Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Tự nguyện biến thành cánh nhạn đưa Trường Sa đến với Quốc Tế

Tự nguyện biến thành cánh nhạn đưa Trường Sa đến với Quốc Tế

(Báo điện tử Vietnamnet)

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/media/tu-nguyen-bien-thanh-canh-nhan-dua-truong-sa-den-voi-quoc-te-795388.html?fbclid=IwAR1KFEQI-bSZDfdDBot3yCrpcUWRB4uJWYz9ug7LTMxGFHPkN5FaITOGTiY

Vietnamnet: Nhà văn, dịch giả Việt kiều Hiệu Constant, SN 1971, quê quán huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện bà đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Bà cũng là nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam với hơn 50 tác phẩm dịch và nhiều tiểu thuyết có giá trị. Tác phẩm “100 năm tấm lòng hướng về Tổ quốc” của bà là 1 trong 50 tác phẩm được lựa chọn và trao giải báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo" năm 2019…

1. Phóng viên Vietnamnet: Trường Sa một nơi mà nhiều người ước ao được đến một lần trong đời chị đã từng ra Trường Sa chắc hẳn đó là một sự may mắn và kỷ niệm đẹp. Chị có thể chia sẻ đôi điều về chuyến đi đặc biệt này?

Nhà văn, dịch giả Việt kiều Hiệu Constant: Vâng, đây quả là một chuyến đi đặc biệt, trong cuộc đời mỗi người con dân Việt, nhất là với những kiều bào như chúng tôi. Phải nói đây là một sự may mắn hiếm có, và những gì đã được trực tiếp chứng kiến và thâu nhận tại đó sẽ đi theo chúng tôi suốt cuộc đời này. Một kiều bào trở về quê hương mình tại Đất liền đã xúc động, huống hồ được ra thăm miền đất thứ tư của Tổ Quốc này. Hành trình 10 ngày, thăm nhiều đảo và nhà giàn DK1, đến bất cứ đâu, trong tôi cũng đều ngập tràn những cảm xúc. Chỉ trong mười ngày mà tôi như sống cả nhiều cuộc đời, vui có, buồn có, những nụ cười tươi và cả những giọt nước mặt ngậm ngùi! Tôi nghĩ và hi vọng chuyến thăm Trường Sa đã khiến một số người thay đổi nếp nghĩ, cách sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật, trong đó có tôi! Những lo toan về đời sống vật chất không còn quá quan trọng nữa, bởi trong đời có nhiều thứ thiêng liêng hơn. Tinh thần đoàn kết và chia sẻ được khơi dậy nơi nhiều người! Vâng, đó quả là những kỷ niệm đẹp và những thời khắc khó quên trong đời.

 2.Phóng viên Vietnamnet: Chị mới cho xuất bản cuốn sách "Kiều bào với Trường sa", chị có thể giới thiệu đôi điều về cuốn sách và điều chị muốn gửi gắm thông qua cuốn sách này là gì?

Nhà văn, dịch giả Việt kiều Hiệu Constant: Kiều bào với Trường Sa của tôi được viết dưới dạng truyện ký. Một mặt sách ghi lại hành trình chuyến đi, đến từng đảo, những hình ảnh ghi nhận, mặt khác nêu những những cảm xúc của tôi và của mọi người mà tôi hân hạnh được gặp trong chuyến đi hoặc khi chúng tôi đến các hòn đảo hay nhà giàn. Ví như khi đến hòn đảo chìm đầu tiên thì đại biểu nào cũng cảm thấy xót xa khi thấy các cán bộ và chiến sỹ sống và sinh hoạt trong những điều kiện còn rất thiếu thốn. Nhìn từ xa, hòn đảo nhỏ chênh vênh giữa biển khơi và những con sóng, không hề có cây xanh. Khi lên đảo, thì thấy các chiến sỹ trồng rau xanh trong những cái bồn lớn và được che chắn cẩn thận để tránh các làn nước biển bắn vào khi có bão to gió lớn. Hoặc niềm xúc động khi các đại biểu được được chứng kiến buổi chào cờ trên đảo Song Tử Tây… Và nhất là cuộc chia tay có lẽ là bịn rịn nhất khi đoàn rời khỏi đảo Trường Sa để đến nhà giàn DK1. Ngoài ra, sách dành một chương để một các số “chiến sỹ Trường Sa”, tức các đại biểu trong đoàn chia sẻ những cảm xúc thực của họ trong chuyến đi, và tôi cũng viết về những hoạt động của kiều bào Pháp hướng về Biển Đảo Việt Nam.

 Qua tác phẩm này, tôi muốn gửi đến các bạn đọc, đến các đồng bào trong và ngoài nước những hình ảnh chân thực của đời sống trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tinh thần bất khuất kiên cường của các cán bộ chiến sỹ hải quân ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, và trên hết là những tình cảm, tình yêu mà kiều bào dành cho vùng lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc. Mỗi người con dân Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài đều là một phần gắn kết không thể thiếu của nước Việt, rằng kiều bào và đồng bào trong nước luôn đoàn kết gắn bó vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. 3.Phóng viên Vietnamnet: Vì sao chị ấp ủ "đứa con tinh thần" tới tận 3 năm mới ra đời?

Nhà văn, dịch giả Việt kiều Hiệu Constant: Đúng vậy, Trong suốt chuyến đi, tôi đã rất phấn khích, đã rất hồ hởi để có thể viết cuốn sách này, thế nhưng khi về đến đất liền, về đến Pháp, tôi đã rất khó để viết ra… Bởi có biết bao điều muốn nói và cả những điều tôi cứ muốn giữ cho riêng mình. Tôi muốn thú nhận một điều rằng sau chuyến đi, về đất liền sau đó là về Pháp, sau nhiều tháng liền tôi đã không muốn trò chuyện với ai về biển đảo Trường Sa, những kỷ niệm quá quí báu đối với tôi mà mỗi khi nhắc đến, tôi đều nghẹn ngào khó diễn tả bằng lời, những ý tưởng cứ phảng phất chập chờn, rất mong manh. Rồi cứ lần lữa mãi và phải đến gần ba năm sau, tôi mới bắt đầu viết được và quả thật, khi viết xong, tôi cũng được nhẹ lòng. Tôi rất vui khi cuốn sách đến được tay bạn đọc. Và phải nói từ khi ấy, tôi đã nhận được không ít tin nhắn cám ơn, vì tôi đã lên tiếng nói thay khá nhiều người, bày tỏ tình cảm đối với quần đảo Trường Sa. Cũng qua tác phẩm này, tôi muốn gửi bức thông điệp đến đồng bào trong nước rằng kiều bào luôn hướng về tổ quốc với những tình cảm, tình thương mến chân thành nhất.

4.Phóng viên Vietnamnet: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Quân chủng hải quân từng nhận định: Chủ quyền biển đảo là chất kết dính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhân dân trong nước, tạo nên sự cố kết, đoàn kết toàn dân tộc. Chị đánh giá nhận định như thế nào dưới góc độ sau khi đã đi thăm Trường Sa, về đến Pháp và khi vừa cho ra đời cuốn sách ý nghĩa trên?

-Nhà văn, dịch giả Việt kiều Hiệu Constant Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên, bởi cho dù chúng tôi là kiều bào ở đâu, tại quốc gia nào, sinh sống bằng nghề gì… thì đều có mẫu số chung là tổ quốc Việt Nam thương yêu và Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước ta. Sống tại Pháp, tôi có dịp giao lưu với nhiều giới, cho dù chính kiến họ ra sao nhưng mỗi khi có sự kiện liên quan đến tổ quốc, đến lãnh hải Việt Nam thì tất cả đều chung một ý kiến, đấu tranh vì chủ quyền của dân tộc, vì chủ quyền của hải đảo. Quả thật, chuyến đi đã cho tôi những cái nhìn cụ thể và gần gụi hơn, cho tôi được mục sở thị những ý thức, suy nghĩ, cách ứng xử của mỗi đại biểu kiều bào đối với mỗi hòn đảo và với các cán bộ sỹ quan, chiến sỹ hải quân, với cả những hộ dân hiện đang sinh sống trên đảo. Mỗi đại biểu kiều bào chúng tôi đều sẵn sàng tự nguyện biến thành những cánh nhạn để loan tin, đưa những thông tin thiết thực mà chúng tôi đã thâu nhận trực tiếp để quảng bá đến bà con kiều bào, những người chưa được tận mắt đến thăm Trường Sa cũng như các bạn bè quốc tế. Kể từ khi đi thăm Trường Sa về và bắt đầu viết cuốn sách Kiều Bào với Trường Sa này, tôi đã quyết định viết dưới dạng truyện ký, chân thật và thành thực với những cái tên chính xác từng kiều bào đang sinh sống và làm việc trong từng quốc gia cụ thể, bởi tôi cũng có tham vọng rằng, tác phẩm này sẽ góp phần kết nối các kiều bào với nhau, kết nối kiều bào với đồng bào trong nước, để may mắn có ai đó khi đã đọc cuốn sách của tôi và đến một quốc gia nào đó thì hoàn toàn có thể tìm và kết nối với các kiều bào tại nước sở tại.

 5. Phóng viên Vietnamnet: và Nhà nước ta đang có những biện pháp để khuyến khích nguồn nhân lực kiều bào quay trở lại Việt Nam, để họ không chỉ đưa ra ý tưởng mà còn trực tiếp tham gia công hiến hoặc cam kết làm việc lâu dài cho đất nước. Từ phía kiều bào thì chị mong muốn điều gì?

-Nhà văn, dịch giả Việt kiều Hiệu Constant Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi này, nó rất thú vị, cùng lúc lại bao hàm rất nhiều điều. Thực sự, chỉ đi ta đã xa quê hương, đã thành đạt và đã có một vị trí nhất định tại xứ người thì mới thực sự thấu hiểu mong ước của những kiều bào muốn được quay trở về quê hương, trực tiếp tham gia công hiến cho tổ quốc, và cũng còn có câu “Lá rụng về cội”! Tôi rất hoan nghênh những biện pháp gần đây của chính phủ và Nhà nước Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực đầu tư của nước ngoài và nhất là của giới kiều bào. Tôi nhận thấy các chính sách đãi ngộ đã được cải thiện rất nhiều, là một kiều bào và cũng ít nhiều có những quan hệ công việc với trong nước, tôi mong muốn, nếu có thể được, thì những bước liên quan đến thủ tục hành chính, chính sách thuế, việc mua nhà ở… nên được cải thiện hơn nữa đối với kiều bào.

                                

Thành Nam thực hiện Thiết kế: Quốc Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét