Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Giới thiệu tác phẩm Tướng Giáp hát La Marseillaise - Quốc ca Pháp

Giới thiệu tác phẩm Tướng Giáp hát La Marseillaise


6 giờ tối ngày 14 tháng bảy năm 1989, khi mọi người đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm cuộc Cách Mạng Pháp, thì tướng Giáp, một vị tướng lừng danh trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã dành chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu, đã đến Đại Sứ Quán Pháp tại Hà Nội để tham dự ngày lễ trọng đại này của dân tộc Pháp, và đó là lần đầu tiên trong đời ông đến đây.
Cách Paris cả mười ngàn km, trong thủ đô của một quốc gia đã kiệt sức vì biết bao cuộc chiến tranh, người ta chơi những nhạc điệu và ca khúc Pháp dưới những dải hoa đăng và ánh đèn lồng lấp lóa, một sự hài lòng thú vị dành cho những người cao tuổi thích nói tiếng Pháp. Đại tướng đến cùng phu nhân, ông không diện trang phục nhà binh, và vui vẻ kể chuyện rất thân tình. Ông nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Pháp, trong một thứ tiếng Pháp tinh hoa. Ông kể lại những kỷ niệm của mình khi còn là học sinh trung học, kể tên những tác giả cổ điển Pháp nổi tiếng và bất thình lình, vào lúc bản nhạc Quốc ca Pháp hào hùng cất lên, một cách tự nhiên, ông lẩm nhẩm hát phần điệp khúc : «Aux armes, citoyens!»

Ông cũng phát biểu một bài diễn văn mang tầm vóc chính trị : Việt nam đang bắt đầu mở cửa đón nhận sự đầu tư của nước ngoài. Nước Pháp cần chứng tỏ sự dám nghĩ dám làm của mình mà không cần phải đợi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, lẫn việc phải giải hòa với Bắc Kinh, lại càng không phải bởi vì liên minh Xô Viết đang cho thấy họ có những dấu hiệu suy giảm. Trên thực tế, thái độ tích cực của hai chính phủ Pháp – Việt sẽ khiến hàng loạt những hợp tác trong những năm tới đây trở thành có thể, bao gồm cả việc đồng sản xuất (một cách tượng trưng) về phim ảnh như phim Điện Biên Phủ, Đông Dương, hoặc cả phim Người Tình. Mitterrand, Nguyên thủ quốc gia châu Âu đầu tiên đến Hà Nội, và ông đã gặp tướng Giáp. Có thể nói đây cuộc gặp gỡ lịch sử vào đầu năm 1993. Và từ đó, mối quan hệ Pháp – Việt đã trở nên hài hòa và phát triển hơn rất nhiều.
Ba điểm quan trọng của tác phẩm :
*) Tướng Giáp ngày nay đã hơn trăm tuổi (Hà nội chuẩn bị tổ chức lễ sinh nhật 102 của ông vào ngày 25 tháng tám 2013), là một trong những người Hùng cuối cùng của thế kỷ 20. Giai đoạn này được một trong những nhân vật chính kể lại trong tác phẩm bằng cách đặt mình trong khung cảnh thời ấy.
*) Câu chuyện Điện Biên Phủ vô tiền khoáng hậu này cũng là một sự kiện thời sự trong việc tổ chức, (vào tháng 10 tới) một cuộc triển lãm về Đông Dương ở Nhà bảo tàng Quân đội (Musée de l’Armée) tại điện Invalide ở Paris. Nhân dịp đó, tính cách và con người của Tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được nói đến rất nhiều.
*) Sự huyền bí vẫn chưa có lời giải thích : bởi những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, khi mà các chính trị gia Việt Nam đa phần vẫn thích giao lưu với các đại sứ Đông Âu hơn, thì vì lí do gì mà phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã bỏ qua tất cả những phong tục địa phương ấy để đến Đại Sứ Quán Pháp vào ngày 14 tháng 7 năm 1989 để cùng tưởng niệm cuộc Cách mạng Pháp, tưởng niệm những biểu tượng của cuộc Cách Mạng này và nhất là ông đã hát Quốc ca Pháp ? Liệu có phải nhà lãnh đạo quân đội tinh tế và khôn khéo này đã sử dụng chủ đề Lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp để cố gắng thuyết phục sự mở cửa hướng về Phương Tây không ? Liệu có phải một ông cụ già yêu thích tiếng Pháp và nền văn hóa Pháp vẫn cứ trung thủy với những ý tưởng đã được trích dẫn và dạy dỗ mà kiến thức Giáo sư Sử học ở Huế và ở Hà Nội của ông đã khắc sâu vào tâm khảm ông ?
Đôi lời về tác giả : Claude Blanchemaison đã từng là đại sứ Pháp tại Việt Nam trong nhiệm kỳ 1989 – 1993, sau đó ông tiếp tục nhậm chức tại Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha. Thời kỳ ông đảm nhận chức Đại sứ tại Việt Nam là thời kỳ chuyển mình của chính sách mở cửa của Việt Nam. Trong tác phẩm của mình, ông nhắc nhiều về tướng Giáp, nhưng cũng nói tới một số chính sách mà Pháp dành cho Việt Nam trong thời kỳ đó và những gì mà chính ông, trong cương vị Đại sứ đã làm và cả những tham vọng gắn liền hợp tác giữa hai nước mà ông khi ấy còn chưa làm được, và hi vọng những người kế tiếp ông cho đến tận ngày nay sẽ tiếp tục. Trong lời văn của ông, chúng ta nhận thấy đây là một người am hiểu Việt Nam, am hiểu một số phong tục tập quán, và nhất là những tình cảm ông dành cho một « Huyền thoại của lịch sử», như ông nói, thật xúc động và trân trọng.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu
Paris 14/10/2013
Hiệu Constant

Tên sách nguyên bản : La Marseillaise du Général Giáp
Tên tiếng Việt (tạm dịch) : Tướng Giáp hát Quốc ca Pháp
Tác giả : Claude Blanchemaison
Nhà xuất bản : Michel de Maule
Năm xuất bản : tháng 10 2013
Số trang : 128


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét