Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Thành phố Port-Vendres lập bia tưởng niệm người An Nam





Nhân đọc một bài đăng trên thời báo Indépendant của xứ Catalogne Pháp, người viết bài đã đến thăm Port-Vendres – Paulilles - Caspron, một quần thể các thành phố nhỏ nằm ở cực tây nam nước Pháp đúng vào ngày Ủy ban hành chính khánh thành bia tưởng niệm những người An Nam xấu số đã hy sinh vì nhà nước Pháp.
Tuổi đời họ còn  rất trẻ, chỉ từ 20 đến 43. Họ tên là Lê Dương, Lê Văn Lai, Phạm Hun Nung, Võ Tần, Nguyễn Lợi, Lê Hải, Thái sanh. Họ là những người An Nam đã hy sinh vì nhà nước Pháp trong các vụ nổ nhà máy sản xuất mìn ở khu Paulilles trong thời gian diễn ra cuộc đại chiến Thế giới thứ nhất. Và họ nằm trong số những người bị lịch sử cũng như nước Pháp đã một thời lãng quên.

Quả đúng như thế, mãi cho đến những ngày đầu thu 2012 và sự kiện thành phố Port-Vendres đặt một tấm bia tưởng niệm họ, thì chả còn gì gợi nhớ đến điều này. Ngay cả trong khu tài liệu lưu trữ cũng không có văn bản chính thức nào chứng thực họ đã đến và làm việc tại xứ sở Catalogne Pháp. Ngay cả cái chết bất ngờ của bảy người con Đông Dương, nơi mà ngày đó được tính như một Tỉnh Hải ngoại của đế chế Thực dân Pháp thì hình như cũng không được tính đếm. Để hiểu được cội nguồn cái chết của họ, chúng ta phải lần ngược lên những sự kiện kinh hoàng của đầu thế kỷ 19.

Nhà máy mìn Paulilles : một câu chuyện liên quan chặt chẽ với lịch sử nhân loại…
Vào năm 1914, Paulilles còn lâu mới được coi là một khu danh lam thắng cảnh có ba bề là bãi biển thoai thoải, mặt biển xanh ngắt với những cánh buồm trắng nhởn nhơ trên mặt biển, nằm giữa Địa Trung Hải và dãy núi Albert – phần cuối cùng của dãy Pyrénées, nơi đây hiện thời thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm. Nhưng thực tế trong những khu công viên bạt ngàn tươi mát kia đã từng chứa một nhà sản xuất mìn tầm cỡ.
Nhà máy sản xuất mìn Paulilles được xây dựng sau những thảm họa kinh hoàng của trận chiến Verdan, mà vào tháng chín năm 1870, đã đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế Napoléon, và do đó đã dệt lên mối hận thù lớn giữa Pháp và Phổ. Khi ấy François Paul Barbe, một kỹ sư về mìn, dưới lệnh của Léon Gambetta (bộ trưởng Quân Đội và Nội vụ của Pháp thời ấy), đã cho xây dựng một nhà máy sản xuất mìn cho phép khai thác chứng chỉ của Nobel (nhà hóa học, nhà công nghiệp, nhà sản xuất vũ khí người Thụy Điển và là cha đẻ của giải Nobel danh giá mang tên ông), ngay trên lãnh thổ Pháp. Ngay từ những năm đầu hoạt động, nhà máy đã thực hiện một cú bật không tưởng khi lợi dụng ngay (vào năm 1875) sự thương mại hóa ngành sản xuất mìn dưới danh nghĩa dân sự. Khi cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất bắt đầu nhen nhóm, thì nhà máy bước vào thời kỳ cực thịnh nhất để cung cấp thuốc nổ cho bộ phận Pháo binh của quân đội Pháp. Chiến tranh bùng nổ, nhiều công nhân đã phải gác dụng cụ sản xuất để cầm súng lên đường tòng quân và rất nhiều trong số họ đã không bao giờ trở về. Và cũng do đó, nhà máy bắt đầu thiếu nhân lực một cách trầm trọng. Để thế chỗ những công nhân trước đây, chính phủ Pháp bắt đầu để mắt đến các nước thuộc địa, và đặc biệt là người An Nam. Quân đội Pháp nhanh chóng tuyển mộ nhân công, tự nguyện hoặc ép buộc. Và những người An Nam đã được tuyển mộ làm quân nhân làm việc trong nhà máy Mìn. Lọc các chất thải để tạo thuốc súng. Đây là một công việc khắc nghiệt và nguy hiểm. Họ có thể gặp tai nạn vào bất kỳ lúc nào do mìn nổ hoặc cháy.


Ăn ở và sinh hoạt trong những điều kiện sơ sài mà phải đảm nhận những công việc nguy hiểm và khó khăn, các quân nhân An Nam mà theo nhận xét của người bản địa là «cần mẫn, năng nổ, nhanh nhẹn, và huyền bí » trước con mắt của giới công nhân «Tây phương», đã nhanh chóng hòa đồng và được chấp nhận trong một đất nước vốn kỳ thị với châu Á, với gia đình và văn hóa của họ. Nạn nhân của các vụ nổ, một số sẽ không bao giờ quay về Tổ quốc của mình được nữa. Ngay cả sau khi cái chết thể thảm của họ, thì một vầng hào quang huyền bí vẫn tiếp tục bao trùm lên những người con An Nam này : được chôn cất vội vàng đâu đó trong một nơi gần nghĩa trang của thôn Cospron ngày đó, họ sẽ mãi mãi buộc phải nằm lại mảnh đất cách xa nơi chôn rau cắt rốn của họ cả vạn dặm.
Nhiều thập kỷ qua đi, không một mảnh bia, không một hàng tên nhắc cho du khách nhớ đến những «người da vàng nhỏ nhẹ vui tính, và cần cù» ấy. Trong tác phẩm Les dames de Paulilles, nữ tác giả Pháp, Nicole Yrle, cũng dành nhiều trang để ghi nhận công lao của bảy người đàn ông An Nam này.
Người ta chỉ còn biết đến bảy người con An Nam ấy đã chết trong khi làm nhiệm vụ qua những mẩu ghi được nhờ bộ máy hành chính lưu giữ: Giấy chứng tử chính thức được ghi lại ở Ủy ban hành chính thành phố Port-Vendres trong những năm 1916 – 1918, những dòng điện tín sơ sài của sở quân cảnh Port-Vendres, nơi luôn đều đặn đến kiểm soát và ghi tên những nạn nhân... Không hề có quê quán, cũng chẳng có ngày cập cảng nước Pháp của họ.

Sau gần thế kỷ bị chôn vùi, nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban hành chính thành phố, nhờ sự tìm hiểu qua các nhân chứng và nghiên cứu trong nhiều năm các em học sinh thành phố này…, sự qua đời của những người An Nam này cuối cùng đã được ghi nhận một cách chính thức vẻ vang bằng tấm bia đặt tại nghĩa trang Caspron. Nằm trên một quả đồi cao, xung quanh là những cánh đồng nho bạt ngàn, và xa hơn chút nữa là biển Địa Trung Hải, luôn rì rào ru dỗ giấc ngủ ngàn thu của các anh.

Thật trớ trêu khi đến thăm Paulilles hôm nay ! Nơi đây hiện giờ đã được tu tạo thành một trong những khu sinh thái thiên nhiên xếp hạng được bảo tồn của Pháp. Cả một khu bạt ngàn mênh mông là những cây cảnh. Những khu đồi núi trồng nho bao quanh trùng trùng điệp điệp… Những bãi biển cát vàng luôn thu hút khách du lịch… Có nhà bảo tàng luôn triển lãm các sự kiện liên quan đến thiên nhiên, sự tuần hoàn của mặt trời và lịch vạn niên Maya ! Hẳn sẽ có rất ít các du khách có thể ngờ rằng khu rừng mênh mông đầy cây xanh này một thời đã là một nhà máy sản xuất mìn lớn nhất để phục vụ cho cuộc đại chiến Thế giới thứ nhất. Loáng thoáng đây đó còn giữ lại một vài chi tiết, đã được sửa sang để trang trí cho phong cảnh. Nếu không thì phải đi sâu vào khu vực phía sau. Trên một quả đồi rộng lớn, bị hàng rào thép gai bao quanh kỹ lưỡng, ta mới nhìn thấy những chứng tích… Vẫn còn những cánh cửa thông vào những đường hầm ngầm ăn sâu vào lòng đất…

Chia tay thành phố nhỏ Caspron, tôi bồi hồi đứng trước tấm bia mộ. Không biết các anh quê quán ở đâu, nhưng người Pháp đã lập bia tưởng niệm, khách tham quan sẽ đọc tên các anh mỗi khi ghé thăm… Các anh là một minh chứng lên án sự điên khùng của giới cầm quyền thuộc nền đế chế Thực dân, của một tội ác mà người đời sau vẫn hằng nhắc đến !


Perpignan mùa thu 2012
Hiệu Constant (bài và ảnh)



1 nhận xét:

  1. ...Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ
    Phút mơ ước, sao thiếu hình bóng mẹ?
    Giặc bao vây ngăn lối chặn đường
    Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương!
    Mẹ ơi! mẹ không là đồng chí
    Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ
    Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này
    Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây
    Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc
    Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát
    Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?
    Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu
    Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ
    Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ
    Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng
    Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan
    Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng
    Rẫy bắp, vườn tiêu, bờ tre, bãi sắn
    Những đồi tranh ăn độc gió Lào
    Cả trại tù Lao Bảo chốn rừng sâu
    Ôi tiếng đầu tiên gọi ta "đồng chí"
    Là tíeng quê hương ấm lành Quảng Trị
    Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi
    Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai ...

    Trả lờiXóa