Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

CƠN MƯA DẦM CỦA XÚC CẢM SUY TƯ - CẢM NHẬN VỀ TẬP TRUYỆN “NẮNG CUỐI CHIỀU” CỦA HIỆU CONSTANT

 

CƠN MƯA DẦM CỦA XÚC CẢM SUY TƯ  -  CẢM NHẬN VỀ TẬP TRUYỆN “NẮNG CUỐI CHIỀU” CỦA  HIỆU CONSTANT

(Lương Thìn)

 http://baovannghe.com.vn/con-mua-dam-cua-xuc-cam-suy-tu-1-2-21859.html?fbclid=IwAR0t_JPkRZT7skH48cmJRu510WbsN3ZXhmTINGs-aYHZbbgFuFzMF1PaTUI

Nhà văn Hiệu Constant là một cái tên không còn xa lạ với bạn đọc. Chị sinh năm 1971 ở một vùng quê thuộc Thường Tín (Hà Nội). Gia tài của chị là người chồng  Pháp - anh Claude Constant, hai đứa con xinh xắn Bin - Hà và hàng trăm bài báo đăng tải trên các báo trong nước, hàng trăm phóng sự truyền hình trên kênh VCT10, VTV4 của truyền hình Việt Nam. Số tác phẩm chị dịch từ tiếng Pháp, tiểu thuyết truyện ngắn chị sáng tác lên tới hơn 70 đầu sách, nhiều gấp rưỡi tuổi đời của chị. Với hơn 60 tác phẩm dịch, chị được mệnh danh là  nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam, trong đó có nhiều tiểu thuyết có giá trị như  "Nỗi niềm" của Paule Constant; "Rừng thẳm" của Julien Gracq …

Tôi nhớ ai đó đã từng nói: Có những cuốn sách khi  ta đọc giống như đang  được tắm trong một cơn mưa rào nó cuốn ta đi, nó khiến tâm hồn ta ào ào thác lũ. Có những cuốn sách khi ta đọc giống như đang đi trong cơn mưa dầm rả rích, từng chút từng chút một, những con chữ  thấm sang ta mãi không dứt cảm giác khó tả, đan xen suy ngẫm trải nghiệm về con người và cuộc đời.Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm của Hiệu Constant "Côn trùng", "Đường vắng", "Đời du học", "À bientot… hẹn gặp lại" "Tiếng dế"... có tác phẩm của chị cuốn tôi đi như thác lũ. Cũng có tác phẩm một cơn mưa dầm thấm đẫm vào tôi xúc cảm suy tư như tập truyện ngắn mới xuất bản gần đây của chị: “Nắng Cuối Chiều”

Tập truyện vừa vặn, hơn hai trăm trang, tám truyện ngắn xinh xắn đủ để trở thành một món quà văn chương ý nghĩa gửi tặng bạn đọc. Nhà văn dẫn ta đi từ truyện đầu tiên đến truyện cuối cùng trong một mạch cảm xúc.

Thời  gian nghệ thuật của tập “Nắng Cuối Chiều” phần lớn là thời gian đi từ hiện tại trở về quá khứ, thời gian hồi ức của các nhân vật. Bắt đầu từ  Dưới chân hòn Dấu” Loan-Theo dấu người phụ trách chương trình giải trí phát vào 23h30 hàng đêm gặp lại người xưa của chị - Tuấn trong vai trò là một khán giả. Quá khứ ùa về với những kỉ niệm gọi tình cảm của Loan trở lại đầy ắp những yêu thương. Nhưng số phận không đơn giản như một phép toán cứ cộng vào là ra kết quả mong đợi. Một lần nữa họ đã để lỡ nhau ngay ở hiện tại khi trong cuộc hẹn gặp mặt dưới chân hòn Dấu không thành, Tuấn đến khi chị vừa rời đi sau mênh mang chờ đợi và hụt hẫng.

Trong “Lạc Quê”, thời niên thiếu vất vả và những nỗ lực đầy nước mắt nơi xứ người đã trở về trong dòng kí ức của một người kiến trúc sư già ngay trong buổi lễ ông được Tổng thống trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh vì sự nghiệp thúc đẩy phát triển của Quốc gia. Cậu bé mười sáu tuổi một mình nơi xứ người để có tiền đi học đã phải  đánh đàn trên bãi biển Bordeaux, làm bồi bàn trong quán cà phê, đã từng trượt tốt nghiệp Trung học, sống những ngày lang thang đầu đường xó chợ chui vào khắp hang cùng ngõ hẻm của vùng ngoại ô Pa ris... Cuối cùng với đam mê kiến trúc, nỗ lực vươn lên và sự giúp đỡ của thầy cô, người vợ Pháp ông đã thành công. Hay những hoài niệm về câu chuyện tình yêu đã trôi qua hơn hai chục năm  của Mai trong “Chênh Vênh cũng mang đầy ẩn ức. Cuộc tình của cô gái trẻ với Thế Hinh- một tổng biên tập đã từng là cử nhân văn khoa, từng là phóng viên mặt trận  bao năm lăn lộn ở chiến trường -vô cùng  éo le trớ trêu khi anh đã có gia đình với một người vợ đầy tham vọng cương quyết và độc đoán. Anh tìm thấy ở Mai sự đồng cảm chân thành và một tình yêu đích thực. Tình yêu nảy mầm trong họ mang hình hài của một đứa trẻ đã trở thành  chàng trai trẻ sau hai mươi năm gặp lại.

Nhân vật trong truyện của Hiệu Constant có chiều sâu nội tâm chất chứa những ám ảnh  kéo dài từ quá khứ đến hiện tại. Tuấn trong “ Quan Lộ” là một nhân vật như thế. Nhà văn đã cô đọng miền kí ức ba mươi năm của nhân vật trong vẻn vẹn hơn chục trang sách với những hoài niệm về bà nội hiền từ nhân nghĩa, về người mẹ hiền lành cam chịu, về người bố gia trưởng, về người bạn dị hợm háo danh của bố mình... Những trăn trở của quá khứ quay về khi anh bắt gặp hiện tại. Nhà văn cũng đưa người đọc trở về với vết thương chưa lành của một thời, dù chiến tranh đã khép lại nhiều năm. Hùng trong “Cháu nội một thầy lang” là một bác sĩ người Việt sang tu nghiệp tại Pháp gặp lại Andre chính người đã từng được ông nội anh coi là bạn, cũng chính là người đã  hại ông nội mình. Andre với những dằn vặt tội lỗi trong quá khứ đã nói lên một cách chân thành nhất sự khâm phục đất nước và con người Việt kiên cường. Câu chuyện cũng để lại một thông điệp vô cùng nhân văn: Quá khứ đau thương giữa hai dân tộc, chuyện xưa ta nên khép lại để lật sang trang mới. Cái nhìn về quá khứ của các nhân vật trong tập truyện giúp cho nhân vật khi trở lại biết trân trọng cuộc sống hiện tại, làm cho cuộc sống hiện tại có ý nghĩa hơn.

Đi suốt chiều dài của tập truyện, ta bắt gặp bóng dáng tác giả thấp thoáng hiện ra sau chân dung nhân vật của mình. Nhân vật trong các truyện “Lạc Quê” “Chênh Vênh” “Cháu Nội Của Một Thầy Lang” «Mùa Đông Này Con Không Về” “Quan Lộ” « Người Mẹ Lào”...đều là những người con đất Việt sống ở nước Pháp, luôn đau đáu về nguồn cội, đều mang trong mình những giá trị sống cao đẹp mang tính chất truyền thống của dân tộc. Dù ở nơi đất  khách Ông kiến trúc sư vẫn luôn nỗ lực vươn lên, người con gái chạy trốn một mối tình cũng có những quyết định hết sức nhân văn cao thượng vượt lên trên những ích kỉ tầm thường. Ở những nhân vật này, lòng vị tha luôn đặt lên hàng đầu. Một bác sĩ tận tâm, cầm dao phẫu thuật cho kẻ phản bội ông nội mình với lương tâm của một thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân khiến cho ta cảm động. Một người trí thức xa quê ba mươi năm với mong muốn nghỉ hưu về nước chăm sóc cho mảnh vườn của ông  bà nội... Bằng trải nghiệm của một người Pháp gốc Việt,  nhà văn Hiệu Constant sau mấy chục năm “Làm dâu nước Pháp” đã nói lên được nỗi lòng của những người Việt ở xa tổ quốc, những người như chị đang sống khắp nơi trên thế giới vẫn nâng niu giữ gìn và làm sáng ngời lên bản sắc dân tộc Việt...

  Không phải ngẫu nhiên nhà văn Hiệu Constant lấy truyện ngắn “Nắng Cuối Chiều” đặt tên cho toàn bộ tập truyện của mình. Ở tuổi  xấp xỉ “ngũ thập tri thiên mệnh” con người thường nhìn suốt cuộc đời mình, thấu hiểu cái bản thể mà dù muôn vàn bão tố ghập ghềnh của đời cũng không che lấp đi được và khi “cuối chiều” người ta hay nhìn lại nó ngẫm sự đúng sai, được mất, khen chê như một trải nghiệm thấm thía. Tôi thích những câu triết lí mà chị đúc kết trong các truyện: “ Cuộc sống dẫu khắc nghiệt thì vẫn luôn có sự tinh tế thú vị của nó, chỉ có điều ta phải chịu khó quan sát, tìm hiểu để nắm bắt lấy. Việc gì cũng có hướng giải quyết” (Truyện: Cháu nội của một thầy lang). Hay suy ngẫm của nhân vật Ông kiến trúc sư già “Chỉ cần có lòng tin. Vâng đúng thế, chỉ cần có lòng tin và sự cố gắng thì tất cả sẽ thành công” (Lạc Quê). Trong tập truyện những giáo lí đạo Phật, những triết lí của Trang Tử, của Kinh Thánh cũng  được tác giả khéo léo đưa vào trong  suy ngẫm của các nhân vật làm cho nhân vật của chị gần gũi với đời thực.

Có thể thấy nhân vật Tôi trong “Nắng Cuối Chiều” là một nhân vật tư tưởng gửi gắm những tâm sự của tác giả. Nhân vật tôi nhỏ bé “đứng đó, trong ánh sáng của ngày đang tắt dần. Trước mặt tôi biển mênh mang bất tận”, cảm xúc trộn ln giữa nỗi sợ sệt và cô đơn, đối diện với quá khứ  của chính mình với người phụ nữ của đời, chìm trong miên man dòng suy nghĩ đang cuộn chảy. Đối diện với ranh giới mong manh giữa  sự sống và cái chết Tôi nhận ra tư tưởng có một sức mạnh vượt khỏi thời gian và không gian. Cuối cùng giá trị mà con người muốn tìm tới nhất, đó chính là sự tự do.

Rất thú vị và cuốn hút người đọc khi nhà văn đưa và truyện của mình những yếu tố tâm linh có phần huyền bí. Nhân vật Chính trong  truyện “Người Mẹ Lào” có thể nhìn thấy những linh hồn. Linh hồn của anh bộ đội Việt Nam, của người phụ nữ trẻ, của người phụ nữ già nông dân đang cười tủm tỉm với mình và Chính bỗng ý thức rằng từ trước đến nay cuộc sống của mình còn thiếu hụt quá lớn, đó là trải nghiệm tâm thức. Cũng như nhân vật Tôi trong “Nắng Cuối Chiều” sau  lần cận kề cái chết đã nghiệm ra và tin vào thế giới Tâm Linh.

Với khuôn khổ của một tập truyện vừa, những giá trị  mà người đọc cảm nhận được qua tập truyện nhiều hơn những gì mà nhà văn Hiệu Constant muốn nói. Truyện ở một đôi chỗ còn mang tính chất kể lể, một vài chỗ miêu tả còn dài dòng nhưng giá trị nhân văn, khát vọng sống hạnh phúc, sống được là chính mình của con người thể hiện trong truyện không vì thế mà kém phần sâu sắc.

                                           Lương Thìn

THPT Yên Phong số 1- Bắc Ninh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét