Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Phim Tôi tố cáo… (J'accuse...) của Roman Polanski


Xem phim Tôi tố cáo… (J'accuse...)
(LÀM VIỆC THIỆN LƯƠNG SẼ Có PHÚC BÁO!)


Có những bộ phim, hoặc cuốn sách mà khi đọc hoặc xem xong, ngoài chuyện chúng giúp ta hiểu thêm về một vấn đề gì đó thì chúng còn đôi khiến ta thay đổi cách nhìn hoặc cách suy nghĩ.
Vừa qua tại Pháp trình chiếu bộ phim Tôi tố cáo… của Roman Polanski, dựa trên tác phẩm lịch sử của nhà văn Mỹ Robert Harris viết trên một sự việc có thật diễn ra tại Pháp, tại trọng tâm của Quân đội Pháp mà người Pháp gọi là Vụ Dreyfus đã xảy ra vào cuối thế kỷ 19. Vụ này đã kéo dài trong nhiều năm liền. Một câu chuyện buồn, rất buồn, một vết nhơ khó rửa sạch của Quân đội và Chính phủ Pháp. Và thấy rằng sự kỳ thị chủng tộc thật là khủng khiếp và ngay cả nước Pháp, vốn được danh là Đệ nhất dân chủ cũng đã có những thời kỳ mà sự kỳ thị chủng tộc được miêu tả như là một truyền thống của họ. Trong trường hợp vụ án của Đại úy Dreyfus là bài-Do thái.

Chúng ta đi ngược lại quá khứ, đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Một vị đại úy quân đội tận tâm, yêu nước Pháp, nhưng rồi bỗng vướng vào “lưới trời” chỉ vì cái tội sinh ra là người Do Thái. Qua bộ phim, chúng ta sẽ thấy một loạt những cán bộ cao cấp trong quân đội Pháp, mà cách xử sự của họ  khiến ta nghĩ là rất quan liêu, thờ ơ. Một cái gật một cái lắc của họ có thể đẩy số phận một con người vào cảnh tù đầy, tội lỗi mặc dù người ta vô tội. Với một sỹ quan quân đội, bị gán tội bán nước, thông đồng với địch thì thật là khủng khiếp.
Như muốn nhấn mạnh thêm, bắt đầu vào phim là một màn TƯỚC QUÂN TỊCH thật ấn tượng, hoành tráng với những hàng lính bồng súng, lưỡi lê sáng loáng trên một sân doanh trại/Trường mênh mông, đại úy Dreyfus bị đưa ra, người ta đọc bản cáo trạng ngắn và nhân danh… tước bỏ quân hàm, bẻ gãy cây kiếm (biểu tượng của người lính), viên cựu đại úy bị đưa đi, nhưng đầu vẫn ngẩng cao và hô tôi “Tôi vô tội”.

Trong sự việc này cũng còn phải kể đến đám đông, một số người không hiểu tường tận vụ việc và hùa theo, có lẽ bởi họ tin tưởng chính phủ và Quân đội.
Bộ phim được xây dựng khá tốt và có thể nói rằng các nhà sản xuất và nhà làm phim có điều kiện. Đó là một bộ phim đẹp với các diễn viên tuyệt vời, diễn đạt và không có gì chê trách ở điểm này.
Ý kiến khán giả tại Pháp về nội dung của bộ phim cũng khá đa dạng, nhiều người cho rằng đây là một bộ phim xuất sắc người khác thì cho rằng cũng thường thôi. Một số nói rằng nó quá thiên vị người Do Thái (Roman Polanski là người Do Thái), những người khác nói rằng câu chuyện trong phim vẫn nhẹ so với thực tế, còn mình thì thấy nó ở trên mức trung bình, nhưng có một số màn khiến mình ấn tượng… Như màn tước quân tịch hoặcc khi bài báo J’accuse… của Zola được xuất bản.
Ai đã mê văn học Pháp thì không thể không biết đại danh hào Emile Zola, và nếu biết Zola thì không thể bỏ qua J’accuse… Mình đã biết Zola từ hòi còn ở Việt Nam thông qua một số bản dịch và khi đến Pháp đã có thể đọc trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của ông. Sau phim này sẽ còn đọc lại, bởi bạn chắc biết rằng cũng một tác phẩm ấy, đọc ở mỗi thời kỳ lại có một cảm nhận khác, nhất là Zola, Camus, Flaubert, Maupassant…
Bài báo của Emile Zola đã làm rung chuyển bộ máy cầm quyền Pháp, dẫu sau đó ông vẫn bị kết án tù vì lời buộc tội không căn cứ và bị phạt tiền… Dreyfus đã được Tổng thống ân xá, nhưng vẫn bị mang tiếng là tội nhân!
Nhìn bộ phim theo con mắt nhà Phật thì thấy bộ phim toát lên tính nhân quả. Nhân vật chính trong phim là Marie-Georges Piquart. Sau vụ Dreyfus, Piquart được thăng chức. Khi vào vị trí mới, Piquart thấy có điều gì đó không ổn trọng vụ trọng án này và âm thầm điều tra và rút cục đã lần ra được “tổ con nhền nhện”… Và việc Piquart âm thầm điều tra cũng đến tai các “quan trọng thần” của Quân đội Pháp, đến tai cả Bộ trưởng Chiến tranh. Các vị “trọng thần” đề nghị ông dừng lại, nhưng ông không nghe, và rút cục ông bị theo dõi công khai, bị bãi chức, bị tống giam…
Nhưng người tốt vẫn luôn có bạn tốt. Những người bạn luật sư, nhà báo của ông rút cục đã tìm ra sự thật, Dreyfus được tuyên vô tội. Cả Piquart và Dreyfus đã được phục chức trong Quân đội Pháp và Piquart sau đó đã trở thành Bộ trưởng Chiến tranh trong Chính phủ của Clémenceau.
Thực ra mà nói Marie-Georges Piquart chẳng thương hại từ bi gì trước số phận của Dreyfus, ông cũng không phải là người không bài-Do thái, mà ông chỉ  là người có lương tâm và tấm lòng chính trực, bất bình trước sự bất công nên đã cố gắng theo đuổi tìm sự thật, tìm công lý và sự công bằng.
Cuối phim có một màn nữa cũng ấn tượng, đó là khi Piquart đã được bổ nhiệm Bộ trưởng và Dreyfus đến thăm và cám ơn, nhân đó cũng đòi bộ Chiến tranh Pháp bồi thường cho tám năm ngồi tù vô nghĩa. Nhưng cả hai việc đều không có kết quả. Việc bồi thường là không có tiền lệ trong quân đội Pháp lúc bấy giờ.
Còn việc cám ơn, Piquart nói: “Chính tôi mới phải cám ơn ông, vì nếu không có vụ của ông, tôi sẽ không ngồi đây ngày hôm nay…”
Quả vậy, nếu không có vụ Dreyfus, những con người chính trực, đứng đầu là Clémenceau sẽ không nhận ra một Piquart chính trực. Những con người có lương tâm, chính trực ưa sự công bằng, khát khao công lý thì không có tôn giáo, hoặcc Tôn giáo nào cũng có những con người chính trực và có lương tâm… hoặc đúng ra, họ vượt ra khỏi mọi tôn giáo. Và LÀM VIỆC THIỆN LƯƠNG SẼ Có PHÚC BÁO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét