Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Những góc nhìn cuộc sống trong đại dịch


Pháp và cuộc sống trong mùa dịch Covid-19
(Hiệu Constant - Báo Văn Nghệ số 13 ra ngày 27/03/2020 )


Nước Pháp nói riêng và toàn thế giới nói chung đang sống trong một thảm họa Y tế, đại dịch Covid-19 này đã ảnh hưởng đến mọi gia đình và mọi quốc gia, con vi rút Corona như một bóng ma vô hình nhưng hiện hữu ở mọi nơi, và không ai có thể một mình kháng cự. Để đẩy lùi và chiến thắng nó, chúng ta cần sự đoàn kết và ý chí của mỗi người ! Chưa khi nào ta thấy các Nguyên thủ quốc gia, kể cả những Cường quốc hùng mạnh nhất, đã có lúc như bất lực trước một con vi-rut nhỏ xíu này! Tính đến thời điểm này, Italia chịu nặng nề hơn cả, với tổng số hơn 5000 người tử vong, cao điểm có 800 người chết trong vòng 24h.

Tình hình tại Pháp và Italia

Tại châu Âu và Pháp. Số bệnh nhân dương tính, số người tử vong tăng vùn vụt. Tuần trước người ta còn nêu tuổi tác và quê quán của người nhiễm hoặc tử vong do vi-rút Corona, nhưng giờ đây họ chỉ nêu những con số. Những con số vô tình cứ lạnh lùng tăng vùn vụt, theo giờ. Tại Pháp, theo báo cáo của bộ Y tế, tính đến tối 21/03, Pháp đã ghi nhận 14459 ca dương tính với vi rút Corona và đã khiến 562 người tử vong (thêm 112 người trong 24h), 6172 bệnh nhân nhập viện với gần 1300 ca được chăm sóc tích cực và phân nửa số này là những người dưới 60 tuổi. Số còn lại được điều trị tại nhà. Paris và vùng phụ cận là đông bệnh nhân nhất. Hàng ngày, Bộ trưởng Y tế và Tổng giám đốc Y tế Pháp,  cũng như một số bác sỹ đầu ngành đều phát biểu trực tiếp trên đài truyền hình để thông báo các diễn biến nạn dịch, phương pháp đối phó của chính phủ và trả lời những câu hỏi của người dân. Nhưng cũng có tin vui, gần hai ngàn người nhiễm bệnh do vi rút Corona đã được điều trị khỏi.

Số người Italia tử vong đã vượt quá Trung Quốc đại lục, trong khi theo các nhà chuyên môn, dịch vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm, bởi theo lô-gich, chỉ khi nào dịch đạt đỉnh cao nhất thì mới lại giảm xuống, số người lây nhiễm và tử vong mới ít đi ! Hôm trước trên chương trình thời sự truyền hình Pháp, người giới thiệu chương trình là một nữ nhà báo nổi tiếng thông minh, luôn vui vẻ và hài hước, nhưng lúc ấy, giọng cô có vẻ nghẹn ngào, như cố kìm nén điều gì đó nhưng cặp mắt đỏ thì không giấu được ai, khi đài đưa những hình ảnh về một nhà thờ ở Italia. Những dãy ghế trong gian chính nhà thờ đã được dọn đi và thay vào đó là các dãy dài quan tài, được xếp thẳng hàng ngay ngắn… Thật thương tâm! Người thân cũng được khuyến cáo không nên đến đông để đưa những người quá cố ấy về nơi an nghỉ cuối cùng! Gần một ngàn người qua đời chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Các biện pháp của chính phủ Pháp

Trước sự bùng nổ dữ dội của dịch, Chính phủ Pháp đã nâng báo động lên cấp ba kể từ ngày 16/03. Trong hai ngày (12 và 16/03) đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hai lần, ông cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất mà nước Pháp trải qua kể từ một thế kỷ nay. Tối 16 tháng 3, ngoài những biện pháp và khuyến cáo dân chúng đã được ông thông báo tối 12/03, Tổng thống tuyên bố nhiều lệnh khẩn nhằm ngăn chặn sự lây lan và bảo vệ sức khỏe người dân. Trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp nhiều lần nhắc, “Chúng ta đang trong cuộc chiến, cuộc chiến đấu Y tế. Cuộc chiến đấu không phải chống lại một quân đội, một quốc gia nào, nhưng kẻ thù rõ ràng đang có mặt, và chúng đang tấn công”. Mọi cơ sở học đường Pháp, từ cấp mẫu giáo đến đại học đã đều đồng loạt đóng cửa kể từ ngày 16/03. Tất cả mọi cơ sở dịch vụ không-thiết yếu cũng nhận lệnh đóng cửa. Người dân ra ngoài phải kèm một tờ giấy mẫu chỉ có mấy mục được liệt kê, được tải trực tiếp trên trang mạng của chính phủ, rồi tự in, tự điền, tự ký tên trên danh dự “sẽ chỉ làm đúng công việc này”, và không được đi quá xa nơi cư trú. Bắt đầu từ 12h ngày 17/03, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, lúc đầu là 38 đến 135, rồi nâng lên 375 Euro. Đến các điểm mua đồ, người dân phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất là 1m, và lượng người trong cửa hàng cũng chỉ có hạn. Tổng thống Pháp khuyến cáo các cán bộ công nhân viên tận dụng tối đa khả năng làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua mạng Internet, chỉ đến công sở khi công việc đòi hỏi sự có mặt. Thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.
Tổng thống cũng tuyên bố đóng cửa biên giới khối EU và Schengen trong 30 ngày kể từ 12h ngày 17 tháng Ba, chỉ đón các công dân Pháp trở về từ nước ngoài. “Mọi sự dịch chuyển giữa các quốc gia ngoài châu Âu và ngoài khối EU sẽ bị đình chỉ”, Tổng thống giải thích: “chúng ta phải tự bảo vệ trong một khoảng thời gian”. Tổng thống hứa sẽ trích một khoản ngân sách ba trăm tỷ Euros để chi phí cho công tác phòng chống chữa trị bệnh Covid-19. Tổng thống Pháp tuyên bố tăng cường 100.000 binh lính Pháp và cảnh sát để giúp đỡ, giải thích và theo dõi dân chúng thực thi những biện pháp đã được nêu.
Ý thức dân Pháp nói chung khá cao! Tính đến thời điểm này, dân Pháp đa phần tuân thủ các quy định được chính phủ đưa ra. Theo số liệu thăm dò dư luận cách đây một tháng, chỉ có hơn 30% dân số Pháp cho rằng Covid-19 là nghiêm trọng thì hiện nay con số này đạt đến hơn 80%. Theo E.L.A.B.E, một cơ quan thăm dò dư luận Pháp có uy tín vừa thực hiện mới đây về  những biện pháp khá hà khắc này của Chính phủ Pháp nhằm ngăn chặn và đối phố dịch Covid-19, thì 93% số dân chúng được hỏi đều ủng hộ, cũng như đồng tình việc chính phủ tăng cường binh lính cho cuộc chiến Y tế này.
Tổng thống Macron cũng tuyên bố cho thiết lập một bệnh viện quân đội dã chiến ở vùng Alsace, miền Đông Bắc nước Pháp, nơi đầu tiên đã bùng nổ dịch và cũng là nơi có số bệnh nhân nhiễm bệnh nhiều nhất và số tử vong cao do căn bệnh này. Bệnh viện dã chiến này được trang bị máy bay để có thể nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến các tuyến khác khi các bệnh viện tại đây bị quá tải. Tổng thống hứa sẽ tăng cường trang bị đầy đủ các trang thiết bị đồ dùng cho các bệnh viện, cơ sở địa phương và các nhân viên ngành Y tế. Xe taxi được huy động để chuyên chở nhân viên y tế và khách sạn sẽ có thể trưng dụng làm bệnh viện tạm thời.


Cho đến thời điểm này, một số nhà máy đã tạm thời đóng cửa tại Pháp.
Tổng thống Pháp hứa đảm bảo cho mọi doanh nghiệp “dù tầm cỡ dạng nào cũng không có nguy cơ bị phá sản” trong đợt dịch này. Ông tuyên bố cho hoãn cuộc bầu cử địa phương vòng 2, được dự kiến diễn ra ngày 22-3, cũng như tất cả những chính sách cải cách đang diễn ra, bao gồm cả Luật hưu trí. Và để chi phí cho tất cả các công tác phòng chống chữa trị bệnh Covid-19, Tổng thống Pháp hứa sẽ trích một khoản ba trăm tỷ Euros từ ngân sách nhà nước.
Người dân Paris đa phần nhanh chóng thích ứng với các biện pháp này. Trước 12h ngày 17/03, đường phố còn nhộn nhịp, các siêu thị rất đông khách, dân chúng tranh thủ đi mua các mặt hàng  thiết yếu như mì, gạo, bánh khô sữa và bơ… nhưng Tổng thống đã tuyên bố sẽ không để dân Pháp thiếu các đồ nhu yếu phẩm.
Chỉ sau chưa đầy nửa ngày, Paris như đã khoác lên mình một chiếc áo khác, một khuôn mặt khác. Trên truyền hình, ta nhận thấy các đường phố vắng tanh, tháp Ép-phen đứng đìu hiu ngả bóng xuống sông Seine. Nhà thờ Sacré-Coeur thường ngày đón hàng trăm ngàn khách tham quan, giờ đây cũng không một bóng người. Sông Seine lững lờ trôi khi vắng những con tàu trắng rập rềnh, Vườn Luxembourg bỗng trở nên hiu hắt với những bức tượng trắng đứng trầm ngâm… Khắp nơi đều đóng cửa. Chợ phiên ngoài trời bình thường đông đúc, vô cùng nhộn nhịp thì giờ đây cũng đìu hiu! Đã hơn hai chục năm sống tại Paris, đây là lần đầu tiên mình chứng kiến cảnh này. Đây đó tại tiền sảnh các khu chung cư và đương nhiên tòa nhà mình cũng có dán những tin nhắn, đại loại: “Trong thời điểm nóng bỏng này, chúng tôi là X. ở tầng Y. Chúng tôi ở độ tuổi Z. và khỏe mạnh. Nếu bạn cần mua đồ hay bất kỳ chuyện gì gấp, hãy gọi cho chúng tôi theo số…, chúng tôi sẵn sàng giúp miễn phí…” hoặc “Tôi là y tá ở tầng N., nếu bạn gặp trắc về sức khỏe, hãy gọi cho tôi…”“Tôi tên S. giáo viên Trung học, môn T., nếu các bạn có con cần giảng bài, tôi sẽ trợ giúp…” Khi đọc những dòng chữ ấy, phải nói là rất xúc động! Tình thương thân tương ái phát huy hết tính tích cực. Từ tối ngày 17/03, do bị cấm ra ngoài, người dân Pháp đã có một ý tưởng rất nhân văn. Tức là cứ vào tầm 20h, khi đường phố im ắng, chỉ có những ngọn đèn đường và bóng cây, thi thoảng có bóng người đi dưới phố thì chắc chắn đến 95% đó là các y tá, bác sỹ hoặc các nhân viên trong tuyến đầu chống dịch. Khi đó họ mở cửa sổ, ra ban công đứng vỗ tay và nói những lời CÁM ƠN trong khoảng 1 phút! Điều này được lan rộng trên toàn lãnh thổ Pháp.

Cộng đồng kiều bào tại Pháp

Cộng động Việt tại Pháp nổi tiếng kín đáo, cần cù, ham học hỏi và luôn có chí cầu tiến nên rất được lòng dân bản địa. Trong dịch Covid-19, kiều bào đều theo dõi sát sao sự tiến triển của vi rút và đều tin tưởng tuân thủ những qui định được chính phủ đưa ra. Cũng như nhiều người dân Pháp, phần đông kiều bào đều cho rằng những biện pháp mà chính phủ Pháp đưa ra vào thời điểm này thì tương đối muộn so với sự bùng phát của dịch Covid-19, nhưng « thực sự cần thiết và hợp lý, hiệu quả». Họ sẵn sàng sắp xếp lại những sinh hoạt đời sống và công việc cho phù hợp với tình hình hiện tại. Họ khá vững lòng chờ đợi những ngày kế tiếp… Chỉ có một số các bạn du học sinh, lần đầu xa nhà và chứng kiến cảnh toàn quốc bị cách ly thì khá hoảng loạn!
Bác sỹ Phạm Văn T., kiều bào Việt sinh năm 1977 tại Hải Phòng, hiện đang tác nghiệp tại một bệnh viện ở tỉnh Les Vosges vùng Grand-Est, phía đông nước Pháp, một nơi có ổ dịch lớn đầu tiên tại Pháp và hiện vẫn là một trong những nơi có bệnh nhân và người tử vong do virut Covid-19 nhiều nhất tại Pháp. Anh là bác sỹ đầu tiên đã chẩn đoán ra bệnh nhân bị dương tính đầu tiên với vi-rút Corona tại bệnh viện anh công tác. Anh là người thấu hiểu diễn tiến phát triển của dịch và những lúng túng ban đầu của chính Phủ Pháp cũng sự thiếu hụt khá nghiêm trọng về nhân lực y tế cũng như một số vật liệu chuyên ngành tại Pháp trong thời điểm này. Anh cho biết “Ban đầu chính phủ có vẻ xem nhẹ nguy cơ, ngay cả giới chuyên môn. Phát hiện bệnh muộn nên đã để lây truyền cho một số nhân viên và bệnh nhân khác. Thiếu chuyên gia và bị khống chế chỉ định xét nghiệm vì thiếu kit thử do tình hình chung của nước Pháp, và thiếu nhân lực nên không tầm soát rộng được, để sót bệnh nhân. Hiện tại thì mọi người bình thản hơn, tâm thế làm việc ổn định. Bệnh viện có một khu cách ly cho bệnh nhân dương tính. Cấm người nhà đến thăm thân nhân trong toàn viện trừ trường hợp có ý kiến của bác sỹ. Tất cả nhân viên y tế bắt buộc phải mang khẩu trang khi làm việc. Nhân viên y tế dương tính không có biểu hiện nặng thì được điều trị và cách ly tại nhà. Khu cấp cứu được phân ra thành hai : một dành cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid. Bệnh nhân nặng sẽ được chuyển đến tuyến cao hơn có khoa hồi sức tùy vào quyết định của bác sỹ nơi nhận. Bệnh viện tập trung nguồn lực cho bệnh nhân Covid nên các hoạt động phẫu thuật theo chương trình, khám ngoại trú, các điều trị ko phải cấp cứu bị hoặc hủy hoặc hoãn. Các thăm dò xét nghiệm ngoại trú cũng ngưng hoạt động.

Về vấn đề đeo khẩu trang, anh nói “Bây giờ dịch bùng phát, chính phủ ngay lập tức cấm các nhà thuốc bán khẩu trang cho người dân trừ khi có đơn của bác sỹ. Họ sợ số lượng khẩu trang hiện đang rất có hạn, phải ưu tiên cho lực lượng y tế, tức là nhóm người nguy cơ bị nhiễm cao và cho bệnh nhân. Không thể lãng phí dùng khẩu trang y tế đại trà. Các bác sỹ khuyến cáo chỉ mang khẩu trang khi bị bệnh như sốt ho sổ mũi.Người dân thường khỏe mạnh chỉ cần đeo khẩu trang vải.
Anh cho biết khi phát hiện ca bệnh đầu tiên của tỉnh:.“Cảm xúc lúc đó khá tồi tệ. Trong mối lo cho mình và gia đình có cả lỗi lo cho đồng nghiệp và những bệnh nhân khác. Nhưng rồi đã trấn tĩnh lại. Bây giờ tâm trạng ổn định cùng đồng nghiệp tiếp tục cuộc chiến. Xin phép không trở lại miêu tả chi tiết cái cảm giác đó trong lúc này.”
Trần Anh Khá hiện đang là nghiên cứu sinh, hệ master năm thứ hai, Khá cho biết kể từ khi có thông báo của Tổng thống về hạn chế đi lại, tiếp xúc với những người khác thì “Tôi cũng như những người dân sống tại pháp đều có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lương thực, thực phẩm, đồ dùng cần thiết để hạn chế tối đa việc đi lại, có thể sẽ diễn ra trong vài tuần. Cuộc sống của tôi trong vài ngày gần đây thì cũng có nhiều thay đổi. Ngoài việc đi chợ mua thực phẩm thì hầu như tôi ở trong nhà”.  Khá hạn chế mọi hoạt động giao lưu với bạn bè. “Còn về việc học tập, - Khá nói tiếp, -  thì tôi cũng ở nhà và tham gia những khóa học online do nhà trường tổ chức và tôi luôn luôn cập nhật tình hình diễn biến của bệnh dịch tại Pháp để có những biện pháp phòng chống kịp thời.
Bà Nguyễn Nam Trân, một kiều bào lâu năm tại Pháp, sống tại thành phố Ivry, ngoại ô Paris. Đã nghỉ hưu nhưng cuộc sống của bà cũng bị xáo trộn: “Tuy không đi làm nữa, nhưng mỗi ngày tôi cũng phải sắp xếp cuộc sống để hạn chế đi lại và tiếp xúc với người khác. Mỗi lần tôi cần ra khỏi nhà thì phải mang theo giấy xin phép vì lý do gì, tôi đi đâu...” đồng ý với biện pháp phòng chống dịch của chính phủ Pháp: “Nhưng tôi tiếc rằng chính phú Pháp không đưa ra quyết định này sớm hơn, để tránh được số ca bị nhiễm càng ngày càng nhiều, và số người tử vong càng ngày càng tăng. Tôi không hiểu sao nước Pháp lại thiếu khẩu trang y tế, trong khi nước khác, như Việt Nam nghèo hơn nhiều mà lại sản xuất phục vụ dân chúng miễn phí được. Tôi hi vọng trong tương lai nước Pháp sẽ làm được tốt hơn nữa”.
Chị Phan Tường Vy sống tại thành phố Joinville le Pont, ngoại ô Paris chia sẻ: “Sau khi nhận được lệnh giới hạn đi lại thì tôi cũng như mọi người đi siêu thị để mau mọt ít thực phẩm dự trữ để dùng cho một khoảng thời gian vừa phải chừng bảy tám ngày. Chồng tôi thì vẫn làm việc tại nhà, tổ chức các cuộc họp online với các đồng nghiệp và đối tác. Tôi có gắng tạo các hoạt động con gái để có thể vui chơi, học tập tại nhà mà không cảm thấy chán, không dán mắt vào màn hình ti vi, điện thoại. Chúng tôi sẽ duy trì cuộc sống như vậy đến mức tốt nhất có thể, cho đến khi tình hình dịch bệnh được quản lý và hạn chế tốt hơn.”

Nhìn người lại nghĩ đến ta.

Thường xuyên xem thông tin quê nhà qua mạng, người viết bài thấy chính sách phòng chống dịch bệnh hồi đầu của Chính phủ và các nhà  chức trách y tế Việt Nam được tiến hành khá tốt, đã có những thành quả tích cực, nhưng gần đây, họ hình như bắt đầu hơi lúng túng khi cứ phải chạy theo tìm những người nghi nhiễm bệnh! Trong thời kỳ dịch Corona đang lan rộng toàn cầu này, nhiều công dân tìm về đất nước quê hương và mọi chính phủ đều giang tay đón nhận họ trở về, điều ấy cũng dễ hiểu. Nhưng lượng kiều bào Việt Nam đổ về quê thì quả là ấn tượng ! Có ngày có trên 7000 người cặp cảng sân bay, ai cũng phải điền vào tờ khai y tế, qua khám sức khỏe, rồi đi cách li… Cả một chuỗi những thủ tục và cần được tiến hành có qui trình và qui tắc, vậy mà một số kiều bào đã thiếu nhẫn nại, dẫn đến to tiếng với những người đang thi hành công vụ, khiến cảnh vốn đã nhốn nháo giờ lại tăng thêm, và dễ gây hoảng loạn, rồi một số người trở về lại còn chê bai đồ ăn và tiện nghi ở những nơi cách ly ! Người viết bài thông cảm với các cán bộ chiến sỹ hải quan và nhân viên y tế, hàng không... Vâng, bình thường thì đây là công việc của họ, nhưng trong thời điểm này, mọi thứ đã xảy đến quá nhanh, thiển nghĩ một số cán bộ Y tế, do phải ở tuyến đầu chống dịch, cho dù có được trang bị thế nào, họ cũng rất có nguy cơ nhiễm bệnh, rồi họ cũng có gia đình, cũng bằng xương bằng thịt, cũng cần nghỉ ngơi, mà trong lĩnh vực này, không phải người dân bình thường nào cũng có thể và dám thay thế họ. Điều khiến bạn đọc an tâm, đó là chưa thấy bất kỳ thông tin nào nói cán bộ y tế Việt Nam cũng như Hải quan, cảnh sát… thiếu các phụ kiện trang bị an toàn tối thiểu như khẩu trang y tế, gel sát trùng chống vi rút Corona… trong khi ở Pháp đang rất thiếu, ngay cả với các y bác sỹ như đã nêu.
 Kiều bào yêu quê hương đất nước thì có rất nhiều cách, hoãn về quê, hủy chuyến bay hồi hương trong đại dịch Covid-19 này cũng là một trong những tình yêu ấy! Đúng vậy, tại thời điểm này, không quấy rầy chính phủ, không chất thêm công việc cho các nhà chức trách y tế Việt Nam thì đã là chia sẻ gánh nặng, cảm thông và yêu mến họ. Chưa kể, hiện giờ ta khỏe mạnh, nhưng không biết liệu trong mình ta có đang mang vi-rút Corona hay không và rất có thể lây cho người khác ngay cả khi ta vẫn chưa bị ốm. Hơn nữa, nếu đi lung tung, ta cũng dễ dàng lây bệnh từ những người khác… Vậy hãy tuân thủ qui định của các nhà chức trách! Chia sẻ, cảm thông với các nhân viên y tế thì cũng là cách tự bảo vệ mình !
Trong thời điểm này, thông tin quả là nhiều chiều, nhà báo nhiều đẳng cấp! Qua bài viết này, người viết bài mong một số công dân Việt Nam nên sống có ý thức hơn, đừng “ném đá”, đừng quá soi mói, sướng một lúc trên bàn phím, nhận được nhiều “like” của các bạn “ảo” mà làm tổn thương những người khác. Mong các nhà báo Việt Nam hãy đưa tin xác thực và chân thành hơn, suy nghĩ nhiều chiều hơn khi viết về kiều bào và nạn dịch. Tránh làm sướng, làm mủi lòng một số người nhưng lại gây đau và khiến nhiều người khác hoang mang. Những kiều bào làm loạn sân bay, số sinh viên được gia đình « giải cứu » về nước chỉ là một số rất nhỏ! Để rồi các “nhà báo” giật những cái tít thật khủng, thật nóng. Trong khi đa số kiều bào chân chính đều hướng về quê hương, sẵn sàng chia sẻ nỗi niềm với đồng bào trong nước. Khi nhắc điều này, người viết bài nghĩ đến hàng trăm ngàn du học sinh và kiều bào vẫn ở lại nơi họ trú ngụ và làm việc, tuân thủ những qui định của Chính phủ nước sở tại mà phần đông trong số họ đều có người thân tại Việt Nam, họ muốn người thân được trấn an !
Để kết thúc bài viết và nhân ngày Hạnh phúc Thế giới 20/03, xin gửi tới bạn đọc, đồng bào trong nước cũng như toàn dân trên thế giới một ý nguyện mong ước, mong mọi người hãy lạc quan, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy tối đa tình tương thân tương ái, sự sáng tạo để cùng nhau vượt qua mọi thử thách và đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh, mong các nhà khoa học mau tìm ra vắc xanh. Mong toàn dân sống yên vui, thanh bình, hạnh phúc trong tình thương yêu đoàn kết.


Paris 22/03/2020
Hiệu Constant





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét