Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Lời Phật dạy trước khi Người diệt độ

LỜI PHẬT DẠY TRƯỚC KHI NGÀI DIỆT ĐỘ

(Theo KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập

Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định)


Khi Ðức Phật sắp vào Niết Bàn, thì Ngài A Nan hỏi Ðức Phật bốn việc;

Sau khi Ðức Phật nhập diệt thì :

a. Khi kết tập Kinh điển dùng chữ gì bắt đầu Kinh điển, để khiến cho mọi người đều tin là Phật nói ?

b. Sau này về phương pháp tu hành y theo pháp gì mà trụ ?

c. Sau này chúng con nương ai làm thầy ?

d. Những Tỳ Kheo ác tính, chúng con đối xử với họ ra sao ?

Ðức Phật trả lời :

Thứ nhất : Khi kết tập Kinh điển, thì trước hết Kinh bắt đầu câu :"Tôi nghe như vầy".

Thứ hai : Y theo tứ niệm xứ mà trụ.Tứ niệm xứ là thân, thọ, tâm, pháp.

 1. Quán thân bất tịnh : Thân thể của chúng ta dù tắm rửa rất sạch sẽ, cũng có mồ hôi chảy ra, nếu không tắm thì thối không chịu nổi ! Trên thân có chín lỗ thường tiết ra thứ bất tịnh : Ghèn, nước mắt, nước mũi, cứt ráy, đàm, đại tiện, tiểu tiện .v.v., luôn luôn tiết ra chất dơ bẩn. Cho nên phải quán thân bất tịnh. Người nhiều tham dục thì hãy dùng quán bất tịnh để đối trị, quán nam nữ dù đẹp cũng là dơ bẩn không sạch, tức nhiên không sạch, lại có gì để tham luyến ? Biết không sạch thì sẽ chẳng tham trước, chẳng còn tâm dâm dục.

2. Quán thọ là khổ : Thọ là lãnh thọ, bất cứ cảnh giới thiện ác, thuận nghịch gì hiện tiền, bạn lãnh thọ thì tâm của bạn sẽ giao động. Có giao động thì là khổ. Tất cả sự tiếp thọ, chịu đựng mọi cảnh giới đều là khổ. Nếu bạn biết nó là khổ, thì chẳng tham hưởng thụ, cầu dục lạc, như thế thì sẽ đoạn diệt khổ

3. Quán tâm vô thường. Tâm của chúng ta như sóng trong biển, niệm trước diệt, niệm sau sinh, niệm niệm biến đổi, sinh sinh không ngừng, nhưng mỗi một niệm đều là vô thường hư vọng.

4. Quán pháp vô ngã. Pháp có : sắc pháp, tâm pháp. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận có nói :"Sắc pháp có mười một, tâm pháp có tám, tâm sở pháp có năm mươi mốt, bất tương ưng pháp có hai mươi bốn, vô vi pháp có sáu, tổng cộng thành một trăm pháp". Tuy nhiên có nhiều pháp như thế, nhưng đều vô ngã, cho nên đừng chấp trước pháp. Trong Kinh Kim Cang có nói : "Pháp còn phải xả bỏ, hà huống là phi pháp". Tu hành, tu đến cực điểm thì người và pháp chẳng còn nữa. Trước kia, khi chưa minh bạch Phật pháp, thì chấp cái ta rất sâu nặng, tất cả đều thuộc về ta, gì cũng đều là của ta. Nhưng khi minh bạch Phật pháp rồi, thì chấp trước vào pháp, biến thành pháp chấp, có sự chấp trước thì có quái ngại, có quái ngại thì khởi điên đảo, khởi điên đảo thì sinh mộng tưởng. Nếu quán cái ta chẳng còn nữa, vậy còn pháp thì sao ? Cho nên phải quán pháp vô ngã. Từ quán thân bất tịnh rồi thì quán tâm, thọ, pháp, cũng đều bất tịnh. Quán thọ là khổ rồi thì quán thân, tâm, pháp, cũng đều là vô thường. Quán pháp vô ngã rồi thì quán thân, thọ tâm cũng đều vô ngã. Cho nên, tuy nói là bốn Niệm Xứ, nhưng chúng có mối quan hệ với nhau. Sau khi Phật vào Niết Bàn rồi, mỗi vị Tỳ Kheo đều nên y theo bốn Niệm Xứ mà trụ, không thể tơ hào xa lìa.

Thứ ba : Phải lấy giới làm thầy. Tất cả những người xuất gia, phải y theo giới luật tu hành, nếu không y theo giới luật tu hành, thì Phật pháp sẽ diệt vong. Nếu y theo giới luật tu hành, thì Phật pháp sẽ tồn tại lâu dài trên thế gian. Có một người y theo giới luật tu hành, thì Phật giáo có một phần quang minh, có mười người thì có mười phần quang minh, có trăm người, ngàn người, vạn người, cho đến ai ai cũng đều y theo giới luật tu hành, mà không hủy phạm, thì Phật giáo có vô lượng vô biên quang minh, chiếu phá tiêu diệt tất cả sự đen tối trên thế gian. Cho nên giữ giới trong sạch, y theo giới luật tu hành, là lời dạy cuối cùng, quan trọng nhất của Ðức Phật. Giới là thầy hiện tại của Tỳ Kheo tu hành.

Thứ Tư : Không nói năng gì với Tỳ Kheo ác tính. Không đếm xỉa gì đến họ, lấy sự yên lặng đối đãi với họ. Tỳ Kheo ác tính chẳng cứ đạo lý, cho nên đừng đả động gì đến họ, để họ tự sinh hổ thẹn, do đó sẽ làm ảnh hưởng đến họ, khiến cho họ hồi tâm trở lại giữ quy cụ, đó là biện pháp tốt nhất.

 A Nan hỏi Phật bốn câu hỏi ; Phật đều trả lời phó chúc, cho nên tất cả Kinh điển, trước hết đều bắt đầu bằng câu :"Tôi nghe như vầy". "Tôi nghe" là Ngài A Nan nói : "Pháp như vầy là tôi A Nan thân tự nghe Ðức Phật nói, chứ chẳng phải tôi tự bày vẽ tạo ra". "Như vầy" là từ chỉ pháp, tức là nói bộ Kinh này, gọi là tin thành tựu, bạn tin tức là như vầy, không tin thì chẳng phải như vầy. "Như " là bất biến (không thay đổi), tùy duyên là "vầy". "Như vầy" tức là tùy duyên không thay đổi, không thay đổi mà tùy duyên, tức cũng là như như bất động, liễu liễu thường minh. Và "như vầy" là một sự ấn khả, tức là nếu bạn làm đúng khế hợp với tâm của Phật tức là như vầy. Nếu trái với tâm của Phật thì chẳng như vầy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét