Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

14 tuổi, bị quấy rối học đường

 14 tuổi, bị quấy rối học đường


Bạo hành học đường trong những năm gần đây đã trở thành một vấn nạn kinh hoàng của không chỉ riêng một quốc gia nào. Đó đã trở thành vấn nạn toàn cầu và là nỗi bức bối và lo lắng của tất cả các bậc phụ huynh.
Bắt đầu từ 11 tuổi, tức từ lớp sáu và trong hai năm liền, giấu gia đình mọi chuyện và hoàn toàn trong sự thờ ơ của tập thể  ê kíp giáo dục, Mathilde đã sống trong cơn ác mộng, đã phải chịu những lời thóa mạ, ức hiếp và tủi nhục hàng ngày ở trường học. Em sống trong sự xấu hổ, tự kết tội mình vì không biết tự vệ. Em vẫy vùng trong hận thù để có thể tiếp tục sống và đã nhiều lần nghĩ tới tự tử. Cho đến một ngày em đã tìm được lối thoát : đó là Viết. 14 tuổi, bị quấy rối học đường là cuốn nhật kí của Mathilde, một trẻ vị thành niên trưởng thành trước tuổi, em miêu tả lại từng chặng, từng thời kì trên con đường dài dẫn em đến cảnh như địa ngục trong tuổi học đường, sự đeo bám và bạo lực.

Một tập tài liệu phải nói là duy nhất dẫn chúng ta đến tâm điểm của vòng xoáy vấn nạn học đường và tâm lý trẻ vị thành niên. Bằng sự trần trụi trong ngôn ngữ của trẻ mới lớn, Mathilde Monnet giải mã tệ nạn khủng khiếp này mà 1/10 học trò bị ảnh hưởng và là nạn nhân, và đôi khi tệ nạn này đã đẩy các em phạm những sai lầm không thể vãn hồi.
Mathilde Monnet năm nay 15 tuổi.  Em hiện đang học lớp 10. Là học sinh ngoan và đam mê đọc sách, cuốn 14 tuổi, bị quấy rối học đường là tác phẩm đầu tay của em. Em ghi lại những cảm giác cảm xúc hết sức thực tế của mình : « Tôi nhìn thấy ba đứa chúng nó đi cùng nhau. Tôi cứng người lại. Hãy ít ra thì tôi cũng tin như thế. Hai chân tôi hình như tự quyết định tiến lên mà không cần ý kiến của tôi. Toàn bộ ý chí kêu lên với tôi rằng phải đi, càng nhanh càng tốt, phải cố mà thoát ra. Tôi sẽ phịa ra một cái cớ, bất kỳ điều gì. Nhất định tôi không được ở lại đó.
Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục, tựa như chẳng có chuyện gì. Sau lưng tôi, những tấm lưới sắt khép lại. Cặp mắt chúng lúc này nhìn tôi chằm chằm. Chầm chậm, gần như là một đoạn phim quay chậm, tôi nhìn thấy miệng chúng ngoác ra trong một nụ cười. Thời gian như dừng lại. 9…8…7… Tôi cố gắng đáp trả ánh mắt của chúng. 6…5…4… Tôi đến đứng vào chỗ của mình. Vài đứa quay lại khi tôi đi ngang qua, khuôn mặt chất đầy hận thù. 3…2…1… Câu chửi đầu tiên. »
Cô bé bị đánh rồi sau đó là đánh hội đồng. Từ ba kẻ đao phủ cho tới cả lớp. Mathilde không còn mở mắt ra được. Để sống sót trong khi bọn chúng cứ muốn đẩy em đến chỗ tự tử (những kẻ hành hung em thậm chí còn thẳng thắn gợi  ý em làm chuyện ấy), em đã có tư tưởng khiêu khích những kẻ tra tấn mình. Vũ khí của em ư ? Là lời nói. Nhưng một mình em chả bao giờ thắng nổi chúng. Cho đến tận ngày mà em thiếu chút nữa đã phạm phải điều không thể vãn hồi : « Có thể rút cục thì tối nay tôi sẽ đủ dũng cảm đây nhảy lầu, qua khung cửa sổ này. »
« Tại sao bọn chúng đã tra tấn tôi như thế chứ ? Liệu có một câu trả lời nào đó không ? Tôi vẫn đang đi tìm những lời giải thích đây. Đó có thể cũng chính là lí do đã khuyến khích tôi viết. Viết để tìm ra một ý nghĩa cho một điều phi lí. »
Tất cả bắt đầu bằng những lời trêu nghẹo về chút dị tật về răng và chút dị hình trong quai hàm của Mathilde. « Hải li », « Chuột trù », các bạn học trong lớp gán cho cô bé đầy những biệt danh không mấy dễ mến và liên tục réo gọi em bằng cái biệt danh ấy trong các hành lang trường học. Rất nhanh, những lời chế nhạo ấy biến thành những lời chửi rủa (« con phò ») và bạo lực bắt đầu xuất hiện. Ngéo chân, tát, đấm đá, xé quần áo, rồi Mathilde được chỉ định là đứa để cả lớp bắt nạt. «Thường xuyên, một trong đám con trai lấy tay chỉ vào tôi, miệng ra lệnh : «Đánh đi». »
Đờ người trước bạo lực dữ dội, xúc phạm về ngôn từ lẫn thân thể, Mathilde « già dặn » dần trong im lặng, sau đó là trong vai trò của nạn nhân. « Bị đánh đã trở thành cái gì đó cùng bình thường như hít thở vậy. » Cô bé mất dần sự tự tin vào bản thân, đánh giá mình thấp đi và chỉ còn thiếu là chìm vào điên loạn. « Chỗ nào cũng bị chửi, không ngừng bị hạ nhục và hạ uy tín, liên tục bị coi là dị tật và thiểu năng, tôi rút cục nghi ngờ những khả năng trí tuệ của mình. »
Hệt như rất nhiều trẻ vị thành niên bị bắt nạt, cô bé tận dụng triệt để những trò che giấu để không khiến cha mẹ mình lo lắng. «Tôi biết tính toán chính xác khoảng thời gian sao cho mắt tôi phải khô, và xóa sạch những dấu vết chứng tỏ tôi đã khóc». Dẫu có đôi chút giảm sút về kết quả học đường nhưng gia đình Mathilde chẳng nghi ngờ gì. Trong thời gian đó thì các thầy cô nhắm mắt bỏ qua, bỏ mặc đứa trẻ bị đối xử tàn tệ trong suốt những giờ học.
Sau hai năm sống trong ác mộng, Mathilde cuối cùng đã quyết định nói ra và tố cáo những kẻ hành hung và lăng mạ mình. «Người ta khích lệ tôi nên ‘chuyển qua chuyện khác’ và ‘đổi trường’. Tệ hại hơn, họ giảm nhẹ tình hình bằng những câu kiểu : ‘Những câu chửi ở trường, là chuyện bình thường mà. Phải nghiến răng mà chịu thôi’. ‘Chuyện con trẻ thôi mà’, ‘Đó là bởi em không biết cách tự vệ ». Rút cục thì một số bị « chỉnh » theo luật pháp và Mathilde đã dần lấy lại tinh thần nhưng vẫn còn những dư chấn. «Làm sao ta có thể tiếp tục sống như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra được ? » Nếu như em đang dần dần tái dựng lại cuộc sống của mình, thì vẫn biết rằng sẽ không thể hoàn toàn tiến về phía trước « chừng nào mà không có sự công bằng ». « Tôi những muốn tìm lại được cuộc đời trước đây của mình bởi bọn họ đã ăn cắp mất tuổi thơ của tôi. Nhưng tôi biết điều đó là không thể. Tôi cứ sống ngày nào biết ngày ấy, tôi tận hưởng sự an toàn về cơ thể đã tìm lại được, một sự nhẹ nhõm nào đấy nữa, như một cô học trò trung học bình thường. » Khi nói về tương lai, Mathilde muốn trở thành bác sỹ tâm thần, để cố gắng một ngày nào đó hiểu rõ  sự « điên khùng » mà em đã không may phải là nạn nhân của nó.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu
Paris 12 01 2017
Hiệu Constant

Sách nguyên bản : 14 ans, harcelée
Tên tiếng Việt : 14 tuổi, bị quấy rối học đường
Năm xuất bản : 10/2016
Nhà xuất bản : Fayard/Mazarine
Số trang : 324



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét