Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Đền Phật giáo Tây Tạng ở Paris

Đền Phật giáo Tây Tạng ở Paris

Tính từ nửa sau của thế kỷ 20 cho đến nay, Phật giáo có vẻ như ngày càng phát triển mạnh ở phương Tây, ở châu Âu, nhất là ở Pháp và đặc biệt là ở Paris. Phật tử muốn tìm một ngôi chùa thờ Phật  trong vùng Paris không còn quá khó khăn, những ngôi đền cũng theo trào lưu này mà hình thành. Trong đó có ngôi đền là trụ sở của Trung tâm Kagyu Dzong của Phật giáo Tây Tạng, nằm trong khuôn viên của Chùa Vincennes (Kagyu Dzong tiếng Tây Tạng có nghĩa là Luồng Ánh Sáng tinh khiết). Đây có thể nói là một trong những ngôi đền đẹp, trang trọng và có những hoạt động Phật giáo năng động nhất ở Paris.


Trung tâm Kagyu-Dzong là một trung tâm thuộc Dòng karma-kagyu, một dòng quan trọng của Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ ngài
Kim Cương Trì  được Lama Gyourmé thành lập năm 1974, liên quan đến karmapa thứ 17, Orgyen Trinley Dorje. (*Kim Cương Trì là một vị Phật trong phái Mật tông – tên tiếng Phạn   Vajradhara – hay Đức Phật nguyên thủy là tinh túy của Tam thân, hóa thân của ba đời chư Phật. Vajradhara là biểu trưng Pháp Thân Phật, vì vậy cũng chính là biểu trưng sự chứng ngộ tuyệt đối. Trong Tạng Mật – Kim Cương trì xuất hiện trong hầu hết trong các tác phẩm điêu khắc và hội họa của Đạo Phật Tạng truyền với nhiều hình dáng và ứng thân khác nhau),

 Những ai chưa từng được đến Tây Tạng thì khi đến đây, ta cũng ngỡ như đang được ở đó vậy! Những họa tiết rực rỡ và bốn cây cột đầy màu sắc tượng trưng cho «Tứ diệu đế ». Mũi tên vàng trên nóc đền là đại diện cho sự vô thường, khái niệm quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng.

 Đến đây vào những ngày lễ trọng đại, hoặc cũng do ngẫu nhiên, ta có thể gặp những nhà sư Tây Tạng, có người thì trú ngụ tại đây, có người chỉ đến hành hương hoặc có Phật sự.

Trung tâm Kagyu Dzong được thành lập năm 1974 nhưng ngôi đền được khánh thành năm 1985, sau hai năm xây dựng. Kể từ khi thành lập, nơi đây có nhiều hoạt động Phật giáo, thu hút khá đông sự tham gia của cộng đồng trong và ngoài Phật giáo đến thực hành thiền định, trở về với bản nguyên đích thực của chính mình, với nội tâm mình. Nơi đây cũng là nơi ta có thể đến thiền định cầu mong hòa bình cho toàn nhân loại ! 

Nơi đây đã từng đón tiếp các đại đức Phật giáo Tây Tạng khi họ có dịp ghé Châu Âu và Paris như Sangyé Nyenpa Rinpoché, Tenga Rinpoché, Ringu Tulkou Rinpoché, Khandro Rinpoché, Kalou Rinpoché etc. Nhân chuyến thăm lần đầu tiên đến Pháp vào năm 2016, ngài Orgyen Trinley Dorje, karmapa thứ 17 đã đến viếng đền.

Paris tháng Tư năm 2022

Hiệu Constant

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét