Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

TP Hồ Chí Minh của Jean Lacouture

Giới thiệu tác phẩm Hồ Chí Minh của Jean Lacouture


“Quá khứ của tôi ư? Nó chẳng khiến ai quan tâm cả. Những gì tôi hiện đang làm đây mới là quan trọng…!” Không biết bao lần Hồ Chí Minh đã làm nản chí những ai trong số chúng ta muốn tìm hiểu sâu hơn hoặc muốn kiểm chứng những thông tin và về ngày tháng năm sinh và nơi sinh, nguồn gốc và những giai đọan đầu tiên trong sự nghiệp của người cha đẻ của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, bằng câu đáp như vậy.
Thật kỳ lạ đến mức có thể, tiểu sử của con người này trong hoạt động của những “người sáng lập” ra Quốc tế Cộng sản đảng, của người duy nhất trong các thành viên của tổ chức Komintern trong những năm 1924 – 1926, người đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Quốc tế thì, cho đến lúc chết vẫn còn lưu lại nhiều vùng bí mật và ít nhiều mâu thuẫn.
Tác phẩm ghi khắc lại toàn bộ chân dung của một vị lãnh tụ mà tác giả đã đánh giá là một trong những nhà Quốc tế Cộng sản đảng lỗi lạc nhất trong mọi thời đại. Từ nơi Người chào đời tại một làng nhỏ Kim Liên trong tỉnh Nghệ An, chiếc nôi sản sinh ra biết bao người con ưu tú của đất nước Đại Việt, vài nét phác thảo về gia đình và những biến cố, lũng lọan của thời thế, cảnh lầm than, chặng đường của người con đất Nghệ An đã ra đi, xuống tàu vượt Đại dương tìm đường giải phóng dân tộc.

21 tuổi, trái tim đầy nhiệt huyết và nỗi niềm cay đắng của kẻ mất nước, vị Chủ tịch tương lai của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa kiếm được một chân phụ bếp trên con tàu La Touche – Tréville, chạy trên tuyến đường biển Hải Phòng – Marseilles. Người khi ấy có tên là Ba. Đây là thời kỳ học hỏi đầy gian khổ, lênh đênh trên biển, hết cảng này đến cảng khác. Đến Pháp, Người tiếp tục làm phụ bếp, sau đó chuyển sang làm phụ vườn. Và nhân một chuyến đến cảng Le Havre, Người đã chọn cái tên đầu tiên để tranh đấu cho lý tưởng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc. Rồi chẳng bao lâu sau, người ta nhìn thấy Nguyễn Ái Quốc ở Anh, trong cuộc Đại chiến thứ nhất 1914, làm nghề quét tuyết, rồi đầu bếp trong nhà hàng. Sau đó, Người đến Hoa kỳ, trong thời gian đó đã khám phá và làm quen với các tác phẩm về chủ nghĩa Mác, rồi giao lưu với nhóm sinh viên lưu vong của đảng Xã hội. Năm 1917, ông trở về Paris.
Trong quãng thời gian này tại Paris, ông tham gia tích cực vào các phong trào chống Chủ nghĩa Thực dân, thành lập và làm chủ bút tờ Paria, mà ông vừa là người viết các bài xã luận, vừa vẽ tranh biếm họa. Tờ báo chính là tiếng nói của những người dân thuộc địa bần hàn, Người kêu gọi những trí sĩ yêu nước Algérie ra nhập nhóm của mình. Thời gian này, ông bị cảnh sát Pháp truy lùng gắt gao. Kể từ đó, ông đã trở thành một chiến sĩ Cộng sản và gia nhập đảng Xã hội tân tiến. Rồi đến Đại hội Quốc tế Cộng sản ở thành Tours. Tại đây, người thanh niên mảnh khảnh, cặp mắt sáng tinh anh, chạc tam tuần, tên là Nguyễn Ái Quốc đã tung ra lời kêu gọi rực lửa đến toàn nhân dân năm châu hãy cùng làm cái gì đó để giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Nhưng rồi cuối cùng, ông đã nhận thấy rằng phải đi Moscou thì mới tìm ra con đường đúng đắn nhất để đưa dân Việt ra khỏi cảnh lầm than. Thế là Nguyên ái Quốc lên đường đến Liên bang Xô viết vào năm 1924.
Tại đó, thoạt đầu, người ta thấy ông xuất hiện trong số những lãnh đạo của Krestintern, của phong trào Nông dân Quốc tế và Cộng sản Quốc tế, rồi lại có mặt giữa tổ chức Komintern. Tại đây, ông làm quen với một đồng chí mà sau này rất trở nên thân thiết Ruth Fishezr, người Đức. Sau này, ông này đã viết trong cuốn sách Từ Lê Nin đến Mao Trạch Đông khi miêu tả Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn ông ở Moscou là: hơi nhút nhát, thân thiện, giọng nói đơn giản cởi mở, hơi ngây thơ, nhưng nhạy cảm và thông minh.
Sau mười tám tháng học tập và tham gia các Hội thảo ở Moscou, ông dời về Trung quốc. Tại đây ông làm phiên dịch và cố vấn cho đại diện của Komintern, ông Borodine. Cũng tại đây, ông thâu tập những sinh viên và trí sĩ Viêt nam lưu vong và thành lập “Đảng Thanh niên”, và sáng lập một tuần báo, nơi truyền bá học thuyết của mình. Học thuyết này, vả lại, còn theo chủ nghĩa dân tộc yêu nước hơn cả chủ nghĩa Mác. Và chẳng bao lâu sau, cùng với hai trợ thủ đắc lực của mình là Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu, Nguyễn ái Quốc đặt nền móng cho đảng Cộng sản Đông dương, và đảng này chỉ chính thức được thành lập trong ba năm sau đó, ngày  mùng 3 tháng hai năm 1930, sau hai chuyến đi liên tiếp của ông đến Moscou và Berlin, mà trong chuyến đi này, ông hình như đã gặp và làm việc với nhà lãnh đạo Cộng sản Pháp. Từ trụ sở tại Trung quốc, Canton và Kunming, ông tung ra những khẩu hiệu “Cải cách ruộng đất” và thành lập các phong trào “Xô viết địa phương”, nhất là tại Nghệ An, nơi có nạn đói hoành hành mãnh liệt nhất. Năm 1931, do đứng tên trong số những người tổ chức bạo loạn ở Nghệ an, Nguyễn ái Quốc bị tuyên bố tử hình vắng mặt. Phòng Nhì Pháp đòi các nhà chức trách Anh quốc tại Hồng Kông, những người đã bắt được Nguyễn Ái Quốc, cho dẫn độ  Người về Việt Nam để xử theo đúng luật pháp của Nhà nước Pháp. Nhưng nhà lãnh đạo cộng sản Đông dương hàng đầu này, do đã có dấu hiệu đầu tiên vướng bệnh lao phổi ngay từ hồi ở Paris, và những người thân cận đã chứng kiến nhiều lần Người thổ ra huyết, liền được chuyển đến trạm xá của nhà tù ở Hồng kông. Để chết ở đó ư? Những bản báo cáo của cảnh sát Hoàng gia Anh đã chứng thực điều này. Vào năm 1933, các sở mật thám của Hà nội đã ghi tên Người vào số những người đã chết. Nhưng ngay từ năm 1932, người ta đã lại gặp Nguyễn Ái quốc tại Viện Lê Nin ở Moscou, rồi lại ở Trung quốc vào năm 1936…
Tất cả những năm kéo dài trong suốt thời kỳ bí mật, đến chiến thắng mùng 2/09/1945, rồi đến sự lật mặt của người Pháp kéo theo cuộc kháng chiến trường kỳ, chuyến viếng thăm của Hồ Chủ Tịch tại Pháp năm 1946, cuộc chiến thắng Điện Biên Phủ, kỳ cải cách ruộng đất cùng những sai lầm mà Hồ Chủ Tịch đã nhận lỗi trước đồng bào… Rồi đến thời kỳ Ngô Đình Diệm, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt nam và cuộc chiến tranh leo thang bắn phá Miền Bắc… Trong suốt ngần ấy năm trời và biết bao sự kiện biến động, Jean Lacouture vẽ lên một bức chân dung Hồ Chủ Tịch luôn lấy tinh thần đàm phán làm kim chỉ nam, nhưng nếu cần cũng rất cương quyết dùng bạo lực để trả lời bạo lực.
Cuốn sách dài tái tạo lại cả quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, một bức tranh hiện thức, đôi lúc pha màu huyền thoại của vị “Cha đẻ của đất nước Việt nam dân chủ Cộng hòa” được viết dưới góc độ và cái nhìn của một nhà báo ngoại quốc, một cái nhìn tổng thể, không thiên vị, đôi chút pha những lời bình của tác giả. Một cuốn sách hay và sống động tái hiện không chỉ những hoạt động, thân thế sự nghiệp của một con người, mà nó còn họa lên một giai đoạn lịch sử của một quốc gia, và rộng hơn là của cả nhân loại.
Đôi lời về tác giả: Jean Lacouture sinh năm 1921 tại Bordeaux, ông là nhà báo, nhà sử học và nhà văn Pháp. Ông có bằng cử nhân văn chương, luật và khoa học chính trị.
Ông đã từng là tùy viên báo chí của tướng Leclerc vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Ông đã ra đi và khám phá Đông dương, và chính tại đây, ông bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình, và cũng tại đây, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các cán bộ chủ chốt của cách mạng Việt minh, trong đó có Hồ Chủ Tịch.
Ông là người theo cánh Tả, chống De Gaulle, chống nền Cộng hòa V, và nhất là cho đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ông đã ủng hộ Việt cộng rất tích cực.
Chính cuộc gặp gỡ với Hồ Chủ Tịch đã khiến ông thay đổi nhiều trong cái nhìn về chủ nghĩa hiện sinh, và quyết định tham gia vào cuộc chiến đòi giải trừ chế độ Thực dân tại Pháp và trên toàn cầu.
Ông đã viết rất nhiều sách về Đông dương, về Việt nam, và nhất là ông đã viết rất nhiều sách về các chính trị gia nổi tiếng thế giới.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu.
Paris ngày 24 tháng mười một năm 2009
Hiệu Constant

Tên sách nguyên bản: Hô Chi Minh
Tác giả: Jean Lacouture
Nhà xuất bản: Seuil
Năm xuất bản: 1974
Số trang: 260

Phần mục lục

Bức chân dung, tiểu sử
Chương I: Người nông dân
Chương II: Người di cư
Chương III: Người chiến binh của đảng Cộng sản
Chương IV: Người Hợp nhất
Chương V: Người tù binh
Chương VI: Người giải phóng
Chương VII: Nhà đàm phán tài hoa
Chương VIII: Khách thăm viếng
Chương IX: Du kích quân
Chương X: Người chiến thắng
Chương XI: “Hồ Chủ Tịch muôn năm”
Chương XII: Chiếc chìa khóa cho một Nhà Cách mạng
Chương XIII: Bắc kinh hay Mạc tư khoa? Hà nội…
Chương XIV: Bác Hồ và Bác Sam
Chương XV: Cuộc chiến đấu cuối cùng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét