Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Ký sự Người Viễn Xứ

Ký sự Người Viễn xứ

Phần I -  Làm quen

LTS: Lâu nay, Lê Thị Hiệu (Bút danh: Hiệu Constant) đã là một cái tên quen thuộc trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Chị là một nhà văn Việt Nam định cư tại Pháp. Sinh năm 1971 tại Thường Tín, Hà Tây, học Đại học Tổng hợp khoa tiếng Pháp, Lê Thị Hiệu là tác giả, dịch giả của gần 50 cuốn sách văn học và văn hóa đã xuất bản tại Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị còn làm cầu nối tích cực cho các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. 

Theo đề nghị của Tòa soạn báo Văn nghệ Thái Nguyên, nhà văn Lê Thị Hiệu đã viết ký sự dài kỳ mang tên “Ký sự người viễn xứ”, về cuộc sống của chị và một bộ phận đồng bào Việt Nam ở Paris - thủ đô nước Pháp. Xin trân trọng cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của nhà văn và kính mời quý độc giả theo dõi loạt ký sự này.



Rời Hà Nội đến Paris trong những năm cuối thế kỷ XX, thời kỳ Internet và các mạng xã hội chưa phát triển như hiện giờ. Thoạt đầu, tôi không bị choáng bởi xứ sở phồn hoa đô hội này, mà đúng ra là thất vọng. Vì nhiều thứ. Nhưng trên hết là tôi thấy một Paris khác xa với những gì tôi nghĩ, tôi hình dung qua những trang tiểu thuyết văn học Pháp đã được đọc, và đã có đôi lúc tôi muốn ôm con trở về Hà Nội, tôi đã nghĩ tôi sinh ra không phải để sống ở một Thủ Đô Ánh Sáng, một Trái tim của Thế giới... Ấy là vì tôi đã quá yêu nước Pháp, quá yêu tiếng Pháp và gán cho nơi này những hình ảnh và những câu chuyện theo trí hình dung của tôi... Trong tâm tưởng tôi hồi đó, Paris cổ điển hơn, “nghèo nàn” hơn. Đó phải là một Paris của những quí Ông với bộ complet đuôi tôm, quí Bà với những bộ váy dài tha thướt, và trong những phiên chợ ngoài trời có những nhóm người Di-gan với những cây đàn ghi ta réo rắt trầm bổng và họ sống trong những cỗ xe kéo...
Trên thực tế, tôi nhìn thấy một Paris hiện đại và cuộc sống hối hả. Những người đàn ông và đàn bà trong trang phục văn phòng thường nhật. Trên phố, có rất nhiều các sắc tộc khác nhau, ăn mặc khác nhau. Điều khiến tôi ấn tượng hơn cả khi ra vùng ngoại ô Paris, đó là gặp những phụ nữ Hồi giáo với những bộ khăn váy đen tuyền, chùm kín từ đầu đến chân, chỉ để hở cặp mắt được trang điểm tuyệt đẹp. Và nhất là ngôn ngữ Pháp. Thật rối rắm. Tôi đã khá tin tưởng vào khả năng ngoại ngữ của mình (tôi đã tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), thế mà sang đây, những ngày đầu tôi đã rất bối rối. Trên phố, ở chợ, ngoài công viên (môi trường của tôi ngày mới sang) người ta nói rất nhanh và không nói thứ tiếng Pháp mà tôi đã được học rất bài bản tại trường, và nhất là họ hay nuốt âm... khiến tôi không hiểu hết những gì họ nói và điều ấy đã khiến tôi rất buồn và nản mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần...

Nhưng trí tò mò, cần cù và ham học hỏi, nhất là không giấu dốt đã giúp tôi. Trước đây sống trên quê hương, khó khăn gấp vạn lần mà tôi còn vượt qua được, huống gì... Thế là tôi quyết định trau dồi vốn tiếng Pháp, bởi theo tôi “mọi huyền bí đều nằm trong ngôn ngữ” mà sau này tôi đã đúc kết được. Rất nhanh, tôi đã làm quen được với những người hàng xóm Pháp. Họ đa phần đều là những nhà tri thức nghỉ hưu, thấy tôi ngoan hiền, họ sẵn sàng giúp đỡ và kiên nhẫn ngồi nghe tôi nói tiếng Pháp. Và duyên kỳ ngộ, rất đông hàng xóm của tôi đã từng đến hoặc có liên hệ với Việt Nam Dần dần, tôi bắt đầu hòa nhập được với cộng đồng Pháp và cuộc sống đầy mới mẻ...
Tôi có nghe nói cộng đồng Việt sống tại Pháp cũng nhiều, nhưng nơi tôi ở là trung tâm Paris lại không có người châu Á sinh sống hoặc rất ít, mà đa phần là người Trung Quốc và Philippine hoặc Indonésia... Rồi tôi được nghe kể về một ngôi chùa Việt có tên Trúc Lâm nằm ở vùng ngoại ô thành phố. Là một người Việt, tôi thuộc nằm lòng câu “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”, vậy đến chùa, tôi chắc chắn sẽ được gặp lại tâm hồn Việt và những người Việt rồi! Vậy là tôi hăm hở đến đó...
Tọa lạc trên một quả đồi thuộc thành phố Villebon/Yvette, trên sườn đồi Hoàng Vân, cách trung tâm Paris chừng gần 40 km, chùa Trúc Lâm được Hòa thượng Thích Thiện Châu (1931 – 1998) khởi công xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng mười năm sau Trúc Lâm Thiền Viện mới được hoàn thành. Chùa ngự trên diện tích chừng 600 m2. Đường lên chùa vừa dốc, vừa nhỏ, đôi khi phải chạy xe ngoằn ngoèo qua những khu rừng thưa, lúc khác lại gấp khúc giữa những dãy biệt thự sang trọng. Nhưng càng lên cao, tiếng gió thì thào, mây khói nhạt nhòa mịt mờ lan tỏa, ta bỗng cảm thấy thư thái trong lòng. Một công trình kiến trúc Việt Nam, với sắc thái thanh thoát, thạch động, vườn hoa, tượng Phật thật là một không gian thiền thanh tịnh, thâm nghiêm. Xung quanh là rừng cây dẻ, bao quanh là hàng rào tre trúc, ngôi chùa nhỏ bé nhưng xinh xắn có đủ các lễ bộ. Các mái tiền điện chánh điện, phật điện cùng các hình tranh tượng, pháp khí ở điện thờ đều mang đậm bản sắc dân tộc với trống đồng, tượng Phật, lư hương... Tất cả các đồ thờ cúng Phật đều được chuyển đến từ Việt Nam hay do các đoàn thể Phật Giáo Việt Nam dâng tặng. Những bậc đá, hang động rêu phong nhân tạo là cả một công trình lao động tâm huyết thấp thoáng giữa rừng tre, bụi chuối làm cho không gian thiền của vùng đồi thấm đượm linh thiêng Lên cao hơn, trong tiếng gió thì thào thoảng thoảng mùi hương trầm và tượng phật trắng lộ thiên, khiến lòng ta tức thì dịu lại. Từ đây ta có thể phóng tầm mắt đi rất xa, dưới thung lũng kia là thành phố Yvette và những cánh rừng mênh mông. Quang cảnh thật trữ tình, êm dịu.
Thầy trụ trì tên Thích Phước Đường, thầy đã cao tuổi, rất trầm ngâm và nói nhỏ nhẹ. Chỉ cần được nói chuyện với thầy một lát thì bao nỗi bâng khuâng hình như tan biến... nhưng hôm đó là ngày giữa tuần, nên ngoài thầy ra, tôi đã không gặp người Việt nào, nhưng nỗi nhớ nhà cũng nguôi ngoai đôi phần. Tôi tự nhủ sẽ thường xuyên quay lại nơi đây.
Thế rồi qua một người bạn Pháp mà tôi quen từ dạo còn làm việc ở Việt Nam, tôi gọi điện cho chị Nguyễn Thị Ngân Hà. Chị Hà khi đó làm việc tại Unesco, và gần đây sau khi nghỉ hưu chị thành lập ban nhạc Hợp xướng có tên Quê Hương, và ban nhạc này đã đi biểu diễn hầu như khắp các quốc gia châu Âu để quảng bá hình ảnh dân tộc Việt Nam qua những trang phục áo dài mềm mại và những bản nhạc thấm đẫm chất hào hùng của lịch sử quê hương như Trường ca sông Lô, như Việt Nam quê hương tôi…, và còn rất nhiều bản nhạc pha trộn giữa hai nền âm nhạc Cổ điển Đông - Tây của cố nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo. Nhiều bà con Việt Kiều và khách Pháp hẳn sẽ không dễ quên những buổi trình diễn của ban nhạc này dưới vòm nhà mênh mông và những bức tranh tường tuyệt mỹ của trường Đại học Sorbonne, hay giữa trụ sở Unesco nghiêm trang giữa trung tâm Paris, mà tôi nhận thấy đôi khi có những dòng lệ chảy dài trên những khuôn mặt người xa xứ, cặp mắt biểu thị niềm xúc động của khách quốc tế.
Rồi tôi bắt đầu biết đến Hội người Việt Nam tại Pháp, có trụ sở tại số 16 phố Petit-Musc quận IV Paris mà bà con Việt Kiều thân mật gọi là Hội Quán. Hội thành lập đã được gần 100 năm. Tại đây, tôi làm quen với các cô bác Việt Kiều đã sinh sống tại Paris từ hàng chục thập kỷ trong đó có Học giả - giáo sư Lê Thành Khôi, Tiến sử Sử học Thu Trang, Giáo sư Trần Văn Khê, nữ Bác sỹ Thérèse Nguyễn Văn Ký...
Học giả Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông hoàn thành luận án và được trao bằng Tiến sĩ Kinh tế năm 1949 tại Paris. Rồi sau khi tốt nghiệp học viện Luật pháp Quốc tế tại trường Den Haag, Hà Lan. ông tiếp tục theo học và có bằng Cử nhân Văn chương tại Sorbonne, và ông còn học tiếng Hán tại Trường Ngôn ngữ phương Đông Paris. Cùng năm 1968, ông đã hoàn thành hai luận án Tiến sĩ về Công nghệ giáo dục và Văn chương & Khoa học xã hội nhân văn.
Giáo sư Trần Văn Khê (tên khai sinh là Trần Quang Khê 1921-2015) là Tiến sĩ nghiên cứu ngành Âm nhạc . Ông quê gốc tại Đông Hòa, Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho, nay là huyện Châu Thành, Tiền Giang, trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Ông là người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sỹ về ngành Âm nhạc này tại Pháp. Ông từng là giáo sư tại  trường Sorbonne danh tiếng, là thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. Trong những buổi gặp gỡ tại Hội quán, nhiều lần thấy tôi lân la hỏi chuyện và có lẽ cũng thấy tôi tò mò, ông thường hát cho tôi nghe những ca khúc cổ truyền của Việt Nam như Tuồng, Chèo… Ông còn khuyên tôi nên cố gắng làm một « cái gì đó » có ích cho đất Việt. Tôi xúc động. Tôi đã tự hứa sẽ viết điều gì đó về ông. Tôi đã hơi buồn khi được tin ông về định cư tại Việt Nam và đã rất buồn khi nghe tin ông qua đời ở thành phố Hồ Chí Minh…
Bà Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, người làng Ngọc Hà, Hà Nội nhưng gia đình theo cha vào Sài Gòn sinh sống từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp, tức từ những năm 1950. Hồi còn ở Sài Gòn, sau khi học xong Trung học, bà làm báo và luôn tham gia vào các phong trào thanh thiếu niên yêu nước thời kỳ đó, và đã có lần bà bị bắt giam tại Khám Chí Hòa cũng với các bà Nguyễn Thị Định. Sau này, khi bà Định có dịp sang Pháp, họ đã gặp lại nhau rất thân mật. Ngày ấy, năm 1955, thành phố Sài Gòn tổ chức thi Hoa hậu lần đầu tiên, bà tham gia và đã đoạt vương miện. Tước danh Người đẹp đã khiến cuộc đời bà thay đổi. Bà tham gia đóng phim. Bộ phim Lục Vân Tiên mà bà tham gia đã được giới thiệu tại Liên hoan phim Tokyo. Các nhà làm phim Pháp mời bà sang Paris đóng phim, nhưng thấy kịch bản không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt nên bà từ chối. Cùng lúc xảy ra đạo luật 10/59 của chính phủ Ngô Đình Diệm, bà không thể trở về. Tại Pháp, bà tiếp tục theo học Viện Cao học lịch sử phương đông, chọn đề tài là Nguyễn Ái Quốc tại Paris và bà đã thành công. Ngoài ra bà còn có tâm hồn thơ, bà xuất bản khá nhiều tập thơ, trong đó bài Nói sao cho vợi đã được chọn in trong tuyển tập 100 bài thơ hay nhất của Việt Nam thế kỷ XX. Thơ bà đã được chọn đọc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhân ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Bà còn viết khá nhiều sách về sử Việt Nam. Những cuốn sách của bà đã trở thành những tư liệu quí đối với các nhà nghiên cứu sử hiện thời. Bà kể cho tôi nỗi gian truân của bà khi đi lục lọi các tư liệu trong sở Lưu Trữ của Pháp. Bà quả là một người đàn bà đẹp có tâm hồn đẹp. Khổ thơ sau được trích trong bài thơ Nói sao cho vợi được viết từ năm 1969, của cựu Hoa hậu, Tiến sĩ sử học, và thi sĩ Thu Trang đã phần nào nói lên được nỗi lòng của người con xa xứ:
“… Giữa muôn hương sắc huy hoàng
Tôi không thấy mùa xuân sang
Hồn tôi ở phương trời ấy
Tôi đợi mùa xuân Việt Nam!”

Bác sỹ Thérèse Nguyễn Văn Ký quê gốc miền nam, cách Sài Gòn gần 200 Kilomet. Bà sang Pháp từ những năm 1955, khi mới 19 tuổi. Là một người khá nổi tiếng trong ngành Y, nhưng bà rất ngượng ngịu khi được hỏi về mình. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy ảnh bà trên truyền thông Pháp và Việt, một phụ nữ nhỏ nhắn gần như lọt thỏm giữa các đồng nghiệp hay bệnh nhân. Trước đây, bà có phòng mạch Đa khoa riêng ở thành phố La Varènne St Hilaire nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về Y tế Lao động & Nhi.
Khi Hội Y tế thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp được thành lập năm 1970 và ngay lập tức bà tham gia để có thể giúp đỡ và hướng dẫn những đoàn Y tế trong nước qua Pháp học tập và làm việc. Năm 1976 thì bà đã bắt đầu về Việt Nam tìm các chương trình cụ thể để đóng góp một cách hữu ích cho đất nước. Kể từ khi nghỉ hưu, bà không ngừng qua lại giữa Việt Nam và Pháp. Bởi bắt đầu từ năm 1998, chính quyền tỉnh Val de Marne (ngoại ô Paris) quyết định trợ giúp tỉnh Yên Bái, bà tham ngay vào dự án này. Chính phủ Pháp đã quyết định trợ giúp bệnh viện Yên Bái trên bốn triệu frăng (tương đương hơn 1 triệu đô la Mỹ) để tân trang dụng cụ và làm hệ thống nước sạch, và đến năm 2000 thì chương trình đi vào hoạt động cụ thể, nên năm nào nữ bác sỹ Ký cũng hồi hương. Bà Ký cho rằng các đồng nghiệp trong nước, nhất là tại bệnh viện Yên Bái có khả năng tiếp thu nhanh, mặc dù trình độ lúc đầu non kém nhưng sau khi được chỉ dẫn thì chỉ trong thời gian ngắn, họ đã có thể thực hiện trên các máy móc hiện đại một cách thành thạo. Sau đó tỉnh Val de Marne cũng giúp một số trường mẫu giáo ở tỉnh này, ví như giúp tăng khẩu phần dinh dưỡng cho các cháu, và bà Ký được giao trách nhiệm theo dõi. Qua bà Ký, tôi cũng được biết một số tổ chức tại tỉnh Val de Marne đã bắt đầu quan tâm đến trại phong Quy nhơn. Và dưới sự cố vấn của bà, bệnh viện Val de Marne đã nhận một số y tá Việt Nam sang làm việc và tu nghiệp, sau đó họ sẽ bàn với Bệnh viện Quy nhơn về chương trình đào tạo y tá tại chỗ. Sẽ có một số bác sĩ chuyên khoa của Pháp đến trường giảng dạy… Sức làm việc và cố gắng của một nữ bác sỹ nhỏ nhắn dành cho đất nước và nghành Y thật khiến người ta nể phục…
Được tiếp xúc với những con người Việt Nam tài ba «đem chuông đi đánh xứ người» và luôn dốc sức mình để không những làm rạng danh non sông Việt Nam trên trường Quốc tế mà còn đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước khiến tôi học hỏi được nơi họ nhiều điều, và nhất là họ đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần Việt cho tôi để cố gắng và học tập, trau dồi kiến thức để hòa nhập nhưng không hòa tan vào đời sống của một Quốc gia nổi tiếng là văn minh và giàu có bậc nhất toàn cầu này… (Còn nữa)


Paris 12/05/2016
Hiệu Constant
Phần II
Nước Pháp – Lan man những nẻo đường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét