Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

Phố Mèo đi Câu ở Paris

Phố Mèo đi Câu ở Paris

Nói Paris cái gì cũng có, và khi Paris đã nói đến thì thường là những thứ có lịch sử từ rất lâu đời.

Ví như câu chuyện liên quan đến con phố Mèo Câu cá

Phố Mèo Câu cá (nguyên bản : La rue du Chat-qui-Pêche) là một con phố nằm trong khu Sorbonne (Latin) thuộc quận V Paris. Con phố bắt đầu từ số 9, đường kè Saint-Michel (gần đối diện Nhà thờ Đức bà Paris) và kết thúc ở số 12, phố  Huchette, với độ dài 28m.

Với một độ rộng chừng 1,8m, đây có thể coi là một trong những con phố hẹp nhất Thủ đô Pháp (vì có một con hẻm/sentier des Merisiers, nằm trong quận XII chỉ rộng 90 cm).

Lịch sử

 Phố Mèo đi Câu được hình thành vào năm 1540, khi đó phố chạy thẳng đến sát mé sông Seine. Thoạt đầu nó có tên « phố Buồng tắm hấp » (rue des Étuves), «hoặc hẻm Buồng tắm hấp » (ruelle Étuves), sau đó là “phố Con Cáo » (rue du Renard) (cần phân biệt với rue du Renard hiện tại nằm ở phía bên kia sông Seine), hoặc thậm chí là "rue des Bouticles", «rue de Neuve des Lavandières»…, và mãi sau đó mới có được tên hiện tại như bây giờ.

Nếu con phố này nổi tiếng vì độ nhỏ và ngắn của nó thì người ta còn tò mò hơn vì huyền thoại của nó !

Nguồn gốc của cái tên

Cái tên bắt nguồn từ một tấm biển của một cửa hiệu xa xưa có ở đó vào tầm thế kỷ XV. Cửa hàng bán đồ săn bắt cá ấy là gia sản của một người giúp việc cho đức Giám mục tên là Dom Perlet. Chuyện kể rằng ông này thích thuật luyện kim và đi đâu cũng có một một con mèo đen đi tháp tùng. Con mèo này rất thuần thục với khả năng bắt cá từ sông Seine, nó chỉ cần đập đập chân xuống kè sông là đã khiến cá từ dưới nước vọt lên bờ. Một hôm có ba sinh viên chừng kiến cảnh mèo bắt cá và tin chắc rằng chuyện liên quan đến thuật phù thủy ma quỷ, liền giết chết con mèo bất hạnh và quẳng nó xuống sông Seine. Những sinh viên này tin chắc rằng Nhà giả kim kia và con mèo đen là một, và ông ta là quỷ dữ. Con mèo đen chết, nhà giả kim biến mất… để rồi lại tái xuất hiện ít lâu sau đó : là do ông ấy đi công chuyện ở nơi xa ! Còn về con mèo, nó lại tiếp tục bình thản ngồi rình bắt cá bên mé nước như xưa. Chuyện cũng kể rằng ba sinh viên  đã hối hận vì giết con mèo nhưng lại không kể phản ứng của họ ra sao khi thấy nhà giả kim và con mèo bỗng bất ngờ tái xuất hiện !

 Chuyện thực tế hơn khi liên quan đến Mèo Câu cá thì kể rằng thời đó mực nước sông Seine thường ở mấp mé ngang tầm với nhà dân, nên mỗi khi có nước lớn, các tầng hầm rất dễ bị ngập và thời đó sông có rất nhiều cá, thế nên các chú mèo rất khoái và ra sức ngồi rình săn cá.

Đi vào trong văn học

Con phố ít được người ta để í nhưng nó đã đi vào một số tác phẩm văn học và nghệ thuật.

Nó đã được đề cập đến dưới cái tên “rue du Chat qui pesche” trong một bản thảo viết năm 1636.

Nó đã được đặt tên cho một truyện ký Phố Mèo đi Câu (La Rue du Chat-qui-Pêche) của Jolán Földes, một tác giả người Hungary, đã từng sống trên con phố này vào những năm 1930. Tên của nó được dịch theo nghĩa đen của tên con phố này: A halászó macska utcája. Trên mạng xã hội đã có những giai thoại kể rằng một số người Hungarie sau khi đọc truyện của tác giả Jolán Földes đã đi du lịch Paris và đã đến thăm con phố này.

Trong bài thơ El Botanico của tác giả người Argentina Juan Gelman (1930-2014), tên phố Mèo đi câu được gọi tên hai lần, giống như địa danh gợi lên trong trí tưởng tượng của nhà thực vật học người Pháp Aimé Bonpland (1773-1858) tình yêu tưởng tượng của ông với cô gái da đỏ Nunu, với các cửa sông Orinoco (một con sông ở nam Mỹ chảy qua Venezuela và Colombie).

                                   

Paris 05/2022

Hiệu Constant

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét