Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Đọc Côn trùng của Hiệu Constant và nghĩ về những chuyện khác

Đọc Côn trùng và nghĩ về những chuyện khác
15/01/2010,03:33:03 | 0 Comment(s) | 77 View(s)
Tạ Duy Anh
Tôi không nghĩ mình lại có thể đọc một mạch 300 trang sách của một tác giả còn rất lạ trên văn đàn. Cái tên Côn trùng (*) đặt cho cuốn sách có vẻ hơi tuỳ tiện thiếu khả năng gây sự chú ý ngoại trừ một chút tò mò. Nhưng trên hết là bởi từ lâu đọc sách với tôi là một thao tác nghề nghiệp chứ ít khi là một hứng thú.

Côn trùng viết theo lối viết không mới cho dù tác giả đã dụng công làm cho mạch truyện có sự gấp khúc thời gian đan xen các thời một thủ pháp cũng đã quá quen thuộc nhằm tạo ra những phỏng đoán cho người đọc ở phần tiếp theo. Trong trường hợp này chỉ còn trông chờ vào nội dung độc đáo của câu chuyện. Nhưng cái mà ta chờ đợi lại cũng chả có gì lạ lùng. Những hiện thực được kể lại thậm chí còn hơi nhàm. Nó là những hồi ức của một cô gái thời sinh viên với đủ thứ chuyện ký túc xá vẫn đang tiếp tục xảy ra. Nào là thiếu ăn kinh niên nhưng đầy mơ mộng thậm chí lãng mạn đến mù quáng. Nào là những cuộc yêu đương bốc lửa và phải trả giá. Nào là những cuộc toan tính mà vật đánh đổi là thân xác... Nó có đủ mọi loại người: Từ những người tốt như tiên phật đến những kẻ khốn nạn hơn cả ma quỷ; có người lớ ngớ nhà quê ra tỉnh sợ đến cả cái bắt tay thì cũng có người lọc lõi ma mãnh thực dụng trong yêu đương... Thêm vào cái lối kể có phần lắm lời của tác giả khiến tác phẩm có gần đủ những thứ của một cuốn sách không đáng phải mất thời giờ để đọc.
Nhưng như đã nói tôi đã đọc nó một mạch và giờ đây tức là sau khi gấp sách lại chính tôi phải tự hỏi điều gì của cuốn sách hấp dẫn mình? Và tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng từ lâu tôi vẫn mong có một cuốn sách chăm chút nhiều hơn cho phần văn chương. Vì nhiều lý do trong đó có sự bức xúc về mặt xã hội mà các tác phẩm văn học nhiều năm qua chỉ dành nỗ lực cho phần cốt truyện. Tức là phần vấn đề của cuốn sách. Chỉ cần có vấn đề là cứ thế viết ào ào sao cho làm bật lên được điều mình muốn nói mà quên rằng văn học không nặng về nói cái gì mà coi trọng nói như thế nào? Cả người đọc và người viết đều tỏ ra vô cùng dễ tính khi nhanh chóng thoả mãn cơn bức bối. Không ai phủ nhận cốt truyện là xương sống của một cuốn tiểu thuyết. Cốt truyện lạ bí ẩn biến hoá khôn lường... luôn thuộc về những cuốn sách ăn khách. Nhiều cuốn sách thuộc hàng chất lượng cao cũng là những cuốn có cốt truyện hay. Nhưng với văn học thì chừng ấy là chưa đủ. Văn học đặt cái thẩm mỹ lên hàng cao nhất cao hơn cả ý nghĩa xã hội được nó chuyển tải. Yêu cầu này trước hết đặt ra cho người sáng tác dĩ nhiên. Nhưng một nền văn học trưởng thành thì lại phụ thuộc phần lớn vào người đọc. Người đọc với một trình độ văn hoá cao là kháng thể hữu hiệu ngăn cản những cuốn sách kém cỏi ra đời hoặc không cho nó cơ hội tồn tại và do đó gián tiếp tạo ra những nhà văn có tầm cỡ. Khi độc giả còn chăm chú thoả mãn những bức bối tìm thấy trong tác phẩm văn học thì văn học có đất tốt để sống tạm thời nhưng còn lâu mới thực sự có vương quốc riêng còn lâu mới đủ sức ngự trị như một yếu tố cấu thành nên gương mặt tinh thần của một dân tộc. Nhà văn mới chỉ từng trải cuộc đời là chưa đủ mà cần phải từng trải văn chương. Từ chuyện thưởng thức văn học nếu nghĩ tiếp sang chuyện khác sẽ thấy nhiều điều còn đáng nghĩ hơn. Nhưng đó là chủ đề của một cuộc bàn luận khác.

Trở lại với cuốn sách đang được nhắc tới tôi nhận ra một điều nó còn rất nhiều khiếm khuyết. Nhưng nó có được cái mà nhiều cuốn sách hoàn hảo hơn-cứ tạm đánh giá theo tiêu chuẩn hiện hành- không có là chứa trong nó không ít những áng văn thực sự đẹp theo đúng nghĩa văn chương. Những áng văn như vậy vừa để đọc vừa để lắng nghe và đắm chìm theo với hy vọng một bến bờ một chân trời mới lạ sẽ mở ra ở đâu đó tràn ngập sắc màu và những khởi đầu cho cảm hứng. Bạn cứ thử đọc đoạn nhân vật Tôi và NV ở bản Ve mà xem. Có thể nói Côn trùng là cuốn sách của nhiều áng văn đẹp-thứ thiếu nhất trong nền văn học của chúng ta. Và chính điều đó đã làm nên tính hấp dẫn của cuốn sách.
* Tên sách của Hiệu Constant


(Hà Nội tháng 6-2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét