Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Trung Vũ hầu Gia Cát Lượng: Tài đức song toàn

 

Trung Vũ hầu Gia Cát Lượng: Tài đức song toàn (P.1)

Trường Lạc | DKN 17/01/2022 631 lượt xem

https://www.dkn.tv/van-hoa/duc-do-van-vo-song-toan-cua-trung-vu-hau-gia-cat-luong-p-1.html

Gia Cát Lượng là một nhân vật tài đức mẫu mực trong lịch sử. Ông là hiện thân của trí tuệ và được hậu thế tôn xưng là Thánh để thờ phụng. Trong suốt cuộc đời, Gia Cát Lượng dùng toàn bộ tài trí của mình tận trung với đất nước. Sau khi mất, ông được thụy phong là “Trung Vũ hầu” – danh hiệu hoàn mỹ nhất dành cho quan viên thời cổ đại.

Lòng trung nghĩa tỏa sáng ngàn năm của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng có 14 năm giữ chức thừa tướng. Trong đó, đặc biệt nhất là mười hai năm ông phò tá Hậu chủ Lưu Thiện, xây dựng một nước Thục hùng mạnh từ xuất phát điểm không chút ưu thế. Đỗ Phủ tại bài “Thục tướng” viết về Gia Cát Lượng có những câu thơ ca ngợi sự tận tâm của ông như sau:

“Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triều khai tế lão thần tâm.”

Diễn nghĩa:

Ba lần đến thăm khiến ông phải phiền muộn suy nghĩ kế sách thiên hạ
Tấm lòng của bậc công thần khai quốc làm nên sự nghiệp cho hai triều đại

Tranh vẽ Gia Cát Lượng. 

“Ba lần đến thăm” mà Đỗ Phủ nhắc tới là nói ba lần Lưu Bị tìm đến nhà Gia Cát Lượng để mời ông ra giúp sức. Trong số ba nước phân chia thiên hạ lúc bấy giờ, Thục quốc là quốc gia yếu nhất với đất đai nghèo nàn, dân chúng bần tiện thưa thớt. Nói cách khác, điều mà Lưu Bị phó thác cho Gia Cát Lượng chính là trọng trách xây dựng và duy trì cả một vương triều.

Kỳ thực, bản thân việc dựng lập và cai trị Thục quốc vào thời điểm đó đã là vô cùng khó khăn vất vả, mỗi bước đi đều phải trải qua đầy chông gai. Bởi lẽ lãnh thổ của Thục quốc là vùng Ích Châu mà Lưu Bị tiếp quản từ Lưu Chương. Nơi đây vốn là mảnh đất xấu, người dân nghèo khổ, cảnh sắc điêu tàn, đi tới đâu cũng chỉ thấy cỏ dại và đói kém. Vậy nên, việc có thể biến Thục quốc từ một nơi hoang phế thành một quốc gia thịnh vượng cũng đủ cho thấy tài năng hơn người của Gia Cát Lượng. Ông đã lấy đất của một châu, lấy sức dân vỏn vẹn mười vạn người để chống lại Tào Ngụy, hợp nhất Đông Ngô. Đối với Lưu Bị, Gia Cát Lượng có thể nói là hết lòng trung thành, tận lực phò tá. Ông luôn tự lấy mình làm gương mà hành xử, là một nhân tài đáng quý khó tìm.

Những người đầu tiên ca ngợi lòng trung nghĩa của Gia Cát Lượng là vua quan của nước Thục. Sau khi ông mất, Lưu Thiện (người kế vị Lưu Bị) đã biểu dương Gia Cát Lượng trong chiếu thư như một vị công thần khai quốc hết lòng giúp vua xây dựng và cai trị đất nước. Chúng đại thần khi dâng tấu thỉnh cầu Lưu Thiện lập đền thờ cho Gia Cát Lượng cũng viết: đức hạnh của Lượng vang danh khắp chốn, từ khi dựng nước cho đến cuối đời ông đã lập nên vô số công trạng. Đối với hoàng tộc, ông không có chút nào thiếu sót. Còn đối với chư hầu, ông chính là chỗ dựa cho cả triều đình.

Nhà sử học thời Đông Tấn tên là Viên Hồng đã từng đánh giá về Gia Cát Lượng như sau: Khổng Minh biết lấy lùi làm tiến, kiên nhẫn chờ thời cơ rồi mới hành động. Ông là người học rộng hiểu nhiều, danh tiếng vang xa. Dưới sự quản lý của Khổng Minh, dân chúng cả nước đều không một tiếng oán thán. Ông không cho phép lạm dụng hình phạt, không để người dân phải chịu oan ức. Đối với Lưu Bị, Khổng Minh chính là một lòng trung thành, đến chết cũng không từ. Mặc dù ngoài mặt thì thấy Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) không hề cúi đầu trước uy quyền của vua nhưng trong tâm ông quyết không bao giờ thay lòng đổi dạ. Vậy nên Lưu Bị dành cho Gia Cát Lượng sự tin tưởng tuyệt đối không chút nghi ngờ. Nhân dân Thục quốc ai ai cũng đều nể phục tài năng và đức hạnh của ông.

Theo ghi chép trong “Hán Tấn xuân thu”, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm từng cảm khái rằng: nếu như ông có thể nhận được sự phò trợ của Gia Cát Lượng thì mỗi ngày đều sẽ chẳng thể nào có vất vả phiền não. Một tư liệu khác là “Tấn Thái Thủy khởi cư chú” do Tấn Lý Quỹ biên soạn cũng nhắc đến việc Tư Mã Viêm từng vì thán phục Gia Cát Lượng mà không kìm được tiếc than: “Gia Cát Lượng ở Thục Quốc tận tâm tận lực. Đến con trai ông – Gia Cát Chiêm cũng tử trận vì nghĩa trong lúc đất nước lâm nguy. Lòng thiện này quả thực trước sau như một, không thẹn với Trời”. Cái “thiện” của Gia Cát Lượng được Tư Mã Viêm ca ngợi chính là sự trung thành của ông dành cho Thục quốc, dành cho vua của Thục quốc.

                         

Một nhân vật khác dưới thời Tấn khi nói đến Gia Cát Lượng đã viết: “Văn của ông lấy tĩnh làm nội hàm, võ lấy việc kiềm chế chờ thời cơ để giành thắng lợi. Gia Cát Lượng đem ân đức của mình đối đãi với toàn bộ dân chúng Trung Quốc. Trên đường ông hành quân, binh lính không bao giờ cướp bóc tài sản của người dân, không gây bất cứ tổn hại gì đến những người vô tội. Công lao và sự nghiệp của ông lưu danh khắp toàn thiên hạ. Gia Cát Lượng lấy mình làm gương, trong việc mưu tính sách lược luôn có tầm nhìn xa trông rộng. Sự mẫu mực thanh cao của ông được thể hiện trong mọi mặt. Khi mình lập được công thì nhường lại danh dự cho người dưới. Khi người dưới phạm phải sai lầm thì ông quay lại tự trách bản thân, tìm sai sót ở chính mình. Ông là người biết lắng nghe, biết tiếp nhận khuyên giải để sửa đổi nên danh tiếng của Gia Cát Lượng vang chấn bốn phương, người người kính phục.”

“Mạnh Tử” từng viết: “Văn Bá Di chi phong, tham phu liêm”. Câu này có nghĩa là: nếu như nhận được sự cảm hóa từ một nhân sĩ cao thượng như Bá Di thì ngay cả những kẻ mang lòng tham không đáy cũng sẽ trở nên liêm khiết trong sạch. Lòng trung thành trước sau như một của Khổng Minh cũng chính là có tác dụng cải biến con người như vậy. Khổng Minh đã lấy chính mình làm gương để biến kẻ gian thần trở thành người có lễ tiết, lập nên trật tự cho triều đình. Phương pháp quản lý quân đội của ông khiến binh lính dưới trướng Gia Cát Lượng trở thành một đội quân nhân từ hiếm có trong lịch sử. Tất cả những nơi họ đi qua đều không hề có việc cướp đường cướp chợ, không tổn thất một cây kim sợi chỉ nào.

Cuốn Đông Tấn Tập Tạc Xỉ (? – năm 384) đã ca ngợi Gia Cát Lượng là đệ nhất công thần thời Tần – Hán, tán thưởng việc ông lấy tấm lòng nhân đức của mình để quản lý chính quyền: “Pháp luật là không thể không dùng hình phạt, hình phạt đề ra ứng với từng tội… nhưng Gia Cát Lượng là người có thể nói là biết cách dùng hình, bởi cách ông trừng phạt tội nhân từ thời Tần-Hán đến nay là chưa từng có”.

Tập Tạc Xỉ còn gọi Khổng Minh là người “có nguyện vọng phục hưng lại nhà Hán”, là người có “tâm hướng về cội nguồn tổ tông”. Điều này cùng với danh hiệu “Trung Vũ Hầu” đều là để ngợi ca lòng trung nghĩa của Gia Cát Lượng.

Võ Thiếu Nghi dưới triều Đường trong cuốn “Gia Cát thừa tướng miếu” cũng từng khen ngợi Gia Cát Lượng “Lấy thiện duy trì đất nước, lấy trung làm lễ tiết”. Một người Đường tên là Hồ Tăng tại “Vịnh sử thi – Lô Thủy” kể về Gia Cát Lượng “thề đem mưu lược xây dựng một quốc gia hùng mạnh để đền đáp ba lần viếng thăm của Lưu Bị”. Những tác phẩm này đều là đứng từ góc độ trung nghĩa để đánh giá Gia Cát Khổng Minh.

Tể tướng Bùi Độ (756 – 839) dưới triều Đường sau khi tìm hiểu về các bậc hiền triết trong lịch sử đã đánh giá Khổng Minh là người “nắm chắc phép tắc trong quân sự mà tự có tài khai quốc, dựa vào tu dưỡng được đạo lập thân mà tự có được kỹ thuật đối nhân xử thế, chu toàn bốn bề, một người làm việc bằng như hai người”.

Đánh giá này đã nói rõ Gia Cát Khổng Minh là bậc toàn tài hiếm có từ xưa đến nay. Không chỉ là tấm gương cho sự trung nghĩa, ông còn có tài năng khai sáng đất nước, giữ được đạo lập thân và thông hiểu nghệ thuật quản trị con người.

Đương thời, Gia Cát Lượng cũng rất nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ “trung”. Trong cuốn “Binh yếu” ông nói: “Tầm quan trọng của lòng trung thành đối với con người cũng giống như tầm quan trọng của vực nước đối với cá. Cá không có nước tất sẽ chết, người mất đi lòng trung thành thì sẽ trở nên hung ác tàn bạo”.

Gia Cát Lượng một đời dốc hết tâm huyết vì sự nghiệp “phục hưng nhà Hán, hoàn lại cố đô”. Trong mười hai năm ông phò tá Hậu chủ Lưu Thiện tổng cộng đội quân của ông đã tham gia hơn 8 trận đánh lớn. Mỗi trận đều ở vào thế yếu, phải nghênh chiến nhiều lần với quân địch mạnh hơn thập phần. “Thư Phẫn” thuộc tập “Lục du” có câu ca ngợi như sau:

“Xuất sư nhất biểu chân danh thế,
Thiên tải thùy kham bá trọng gian?”

Tạm dịch:

“Xuất sư biểu” lưu danh thiên hạ,
Ngàn năm qua ai dám sánh ngang?

Hai câu thơ trên là muốn nói Gia Cát Lượng có tài năng bao quát vạn vật, là người xuất chúng ngàn năm không ai sánh bằng. Ông lấy trung nghĩa làm trọng để trợ giúp một Hậu chủ tầm thường. Một mình lo việc đất nước, đôn đốc quân đội. Sáu lần Gia Cát Lượng dẫn quân đánh trận ở Kỳ Sơn đều một lòng cúc cung tận tụy. Mặc dù khi sự nghiệp Bắc phạt vẫn còn đang dang dở thì Khổng Minh đã vất vả lâu ngày nên sinh bệnh qua đời, nhưng tài năng văn võ xuất chúng cùng chí hướng và sách lược vi diệu của ông đều được lưu truyền đến ngàn đời sau, trở thành tấm gương mẫu mực của lịch sử Trung Quốc.

Không chỉ trung với quân chủ, Gia Cát Lượng còn dùng trung nghĩa để đối đãi với binh lính. Vào thời cổ đại, việc lập quốc không thể tách rời nông nghiệp, luôn phải lấy phát triển nông nghiệp làm gốc. Ngay cả trong khi chiến tranh thì cũng không thể bỏ bê việc làm nông. Vậy nên, Gia Cát Lượng đã cho binh sĩ thực hiện chế độ luân phiên giữa việc tham gia huấn luyện chiến đấu phục vụ quân đội và việc sản xuất nông nghiệp tại quê nhà. Như vậy, quân Thục sẽ có thể vừa tham gia chiến tranh vừa đảm bảo nguồn lương thực cung cấp cho toàn đất nước.

Tháng 2 năm Kiến Hưng thứ chín (năm 231 sau Công Nguyên), Gia Cát Lượng dẫn mười vạn đại quân Bắc phạt Kỳ Sơn. Quân địch do Tư Mã Ý dẫn đầu kéo theo ba mươi vạn đại quân ra nghênh chiến. Khi ấy đúng vào thời điểm thay phiên của quân đội nước Thục nên Gia Cát Lượng chỉ có vẻn vẹn tám vạn binh sĩ. Thuộc hạ của ông cho rằng nên tạm dừng việc luân phiên để lấy thế quân hùng mạnh thị uy với địch, nhưng Gia Cát Lượng nói: Chúng ta đều là người học võ, phải lấy việc giữ gìn chữ tín làm căn bản. Nếu vì để đạt được điều gì mà làm mất đi lòng tin, thì đó chính là nỗi tiếc hận không thể vãn hồi. Những người đến phiên lần này đều đã đóng gói hành lý chờ đợi cả rồi, vợ con của họ ở nhà cũng đang ngày đêm mong ngóng. Mặc dù luân phiên lần này có thể đem đến khó nạn cho việc xuất chinh, nhưng giữ được chữ nghĩa thì đó cũng là không hề uổng phí.

Binh sĩ nghe xong, vô cùng cảm động. Những người đến lượt rời hàng ngũ về quê nhà tình nguyện xin được ở lại. Những người đang trong thời gian phục vụ quân đội anh dũng tác chiến. Lần ra trận đó, quân Thục đại thắng, giết hạ đại tướng Trương Cáp của nước Ngụy, đánh lui Tư Mã Ý.

Chủ trương liên kết với nước Ngô chống lại quân Ngụy cũng thể hiện tấm lòng trung nghĩa của Gia Cát Lượng.

Năm Kiến An thứ hai mươi tư (năm 219 sau Công nguyên) Đông Ngô chiếm đoạt Kinh Châu, giết hại Quan Vũ. Đến năm Chương Vũ thứ 2 (năm 222 sau Công nguyên) của nhà Thục Hán, Lưu Bị phát động trận chiến Di Lăng nhằm chiếm lại Kinh Châu trả thù cho Quan Vũ, đánh dấu sự tan rã trong mối quan hệ liên hợp giữa Thục và Ngô. Trước tình thế nguy cấp, Tôn Quyền sai đô úy Triệu Tư sang cầu hòa nước Ngụy, biểu thị việc xưng là chư hầu của hoàng đế Ngụy quốc.

Nhờ có sự trợ giúp từ quân Ngụy, nước Ngô giành chiến thắng, bảo vệ được lãnh thổ. Quân đội nước Thục bỏ chạy về, Lưu Bị vì gặp phải trọng thương mà qua đời. Gia Cát Lượng nhận sự ủy thác của Lưu Bị tiếp tục thực thi sách lược liên kết với nước Ngô để chống lại quân Ngụy. Năm Kiến Hưng thứ nhất, ông sai sứ sang nước Ngô khuyên giải vua Ngô tuyệt giao với Ngụy và đã đạt được mục đích mong muốn. Từ đó về sau, hằng năm các quan đại thần quan trọng của Thục Hán như: Phái Phí Huy, Trần Chấn, Trương Duệ, Đặng Chi, v.v… đều sẽ mang theo lễ vật sang thăm nước Ngô để thiết lập mối quan hệ liên kết bền vững giữa hai quốc gia, tạo tiền đề cho việc tiến hành chiến dịch Nam chinh Bắc phạt.

Khi Việt Tây (nay thuộc phía tây bắc thành phố Tây Xương tỉnh Tứ Xuyên), Tường Kha (nay thuộc phía tây bắc thành phố Khải Lý tỉnh Quý Châu) và Ích Châu nổi lên phản loạn, Gia Cát Lượng lãnh đạo quân sĩ tiến về phía Nam nhằm bình định đất nước. Đoàn quân của ông dùng năm tháng để vượt sông Lô Thủy. Họ tiến sâu vào những vùng đất khô cằn tăm tối không có thức ăn, dấn thân vào những nơi dịch bệnh hiểm nghèo, đi qua cả quê hương xa xôi của tộc người Man Di.

Phản loạn lần đó vốn là do mâu thuẫn tồn tại từ lâu giữa các dân tộc ở vùng biên giới Hán – Di. Vì để hóa giải vấn đề này, Gia Cát Lượng đã dùng đức để thu phục lòng người. Lịch sử có chép lại điển cố về việc Gia Cát Lượng bảy lần bắt bảy lần thả Mạnh Hoạch, khiến cho Mạnh Hoạch chấp thuận quy hàng, lập tiền đề cho thế cục ổn định ở khu vực phía Nam nước Thục Hán trong một thời gian dài sau đó. Sự việc này đã làm toàn bộ con cháu các tộc người thiểu số vùng phía Nam tâm phục khẩu phục, thề từ đó về sau quyết không tạo phản nữa. Tháng 12 cùng năm đó, Gia Cát Lượng thắng trận trở về Thành Đô, tổng thời gian của toàn bộ lần xuất binh này vào khoảng gần một năm. Sau khi bình định Nam Trung, Gia Cát Lượng không phái quan binh tới quản lý vùng đất này mà để những người bộ tộc thiểu số tự do tiếp tục cuộc sống an cư lạc nghiệp của họ. Đây cũng là chỗ thể hiện hành động trung nghĩa của ông dành cho quần chúng Nam Trung. Vậy nên dân cư nơi đây vô cùng biết ơn Gia Cát Lượng. Sau khi ông mất, họ bèn lập miếu thờ cúng Gia Cát Khổng Minh, từ đó về sau chưa từng lơ là hương hỏa.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông được thụy phong là “Trung Vũ Hầu”. Trong cuốn thứ ba của tập “Cựu điển Bị chinh” do Chu Bàn Thọ soạn đã giải thích: “Lấy Trung Vũ là thụy, đủ chuẩn mực của một danh tự nhã nhặn đơn giản mà vẫn thể hiện được khí khái chính trực lưu truyền hậu thế. Trung Vũ là thụy được phong cho thần tử phụ trách cả việc văn lẫn việc võ. Vậy nên lấy thụy Trung Vũ là đẹp nhất. Như Thừa tướng Thục Hán – Vũ hương hầu Gia Cát Lượng”.

Khởi nguồn của chế độ lập tên thụy bắt đầu từ thời nhà Chu do Chu Nguyên Đán và Thái Công quy định, dùng để phản ánh một cách chân thực những sự tích và công lao trong suốt cuộc đời của những bậc công thần đã tạ thế. Lấy “Trung” và “Vũ” để phong thuỵ cho Gia Cát Lượng chính là đánh giá cao nhất về sự cống hiến của ông.

Theo Epoch Times
Biên dịch: Trường Lạc

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét