Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Chạm vào ngàn năm

 

Chạm vào ngàn năm 

(Báo Hà Nội Mới 10.11.2019)

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/821564/cham-vao-ngan-nam

Đã nghe nhiều huyền thoại về chùa Tây Phương, tôi tự nhủ lòng sẽ có lần ghé thăm và vãn cảnh nơi đây. Trăm hay không bằng mắt thấy, mắt thấy không bằng cảm nhận, và lần hồi hương vừa qua, tôi đã được toại nguyện.


Mới sáng sớm tôi đã náo nức lên đường. Trời Hà Nội hôm ấy mưa rất to, nhưng tôi vẫn đi ! Tôi dùng xe mô tô, được đi trong mưa dưới vùng trời quê hương như ngày xưa là một diễm phúc đối với tôi! Đã lâu lắm tôi không được hưởng niềm vui ấy và nhoẻn cười khi phát hiện rất nhiều người đi xe máy với cái cái túi ny lông bọc chân – họ bảo vệ đôi giày, còn tôi thì không! Mưa như trút, tôi dừng xe tại Mỹ Đình để dốc nước khỏi giày và đợi bạn.

Trời ngớt dần và bạn đã đến, giày của tôi đã ráo nước và chúng tôi lên đường. Xe chúng tôi bon nhanh trên chặng đường gần ba chục kilomet. Càng đến gần chùa thì phong cảnh càng gần gũi với thiên nhiên hơn, mặc dù đã đô thị hóa khá nhiều. Hai bên đường lác đác những thửa lúa đã chín xen lẫn những nơi đã gặt, chỉ còn trơ gốc rạ. Lác đác vài đầm sen nhỏ. Sen mùa này đã rũ lá, để lộ những cọng khẳng khiu đỡ những chùm lá đã gục úa, đen đúa…

Trời mưa và là ngày trong tuần nên quang cảnh vắng vẻ. Một cây cổ thụ xum xuê đón du khách tại bãi trống, ngay trước cổng chùa. Chùa Tây Phương, hay còn được gọi là Sùng Phúc Tự, nằm trên ngọn đồi Câu Lâu ở làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội. Chùa được cho là một trong những cổ tự lâu đời nhất miền Bắc.

Đã đi viếng rất nhiều chùa tại Việt Nam và thế giới, nhưng tôi bị ấn tượng ngay từ cổng, đường dẫn lên chùa khá nhỏ cao vút với những bậc thềm lát gạch đá ong đã mòn vẹt theo năm tháng. Hai bên là những hàng cây um tùm rậm rạp. Lớp thảo mộc quấn quện chằng chịt trên những thân cây to và lan rộng trên mặt đất. Càng lên cao, cảnh vật như yên tĩnh hơn, tách hẳn với thế giới ồn ào ngoài kia. Mắt khép hờ và hít một hơi sâu căng lồng ngực, tôi hình dung nơi đây vào mùa xuân, chắc hẳn sẽ vô vàn kỳ hoa dị thảo và chim muông líu lo. Bậc đá mòn vẹt, cây cổ thụ, thềm đá rêu phong, thảm thực vật xum xuê… khiến ta cảm thấy thời gian như ngưng đọng tại chốn này. Chùa Tây Phương không lớn, gồm ba chùa Thượng Trung Hạ tách biệt đứng song song thành hình chữ Tam. Có nhiều giả thiết về niên đại của Chùa, có giai thoại nói Chùa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8 và qua nhiều thời kỳ thăng trầm và gây dựng lại, còn sách sử ghi rằng vào thời hậu Lê có cuộc đại trùng tu và sửa đổi, nhưng hình dáng kiến trúc được lưu lại đến ngày nay là có từ thời nhà Tây Sơn.

Chùa vắng tanh, mưa vẫn lắc rắc rơi trên những lá cây ngọn cỏ và mái chùa cong cong cổ kính. Chùa Tây Phương được xây dựng theo phái Bắc Tông với rất nhiều tượng Phật. Tôi bâng khuâng và lắng lòng tưởng niệm. Mỗi cổ tự đều có một báu vật thiêng. Chùa Đậu quê tôi ở Thường Tín có hai xá lợi nhục thân của hai vị đại sư cao tăng là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, có từ thế kỷ 17.  Tôi nhớ từ khi còn rất nhỏ, lễ hội Chùa Đậu diễn ra vào mùng 7 mùng 8 tết, tôi thường theo các anh chị băng qua cánh đồng hàng kilomet để đến thăm chùa. Ngày đó, nhìn những pho xá lợi nhục thân ấy, tôi đã chẳng hiểu gì, chỉ thấy mọi người vái lạy xì xụp, ngày đó nơi ấy rất hoang sơ nhưng thâm trầm cổ kính đầy vẻ linh thiêng huyền bí. Còn giờ đây thì khác, Chùa Đậu đã thay đổi dáng mạo, mỗi khi hồi hương tôi đều ghé thăm, quần thể chùa được tu sửa khang trang, hiện đại nhưng cùng lúc mất đi dáng vẻ cổ kính xưa kia, phần Tam quan đổ nát, những phiến gỗ có thể hàng trăm tuổi được gỡ xuống vất ngổn ngang trên nền đất. Các xá lợi nhục thân của hai vị đại sư cao tăng đã được bày trong tủ kính. Còn ở đây, Bảo vật của Chùa Tây Phương này chính là bộ tượng cổ A la hán đều được tạc bằng gỗ mít và được sơn son thếp vàng. Nhiều tượng được tạc to hơn hình người, thần thái uy nghi. Mỗi bức một vẻ, ai cũng toát lên dáng vẻ thanh tịnh, tuy đăm chiêu hay tươi cười hoan hỉ.Tôi thầm ngưỡng mộ các nghệ nhân đã tạo ra những tượng Phật mang giá trị nghệ thuật độc đáo hiếm có này. Đứng trước các bức tượng phật ấy, độc thoại với tâm hồn mình, ta dường như thấy rõ hơn cái chân tướng vô minh của chính mình. Có một pho tượng khiến tôi nhớ đến điển tích Quan Âm Thị Kính đã đi vào thơ ca Việt Nam mà hiếm Phật tử nào không biết « …Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ/ Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên/Độ cho hai khóm thung, huyên/Giơ tay cầm quyết, bước lên trên tòa… ». Tôi cũng đã được chứng kiến các tượng phật A la hán tại Chùa Dâu ở Bắc Ninh, trong một ghé thăm mảnh đất kinh Bắc.

 Từ hiên chùa Trung, tôi ngước nhìn mái chùa Thượng. Mái ngói lợp hai lớp, những viên ngói hình lá đề, không giống như những viên ngói ta thường thấy, các đầu đao mái được chạm trổ tinh xảo cong cong với những đầu rồng tuyệt mỹ, dẫu vẫn mang vẻ mộc mạc nhưng giàu truyền cảm, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Việt và là minh chứng một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài. Trong không gian trầm lắng lắc rắc tiếng mưa rơi ấy, tôi thầm cảm phục đức cao tăng đã chọn nơi này để dựng chùa từ thuở hồng hoang. Tôi hình dung xưa kia, nơi đây hoang vu lặng vắng, giữa thời loạn lạc, các phe phân tranh, đạo đức suy đồi, thì tại nơi đây, trời đất như hòa cùng một thể, cùng tự nhiên quy tụ, và các bậc cao tăng vẫn giữ được điềm tĩnh, cùng với một trí tuệ đã lãnh hội được từ một đạo lý cơ bản nhất của vạn vật, vẫn ngồi tụng kinh niệm Phật, cầu cho Quốc thái dân an. Nơi đây vạn vật như cùng quay về nguồn cội, tiếng tụng kinh gõ mõ hòa cùng tiếng gió tạo nên âm thanh tự nhiên, vĩnh hằng bất biến !

Tôi đặt tay lên những cây cột khổng lồ bằng gỗ đã phai màu theo thời gian, độ lạnh và ẩm thấm vào da thịt. Ở độ cao này và sau cơn mưa, quả là lạnh thật ! tôi bất giác rùng mình và nhắm mắt, hồn thiêng đâu đó như chợt hiện về… Chúng tôi đi một vòng quanh chùa và phát hiện phía sau có một lối dẫn đến một khu chùa khác khá bề thế mới xây cất nên còn mới toanh, đôi chỗ còn đang hoàn thiện.

Đứng vái vọng quẩn thể chùa mới từ xa, rồi tôi lại quay lại khu chính điện thâm trầm. Thấp thoáng bóng ni sư, chúng tôi tiến lại và trò chuyện. Đó là Ni sư Thích Đàm Thủy, sư đã cao tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Tiếp chuyện ni sư, chúng tôi hiểu thêm nhiều huyền tích về chùa Tây Phương. Như chuyện trước đây chùa do Tăng sư trụ trì, nhưng từ năm 1971, chùa bắt đầu được Ni sư Thích Đàm Thanh đảm nhiệm, và khi nữ trụ trì viên tịch qui tiên, thì ni sư Đàm Thủy tiếp quản. « Ngày đó chốn này rất âm u, tối đến ếch nhái kêu khắp nơi … » - ni sư bắt đầu cuộc trò chuyện. Ni sư cho biết ngôi chùa được đại trùng tu vào năm 1958. Và tiếp tục trùng tu vào những năm 1991 - 1993, và đúng dịp ấy thì chùa bị mất tượng «Người ta ăn trộm rồi ném xuống ao, phải tát cạn ao mới lấy được lên. Đó là những pho tượng Thiên thủ Quan âm Bách thủ và Đức giáo chủ Thích ca… ». Và còn chuyện vào ngày 13 tháng 3 năm 1993, chùa mất liền ba pho tượng. Ni sư kể hôm đó có nhân viên huyện đến ngủ tại chùa, còn Ni sư lại đi vắng : « Lấy trộm tượng Phật là nhà hết phúc… » - ni sư bình luận. Ni sư cũng kể rằng trước đây, chùa thường tiếp các phật tử tứ phương và cho ngủ lại chùa, nhưng từ ngày mất tượng, chùa không cho khách tham quan ngủ lại nữa… Ni sư cũng nói với chúng tôi nhiều về cách thức tu hành sao cho đúng với Phật pháp.…

Từ trên đỉnh đồi Câu Lâu, tôi suy ngẫm. Trong những năm gần đây, xã hội Việt Nam phát triển mạnh. Nhưng sự phát triển nào cũng kéo theo những hệ lụy. Tôi không bàn đến những lĩnh vực khác, nhưng điều tôi nêu chắc ai cũng thấy. Đó là tệ nạn xã hội tăng, đạo đức xuống cấp, cuộc sống chụp giật như nở hoa, và điều đó lan tới cả chùa chiền… Nhiều người trong chúng ta đã quên mất rằng Tiền nhân đã nhắc nhở từ ngàn xưa rằng người không Đạo như nhà không mái, rằng uống nước phải nhớ nguồn, vậy mà bao cổ vật tại các chùa bị lấy cắp, bao thuần phong mỹ tục bị suy đồi. Phật pháp bị biến thể, chùa chiền không còn là nơi thâm nghiêm thanh tịnh nữa. Bao dấu tích ngàn năm bị chìm vào hư vô trước sự lãnh cảm của hậu thế. Và còn bao sự trùng tu vô lối thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết của một số nhà chức trách Văn Hóa tại một số đình chùa miếu mạo. Họ cho phá cũ xây mới mà không hiểu rằng chính họ đang xóa dần những cổ tích ngàn năm trong tâm khảm con người, gieo rắc sự thờ ơ nơi thế hệ trẻ đối với các giá trị văn hóa văn vật truyền thống… Tệ nạn thì ở đâu cũng có và người ta hay đổ thừa cho xã hội, những mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, nếu mọi tế bào đều tốt thì chúng ta sẽ có một xã hội lành mạnh hơn chăng! Nên sống có ý thức, nhất là những người có chức tước, các tăng nhân…

 Rất nhiều người hiểu chưa đúng về Phật giới nên thường đi chùa để cầu xin, thiếu cái gì thì xin cái đó, và chính điều đó đã khiến cho một số kẻ cơ hội lợi dụng, làm giàu bất chính. Phật pháp dạy khi đảnh lễ Phật thì cần tâm an trú. Chùa chiền phải là nơi trời đất hợp nhất, vạn vật yên tĩnh, nơi có thể giúp con người thiền định để thanh lọc uẩn khúc khiến tâm an tịnh và trong sáng. Có câu nói rằng người có thể thanh tịnh, trời đất đều tụ về, tâm trí sáng suốt, nhìn thấu mọi vấn đề, giải quyết hợp lý thấu đáo, công việc ắt thành công. Vậy thành công là do chính bản thân ta chứ không phải do thế lực vô hình nào trợ giúp!

Quang cảnh chùa Tây Phương khiến tôi nhớ đến Thiền viện Trúc Lâm ở ngoại ô Paris, nơi tôi vẫn thường đến viếng Phật khi có dịp. Thiền viện Trúc Lâm cũng được xây trên một quả đồi cao bốn mùa lộng gió và cây cối um tùm, thuộc thành phố nhỏ Villebon/Yvette, cách thủ đô Paris chừng gần 40 kilomet. Quả là một nơi thanh tịnh ! Giai thoại kể rằng hồi chọn nơi dựng chùa, có người nói nơi đó quá xa, quá hoang vu, Hòa Thượng đã trả lời «Chúng ta cần xây dựng một ngôi chùa, chứ không phải là một siêu thị ». Chùa Trúc Lâm được Hòa thượng Thích Thiện Châu (1931 – 1998) kêu gọi các phật tử quyên góp và được khởi công xây dựng trong những năm 80 của thế kỷ trước nhưng phải mất10 năm mới hoàn thành. Đây là một trong những ngôi chùa thuần Việt đầu tiên tại Pháp. Tất cả kinh kệ trong chùa đều được Hòa thượng chuyển thể sang tiếng Việt để các Phật tử Việt dễ học, dễ niệm. Trúc Lâm luôn là nơi để các Phật tử Việt Nam tại Paris và vùng phụ cận tìm về trong những ngày tết, ngày lễ Phật giáo khác trong năm và thọ trai cơm chay. Nơi đây cũng thường có các buổi đàm thoại về Phật pháp do các chuyên gia và các đại cao tăng đến trò chuyện và giảng dạy, bà con kiều bào thường đến tham gia rất đông.

Thăm Trúc Lâm Thiền Viện, Chùa Đậu, Chùa Dâu, Chùa Tây Phương hay bất kỳ ngôi chùa hay chốn thiêng nào mà tôi có duyên được đến thì tôi luôn cảm thấy một cảm giác an lạc, thân tâm an tịnh hướng về cõi Phật và nhất là tôi được sống trong bầu không khí truyền thống của quê hương Việt Nam, được chiêm nghiệm những điều mà không phải khi nào cũng có thể nói được bằng lời.

Xin mượn hai câu thơ sau để kết thúc bài viết :

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Paris 31/10/2019

Hiệu Constant (Bài & ảnh)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét