Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Tiểu thuyết A Bientot... Hẹn Gặp Lại: Một cuộc Hội thoại Đông – Tây thú vị

Tiểu thuyết A Bientot... Hẹn Gặp Lại: Một cuộc Hội thoại Đông – Tây thú vị
(Tạp chí "Tri thức và Thời đại" - số tháng 4-2016. Trithucthoidai.vn)


Tôi đã theo dõi sự nghiệp văn chương của Hiệu Constant từ ngày chị mới còn bỡ ngỡ bước vào làng Văn học với những tác phẩm dịch Pháp - Việt. Phải nói Hiệu tiến triển khá nhanh trên con đường mà chị thường tâm sự với báo chí đó là niềm đam mê của chị. Quả không quá lời khi nói chị phát triển khá nhanh bởi chỉ chừng hơn chục năm, «vốn liếng» văn chương của Hiệu đã khá dầy với hơn năm chục đầu sách dịch Pháp - Việt, Việt – Pháp, và hàng trăm bài báo, nhiều truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết A Bientôt… Hẹn Gặp Lại… là cuốn sách thứ năm mà chính Hiệu là tác giả.
Chủ đề trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của Hiệu khá đa dạng. Ngoài đi sâu vào nội dung, chị đôi khi còn như tận dụng để «trữ tình ngoại đề», tức Hiệu muốn giới thiệu cho bạn đọc một số danh lam thắng cảnh, văn hóa cũng như con người ở một số nơi mà Hiệu đã qua rồi cài cắm vào các nhân vật của mình. Thế nên đọc văn của Hiệu, ngoài những diễn biến của truyện, chúng ta còn như được đi du lịch khắp nơi trên thế giới…
A Bientôt… Hẹn Gặp Lại là một cuộc hội thoại dài của hai nhân vật chính Jean-Claude Lacour, một cựu Đại sứ Pháp tại Hà Nội, và Hoài Thu, một nữ phóng viên năng nổ của Việt Nam. Hai người đã gặp nhau lần đầu trong một lần ngài Đại sứ, khi ấy còn đang tại chức ở Hà Nội, đi thăm và trợ giúp một vùng Việt Nam vừa bị lũ lụt, và Hoài Thu khi ấy chỉ là một bé gái lem luốc :một bé gái nhỏ, đứng tách xa hẳn đám trẻ. Quần áo nó rách rưới xộc xệch, tóc bơ phờ rối bù, khuôn mặt đen đúa. Mắt nó đăm đăm nhìn ngài Đại sứ. Nó cũng không quay đi khi va phải ánh mắt anh. Cặp mắt to tròn, sáng trong, thăm thẳm... Vừa mang tính ngây thơ, vừa chứa đựng điều gì đó mà ngay tức thời Đại sứ chưa thể đoán ra.”  Với cô bé nhà quê khi ấy thì Jean Claude: «Ông lúc đó đối với nó như một vị thần, như một người cứu rỗi, còn hơn cả một vị thánh, hơn cả vị thần Thành hoàng làng, bởi những người này nó chỉ nghe nói mà chả nhìn thấy bao giờ… Còn đây, một người đàn ông xa lạ vừa đẹp, lại tao nhã, thanh lịch, được mọi người quý trọng đến vậy, đã đến tận nơi trao quà cho nó… »

Lần thứ hai, họ gặp lại nhau tại một cuộc hội thảo về Các mối quan hệ Pháp – Việt kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Paris. Hoài Thu không hổ thẹn khi được gọi là một người đặc biệt, bởi suốt chiều dài tác phẩm, chúng ta sẽ hiểu tại sao chị đã cố gắng để được phái sang Paris đưa tin nhân dịp ấy. Chị chỉ muốn cám ơn con người đã gieo vào chị một niềm hi vọng qua câu nói «Hẹn gặp lại… ». Có thể đối với Jean Claude, một câu nói, một gói quà nho nhỏ khi ấy thật chẳng có í nghĩa to lớn lắm, anh chỉ làm việc ấy do chức phận của mình. Hiệu Constant đã có tiết chế để lật ngược tình thế. Đây chính là niềm kiêu hãnh đáng có của tinh thần truyền thống phụ nữ Việt. Hoài Thu không chỉ cố gắng trau dồi kiến thức mà chị còn chỉn chu trong hình thể khi sánh vai cùng nhà Ngoại giao Pháp. Trước Jean Claude, đường đường là một nhà ngoại giao tầm cỡ của Pháp, nhưng khi gặp lại trong lần thứ hai này, họ đã nói chuyện tay đôi, một cuộc hội thoại với đầy đủ sự hiểu biết ngang hàng về mọi lĩnh vực, để rồi cuối cùng Jean Claude Phải thốt lên : «…em đã nuôi dưỡng chủ ý đó từ bao năm nay, cái chủ ý khác thường và kỳ cục để dẫn tới một kết quả rực rỡ lung linh. Thử hỏi trong tất cả đám đàn ông  trên trái đất này, ai lại không ngất ngây trước một đóa hoa đẹp? Nhưng tôi sợ, bởi tôi chắc chắn đóa hoa nồng nàn yêu kiều kia hẳn sẽ có nhiều gai nhọn phòng vệ, và chắc sẽ lập tức như chú nhím xù đám lông nhọn hăm dọa kẻ nào sắp động đến mình! Tôi phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục xứng đáng với hình ảnh mà tôi đã gây dựng được trong tim em. Em giờ đây đâu còn là một bé gái ngây thơ như xưa để chỉ với một nụ cười, với một cử chỉ trìu mến, một gói quà nho nhỏ là thuyết phục được. Em, một cô gái chín chắn, đĩnh đạc thông minh, tự đứng lên từ chính đôi chân của mình. Em, đóa hoa xương rồng trong hoang mạc biết cách gạn lọc, tiết chế từng giọt sương mai buổi sớm để tồn tại. Em từng trải, chắt chiu từng giọt đời tinh khiết thánh thiện để lớn lên...”Jean Claude không chỉ ngỡ ngàng trước sự phát triển trí tuệ, mà còn sững sờ trước vẻ đẹp mặn mà và sự thay đổi trong cách ăn mặc của Hoài Thu.
Phải thừa nhận Hiệu Constant đã hiểu khá rõ văn hóa Pháp, chị khai thác chúng rất sâu. Trong truyện, Jean Claude hiện ra rất đời thường. Chúng ta sẽ không gặp một ngài Đại sứ, một nhà Ngoại giao quan cách, mà là một người mang rõ tính cách điển hình Pháp : Thông minh, lãng mạn, hài hước và giàu tình cảm …
Quá khứ và hiện tại luôn xen kẽ trong Hẹn Gặp Lại… qua những thổ lộ tâm tình của hai nhân vật chính. Hiệu Constant mặc dù sống ở Pháp, nhưng như chị nói, chị thường xuyên về quê, đi thăm thú khắp mọi miền đất nước, vừa là để gặp gỡ những người thực việc thực và chính những thứ đó đã tạo lên nguồn cảm hứng vô tận cho chị viết, vừa để làm sống lại những hồi ức xưa kia mà theo chị, «không việc gì phải hổ thẹn». Thế nên trong truyện của chị, không chỉ có những hoài niệm, mà ngược lại, tính thời sự cũng hiện rõ trên những trang viết. Sự phát triển hiện đại hóa của đất nước, nhưng kéo theo đó cũng là những hệ lụy. Tệ nạn trộm cắp, bệnh tật gieo rắc, sự đình công của công nhân trong một số nhà máy liên doanh cũng được Hiệu đề cập. Dẫu vậy, xuyên suốt tác phẩm vẫn là tình người đằm thắm…
Nhưng trên hết, Hiệu muốn đi sâu vào cách giáo dục của hai nền văn hóa, những điểm tương đồng và khác nhau giữa các bà mẹ và ông bố, thậm chí là thầy cô tại trường học. Dẫu các bậc cha mẹ của bất kỳ quốc gia nào cũng đều mong con cái thành đạt, thì nền văn hóa quí tộc Pháp khiến cho tình cảm mẹ con trong gia đình có phần xa cách và lạnh lùng, còn ở Việt Nam lại gần gũi hơn, thân thương hơn.
Càng về cuối tác phẩm, bạn đọc có cảm nhận câu chuyện như bị đổi chiều và hai nhân vật như bị hoán vị. Nếu như lúc đầu Jean Claude hoàn toàn chủ động, thì sau đó, anh đã chuyển sang thế bị động, đương nhiên sẽ không có thắng thua trong chuyện này. Hiệu Constant có í gì khi để Jean Claude có cuộc độc thoại dài ở phần cuối tác phẩm? Đó có thể là những tâm sự về cuộc sống qua những trải nghiệm? Con người ta khi trẻ cứ đeo đuổi sự nghiệp và đam mê mà để lỡ mất điều gì đó căn bản của đời người: Gia đình và một mái ấm.
Giá như Hiệu có thể cho vài tình tiết về cách xử lí công việc ngoại giao của nhân vật chính Jean Claude thì truyện sẽ còn thú vị hơn, chúng ta chờ đợi những điều ấy trong tập II của tác phẩm này, mà chị nói là đang trên đường hoàn thành.
Một cuốn sách mang đúng cái tựa của nó: HẸN GẶP LẠI... Một câu nói mang đầy hi vọng. Một câu nói làm thay đổi cả một đời người. Vâng, cuộc sống luôn cần hi vọng... rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Cuộc đời nhọc nhằn của bố mẹ, những năm tháng ôn luyện miệt mài sẽ cho những chồi hoa, và những nụ hoa ấy sẽ là những đóa hoa tỏa hương thơm ngát cho đời, cho người...
Gấp sách lại, ta hình dung câu chuyện như Cô bé Lọ Lem thời hiện đại và ta nhận ra một điều, cơ may thành công trong cuộc sống không phải của riêng ai. Đúng như Hiệu đã nói trong lời tựa đầu cuốn sách: Ý thức phận mình nhỏ, lại có ước mơ, với cố gắng lớn ắt sẽ thành công”.

Hà Nội 04/03/2016
Hồng Kỳ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét