Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Đọc Nắng Cuối Chiều của Hiệu Constant

 

Đọc “Nắng cuối chiều” của nhà văn Hiệu Constant

(Tạp chí Kiều Bào & Quê Hương, số 10/2020)

Khi viết về những người Việt tha phương, nhà văn Hiệu Constant luôn đề cao tình người, tính hướng thiện, khát vọng vươn lên trong họ. Đó không chỉ là những đức tính quý báu được đề cao trong cộng đồng người Việt, mà được bạn bè thế giới đón nhận với vòng tay yêu thương và sự trân quý.

Hiệu Constant là nhà văn dịch giả, nhà báo Việt Nam đang sống tại Pháp, chị đến với nghề viết chỉ gần hai chục năm, nhưng chị đã cho ra đời trên dưới 70 tác phẩm dịch, 5 tiểu thuyết và một tập tuyện ngắn đã xuất bản. Chưa kể các tác phẩm báo chí của chị, thì ta đã thấy ở chị có một năng lực lao động sáng tạo vô cùng mạnh mẽ. Không dừng lại ở đó, hiện nay chị vẫn đang tiếp tục viết, thai nghén nhiều tác phẩm để chuẩn bị hoàn thành và xuất bản.

Nhìn vào những tác phẩm đã in của chị, ta có thể thấy sở trường của chị trong làng văn là ở năng lực sáng tác tiểu thuyết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, “người viết đa năng” trong chị lại tiếp cận thêm một lĩnh vực mới là truyện ngắn. Tập Truyện ngắn “Nắng cuối chiều” của chị được nhà Xuất bản Dân trí phát hành vào tháng 6 năm 2020 là tuyển tập 8 truyện ngắn: Dưới chân Hòn Dáu, Lạc quê, Chênh vênh, Cháu nội của một thành lang, Mùa đông này con không về, Quan lộ, Nắng cuối chiều và Người mẹ Lào. Hầu hết các truyện trong tuyển tập này đều được thẩm định qua các mắt nhà nghề của các biên tập viên chuyên nghiệp và được đăng rải rác trên các báo, nhiều nhất là Báo Văn nghệ.

Truyện ngắn của nhà văn Hiệu Constant thường bắt đầu bằng những gì diễn ra trong hiện tại, sau đó chuyển dần vào thế giới hồi ức của nhân vật. Sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại trong kết cấu truyện giúp tác giả đi sâu vào nội tâm nhân vật một cách dễ dàng. Bằng ngòi bút khá sắc sảo, tác giả đã đem những tâm tư tình cảm chôn sâu trong đáy lòng của nhân vật ra ánh sáng để mọi người thấu hiểu, cảm thông. Truyện ngắn “Nắng cuối chiều”, câu chuyện mà tác giả ưu ái đặt tên cho cả tập truyện của mình là truyện duy nhất không có một cốt truyện rõ ràng, song bằng việc phân tích nội tâm, tác giả đã phơi bày được những diễn biến phức tạp trong nội tâm nhân vật, từ đó toát lên được những suy ngẫm những triết lý sâu sắc về thân phận con người trước dòng chảy của cuộc đời.

Tác giả có cách kể chuyện cuốn hút với nhiều sự kiện kịch tính, tạo nên sự hấp dẫn khiến người đọc không nỡ đặt sách xuống như truyện: Cháu nội của một thầy lang, Người mẹ Lào, Lạc quê… Ngôn ngữ triệu giàu cảm xúc, nhất là những đoạn văn miêu tả cảm xúc và tâm trạng. Ví dụ như, một đoạn tả cảnh mùa đông trong truyện ngắn “Lạc quê”, không có tuyết rơi mà ta như thấy cái lạnh xuyên thấm vào da thịt người tha hương: “Trời Paris sao mà lạnh, không có gió, nhưng cái rét cứ âm ỉ, luồn lách vào từng ngóc ngách cơ thể, qua những lỗ hổng bé tí ti mà mắt thường không thể nhìn thấu của quần áo, rồi lại như chui qua cả lỗ chân lông, ngấm vào từng thớ thịt, từng đoạn xương trên người, rồi lẫn vào tận tim gan nó. Lạnh, sao mà lạnh!”. Bên cạnh những câu văn miêu tả phong cảnh nơi xứ người, truyện của chị có rất nhiều những hình ảnh hồi ức về quê hương, xứ sở thân thuộc như Hòn Dáu, Đình làng Chuông, hay một con đường kỷ niệm, một vùng miền quê yên ả mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào đó trên đất nước Việt Nam này.

Diễn biến truyện làm người đọc ngạc nhiên vì kết thúc khá bất ngờ, ngoài dự đoán của độc giả như truyện Dưới chân Hòn Dáu, Chênh Vênh. Hai câu chuyện tình đẹp, nhưng đầy trắc trở… Tác giả đã không hào phóng cho nhân vật mình kết thúc có hậu, dẫu rằng trong cuộc sống riêng tư không trọn vẹn, họ đã cố gắng vượt lên những rào cản của gia đình, của xã hội để tìm lại nhau lần nữa, thế nhưng rồi số phận buộc họ như hai chuyến tàu lướt vội qua nhau, không có cái nắm tay rung rung ngày tao ngộ, không có giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi lúc tao phùng. Chỉ có nỗi chênh vênh, tiếc nuối, khoắc khoải ngày một nhiều thêm trong những tâm hồn vốn đã một lần yêu thương say đắm…

Sống ở nước ngoài trong một thời gian khá dài (hơn 20 năm), nên nhân vật của chị thường là những người Việt tha hương, những du học sinh, những trí thức Việt đi công tác hoặc tu nghiệp ở nước ngoài hoặc kiều bào.  Khi viết về những người Việt tha phương, tác giả luôn đề cao tình người, tính hướng thiện, khát vọng vươn lên trong họ. Đó không chỉ là những đức tính quý báu được đề cao trong cộng đồng người Việt, mà được bạn bè thế giới đón nhận với vòng tay yêu thương và sự trân trọng (Người mẹ Lào, Lạc quê).

Thu Ba

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét