Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Chuyện chống dịch viêm phổi cấp ở Paris

 

Chuyện chống dịch viêm phổi cấp ở Paris

(Người Pháp ứng phó với nạn dịch viêm phổi cấp tính Coronavirus)

 (Báo Cảnh sát toàn cầu số 501, ra ngày 11.02.2020)

https://cand.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/Chuyen-chong-dich-viem-phoi-cap-o-Paris-i553940/

Dịch viêm phổi cấp do Coronavirus/nCoV đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp và đang lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã ra lệnh khẩn toàn cầu. Và Chính phủ Pháp và Tòa thị chính Paris cũng đã ra các sắc lệnh và huy động mọi biện pháp để ngăn ngừa và phòng chống nạn dịch này. Theo thông tin mới nhất vào ngày 04/02 thì Pháp hiện đã phát hiện 6 trường hợp dương tính với nCoV, và các nạn nhân đã ngay lập tức được chuyển đến phòng cách ly và được chăm sóc đặc biệt. Chưa có trường hợp tử vong nào do nCoV tại Pháp.

Phản ứng của Chính phủ Pháp

Mọi chuyến bay đến Trung Quốc đã tạm thời bị hủy bỏ. Chính phủ Pháp cũng đã khuyến cáo vận chuyển công dân hồi hương, đình chỉ các chuyến bay thương mại, tiến hành các biện pháp ngăn chặn một phần. Khuyến cáo dân chúng dùng những biện pháp cần thiết để tránh lây nhiễm. Cụ thể, Chính phủ Pháp đã phái hai máy bay đến Trung quốc để hồi hương những người sống và làm việc tại tỉnh Vũ Hán và trở về Pháp ngày 02/02/2020 và đã chuyển họ đến một trung tâm cách ly tại miền nam nước Pháp và sẽ được theo dõi trong vòng 14 ngày. Theo lời ông Adrien Taquet – Quốc vụ khanh bộ Y Tế Pháp phát biểu trên đài truyền hình: “Tất cả những người hồi hương từ Trung Quốc đều có thể  đến các trung tâm này, họ sẽ ở đó trong vòng ít nhất 14 ngày.” Trong chuyến bay thứ hai có 254 người của ba mươi quốc gia, trong số đó có 36 người có biểu hiện dương tính với nCoV thì 16 người đã tiếp tục được chuyển về đất nước họ, số còn lại ở lại Pháp, được cách ly tại trạm hàng không ở quận Istres, miền nam nước Pháp. Tất cả đều được theo dõi qua những đợt xét nghiệm đặc biệt.

 Chính phủ Pháp đã chỉ định cho các nhân viên ngành Y tế cách ứng xử trước một bệnh nhân có triệu trứng nhiễm vi rút trở về từ Vũ Hán. Các bác sỹ thành phố gặp phải một bệnh nhân như vậy phải ngay lập tức liên hệ với các nhà chuyên môn để phân tích và xếp loại trường hợp.

Các khuyến cáo được dán ở sân bay Roissy-Charles de Gaulle  nhắm đến những hành khách: không nên ăn thịt sống, phải rửa tay thường xuyên, không sờ vào động vật. Các biện pháp phòng ngừa phải được áp dụng ngay khi có trường hợp đáng ngờ, dù ở trong các phòng mạch riêng hay tại các bệnh viện. Pháp chuẩn bị sẵn sàng 150 phòng cách ly để đón tiếp các bệnh nhân. Các cơ quan Y tế đã sẵn sàng đối mặt với tình hình có dịch bệnh. Các phòng tiêu chuẩn có thể được trưng dụng bất kỳ lúc nào.

Đối mặt với nguy cơ lây lan nCoV, các cơ quan y tế Pháp cho đến thời điểm này vẫn ưu tiên chiến lược "chặn đứng". Tất cả các trường hợp bị xác nhận dương tính ngay lập tức bị cách ly trong phòng kín, áp suất âm, chỉ có không khí mới có thể lọt vào. Theo Tổng cục Y tế, hiện nay có ba mươi sáu cơ sở y tế ở Pháp và các tỉnh hải ngoại của Pháp có khả năng xử lý ngay các trường hợp được xác nhận dương tính "trong điều kiện an toàn tối đa", do những nơi này đã có phòng thí nghiệm chẩn đoán vi sinh. Trong các khoa Truyền nhiễm và Nhiệt đới hoặc các khoa hồi sức của ba mươi sáu cơ sở này, luôn để sẵn sàng đón tiếp các trường hợp được xác định dương tính với nCoV. Ngay tại Paris và vùng phụ cận, các bệnh viện như Bichat và Pitié-Salpêtrière, mỗi bệnh viện có bảy giường người lớn, và bệnh viện Trẻ em Necker sẵn sàng đón tiếp và chăm sóc mười trẻ em bị nhiễm vi rút. Tuy nhiên, khả năng này có thể nhanh chóng bị thiếu hụt trong trường hợp số lượng các bệnh nhân tăng nhanh. "Trong trường hợp phải chăm sóc một lượng lớn bệnh nhân, thì các biện pháp bổ sung sẽ được tăng cường để các bệnh nhân có thể nhập viện. Điều này sẽ được thực hiện ở các khu vực tùy theo quy mô của dịch bệnh", giám đốc Tổng cục Y tế, Giáo sư Jérome Salomon, nói. Trong trường hợp số lượng bệnh nhân thực sự lớn, các cơ quan y tế có thể gỡ bỏ chiến lược cho bệnh nhân nhập viện theo hệ thống và chọn cách chăm sóc họ ngoại trú. "Nếu chúng tôi ở trong một tình huống đang thực sự trở thành dịch bệnh và chúng tôi thấy mình bị quá sức, nhưng điều này khó có thể xảy ra, thì chúng tôi sẽ yêu cầu những người bị bệnh nhẹ ở lại nhà họ trong vài ngày và đeo mặt nạ", François Bricaire, bác sĩ Truyền nhiễm/thành viên của Học viện Y khoa phát biểu. 

Vào ngày mùng 2/02, Bộ trưởng Y tế Đức, ông Jens Spahn, cho biết các nước G7 sẽ thống nhất để đưa ra một câu trả lời trước nạn dịch nCoV. "Chúng tôi đã thống nhất phải có một phiên họp hội đàm (Vidéo Call) giữa các bộ trưởng y tế G7" để đưa ra một câu trả lời « nhất quán", ông Jens Spahn nói với báo chí sau khi kết thúc cuộc điện đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ về vấn đề này. "Thật vô ích nếu một quốc gia tự mình hành động", ông nói và nhấn mạnh thêm rằng điều này bổ sung cho sự phối hợp liên châu Âu đã được tiến hành. Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Liên minh châu Âu trong nạn dịch nCoV với 10 ca xác định bị nhiễm bệnh.

Bộ trưởng Y tế Pháp, bà Agnès Buzyn, tán thành."Chúng tôi ủng hộ bất cứ điều gì cho phép sự phối hợp liên quốc gia được tiến hành tốt hơn, một sự trao đổi thông tin tốt nhất". Pháp là quốc gia thứ hai bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi virus với sáu bệnh nhân được xác định dương tính.

Chính phủ Pháp cũng ra một đường dây nóng số 15 để có thể liên lạc trực tiếp đến các cơ quan Y tế gần nhất ngay khi người dân cảm thấy có những triệu chứng về căn bệnh NCovi.

Tính đến ngày 4/02/2020 thì đã có 427 nạn nhân tử vong do nCoV và ngưỡng nạn nhân nhiễm nCoV đã bị vượt quá con số 20.000 (20.659), nhiều hơn nạn dịch SRAS vào năm 2002 – 2003 với con số nạn nhân đã được thống kê là 7.761. Theo thông tin, có sáu trường hợp dương tính tại Pháp nhưng duy có một trường hợp là bác sỹ đã bị lây nhiễm vi rút do đã tiếp xúc với một bệnh nhân. Đây là trường hợp duy nhất lây bệnh trên lãnh thổ Pháp.

Phản ứng của Tòa Thị chính Paris

Cho đến thời điểm này, Chính phủ Pháp chỉ đảm nhận miễn phí cho những trường hợp được chính Chính phủ gửi máy bay đến Vũ Hán để hồi hương, còn những người tự về thì không có. Điều này khiến khá nhiều người bất bình. Bà Anne Souryis, phó Thị trưởng Paris đảm trách Y tế phát biểu: “Chúng tôi mong muốn tất cả những người trở về bằng phương tiện cá nhân của họ đều phải được áp dụng những thủ tục như những người được chính phủ hồi hương. Không có lý do gì để phải có những thủ tục khác nhau.”

Trong lúc chờ đợi chính phủ phản ứng, Tòa thị chính Thành phố khuyến cáo các gia đình từ Trung Quốc trở về nên tránh các trường học trong vòng 14 ngày “để phòng ngừa” và cũng “để mọi người khác không lo lắng. Biện pháp này cũng là tránh cho những người liên quan không bị lên án”

Tại Paris, Tòa thị chính đã đề nghị chính phủ phải chịu trách nhiệm thống kê những người đến hoặc trở về từ Trung quốc bằng chính những phương tiện riêng của họ, họ sẽ được kiểm tra ngay lập tức và nếu không có biểu hiện gì. Trong lúc chờ đợi, ban lãnh đạo thành phố khuyến cáo họ dù sao cũng nên tự cách ly trong vòng 14 ngày, để tiện việc theo dõi những triệu chứng. Hiện bệnh viện Paris đang chăm sóc 5 bệnh nhân dương tính với NCovi. Tòa thị chính cũng khuyến cáo đến dân chúng hãy dùng những biện pháp cần thiết để phòng ngừa nạn dịch này. 


Phản ứng của dân chúng

Mọi chuyện diễn ra bình thường tại Pháp, nhưng khi có thông báo về cái chết đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc (Philippines) và khi nạn đại dịch được Tổ chức Y tế Thế giới công bố khẩn toàn cầu thì đã làm dấy lên mối lo ngại về sự lây lan của nó. Nỗi sợ hãi đang lan rộng khắp trong dân chúng. Một số người Pháp có thái độ khá kỳ thị đối với người châu Á. Theo các nguồn tin trên mạng xã hội, thì dẫu “không đao to búa lớn” mà chỉ cần thấy người châu Á có mặt, những người Pháp lẳng lặng bỏ đi, gây cảm giác bất bình cho một số người. Chuyện có lẽ cũng dễ hiểu bởi nạn nhân đầu tiên phát hiện tại Pháp là người đến từ Vũ Hán. Nhưng hiện thời, mọi chuyện đã lắng lại… Các chương trình vui chơi đón xuân Canh Tý của cộng đồng Trung Quốc tại Paris đã được ban tổ chức đề nghị các Tòa Thị Chính Pháp hủy bỏ hủy bỏ.

Cộng đồng người Việt tại Pháp vẫn hòa chung với không khí của nước Pháp, vẫn làm việc đều đặn và chưa thấy thông tin đáng ngại nào đến từ cộng đồng. Các sự kiện vui chơi gặp gỡ trong cộng đồng Việt vẫn được tiến hành theo đúng dự định. Ngày mùng 1 và mùng 3 tháng hai vừa qua, nhân dịp gặp gỡ mừng xuân Canh Tý, Cộng đồng Việt đã tụ tập gần 2 ngàn người tham gia tại Biệt thự Baltard, thuộc thành phố Nogent/Marne, ngoại ô Paris. Và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ chúc tết kiều bào, lễ hội đã diễn ra tại Tòa thị chính Paris, thu hút gần 1000 người tham dự.

Trên đường phố, trong các công sở, trung tâm thương mại và trường học tại Pháp cuộc sống dường như vẫn bình thường êm ả. Ta không nhìn thấy bất kỳ một ai đeo khẩu trang..

 Viện Pasteur nghiên cứu tìm vắc-xanh chống nCoV

Trên thế giới đã có khá nhiều các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm làm việc tích cực để tìm ra vắc xanh chống loại virut Corona này. Tại Viện Pasteur nằm trong quận 15 thành phố Paris, một Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về tìm kiếm vắc xanh phòng những căn bệnh lạ, thì hiện thời có năm mươi nhà nghiên cứu làm việc không ngưng nghỉ để tìm ra vắc xanh chống nCoV này. Hiện tại, các nhà nghiên cứu của viện Pasteur đã thành công tìm được gốc giống của vi rút và đã cách ly được chúng, sau đó họ tiếp tục quan sát phân tích kỹ lưỡng những hoạt động, nghiên cứu những phản ứng và sự phát triển, sự lây lan của chúng với mục đích có thể hiểu rõ hơn những điểm biệt tính của loại vi rút này để đưa ra những biện pháp đối phó với chúng được tốt hơn. Các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra các liều thuốc điều trị trong vòng một tháng tới đây. Nếu các thí nghiệm cho thấy có hiệu quả, sẽ còn phải đưa đến bệnh viện lâm sàng để thử nghiệm trên các bệnh nhân. Quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian. Theo giáo sư Christhophe d’Enfert - Giám đốc Khoa học của Viện Pasteur, thì nếu mọi chuyện suôn sẻ thì thuốc Vắc xanh chống nCoV sẽ được xuất xưởng vào mùa thu năm 2021.

Paris 06/02/2020

Hiệu Constant (Bài và ảnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét