong quan niệm, ý tưởng giữa tác giả và dịch giả. Ngoài ra, cũng còn tùy thuộc vào tiêu chí xuất bản của từng nhà xuất bản. Đôi khi cùng một tác phẩm nhưng nhà xuất bản này từ chối in, nhưng nhà xuất bản khác lại vồ vập…
- Đường vắng của chị, với tôi, là một cuốn tiểu thuyết thú vị, giàu tính đối thoại, giàu sức phản tỉnh. Trong khi âm hưởng nữ quyền đang dậy vang trang viết của các nhà văn nữ khắp mặt địa cầu, đặc biệt là ở Pháp, nơi chị đang định cư, thì chị lại viết một tác phẩm thông hiểu, sẻ chia, bênh vực… đàn ông: "Người ta thường dễ dàng nhận ra những vết bầm tím trên thân thể người phụ nữ, chứ mấy ai nhìn thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu”. Theo tôi, loài người cứ đi từ cực đoan này đến cực đoan khác; thay vì đấu tranh cho bình quyền, hòa hợp, thân ái, chống phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, thì người ta lại đang ráo riết đòi nữ quyền. Chị có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
+ Đường vắng của tôi quả là có chủ đề khác lạ, tôi đã đi ngược dòng với khá nhiều các nhà văn khác, nhất là các bạn văn thuộc phái nữ. Bạn nói tôi “bênh vực” đàn ông có vẻ hơi “to tát”. Thực ra tôi chỉ chia sẻ và cảm thông với họ. Tôi thuộc tuýp người không muốn bênh vực ai. Cuốn sách của tôi chỉ là sự quan sát cuộc sống hàng ngày trong xã hội mà tôi tích gom được. Theo tôi, chúng ta nên bình đẳng giới dưới mọi hình thức, ví như tôi không ủng hộ phụ nữ thế giới có ngày 8/3 và phụ nữ Việt Nam còn có thêm ngày 20/10 nữa, và cũng đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách nhìn về nạn bạo hành. Bạo hành dưới mọi hình thức, và nhắm vào giới nào cùng đều đáng bị lên án. Tôi muốn gửi lời đến tất cả các nạn nhân bị bạo hành hãy dũng cảm mạnh bạo lên tiếng đấu tranh, chia sẻ nỗi đau của mình. Công cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng giới sẽ diễn ra tốt đẹp nếu như mỗi cá nhân biết tự  tôn cái tôi của mình và biết tôn trọng cái tôi của người khác.
- Dễ nhận thấy tính chất tự truyện, tự thuật trong nhiều sáng tác của chị, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Tính chất này được phơi lộ ngay từ những cái tên tác phẩm như Đời du học, Làm dâu nước Pháp, Mùa đông này con không về… Nhiều người đánh giá không cao dạng tác phẩm này nói chung, rằng tác giả chỉ biết “tự ăn mình”, quanh quẩn trong chu diện cá nhân, nghèo sức hư cấu, tưởng tượng, rằng tác phẩm khó chạm đến tầm phổ quát… Theo tôi, cái quan trọng của tác phẩm là nó được viết như thế nào, câu chuyện nó kể có sức hấp dẫn, thuyết phục đến đâu, tư tưởng được gài gắm trong đó là gì… Tôi muốn được nghe quan điểm của nhà văn Hiệu Constant về vấn đề này.

- Cám ơn bạn đã quan tâm đến những tác phẩm của tôi. Không phải ngẫu nhiên khi người ta gọi tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Đứa con thì bao giờ cũng ít nhiều mang chút hình ảnh bề ngoài, hay chút gene chìm của bố mẹ. Làm dâu nước Pháp đích thực là một cuốn tự truyện nên tôi chắc đã “tự ăn mình” từ đầu đến cuối rồi, còn những tác phẩm khác mà bạn vừa nêu là chưa chắc đâu nhé! Tôi là một người Việt sống xa quê hương, hay nói cách khác hiện giờ tôi có hai quê hương, nên trong các tác phẩm của mình tôi thường pha trộn những gam màu của cả hai quốc gia. Tác phẩm của tôi, ngoài cách dẫn dắt các nhân vật theo đúng trình tự của một tác phẩm văn học, tôi còn “trữ tình ngoại đề” với tham vọng muốn giới thiệu với bạn đọc Việt Nam chút ít phong cảnh, phong tục tập quán miền quê thứ hai của tôi.
- Nếu có thể nói một cách ngắn gọn nhất với bạn đọc Việt Nam về “đời du học”, về “làm dâu nước Pháp” từ chính trải nghiệm, suy tư của bản thân, chị sẽ nói như thế nào?
+ Muốn thành công trên xứ người, theo tôi, “nhập gia tùy tục” vẫn là yêu cầu hàng đầu, nhưng đừng bao giờ bạn đánh mất bản sắc của dân tộc mình, và đánh mất chính mình. Hài hòa được những điều đó, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn nhiều và thành công luôn nằm trong tầm tay bạn.
- Tôi thấy rõ là cực đoan, là vô lối với thái độ tự kì thị dân tộc của một số nhà văn, nhà phê bình ở Việt Nam khi họ cho rằng họ không đọc văn học trong nước vì… chẳng có gì đáng đọc (tất nhiên trừ tác phẩm và bài viết của họ). Nhìn văn học Việt Nam từ phương Tây, từ Pháp, chị bình luận như thế nào về điều này?  
+ Tôi thật không đồng tình với suy nghĩ cho rằng văn học Việt Nam không đáng đọc. Tôi luôn tôn trọng các tác phẩm của những bạn văn, và có dịp, tôi không ngần ngại đọc hết các tác phẩm được tặng, ngoài ra mỗi lần về nước tôi thường đi dạo các hiệu sách, thấy sách mới, tôi không ngần ngại mở ví. Có tác phẩm tôi tâm đắc, có tác phẩm thì chưa, nhưng có lẽ chỉ vì do tôi không đồng quan điểm với tác giả đó, nên chưa cảm nhận được cái hay của tác phẩm đó. Một lần tôi đọc ở đâu không nhớ, có một tác giả trẻ mới bước vào làng văn, mới viết được đôi truyện ngắn, đã hùng hồn trả lời trên báo rằng mình không hề đọc sách của ai hết, và thậm chí còn không đọc lại tác phẩm của chính mình!!! Sáng tạo nghệ thuật, nhất là văn chương, là cả một quá trình, một con đường dài hun hút. Tôi luôn quan niệm, “học người để tự chỉnh mình”, tác phẩm nào, dù là dở, nếu có điều kiện, ta cũng nên đọc, không đọc thì làm sao biết được nó hay hay dở, hay hay dở đến mức nào. Nhắm mắt phán mò là điều không nên, nhất là với các văn sĩ.
- Người ta đang nói nhiều đến những “cái chết” liên quan/thuộc về văn học của thế giới nói chung. Theo dõi văn học Việt Nam gần đây, tôi lại thấy đang manh nha một “cái chết”, đó là “cái chết” của “dân tộc tính” trong tác phẩm. Tôi nghĩ, đây là một xu hướng tất yếu của kỉ nguyên thế giới “phẳng”, khi người ta thay vì phải đi tận cùng dân tộc mình để gặp nhân loại thì họ có thể đi thẳng tới nhân loại. Nhưng tôi lại cứ băn khoăn thế này, đến một ngày, nếu xu hướng nói trên trở nên khả dụng, được lan tỏa rộng khắp thì dịch thuật văn học khi đó sẽ không còn mang sứ mệnh tiếp thị, quảng bá đặc sản văn hóa tinh thần của mỗi quốc gia ra thế giới nữa… Chị nghĩ sao?
+ Chủ đề này rất rộng, bàn về nó sẽ rất dài. “Nhà văn đã chết”, “người đọc đã chết”, “văn chương lâm nguy”… chỉ là những cách nói (có vẻ) thời thượng. Tôi có thể khẳng định với bạn là văn học đích thực không bao giờ “chết”.  “Cái chết” chỉ xảy ra với những tác phẩm phi văn học, hay những tác phẩm thuộc dòng “mì ăn liền” - dòng có vẻ như đang nở rộ vào thời kì chúng ta đang sống đây.  
Tôi vẫn trung thành với suy nghĩ của mình, rằng toàn cầu hóa, nếu biết gạn lọc thì chúng ta sẽ tận dụng được sức mạnh tuyệt vời của nó, nhưng đừng bao giờ đánh mất bản sắc dân tộc của mình. 
- Chị có thể đưa ra một cái nhìn so chiếu giữa đời sống văn học Việt Nam và đời sống văn học Pháp đương đại?
+ Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi quốc gia và mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng của mình. Nước Pháp có cả một thế kỉ “ánh sáng”, một bề dày văn học “khủng”. Đây là nơi có đến 15 tác giả đoạt giải Nobel văn chương. 
Nói về đời sống văn học Pháp đương đại. Pháp vẫn là một trong những nước đứng đầu thế giới về văn hóa đọc. Ở Pháp không có kiểm duyệt xuất bản mà chỉ có tác giả nào đó sẽ bị kiện ra tòa nếu như cuốn sách của anh ta động chạm, bôi xấu, vu khống một cá nhân nào đó và bị chính cá nhân đó kiện. Ở Pháp, mỗi khi sách mới của một tác giả nổi tiếng ra, nhà xuất bản sẽ tổ chức họp báo, với sự tham gia hay không tham gia của tác giả. Thường các cuộc hội thảo về tác phẩm diễn ra trong các trường đại học, do các nhóm sinh viên chuyên đề tổ chức…
- Chị có quan tâm nhiều đến Tủ sách văn học đương đại Việt Nam tại Pháp? Theo chị những tác phẩm nào của văn học đương đại Việt Nam cần được bổ sung sớm vào tủ sách này?
+ Tôi có biết về tủ sách này tại Pháp. Tôi không thể trả lời cụ thể với bạn về những tác phẩm cần sớm bổ sung, bởi nếu kể thì nhiều quá.
- Để hiện thực hóa chiến lược “xuất khẩu” văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới nói chung, theo chị, việc làm thiết thực nhất, khả dụng nhất lúc này là gì? Bằng quan sát của mình, chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm hữu ích từ việc quảng bá văn học, văn hóa ở Pháp, được không?
+ Đương nhiên vẫn là hướng đến các bản dịch tốt, đồng nghĩa với việc tiếp xúc và làm việc với các dịch giả dịch ngược tâm huyết. Làm điều này không dễ, cần phải kiên nhẫn. Cần phải chung tay cùng làm. Đa phần các quốc gia phương Tây đều ưu tiên ngân sách hàng năm dành cho việc quảng bá văn học, văn hóa của họ ra thế giới với những việc làm thiết thực. Nhà nước Pháp, cụ thể là Bộ Văn hóa Pháp và Trung tâm sách quốc gia Pháp đều dành một ngân sách nhất định để tài trợ cho việc giới thiệu sách của họ ra nước ngoài, hoặc xuất bản các tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp. Một số ấn phẩm dịch văn học Việt Nam sang tiếng Pháp đã nhận được sự hỗ trợ này.
Tôi tự hỏi, nên chăng thay vì tổ chức mời các nhà văn nhà thơ quốc tế đến Việt Nam để quảng bá văn học Việt Nam như chúng ta đang làm đây, thì chúng ta sẽ  dùng số lượng kinh phí này để hỗ trợ cho các dịch giả và nhà xuất bản nước ngoài nhằm quảng bá trực tiếp trên đất nước của họ? Liệu có thiết thực và hữu ích hơn không nhỉ?!


- Chắc đây sẽ là bước tiếp theo trong lộ trình chiến lược quảng bá văn học của Việt Nam. Chị có thể chia sẻ về một vài “đặc sản” văn hóa Việt Nam mà chị luôn muốn quảng bá, lan tỏa đến bạn bè thế giới, trước hết là người chồng Pháp và những đứa con của chị?
+ Trước hết là những thứ hết sức đời thường. Tiếng Việt đối với các con. Những bữa cơm thuần Việt. Những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ tích. Những chuyến qua lại thường xuyên nhất có thể giữa Pháp và Việt Nam. Cả một “chiến lược” dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì...
- Đích sống mà chị luôn hướng tới là gì?
+ Sống vui vẻ, bao dung và độ lượng.
- Cảm ơn chị vì đã cộng tác, giành thời gian chia sẻ với bạn đọc VNQĐ. Chúc chị luôn hạnh phúc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét