Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Kinh Nguyệt - Vật báu của người phụ nữ


Giới thiệu tác phẩm Kinh Nguyệt - Vật báu của người phụ nữ



Một chủ đề phong phú pha tính huyền bí nhưng thường bị kìm chế…  
Mọi phụ nữ đều biết hiện tượng sinh lý về kinh nguyệt nhưng ít người nói về nó. Đến mức mà chủ đề này dường như được coi là điều ẩn í, không nên nói thẳng ra, dẫn đến những hậu quả đôi khi nghiêm trọng, hệt như nữ tác giả đã trình bày trong tác phẩm này. Nhiều phụ nữ xây dựng một phần hình ảnh của mình với điều «bất thành văn» về kinh nguyệt. Lớn lên với ý tưởng rằng trong suốt khoảng một phần tư thời gian sẽ có cái gì đó «ghê tởm» từ trong mình chảy ra, điều đó đã ảnh hưởng đến lòng tự trọng và khả năng hành động của họ. 
Qua chiều dài lịch sử và của mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa, chuyện kinh nguyệt của phụ nữ đã tạo ra các loại hệ thống đức tin. Một biểu tượng phức tạp, và nếu không được nhắc đến một cách công khai thì điều kiêng kỵ này lại là cội rễ của các nghi lễ thiêng liêng, ví như chu kỳ của phụ nữ được liên kết với chu kỳ của mặt trăng.
Cuốn sách trước hết đem đến cho chúng ta một cái nhìn vừa tổng quát vừa cụ thể về những gì chúng ta biết về hiện tượng độc quyền của phụ nữ này, vốn vừa huyền bí vừa rất tầm thường,  và nó vẫn là mạch nguồn của nhiều đức tin từ xưa và luôn là câu đố của giới nghiên cứu y học. Thông qua chuyện kinh nguyệt, tác phẩm đi từ sinh thái môi trường, thông qua y học rồi đến nhân loại học, để tác thành một câu chuyện dài của những người phụ nữ và các hình thức xã hội mà họ sống trong đó. Con số 45 tỉ miếng băng vệ sinh được sử dụng và vứt bỏ hàng năm theo kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là không hề ít !

Từ lâu, nữ nhà báo Elise Thiébaut đã dấn thân trên con đường vì nữ quyền, và bà đã chọn cách thám hiểm lịch sử của thân thể và những biểu thị tượng trưng của nó từ chính trải nghiệm của tất cả mọi phụ nữ. Điều này ăn nhịp theo kỳ kinh nguyệt trung bình từ độ tuổi 13 đến 51. «Tôi không phải là nhà sử học, không phải bác sỹ cũng chẳng phải là nhà nhân loại học, - bà nói. – Nhưng tôi đã có kinh nguyệt trong suốt 40 năm, và tôi muốn biết điều gì đã xảy ra với tôi.»
Không thiếu tính hài hước, từ những trải nghiệm cá nhân, tác giả dẫn chúng ta đi từ vấn đề này sang vấn đề khác. Những hồi ức cá nhân nằm trong những sự kiện biến động của xã hội trong những năm 1970, những vụ xì căng đan về sức khỏe liên quan đến các yếu tố độc hại có trong băng vệ sinh phụ nữ. Cuốn sách cũng nhắc nhở chúng ta về sự tiến triển mạnh kể từ thời kỳ thuốc tránh thai vẫn chưa phổ biến hoặc còn bị cấm.
Thông qua các thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, tác giả cũng phác họa một chặng đường của một người ủng hộ nữ quyền khám phá cơ thể của chính mình, cùng lúc với cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ. Ta sẽ thấy thật đáng tiếc khi một số vấn đề về bảo sức khỏe vệ sinh phụ nữ được đưa ra tranh luận công khai thì nhanh chóng bị rơi vào quên lãng, ví như những nghiên cứu điều trị bệnh viêm màng tử cung… Qua tác phẩm này, ta khám phá rằng một số băng vệ sinh phụ nữ có chứa chất trừ sâu, và người ta quan sát các triệu chứng bệnh viêm màng tử cung từ thời Ai Cập cổ đại. Rằng sự ra máu hàng tháng của phụ nữ, trước khi bị coi là điều kiêng kỵ, thì đã là một dấu hiệu về sức mạnh mà giới đàn ông đã từng tìm cách để bắt chước.
Dấn vào một hiện tượng sinh lý được một « nửa thế giới » hàng ngày phải trải qua kể từ thuở hồng hoang khiến cho việc thám hiểm này không hề dễ dàng, bởi chủ đề xuyên qua nhiều lãnh địa từ việc tổ chức các xã hội cổ đại đến những đức tin tôn giáo, và còn cả sự nghiên cứu y học, kinh tế, môi trường.
Như chính nữ tác giả thừa nhận « Tôi không phải là nhà sử học, không phải bác sỹ cũng chẳng phải là nhà nhân loại học … » bà chỉ là nhà báo và đã phải mất rất nhiều năm qua chính những trải nghiệm và tìm kiếm học hỏi của mình dã viết ra cuốn sách này. Sách đọc hấp dẫn, không khô khan như một cuốn sách về y học nghiên cứu về cơ thể con người nhưng không hề thiếu tính logic khoa học, đầy những giai thoại và câu chuyện thú vị.
Tác phẩm đầy trải nghiệm thầm kín và tỉ mỉ, đưa bạn đọc nữ chúng ta khám phá thêm về chính cơ thể mình, và đem đến cho nam giới những cái nhìn khác về phụ nữ, về đặc tính của những ngày tiền-kinh nguyệt của phụ nữ.
Đôi lời về tác giả : Elise Thiébaut sinh năm 1962, là nhà báo và nhà văn Pháp, bà thường viết các tiểu luận và các sách tư liệu. Các chủ đề viết của bà thường được lấy cảm hứng từ tình trạng của phụ nữ trong xã hội hiện tại, từ sức khỏe thân thể đến bạo lực tinh thần.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu
Paris 26/11/2019
Hiệu Constant

Tên sách nguyên bản : Ceci est mon sang
Tên tiếng Việt tạm dịch : Kinh nguyệt- vật báu của phụ nữ
Số trang : 248
Năm xuất bản : 2017
NXB : La Découverte

Đoạn trích :
Tôi không phải là nhà sử học, không phải là nhà nhân loại học cũng chẳng phải là bác sỹ. Nhưng từ 13 đến 52 tuổi, hầu như tháng nào tôi cũng bị ra máu. Thi thoảng tôi rất đau, tôi đã hỏi nhiều người nhưng không có được câu trả lời, hoặc thảng là có nhưng những lời giải thích ấy không khiến tôi thỏa mãn, đôi khi tôi cũng vui, tôi đã học được từ chính mình và từ những người khác qua trải nghiệm này, vì nó luôn bị coi là một điều tầm thường tuyệt đối, rất được chia sẻ hoặc ít được kể ra đến nỗi mà ta ngỡ rằng về mặt cơ bản kinh nguyệt là một hiện tượng tưởng tượng – như là những con kỳ lân hoặc người cá vậy.
Với kinh nghiệm lâu năm này, tôi lấy làm tiếc mà nói với các bạn rằng kinh nguyệt, thay bằng được coi là điều tưởng tượng, thì không hề như những gì tôi hình dung. Bởi ngoài thực tế sinh lý chu kỳ hàng tháng, mà chúng ta cho đến tận ngày nay vẫn còn chưa biết hết về nó, thì huyền thuyết về nó còn mạnh hơn rất nhiều.
Trong suốt cuộc tìm hiểu để viết cuốn sách này, tôi đã biết được rằng noãn bào là một tế bào tự sát, rằng ta không thể làm sốt mayonnaise mà không phải đập trứng, rằng đai lưng Artémis có thể giết người ở Matxcơva vào năm 2011, rằng máu của chúa Jésus không phải là rượu vang, rằng nội tiết tố là chịu đựng được, rằng phụ nữ có thể bỏ qua băng vệ sinh – và hàng ngàn thứ bất ngờ khác, trong số đó, và không phải là thứ nhỏ nhất đâu, rằng máu kinh nguyệt chứa những tế bào gốc mà chúng có thể cứu sống chúng ta sau này.
Tôi cũng hiểu rằng mình đã phải chịu đựng chứng viêm màng tử cung trong suốt hầu như bốn chục năm, hội chứng đau tiền-kỳ kinh nguyệt, rối loạn nội tiết tố và không ai đã thực sự có thể chẩn đoán chính xác, lại càng không nói đến việc điều trị nó. Tôi đã sống sót được, xin cám ơn. Tôi đã không bị thiêu sống trước quần chúng, giống như những người đàn bà thời Trung cổ mà khi họ bị vướng bệnh viêm màng tử cung thì bị coi là phù thủy, và mặc dù những khuyết tật ấy, tôi vẫn sinh con đẻ cái được. Tôi không bao giờ biết liệu chất độc dioxine ẩn trong băng vệ sinh phụ nữ đã đóng một vai trò trong sự đau đớn ấy không, hoặc liệu thuốc tránh thai đã giúp tôi hay không để vượt qua những thử thách ấy, liệu những cơn đau đầu của tôi sẽ thực sự biến mất vào một ngày nào đó và liệu còn có một cuộc đời sau cái chết. Trong sự xoa dịu nhẹ nhàng vào thời kỳ mãn kinh (nếu ta bỏ qua những cơn bị bốc hỏa, âm đạo khô và loãng xương), thì rút cục tôi đã tìm thấy con đường của chính mình. Nhưng nếu có một qui tắc mà tôi giữ lại được sau cuốn sử thi này thì đó là đã đến lúc cần tái phát kiến những gì liên quan đến kinh nguyệt, với phụ nữ cũng như với đàn ông.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét