Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

“Nhà báo chân chính thì thời đại nào cũng gặp nguy hiểm”
Trò chuyện với báo Thể Thao & Văn Hóa số ra ngày 17/06/2016

Trong những ngày tháng 6 này, khi những trận cầu nóng bỏng của mùa EURO 2016 đang khởi tranh, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhà văn, dịch giả, nhà báo Hiệu Constant, người đã có thời gian sống và làm việc gần 20 năm trên đất Pháp; một trong những cầu nối giữa văn hóa Pháp và Việt. Chị đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của TTXVN xung quanh chủ đề báo chí và ngày 21/6.

 Bức tranh báo chí toàn cầu

* Thưa chị, là người sống tại Pháp nhiều năm, chị thấy bức tranh báo chí ở Pháp, ở phương tây hiện nay ra sao? Từ đó, chị đánh giá thế nào về xu hướng chung của báo chí hiện đại? Loại hình báo chí nào đang thế mạnh (truyền hình, báo giấy, báo in, báo mạng, tạp chí…)?
- Từ ngày các mạng xã hội phát triển mạnh, thì theo cá nhân tôi thấy báo chí Pháp nói riêng và phương Tây nói chung cũng có xu hướng đổi mới nhiều để thu hút độc giả. Đương nhiên, truyền hình vẫn đóng vai trò rất mạnh, báo giấy và báo in có phần giảm đi trong khi báo mạng phát triển khá mạnh, cũng là do vừa tiện lợi, chúng ta với những phương tiện hiện đại như điện thoại, máy tính… có thể cập nhật thông tin mọi nơi mọi lúc. Dẫu vậy, các nhà báo chuyên nghiệp Pháp vẫn không lo bị thất thế! Tôi có một số bạn phóng viên người Pháp, họ đã sẵn sàng từ nhiệm tại các báo của mình để mở trang Web riêng, các bạn đọc muốn đọc những bài báo báo trọn vẹn của họ phải trả tiền qua mạng để có thể tải bài về đọc.

* Chị cũng thường về Việt Nam và rất quan tâm đến tình hình trong nước, theo chị Việt Nam cần/ nên làm gì để phát triển nền báo chí hiện đại? Và vừa là là văn, dịch giả và nhà báo, chị có chia sẻ những cảm nghĩ, suy tư và những kỉ niệm … của mình nhân ngày ngày báo chí Việt Nam 21/6?
-  Theo tôi, ngành báo chí Việt Nam cũng cần những sự thay đổi để theo kịp với xu hướng toàn cầu. Việt Nam với lượng dân số không nhỏ và lượng người sử dụng mạng viễn thông và các mạng xã hội cũng nhiều so với dân số, các báo và nhà báo nên tác nghiệp với sự chuyên nghiệp hơn, sao cho báo mạng phải cạnh tranh được độ chính xác và nhanh nhạy so với các mạng xã hội. Các nhà báo tác nghiệp trên báo mạng cũng cần được đãi ngộ tương xứng, ví dụ như trả nhuận bút chẳng hạn. Và để có tiền trả các nhà báo có bài đăng trên các trang mạng, có lẽ các Tổng biên tập báo cũng nên áp dụng “đọc báo nhận thông tin cũng cần trả tiền” như các báo mạng phương Tây để tránh các bài viết ẩu, và lượng thông tin “lá cải” tràn lan. Là một người Việt xa xứ, nên tôi chỉ có thể theo dõi thông tin thời sự trong nước qua các trang mạng, tôi thấy để có được lượng tin chính xác, tôi ít tìm được những thông tin chính xác và “nóng” theo đúng nghĩa của ngôn ngữ báo chí qua các trang mạng lớn và chính thống mà thường phải thông qua các trang mạng xã hội ví như Facebook hoặc blogs cá nhân. Lí do tại sao, có lẽ cũng nhiều người cũng đã biết! Nhân ngày báo chí Việt Nam, tôi mong muốn các nhà lãnh đạo có thể cởi mở hơn nữa để các nhà báo chân chính có thể sống được bằng niềm đam mê của mình, đưa đến các bạn đọc và quần chúng nhân dân lao động những tin tức có tính thời sự và thiết thực hơn nữa.

 Nhà báo, nghề nguy hiểm

* Hiện hàng năm có tới hàng trăm nhà báo bị sát hại, và số nhà báo trên khắp thế giới bị đối xử bất công thì cũng còn rất nhiều. Chị nghĩ sao khi có những ý kiến cho rằng nghề báo đang trở thành “nghề nguy hiểm”?
- Theo tôi nghề làm báo chân chính thì ở thời đại nào cũng nguy hiểm, nhờ những nhà báo bất chấp nguy hiểm và đôi khi cả tính mạng mà hiện nay chúng ta còn được xem những trang phóng sự kể lại sự dũng cảm của những người lính trong chiến tranh và dân chúng sống trong những năm tháng hỗn bang của dân tộc để cảm nhận rõ hơn sự may mắn của chúng ta sống trong thời bình khi đất nước dành được hòa bình và có chủ quyền dân tộc. Trong những năm gần đây có phần “nặng nề” hơn nhưng trong một môi trường khác, nhất là những ai tác nghiệp tại Pháp và phương Tây nói chung. Nhưng ai đã dấn thân vào nghề này bằng niềm đam mê của mình, chắc hẳn họ đã hiểu được điều này nên tôi không thấy có sự khác nhau. Còn một số nhà báo cho rằng “nguy hiểm” thì họ nên đổi nghề!

* Nhìn từ vụ thảm sát các nhà báo đẫm máu ở Pháp, chị có nghĩ rằng sẽ làm nhụt chí một bộ phận phóng viên trên thế giới? Bởi phóng viên cũng là con người, họ bị giằng xé giữa lý tưởng nghề và tính mạng?
- Tôi không nghĩ là các nhà báo chân chính lại giảm nhuệ khí trước sự “lên ngôi” của một số phần tử Hồi giáo cực đoan, mà ngược lại, qua những cơn bạo loạn xả súng điên cuồng ấy, họ thấy được tình đoàn kết tương thân tương ái của cộng đồng dành cho họ và điều đó khích lệ họ hơn nữa. Tôi đánh giá cao dự dấn thân của các nhà báo chân chính và khâm phục họ. Thực tế đã chứng minh, chúng ta vẫn ngày ngày được xem những thước phim, những trang phóng sự về cuộc chiến cam go tại Syria, tại Iraq hay những vùng chiến sự khác trên toàn thế giới. Những cảnh đời cùng tận của một số sắc tộc đã gần như bị cộng đồng lãng quên. Sự nguy hiểm đến tính mạng đến từ mọi khía cạnh, mọi môi trường tác nghiệp của các nhà báo. Những thước phim, bài phóng sự, những tấm ảnh về thiên nhiên hoang dã, hay cả những bài báo vạch trần sự mục ruỗng hoang hoải bê tha trụy lạc của một số các nhà lãnh đạo cũng đặt các nhà báo vào mũi súng, và đôi khi trước cả dư luận. Nếu nhà báo không vững vàng lập trường nghề nghiệp sẽ dễ bị dao động…

*  Chị suy nghĩ thế nào về một số ý kiến cho rằng, cơ chế đãi ngộ cho nhà báo phải tốt hơn, thì lòng yêu nghề sẽ cao hơn, ngòi bút sẽ sắc bén hơn. Nếu chị là Tổng biên tập một tờ báo nào đó, chị sẽ làm gì để phát triển tờ báo?
- Điều này thì cũng còn tùy vào từng quốc gia. Tôi thấy ở Pháp, chế độ đãi ngộ đối với các nhà báo không tồi lắm! Đương nhiên cũng còn phụ thuộc vào từng báo vốn có lượng bạn đọc nhiều hay ít. Trong số bạn bè làm nghề báo của tôi tại Pháp, nhiều bạn cũng viết sách. Nghề báo cho phép họ tiếp cận đời sống xã hội gần hơn nên những tác phẩm của họ cũng dễ dàng đến tay bạn đọc. Ngoài ra, họ còn tham gia viết diễn văn thuê cho các ông bà chủ doanh nghiệp hay một số chính khách, viết quảng cáo… Công việc này khiến cho thu nhập của họ cũng tăng thêm. Theo tôi, công việc làm thêm này không có gì đáng chê trách và hoàn toàn hợp pháp.
Nhưng ở Việt Nam thì lại khác, để tránh những thông tin “lá cải” tràn lan, tôi thấy thu nhập của các nhà báo nhất định phải được cải thiện, và nhất là sự an toàn khi tác nghiệp. Quốc hội và chính phủ Việt Nam cần chú trọng điều này. Ngày ngày, chúng ta thấy không ít cảnh Phóng viên bị hành hung… Bù lại, sẽ cần một hình phạt thích đáng dành cho những phóng viên lợi dụng tước danh và nghề nghiệp để làm tiền một số doanh nghiệp và nhân dân thiếu hiểu biết. Nghề làm báo là một nghề có thể nói là đặc biệt, ranh giới giữa liêm khiết và lũng lộ là rất mong manh! Những người làm báo chúng ta cần chữ Tâm…
Là Tổng biên tập một tờ báo không dễ dàng chút nào, và tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ có thể làm được. Bởi không những phải là một nhà báo giỏi về chuyên môn (để có thể “ngửi hơi” được đâu là bài báo sắc sảo, trung tfile:///C:/Users/Constant/Downloads/26%20(1).pdfhực, sự kiện gì đáng đưa ngay để dành độ “hót”và sự kiện nào thì cần có kiểm chứng thêm, mà ngoài ra, anh ta còn phải có đầu óc quản lí nhân sự. Tôi không biết sự ví von này có bị khập khiễng không: Tổng biên tập giống như huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia vậy! Các cầu thủ được tuyển vào đội tuyển quốc gia thì đều là các cầu thủ giỏi, Huấn luyện viên không cần phải dạy họ cách đá bóng mà đúng ra là tìm các chiến thuật và chiến lược chơi như thế nào, ai mạnh ở vị trí nào thì trao họ chơi ở vị trí đó. Tổng biên tập cũng vậy, luôn phải đi trước đánh giá tình hình tổng thể một cách khách quan, quyết định đưa tin trung thực, và đôi khi cần táo bạo dự đoán và quyết đoán… Trang quảng cáo cũng cần có thẩm mỹ và uy tín! Nếu tôi là TBT báo, chắc chắn tôi sẽ không đăng những quảng cáo “treo đầu dê bán thịt chó!”
Có chế độ đãi ngộ thưởng phạt công minh đối với các nhân viên của mình, nhận ra điểm yếu điểm mạnh của từng người về từng mảng đề tài để gợi ý trao việc đúng người. Không ngại khen và cũng đừng sợ chê…
* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi

Việt Sơn - Hữu Quý (Thực hiện từ Paris)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét