Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Những giải Goncourt bị lãng quên


Jury du prix Goncourt le 12 décembre 1933 au restaurant Drouant à Paris 
***
Hơn một trăm năm kể từ khi giải Goncourt được thành lập tại Pháp. Một giải thưởng cao quý chỉ dành cho một tác phẩm văn học đặc sắc nhất trong năm, và tác giả của nó đương nhiên dành được một vị trí trang trọng trong làng văn học, không chỉ ở Pháp mà còn trên toàn thế giới. Liệu thời gian tỏa sáng của vòng nguyệt quế vinh quang ấy có kéo dài lâu, và có dành cho tất cả mọi nhà văn Pháp hay không, thì câu trả lời có lẽ là không. Trong bảng danh sách dài các tác giả nhận giải Goncourt thì có khá nhiều đã bị lãng quên, bị tách khỏi bộ nhớ của cộng đồng. Chúng ta cùng tạp chí Expresse điểm qua một số nhân vật vang bóng một thời, chân dung, sự nghiệp cũng như đứa con tinh thần đã đưa họ lên đỉnh cao trong nền văn học Pháp.


Claude Farrère, nhận vòng nguyệt quế năm 1905 (Les civilisés)
Với tác phẩm Những người văn minh, Claude Farrère đã nhận giải Goncourt năm 1905. Tại sao lại là C. Farrère? Chính là bởi tính cách khác người của ông và hành trình đặc biệt, chúng biến ông thành một điểm khởi đầu cho sự khám phá những Goncourt bị lãng quên này.
Claude Farrère, tên thật là Frédéric-Charles Bargone sinh ngày 27 tháng tư năm 1876 tại Lyon, mất ngày 21 tháng sáu năm 1957 tại Paris. Năm 1884, ông nhập trường đại học hải quân, khi tốt nghiệp, ông được điều về Hải Đoàn Levant, dưới lệnh của Pierre Loti, - một sỹ quan hải quân đồng thời cũng là một nhà văn nổi tiếng, và sau này họ đã trở thành bạn thân của nhau. Thân cận với Pierre Loti, Claude Farrère cùng ông thường xuyên thực hiện những chuyến đi xa, đến các hải phận khác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỹ, Đông Dương...: Những nơi xa lạ thường xuyên thu hút và tạo nguồn cảm hứng cho ông.
Những người văn minh là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Claude Farrère, minh họa tình yêu đối với du lịch, sự quyến rũ của các vùng đất khác. Thiên hùng ca ngoại lai và bản buộc tội chống-thực dân chủ nghĩa, cốt truyện của ông chủ yếu định vị ở Sài Gòn, quay xung quanh ba nhân vật: Mévil – bác sỹ, Torral – kỹ sư, và Fierce – sỹ quan hải quân. Ba nhân vật này là hiện thân của một nền thực dân mục rữa, bị rày vò bởi các thói hư tật xấu và những thèm muốn miền đất Á châu. Thuốc phiện, ruồng rẫy cơ thể:  các ứng xử đạo đức tan thành mây khói khi tiếp xúc với thực tế thuộc địa.
Farrère muốn tố cáo những hệ tư tưởng chính thức và quay về với những tiền-giả định còn hiệu lực thời đó. Ai là hoang dã? Ai là văn minh? Các vai trò phải chăng đã được định nghĩa rõ ràng nhường ấy sao? Ông, người vốn thông hiểu Đông Dương, đặt câu hỏi và trả lời: “... những con người này (người châu Á) tiến sớm hơn trong thời đại chúng ta, là những người văn minh, còn chúng ta chính là những kẻ hoang dã”. Được bầu với số phiếu áp đảo, Những người văn minh đoạt giải Goncourt thứ ba trong lịch sử của nó, và trên thực tế cũng đem lại thành công nhất định.
Nếu như tác phẩm của Claude Farrère hình như thu được sự chú ý do sự khác biệt và thuyết tương đối về những giá trị phương Tây, thì chặng đường chính trị của ông lại u tối hơn. Vốn là người Quốc gia chủ nghĩa và Cộng hòa, những suy nghĩ mang tính hệ tư tưởng của ông đi thẳng đến cánh cực hữu. Bị ghi dấu ấn bởi cuộc Đại chiến thứ nhất (1914 – 1918) và trải nghiệm trấn động tinh thần trong các đường hầm hào, ông ra nhập thoạt đầu vào Hội các nhà văn chiến binh, do José Germain thành lập năm 1919, hội này tập hợp các tác giả Pháp đã từng chiến đấu trong cuộc Đại chiến. Sau đó, mọi thứ biến thoái dần. Ông cộng tác với tờ Flambeau, một tạp chí ra hàng tháng của liên minh Croix de feu, và trong những năm 1950, người ta lại thấy ông xuất hiện trong Hội bảo vệ ký ức của Nguyên soái Pétain.

Những quan hệ với hệ tư tưởng không ngăn ông được bầu vào Hàn lâm viện Pháp năm 1935, ông chiến thắng vang dội trước đối thủ nặng ký Paul Claudel với số phiếu 15 – 10. Chuyện này đã khiến François Mauriac tức giận, người này xem đây là một vụ xì căng đan chưa từng có trong lịch sử Hàn lâm viện, bởi theo ông, sự kiện này dọn chỗ cho Charles Maurras, được bầu vào năm 1938, và cuộc Cách mạng quốc gia của Pétain.
Hơn năm mươi năm sau sau khi qua đời, chúng ta còn nhớ được gì về Claude Farrère? Một giải văn chương mang tên ông, được Hội các nhà văn chiến binh thành lập từ năm 1959 nhưng đã kết thúc vào năm 2009. Sự can thiệp của ông vào án mạng nhắm vào Paul Doumer (Tổng tthống Pháp thứ 14) năm 1932, khiến ông nhận hai phát đạn vào cánh tay, thế rồi, chẳng còn gì nữa. Rất nhiều tác phẩm của ông hình như cũng bị lãng quên. Một con người và một sự nghiệp văn chương đã bị lịch sử khâm liệm. Tại sao vậy? Tại sao Farrère lại đáng bị quên lãng như thế? Câu trả lời sẽ nằm trong mỗi bạn đọc khi tìm hiểu kỹ sự nghiệp văn chương cũng như chính trị của ông.

Paul Colin, đăng quang năm 1950 (Jeux sauvages)
Sau Claude Farrère, Paul Colin cũng xứng đáng bị chúng ta nhắc đến trong bản danh sách những Goncourt bị lãng quên. Năm 1950, ông đã giật giải văn học thượng đẳng này khỏi tay một nữ văn sỹ quan trọng: Marguerite Duras.
Paul Colin sinh năm 1920, đoạt giải Goncourt khi ông 30 tuổi. Bạn đọc chỉ được biết đến một tác phẩm duy nhất khác nữa của ông là Miền đất thiên đường, xuất bản năm 1959. Dấu hiệu còn sống của ông dành cho bạn đọc là vào năm 1970 trong một đoạn băng vidéo, hiện nằm trong viện tư liệu phim ảnh Quốc gia. Trở thành một ông chủ trang trại ung dung trong một điền trang mênh mông ở miền nam nước Pháp, từ trên chiếc xe kéo thắc-tơ Fort cao ngất ngưởng, Paul Colin nhìn lại quá khứ văn chương vinh quang của mình với một sự mai mỉa giễu cợt, ông trấn an mọi người rằng mình chưa bao giờ muốn theo đuổi sự nghiệp viết lách này. Sau đó, ông biến mất khỏi tần sóng truyền thông. Tại nhà xuất bản Gallimard, nơi đỡ đầu cho các tác phẩm của ông, người ta không hề tìm thấy địa chỉ nơi ở hiện thời của ông ở đâu. Ông là Goncourt trẻ nhất bị lãng quên trong bản danh sách.
Giải Goncourt: Do ông chẳng muốn kể chuyện mình và quan hệ với giới truyền thông, chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu tác phẩm mà nó tặng vầng hào quang cho Paul Colin. Cuốn tiểu thuyết mang tên Những trò chơi hoang dã. Nhân vật chính, François Gane, một mình trong phòng và viết. Nhờ có màn đêm, những kỷ niệm bắt đầu trỗi dậy. Anh lặng ngắm, nhìn lại đời mình, những năm tháng sống ở nông thôn, những trò chơi thời con trẻ, thuở học đường, bạn gái, những cuộc chinh phục và những lần thất bại. Lúc thì cô độc, khi lại bị những người khác cuốn đi, anh chầy chật không sao tìm được chỗ cho mình trên thế gian này. Một vũ trụ in dấu bạo lực, nơi mà con người vò xé nhau còn những mối quan hệ bè bạn thì bị tan rữa đi.
Từ trẻ thơ đến tuổi trưởng thành, chỉ có những thể thức là thay đổi, còn sự hoang dã thì vẫn trụ lại. Con người không thể ngăn mình tạo đau khổ cho nhau, mong muốn là chủ sở hữu, muốn được chế ngự kẻ khác. François ra sức cố gắng bằng mọi cách để thích hợp với thế giới ấy.
Paul Colin trưng ra cho bạn đọc chúng ta một bức tranh tường rộng lớn với nhiều cung bậc của một đời người. Đôi khi hình như hơi nặng nề do một văn phong rối rắm, do sự lệch đề lộn xộn, nhưng cuốn sách tuy nhiên cũng khiến bạn đọc, như một thứ đã từng trải nghiệm, nghiền ngẫm lại những hoài niệm cá nhân của riêng mình. Ghi tên mình vào thế giới này, thì phải chiến đấu.
Một câu chuyện dài về gia đình và những giai thoại thầm kín riêng tư, cuốn tiểu thuyết của ông đã dành được ưu ái nổi trội hơn một tác phẩm tầm cỡ Đập ngăn thái bình (Marguerite Duras) - viết về một tuổi thơ khác, nhưng cuốn này lại được hậu thế lưu giữ và nhớ mãi.
Một đoạn trích: “...” “Trong các trò chơi này, Claude và Denise còn chứng tỏ hung bạo hơn cả chúng tôi. Bịch kích động đến cực điểm, các tiểu thần phá hoại nhìn sự ác độc của chính mình bằng cặp mắt khép hờ của chúng, và nhảy theo một kiểu duyệt binh thời nguyên thủy, trong lúc lẩm bẩm những câu vịnh thánh chiến binh mà có lẽ được các Hung thần sáng tác ra. Trong chuyện này, chỉ còn vấn đề các hành động tàn nhẫn đối với cha mẹ, những thế hệ trong tương lai và toàn bộ nạn nhân mà lòng ruột được họ lấy sử dụng làm những chuỗi vòng đeo tay, đeo cổ. Trong sự gợi lại những trò tra tấn tinh tế, các tiểu thần đã đạt tới đỉnh điểm của sự hoang dã.
Điều này thường xuyên được dàn trải rất muộn trong đêm, và chúng ta đã trở về sau giờ ăn tối. Chả quan trọng gì, không ai còn để tâm đến chúng ta nữa. Những con quỷ khác đã xâm chiếm lấy cha mẹ rồi, những người mà chúng ta đã kịp quên hẳn sự hiện diện của họ.” “...”

Ernest Perochon, đăng quang năm 1920 (Nêne)
Với nhiều bạn đọc cái tên này có lẽ chẳng nhắc cho bạn nhớ lại điều gì, ấy thế mà, cách đây chín mươi hai năm, Ernest Perochon đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp văn học khi giật giải Goncourt với tác phẩm Nêne.
Ernest Perochon sinh năm 1985 ở thành phố nhỏ Courlay, trong tỉnh Deux-Sèvres, Pháp, trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Ông thuở nhỏ đến trường ở làng Tour Nivelle, và từ lâu nơi đây đã trở thành nhà bảo tàng mang tên ông. Ông vào đời lập nghiệp là một thầy giáo dạy cấp I, cùng lúc ông dành thời gian sáng tác thơ ca, cảm hứng của ông tới từ cuộc sống đồng quê thôn dã và đám trẻ học trò của ông. Gắn bó với vùng quê mình, ông tìm cách truyền tình yêu của ông cho những con người bần hàn “những kẻ ăn bữa nay lo bữa mai”. Thế rồi, niềm đam mê văn chương đã trở thành nghề mới của ông! Tiểu thuyết đầu tay của ông mang tên Những vết nhà lõm, (Les creux de Maison) được đăng dài kỳ trên nhật báo Humalité, do Jean Jaurès – cha đẻ của đảng Xã hội Pháp thành lập vào năm 1912. Sau khi đoạt giải Goncourt với tác phẩm tiểu thuyết thứ hai, ông dời khỏi ngành sư phạm và đến lập nghiệp ở Niort và sống tại đó đến tận khi qua đời vào năm 1942. Sự nghiệp văn chương của ông bao gồm 19 cuốn tiểu thuyết, hai tập thơ và bảy cuốn sách dành cho trẻ em và một truyện ký.
Kịch thông tục được lên màn hình
Nêne kể lại câu chuyện về Madeleine Clarandeau, một cô hầu làm việc cho một chủ trang trại chừng ba mươi tuổi tên là Michel Corbier, góa vợ và cha của hai con nhỏ: Eulalie và em trai Georges. Dần dần, cô hầu ấy gắn bó thân thiết với gia đình, với ông chủ và nhất là với những đứa bé “luôn sợ sệt và yếm thế” mà cô coi chúng như chính con đẻ của mình. Nhưng niềm hạnh phúc bình an của cô mau chóng bị quấy dối bởi thói bủn xỉn của một kẻ hầu khác, Boiseriot, và một cô thợ may tên là Violette. Các mối quan hệ luôn bị ức chế ấy dần dần trở thành kịch tính trong một bầu không khí vốn đã nặng nề trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Vendée, nơi sống hỗn độn và luôn đối nghịch nhau giữa người Tin Lành, Công Giáo và những người “bất đồng chính kiến”, hậu duệ của Chouans – những người không bao giờ chấp nhận thỏa ước của Napoléon giữa Nhà thờ và Nhà nước. Madeleine et Corbier xuất thân từ các gia đình “bất đồng chính kiến”. Trong khi đó thì Violette, kẻ phản bội, lại thuộc Công Giáo.
Câu chuyện về Nêne đã được chuyển thể thành phim câm cùng tên trên màn hình vào năm 1923 do đạo diễn Jacques de Baroncelli, dài một tiếng mười lăm phút. Cuốn sách mà nếu tìm cũng ta sẽ thấy do nhà xuất bản Plon tái bản lại năm 1923, là một tác phẩm được minh họa theo bộ phim đó. Chúng ta sẽ khám phá thấy một sự trao đổi giữa đạo diễn phim và nhà văn: một người giải thích những lập luận của mình về những thay đổi mà ông mong muốn đem lại sự hồi hộp, con người kia, nhạy cảm trước quan điểm ấy về tác phẩm của mình, đã đồng thuận với người kia.
Một bài thơ ca ngợi sự trìu mến
Ngoài những thông tin quý báu ấy, các bức ảnh được chụp từ bộ phim minh họa cuốn tiểu thuyết, theo thể đen trắng, thì lại rất gây ấn tượng, và được bình luận như một tác phẩm ảnh, nhưng cuốn tiểu thuyết lại tàng trữ những vật báu của chính nó: ta bị quyến rũ bởi sự duyên dáng hơi cổ của trường từ vựng được sử dụng. Những miêu tả đầy tính thơ ca của miền nông thôn còn hoang sơ được Xuất bản gia so sánh một cách rất chính xác, với những bức tranh. Câu chuyện về cô hầu với tính cách vững vàng nhưng cùng lúc lại mong manh quá đỗi, cô yêu mến thực sự những đứa trẻ mà cô chăm nom đến tận mức có thể hy sinh hết thảy vì chúng. Tình trìu mến vô hạn tỏa ra từ một thế giới mà tại đó chỉ có sự bất công và tàn độc chế ngự. Sự pha trộn những cảm xúc đã biến Nêne thành một tác phẩm vô cùng xúc động... mặc dù thiếu phần kết có hậu. Trong câu trả lời dành cho Jacques de Baroncelli, Ernest Perochon đã viết: “Cái kết cục ấy, mà người ta đã thường xuyên khiển trách tôi đến nỗi mà mỗi khi nghĩ đến đoạn ấy thì tôi chắc phải thấy xấu hổ. Ấy thế mà không đâu! Tôi vẫn kiên trì trong sai lầm ấy, và tôi lao thẳng vào đó. Nếu như phải viết lại cuốn tiểu thuyết, thì có lẽ tôi sẽ thay đổi một vài đoạn trong tác phẩm, nhưng sẽ không động chạm đến những trang cuối đâu”. Bạn đọc chúng ta phải cảm ơn ông vì điều ấy.

René Maran, được trao giải Goncourt năm 1921 (Batouala)
Đoạt giải Goncourt năm 1921 cũng không ngăn được René Maran bị chìm vào quên lãng. Tác phẩm Batouala của ông chỉ trích dữ dội chế độ thực dân, ấy thế mà lại được coi như là một trong những tác phẩm đầu tiên về “thân thế và phong cách người da đen”
Giải thích thế nào đây về tác phẩm Batouala của René Baran, nhân chứng quý báu về sự chớm nở của một nền văn hóa của người Pháp da đen trong buổi đầu của thế kỷ XX và đoạt giải Goncourt thì chẳng gợi lại điều gì ở bất cứ ai ư? Chúng ta hãy thử gạt đi lớp bụi mờ bám đầy trên “tác phẩm tiểu thuyết Đen thực sự” này xem sao, đã được trao vòng nguyệt quế của giải thưởng danh giá nhất của nền văn học Pháp cách đây 91 năm.
Tiểu thuyết đầu tiên “về da đen” viết bởi một “người da đen”
Sinh ở Fort-de-France ngày 5 tháng mười một năm 1887, René Maran rời khỏi đất nước Martinique của ông khi mới sáu tuổi để đến Mẫu quốc học tập. Năm 1909, ông xuất bản tập thơ đầu tiên có tên Ngôi nhà của niềm hạnh phúc. Năm tháng ông sống ở Trung Phi, năm 1912, là một sự khám phá đối với ông: khi ấy làm việc như một quan chức hành chính Hải ngoại ở Oubangui-Chari (hiện này là Cộng hòa Trung Phi), ông khám phá ra những điều kiện sống hổ lốn của các dân tộc thuộc địa. Chính trong thời kỳ này mà ông bắt đầu viết Batouala, và được xuất bản năm 1921 tại Nhà xuất bản Albin Michel nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn hữu. Batouala đoạt giải Goncourt. Nhưng xì căng đan chẳng mấy chốc bùng nổ dữ dội. Trong phần mở đầu sách của mình, tác giả tố cáo những mối quan hệ xung đột giữa da trắng và da đen và kết tội nền văn minh châu Âu đã “xây dựng hoàng triều của họ trên những xác chết”. Chính quyền thuộc địa buộc ông phải từ chức và cấm phát hành cuốn sách của ông trên lãnh thổ châu Phi.
Batouala, một người hùng theo chủ nghĩa hiện sinh bị khủng hoảng.
Đại thủ lĩnh Batouala sống bên bờ dòng sông Nioubangui, ông là một trong những đạo sỹ thờ động vật hùng mạnh nhất của xứ sở Bandas, nơi mà thế giới truyền thống của họ bắt đầu sụp đổ. Khi thức dậy bên cạnh phu nhân, nàng Yassigui’dja kiều diễm, thì cả hàng ngàn mối lo xâm chiếm lấy ông: ông phải tổ chức lễ hội nhập môn cho các “Ga’nzas”, rồi lại chuẩn bị cho đợt săn bắn dài ngày. Ông hơi gờm trước cuộc tranh đua ngầm của chàng trai trẻ dũng mãnh Bissibi’ngui, “chú gà trống được giới đàn bà thích nhất”, hắn đã dám tỏ ý ham muốn Yassigui’nda của ông. Ông cũng lo lắng khi nhìn thấy các binh sỹ da đen nhập ngũ vào quân đội Pháp để tham gia vào một cuộc chiến vô lý giữa “trắng frandjé” và “trắng zaléman”. Họ sẽ sa vào bãi lầy nào đây? Liệu phải mong muốn chiến thắng cho phe “zaléman” chống lại những thực dân “frandjé” không?
 Người da trắng, được miêu tả như những bộ mặt kỳ cục nực cười và hách dịch, luôn khinh thường dân da đen một cách tuyệt đối và cực kỳ tàn bạo. Batouala không ngừng tố cáo sự “thâm độc của những ‘boungjous’, sự “tàn ác và tham lam của họ”. Dẫu có những chỉ trích gián tiếp gửi tới phe thực dân, nhưng René Maran không bị chìm vào trong đạo Thiện – Ác mà thẳng thắn miêu tả những thói hư tật xấu của những bộ tộc Phi châu – ghen tuông, lười biếng, hèn nhát. Cao thượng và hèn hạ đi đôi với nhau, bởi “con người, cho dù mang màu da nào, thì vẫn luôn là con người thôi”.
Một nhân chứng dân tộc học
Sau tác phẩm (đăng báo) Chuyện tình của Louis Aniaba (1740), kể lại cuộc đời của ông hoàng nước Guinée được triều đình Louis XIV nhận nuôi, thì rất hiếm có nhà văn Pháp nào lấy người da đen là nhân vật chính cho tác phẩm của mình. Batouala giúp chúng ta khám phá những truyền thống, huyền thoại và lòng tin của những bộ tộc Bandas, khi sử dụng rất nhiều thành ngữ của dân Phi châu. René Maran miêu tả với một sự chính xác của một nhà dân tộc học sự tổ chức của các ngôi làng và cuộc sống hàng ngày của dân chúng nơi đây, những chuyên gia về săn bắn lưới đối đầu trực diện với báo ở Mourou, và voi ở M’bala, và luôn bị sự đói kém đe dọa. Những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết được sáng tác trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, những bài ca thê lương của người đàn bà đang đeo tang, sự hoan hỉ và cuồng nhiệt của cuộc săn bắn được diễn tả bằng một trường từ vựng phong phú dồi dào. Nghệ thuật kể chuyện của René Maran tái tạo lại toàn thể một thế giới, truyền nó đi xa đến nỗi mà chúng ta như cảm nhận được thế giới đó rất gần đâu đó quanh đây.

Léon Frapié, đăng quang năm 1904 (La Maternelle)
Một năm sau sự ra đời của mình, giải Goncourt nổi tiếng đã được trao cho tiểu thuyết Trường mẫu giáo của Léon Frapié.
Được trao vòng nguyệt quế năm 1904, nhưng Léon Frapié cũng không sao ghi được tên mình vào sự trường tồn trong vườn văn học Pháp. Các tác phẩm của ông, thường xuyên mang tính giáo hóa, đôi lúc vụng về, thường ít thu hút được sự chú ý. Nhưng Trường mẫu giáo lại vượt trội hơn hẳn, không những so với các tác phẩm khác của chính ông mà còn nhiều tác phẩm của các đồng nghiệp văn chương khác cùng thời.
Léon Frapié, một tiểu thuyết gia xã hội
Sinh tại Paris năm 1863, Léon Frapié thành hôn với Léonie Mouillefert, một cô giáo trường làng năm 1888. Chính những giai thoại và truyện cổ tích mà vợ kể cho ông nghe hàng ngày đã cổ vũ cho ông theo nghiệp viết văn, bắt đầu từ năm 1897, nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn được miêu tả khung cảnh trường học Cộng hòa: Cô giáo ở tỉnh xa, Tiểu nữ sinh, Chiếc hộp dành cho các thiếu nữ, Những câu chuyện cổ tích trong trường mẫu giáo... Tiểu thuyết thứ ba của ông, Trường mẫu giáo, đã đoạt giải thưởng Goncourt cao quý.
Với chủ tịch ban giám khảo Joris-Karl Huysmans thì đây là một “cuốn sách bậc thầy”. Ông tuyên bố:“Nó bốc mùi bần cùng của Paris và sự cáu ghét của lũ trẻ nhỏ, đúng là dễ bị kích động thật, bị bực mình ngay tức thì!” Phản ứng hăng hái này cũng không đáng ngạc nhiên. Ta tìm thấy nơi Frapié một thẩm mỹ theo xu hướng tự nhiên, điều khiến ta nhớ đến các tác phẩm của Huysmans hoặc của Emile Zola. Ông miêu tả với đầu óc thực tế những thói hư tật xấu của quần chúng thuộc tầng lớp thấp hèn: nghiện rượu, bạo hành... Mối quan tâm của ông đối với thuyết tiền định xã hội và quan điểm thuyết định mệnh của ông về thân phận người lao động chắc chắn quyến rũ được cha đẻ của tác phẩm Rougon Macquart.
Một năm sống trong một ngôi trường mẫu giáo trong khu nghèo.
Vừa nhận bằng tốt nghiệp, thiếu nữ quý tộc Rose đang chuẩn bị thành hôn với một người đàn ông có “hình dáng hào hiệp” mà cô không ngừng ca ngợi những tài năng của anh. Nhưng sau cái chết của cha, cô bị cắt món hồi môn và chồng sắp cưới của cô, không từ mà biệt, lẳng lặng bỏ rơi cô. Mồ côi và không gia sản, tiểu thư buộc phải xắn tay làm việc như một nhân viên quèn trong một trường mẫu giáo ở Ménilmontant. Khi ấy, cô phải đối đầu với “khái niệm buốt lạnh của sự nghèo khổ”: gần hai trăm học trò bẩn thỉu, bị đánh đập, gầy guộc hệt như những cái que và vận những chiếc áo choàng xấu xí. “Các em nhỏ đáng thương của tôi, trông các em ngán quá, thiểu não quá! Và các em còn bốc mùi chua loét nữa, bẩn thỉu, quần áo luộm thuộm”, cô than vãn khi nhìn thấy những khuôn mặt xanh xao và gầy trơ xương ấy. Trong suốt một năm học, Rose đụng phải những nội quy, vừa khắc nghiệt vừa tàn ác, cai trị các trường mẫu giáo ở buổi đầu của thế kỷ XX. Cái nhìn của cô về xã hội sẽ rất có thể bị xáo trộn vì điều ấy...
“Nó bốc mùi bần cùng của Paris và sự bẩn thỉu của các cháu bé”
Léon Frapié ghi lại bằng một sự tỉ mỉ đến cảm động vẻ bề ngoài, mùi vị, ngôn ngữ và cách ứng xử của đám trẻ xuất thân từ tầng lớp bần hàn: ông họa lên “thân hình gầy guộc xấu xí của chúng” “cặp mắt nhỏ sáng loáng”, “áo choàng đen và sờn rách điểm hình cây thánh giá”, “khuôn mặt chúng già nua, dài ngoẵng, xanh mét”, mùi của chúng thì “mang mùi sắt, mùi dầu, mùi than, mùi mồ hôi, mùi rượu”. Ông so sánh những cô cậu bé khốn khổ ấy với với một “đàn xúc vật”, với những “con gia cầm” hoặc những “con gà mới nở”. Dưới con mắt ông cuộc sống của mỗi cá nhân thì ít quan trọng hơn là bi kịch tập thể.
Người kể chuyện, Rose, dần làm quen với nhịp độ của các ngày lên lớp, chăm nom bảo vệ những học trò yếu ớt nhất và lặng ngắm sân trường sôi sục vào giờ ra chơi. Bạn đọc khám phá, cùng lúc với cô, tấn trò đời con con ấy.
Giống như Rose, Léon Frapié lấy làm tiếc cho sự gầy còm và thiếu giáo dục của trẻ em ở Ménilmontant. Tuy nhiên ông lại mủi lòng trước tính tinh nghịch và dữ dội của chúng. Trong khi cô giáo bắt cả lớp nhắc lại rằng “une mer est une grande étendue dans l’eau salée” (một đại dương là một vùng nước mặn bao la), thì vài  đứa ương ngạnh lại đồng thanh gào lên: “Ma grande-mère elle est étendue dans l’eau salée” (Bà ngoại em, bà nằm trong nước mặn) (Câu này trong tiếng Pháp có nhiều từ đồng âm khác nghĩa!). Vài điểm chấm phá này khiến cho tác phẩm vốn tăm tối và buồn được vui lên đôi chút.




Hennri Béraud, nhận vòng nguyệt quế năm 1922( Le Martyre de l’Obèse), (La vitriole de la lune)
Thật khó mà tin được rằng nhà văn Hennri Béraud, lại bị nằm trong danh sách bị lãng quên này. Ông là tác giả duy nhất được viện Hàn lâm Goncourt trao giải thường này cho liền hai tác phẩm Le Martyre de l’obèse (Sự tử đạo của người béo phì) và Le Vitriol de la lune. Nhưng ông đồng thời cũng là một nhà chuyên viết văn đả kích, bài trừ người Do thái và theo phái Pétain, bị nhà nước Pháp tuyên án tử hình năm 1944 vì tội liên kết với kẻ thù. Nhưng có rất nhiều nhà văn, trong đó có François Mauriac can thiệp xin giảm nhẹ tội cho ông. Cuối cùng, ông được tướng De Gaulle ân xá, nhưng vẫn bị tù trung thân, năm 1950, vì lý do sức khỏe, ông được ra tù và qua đời tám năm sau đó. Một giai thoại (cần kiểm chứng thêm), đó là vào năm 1935, ông đã viết một tác phẩm chống lại Anh quốc với những lời lẽ ý tưởng hết sức dữ dội, tác phẩm mang tên Cần phải biến Anh quốc thành nô lệ. Nhưng chính Vua nước Anh lại đề nghị tướng De gaulle ân xá cho ông, và lời đề nghị ấy hẳn đã được chấp thuận. Những niềm tin theo hệ tư tưởng của ông là cái giá để ông bị tách khỏi trí nhớ cộng đồng. Ai đúng ai nhầm đây?
Hennri Beraud sinh ngày 21 tháng chín năm 1885 ở Lyon, có cha làm nghề sản xuất bánh mì, nhưng lại được các anh nuôi ăn học. Thời kỳ đầu, ông làm nhiều nghề khác nhau: làm thơ, góp phần sáng lập nhiều tạp chí nhưng phần đông, các tạp chí này đều chết yểu, là người đại diện cho các hãng rượu vang và rượu mạnh, thu gom bơ, buôn than, buôn đồ cổ... Trong cuộc Đại chiến lần  thứ nhất, ông tham gia quân đội pháo binh và lên đến chức trung úy.
Sự nghiệp phóng viên: ông đầu quân cho tuần báo Canard Enchainé năm 1917. Tại đây ông cho xuất bản các câu chuyện cổ tích, đăng dài kỳ, và nhất là những bài báo gây lên những trận bút chiến dữ dội đả kích Thượng viện, Hàn lâm viện, Chính phủ, các sỹ quan chống-Cộng hòa... Ông còn là nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng. Ông đồng thời cũng là phóng viên quốc tế cho các tờ Petit ParisienParis-Soir.
Goncourt: Năm 1922, trong mười lăm ngày, ông hoàn thành một tác phẩm đầy hài ước Sự tử vì đạo của người béo phì, và tác phẩm này đã được trao giải Goncourt dưới sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Giới truyền thông phẫn nộ, lên án tác phẩm của ông chả có tý giá trị văn chương nào hết. Cuối cùng, để khiến dư luận dịu đi, viện Hàn lâm Goncourt đã quyết định, một cách ngoại lệ, trao giải cho hai tác phẩm cùng một lúc: Sự tử vì đạo của người béo phì La Vitriol de la lune, -  một tác phẩm lịch sử của Béraud xuất bản một năm trước đó.
Sự tử vì đạo của kẻ béo phì: Là bạn thân của một cặp vợ chồng tiểu tư sản, nhân vật kể chuyện trong tác phẩm này là một kẻ béo phì, người mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ được biết tên, (chúng ta hãy tạm gọi là Người kể chuyện) lần lượt được nghe những lời tâm sự tục tĩu khó chấp nhận của người chồng ong bướm và những dòng nước mắt tuyệt vọng của người vợ bị lăng nhục. Câu chuyện bắt đầu khi Angèle cuối cùng đã quyết định bỏ chồng khi tận mắt nhìn thấy anh tay trong tay với một phụ nữ khác. Và chính lúc ấy, Người kể chuyện bỗng phải lòng nàng, bất ngờ và rất say đắm. Từ đây diễn ra một cuộc đuổi bắt kỳ lạ xuyên quốc gia: người chồng tìm vợ trong khắp các thủ đô trên thế giới hòng cố gắng khiến nàng nghĩ lại, trong khi đó thì Người kể chuyện lại cố gắng đến mức tuyệt vọng để làm hài lòng người đẹp đang chạy trốn kia. Cuối cùng nàng đến Luân Đôn, ở khách sạn Faisan: người chồng tái xuất hiện, kết tội Người kể chuyện là kẻ phản bội, và khóc nức nở trước mặt vợ để cố gắng hàn gắn từng mẩu mảnh cuộc sống hạnh phúc của họ trước đây. Nhưng cô vợ trẻ chẳng muốn nghe gì nữa, và cuối cùng, họ đành phải chia tay nhau. Angèle, hiện giờ đã biết Người kể chuyện yêu mình, liền vui vẻ với hắn, nhưng với nàng, cái thứ tình yêu của “gã béo tốt bụng” kia chẳng đáng kể gì: nàng giả vờ nũng nịu, bắt hắn chiều chuộng, tát vào má hắn khi hắn có ý định tiến lại gần và cười lanh lảnh trước tình yêu nhu nhược nhường ấy. Vì bực mình, với một sự trắng trợn thô lỗ và sự lựa chọn mai mỉa, Người kể chuyện kể thông thống câu chuyện của mình ở quầy bar quán cà phê, trước một vại bia; hay trên một chiếc ghế băng công cộng với một gã không kém phần to béo: M. Canabol... Tất cả những biến diễn này, Người kể chuyện nhanh chóng nhận thấy chúng thành thô lỗ: nếu như đoạn nụ hôn khiến hắn lẩy bẩy cùng lúc khêu lên trong hắn sự nghi ngờ, thì cảnh cuối cùng, lúc mà người đẹp ngốc nghếch kia chấp nhận trao thân cho hắn trong một sự hăm hở pha trộn giữa lòng thương hại và trò giải trí, thì câu chuyện kết thúc. “Gã béo tốt bụng”, mặc dầu rất tự hào được ra nhập hội “Trăm ký”, mặc dầu đã ca ngợi những nét quyến rũ của trọng lượng cơ thể mình và tính cách đặc biệt của giới “béo”, theo ý hắn, một hình bóng “đầy đặn”, thì cuối cũng cũng hết sức xấu hổ đến mức không dám cởi quần áo, và sẽ ngộ ra thủ đoạn của kẻ phản trắc mà, trong trò chơi nguy hại này, hẳn sẽ tìm thấy một đề tài bị chế giễu mới. Người kể chuyện rút cục sẽ rời khỏi Luân Đôn để trở về Paris, và như vậy, chấm dứt giai đoạn tử đạo vì tình của mình.
La Vitriol de la lune: Xuất bản năm 1921, và đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Hennri Béraud. Câu chuyện dã sử khá u tối này kể lại giai đoạn hai mươi năm cuối cùng trong cuộc đời trị vì của vua Louis XV, những năm tháng khó khăn nhất, những năm tháng mà vị vua trước đây đã từng được gọi là “Con Cưng” của dân tộc Pháp, thì giờ đây lại bị chính những người dân ấy căm ghét đến tột độ. Sự trượt dốc dài ấy bị chuyển thành sự hấp hối đau đớn chậm chạp là điều báo trước cho sự sụp đổ nhãn tiền của triều đình Pháp.
Qua những cuộc phiêu lưu của một người đàn ông huyền bí có tên Gênois và người cháu ruột của ông, một người xứ Lyon mơ mộng, tác phẩm quay lại đề tài về vụ khủng bố chống vua Louis XV vào năm 1757. Vua chỉ bị thương nhẹ nhưng âm mưu ám sát nhắm vào đấng quân vương đó chỉ là ý tưởng của một kẻ rối loạn tâm thần mà thôi. Số phận được dành cho kẻ phạm tội giết vua đó thật khủng khiếp và gây ra một sự bất ổn lớn trong xã hội đương thời, và trong mọi tầng lớp... Kẻ phạm tội bị kết án tử hình trong những điều kiện thâm độc nhất khiến dân chúng uất ức và phẫn nộ. Cuộc nổi dậy chống triều đình Pháp bắt đầu một thời kỳ dữ dội nhất, và đây chính là ngòi nổ cho vụ “ly dị” giữa triều đình và dân chúng Pháp. Nếu như Damien – Kẻ phạm tội giết vua, - đã sống những ngày cơ cực nhất trong địa ngục trần gian, thì dần dần, chúng ta cũng khám phá, mười bảy năm sau, thời khắc hấp hối ê chề của đấng quân vương Louis XV, “Con Cưng” của dân tộc Pháp!

Khi điểm lại những tác phẩm bị lãng quên, mà khi đọc xong, thì ta thấy chúng bị quên một cách hình như cố ý! Chứng tỏ một lần nữa, sự dân chủ mà đa phần dân tộc Pháp và những nhà cầm quyền Pháp vẫn luôn giao giảng trước thế giới, thì thực chất họ vẫn giữ trong mình một sự cố chấp mà không dám nói ra.
Paris ngày 19 tháng 10 năm 2012
Hiệu Constant










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét