Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Đường vắng – bắt mạch nỗi đau đàn ông thời hiện đại

Đường vắng – bắt mạch nỗi đau đàn ông thời hiện đại



Trước nay thường thấy đàn ông hay đàn bà viết văn đều chủ yếu viết về giới mình, phần nhiều vì thấu hiểu và trải lòng với nhân vật dễ dàng hơn, phần nữa đều có sự cài cắm những tư tưởng riêng của mình về giới. Vì thế khi bắt gặp một tác phẩm viết về khác giới với cách nhìn riêng vừa có thái cực đảo chiều, tìm tòi, khám phá cái vũ trụ sâu thẳm mà có lẽ dùng cả cuộc đời cũng khó mà hiểu hết được cho nhau ấy, luôn tạo được cảm tình và sự chú ý của đông đảo độc giả dù mức độ thành công của tác phẩm thế nào.
Đọc Đường vắng của Hiệu Constant người viết cảm nhận được cái thú vị riêng ấy. Không biết đàn ông viết về đàn bà thế nào chứ thú thật để mà kể ra thì thế giới tâm hồn đàn ông cũng phức tạp không kém, viết về đàn ông cũng giống như một kiểu thử bắt mạch, khi đó người ta không thể dùng đến nhãn quan mà cái cần nhất vẫn là lắng nghe, cảm nhận.

Hiệu Constant đã chọn cái cách thứ hai ấy, tác giả không dùng kiểu chanh chua, xét nét, bới tìm những điểm xấu của đối phương để tôn vinh phái yếu mà đi vào nỗi chua chát hiếm gặp trong sâu thẳm tâm hồn đàn ông, đặc biệt là bi kịch những người đàn ông hiện đại ngày nay. Để đi đến cuối cuốn tiểu thuyết, người đọc phải băn khoăn với những luồng suy nghĩ, phải chăng Hiệu Constant đã cố ý chọn những mẫu đàn ông điển hình kiểu “cắn hạt cơm không vỡ” ấy để viết về bi kịch của họ hay cuộc sống hôn nhân thời hiện đại này đang ở mức báo động về sự đảo chiều giới quyền trong gia đình. Cũng có thể Hiệu Constant có ý đồ gì đây trong cái tuyên ngôn mà trước nay giới nhà văn nữ vẫn thảo luận về vấn đề “nữ quyền trong văn học”, liệu có sự mâu thuẫn, đối lập nào chăng?
Đường vắng không tập trung vào một hoặc hai nhân vật chính mà có sự phân tán, viết khá tản mạn về các nhân vật. Mức độ đan cài, xen kẽ ấy bên cạnh tác dụng tạo thành một chuỗi dài liên tiếp bi kịch của nhân vật với ngụ ý, độc giả có thể so sánh độ chênh, bị kịch về gia cảnh của những người đàn ông.
Các nhân vật trong tiểu thuyết được khu biệt bởi giới quyền rất rõ giữa đàn ông, đàn bà. Cường, Quán, Bertrand… Dù ở địa vị hoàn cảnh xã hội bên ngoài như thế nào, cuối cùng dưới mái nhà của mình, họ vẫn là những người đàn ông bất hạnh, bị ngược đãi về mặt tình cảm, tâm hồn ở nhiều cấp độ khác nhau. Phía bên nữ quyền gồm Liên - vợ Cường, một người đàn bà xinh đẹp, học thức, mưu mô và xảo quyệt, luôn dồn chồng vào thế bị động, xoay chong chóng dưới bàn tay uy lực của mình. Cô nắm rõ từng cử chỉ, điểm mạnh yếu của chồng để tìm cách đạt được mục đích, nhân vật này đại diện cho những người đàn bà trí thức có vị thế xã hội thời hiện đại ngày nay, mang đầy đủ nguyên hình trạng của câu nói“Đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ, còn đằng sau sự thành đạt của phụ nữ có lẽ là một khoảng trống chông chênh…” cô đã không còn nhận là người giữ lửa nữa mà chủ động kiếm tìm danh vọng cho riêng mình, đối với đàn bà khi đó điều tất yếu xảy ra là sự rạn nứt hôn nhân. Đối với nhân vật Xoan - vợ Quán thuộc tầng lớp bình dân, với phác họa chân dung khác sắc, dáng người ộ ệ, luộm thuộm, tóc rối bời như tổ quạ, nghiện đánh bạc, lô đề, bỏ mặc hai đứa con nhỏ cho chồng chăm sóc. Xoan luôn giành thế áp đảo trong gia đình, đánh mắng chồng khi anh không mang đủ tiền về cho vợ đi đánh bạc. Tình huống cao trào nhất khi Quán bị ngất phải nằm viện vì kiệt sức do đói lả và thiếu máu, bản chất đàn bà tồi tệ của nhân vật được bộc lộ rõ. Người đọc có được đầy đủ cái cảm giác tức giận nhân vật Quán, trên đời này lại có người đàn ông như thế này sao? Rồi những biến cố tiếp tục tưởng chừng như Quán không còn chấp nhận được người vợ bạc tình, bạo lực ấy nữa thì Hiệu Constant lại có một cái kết tài tình, Quán vẫn cùi cũi trở về với căn nhà lộn xộn ấy, làm những việc hằng ngày và chịu những điều tương tự nhưng dần thức tỉnh và mở lòng chia sẻ hoàn cảnh với những người xung quanh.
Đối với nhân vật người đàn ông Pháp Bertrand bị giằn vặt trong mối tình đồng giới, mức độ bị bạo hành về tâm hồn cũng có nét khác biệt và được đẩy lên cái tận cùng bi kịch của người đàn ông. Tác giả có sự đầu tư và điểm xuyết thêm vào nhân vật này, một người đàn ông thành đạt, có địa vị, giàu có nhưng không biết gửi tình yêu của mình vào đâu. Sự cô đơn lạc loài ấy tạo thành một chuỗi ám ảnh, anh đi lang thang vô định qua những con phố dài, thậm chí đi du lịch rất nhiều nơi để cố xóa đi nỗi mặc cảm ấy nhưng không được. Cuối cùng anh nhận ra, nếu như không trao tình yêu được cho một người thì tại sao không mang tình yêu ấy đến cho mọi người. Nhân vật Bertrand là một nhân vật thuộc giới thứ ba mang đầy đủ những nỗi đau, dằn vặt, khổ sở của con người trăn trở đi tìm tình yêu thuộc về mình.
Trong tác phẩm còn có một vài nhân vật đứng giữa ranh giới nữ quyền và nam quyền ấy ở mức độ trung lập như Huỳnh, Mai Ly… Cái nhìn có sức bao quát và đánh giá những nhân vật như Cường, Quán, Liên, Xoan… khá chính xác, khách quan. Đối với hình ảnh người phụ nữ… là một hình ảnh khá phổ biến đối với phụ nữ hiện đại, say mê, nhiệt huyết với công việc mình yêu thích, sành điệu, bản năng, và sống bụi bặm với phong cách của mình, cô gái với điếu thuộc trên tay vừa lạ vừa quen trong cuộc sống ấy là cách chọn lựa của đông đảo phụ nữ hiện thời.
Nếu để tìm ra cho Đường vắng một lối viết riêng, một phong cách nghệ thuật thì khó bởi tác giả viết với tất cả những gì bắt mạch được, cảm nhận và thấu hiểu rất hồn nhiên về giới khác của riêng mình, phân tích luồng tâm lý các nhân vật lúc thưa lúc nhặt trải rộng và có sự điểm xuyết riêng. Mới đọc người ta thấy sự dàn trải trong câu chữ, nhân vật, nhưng đọc rồi lại tìm thấy những điều thú vị, những khám phá riêng từ chính những điều ấy.
Đường vắng như một tiếng nói cất lên từ tâm hồn hoang đãng thời hiện đại của người đàn ông, vừa gần như một dự báo sự đổi chiều giới quyền trong tương lai. Đặt ra cho người đọc những suy tư, trăn trở đầy nhạy cảm về vấn đề giới.
Người ta thường dễ dàng nhận ra những vết bầm tím trên thân thể người phụ nữ, chứ mấy ai nhìn thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu.
Và phải chăng “Bạo lực đến từ những người đàn bà thường đã được dự liệu và nghiền ngẫm từ trước”.
Dù thế nào đi nữa vấn đề bình đẳng giới thời đại nào chăng nữa vẫn là điều nan giải cần quan tâm. Với sức viết của một tác giả nữ, Hiệu Constant chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai với những tác phẩm viết về đề tài nóng như hiện nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét