Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

RỈ RẢ VỚI “CÔN TRÙNG”

Giới thiệu tiểu thuyết đầu tay “Côn Trùng” của Lê Thị Hiệu- nhà xuất bản Phụ Nữ.



Tôi nghe em nói đến tiểu thuyết đầu tay của mình khi viết những dòng cảm xúc về Quê hương trỗi dậy.
Và tôi đã chờ đợi nó. Chờ đợi để được trân trọng nâng niu những tình cảm, suy tư, những ký ức của một người bạn, một người em, một đồng bào nơi đất khách quê người.
Nó đây rồi, những tâm huyết ấy, những yêu thương dồn nén trong em tự bao năm.
Chúc mừng Hiệu Constant, bây giờ em không những là một dịch giả nổi tiếng, niềm tự hào của TNN. Em thực sự đã là một nhà văn chuyên nghiệp!
Dễ có đến hơn 20 năm rồi tôi đã không đọc một cuốn tiểu thuyết nào.Công việc, vui chơi, Internet và TV… đã chiếm hết thời gian. Vậy mà tôi đã đọc liền một mạch 124 trang “Côn trùng” trong một buổi tối. Đơn giản “vì đó là em”, đó là tác phẩm của bạn mình. Đọc xong, thấy hiểu em hơn mà dường như lại xa em hơn. Có thể là do cảm giác mến phục chăng? Quả thật, đôi khi sự mến phục nâng người ta cao hơn, xa hơn….

Truyện của em là những hồi ức đan xen được ghi lại qua những lời đôi khi là tâm sự, đôi khi là tự sự, những độc thoại nội tâm gần như hồi ký và nhật ký được viết dưới dạng lời thoại của tác giả với một bác sỹ tâm lý- nhân vật có mà không tồn tại, chỉ là người em tưởng tượng ra để trút bầu tâm sự mà thôi.


HỐN QUÊ
Văn của em là những hồi ức đưa ta về cội. Tôi như chìm vào những lâng lâng của cô bé trong lần đầu tiên khoác áo sinh viên trở về làng . Cũng chỉ là những hình ảnh đặc trưng nhất về làng quê thôi : lũy tre xanh, khói lam chiều, bếp lửa hồng, cánh đồng lúa thì con gái, cánh cò trắng đơn lẻ…Trên cái nền quê ấy là em, cô bé thôn quê nhảy chân sáo trên đường thôn. Cái đáng quý là sau bao năm tháng giữa Paris phồn hoa, cái chất quê ấy trong em dường như vẫn còn nguyên vẹn. Và em vẫn tự hào mà hồi tưởng về nó. Không biết đến giờ em còn thích thọc tay sâu xuống lớp bùn tanh, nhầy nhụa như xưa không, nắm bùn mà em đã «mân mê trên tay, bắt con cào cào dính lên» để nhìn ngắm trong hạnh phúc.
Xa quê bao năm rồi mà vẫn còn đó nguyên vẹn trong em hương vị của “những lát bánh đúc mỏng tang, ròn ròn, càng nhai càng đậm đà, thỉnh thoảng nếu may mắn có cả viên lạc bùi bùi”.
Tôi gọi những tình cảm ấy trong em là “ hồn quê”, thứ tình cảm luôn chất chứa đầy ắp trong lòng của đứa con xa quê để rồi lúc nào em cũng thấy thiếu vắng nó và muốn đi tìm lại. Vì hồn quê ấy, em đã đổi bánh mì kẹp thịt, táo và đùi gà rán cho những đứa trẻ chăn trâu để lấy những củ khoai, bắp ngô nướng rồi ngồi bệt xuống bờ đê mà ăn…Bao giờ tôi cũng làm được như em, dù tôi vẫn đang ở ngay trong lòng đất nước ?
Thì ra em và tôi cũng có nhiều sở thích giống nhau nhỉ. Mình cùng thích nhìn mẹ rửa lá dong, chuẩn bị gạo để gói bánh chưng, ngồi bên mẹ trông nồi bánh chưng đến hai ba giờ sáng, đi chợ phiên với mẹ, rải chiếu bên hiên nhà cùng mẹ ngóng ánh trăng. Thích ra đồng giúp mẹ cấy lúa, trồng khoai, «thích nhìn sự lớn lên của những luống cải xanh hay những củ su hào to như những chiếc bát con cứ to dần lên dưới bàn tay chăm sóc của mình».

Những ký ức của em về mẹ hiền dịu, mộc mạc bao nhiêu thì về ba lại ấm áp, sâu sắc bấy nhiêu. Tôi nghe trong những lời em kể về ba âm vang một niềm tự hào vô bờ bến. Mỗi lần nhắc đến « cỏ », em luôn trân trọng đặt nó trong ngoặc kép như trang trọng đóng khung niềm tôn kính với ba, người thầy thuốc đông y không bao giờ coi cỏ là « dại ». Tôi xúc động khi em nhớ về cảnh kéo nước giếng để kỳ cọ cái sân cho ba phơi thuốc. Không phải vì ông nội tôi cũng từng là một lang y. Mà vì không hiểu sao tôi lại miên man nhớ sang cái cảnh những ngày gần Tết, mấy anh em tôi lôi từ gầm giường ra cái bàn là bằng sắt nặng trịch và két đầy rỉ, buộc nó vào một sợi thừng rồi để đứa nhỏ nhất chụm chân ngồi trên cái bàn là ấy, mấy đứa khác xúm lại kéo đi trên vỉa hè đất dọc phố đến khi đáy bàn là sáng loáng ánh thép. Rồi bố tôi kéo cái bếp than ra vỉa hè và trương lên cái biển « giặt là lấy ngay ».

Tôi không ngờ chênh nhau đến 7K (28-34) mà chúng ta lại có chung với nhau nhiều hồi ức thế. Em đưa tôi về lại ngôi làng xưa thời chiến tranh nơi tôi sơ tán, với chỉ toàn mái nhà rơm vì «mái ngói đỏ tươi sẽ thu hút sự chú ý của máy bay địch». Tôi như tìm thấy tôi trong trò chơi soi gương qua cửa sổ nhà bạn với những ám hiệu mà chỉ bọn trẻ con mới hiểu , rồi trò bắt đom đóm bỏ trong quả trứng rỗng hay trong lọ thủy tinh. Em nhắc đến bộ phim « Nô tỳ Isaura » mà tôi đã xem ở Nga thời đi làm phiên dịch. Em cũng chọn thi khối D mà em gọi đó là «khối con nhà giàu» (buồn cười nhỉ) và cũng ước mơ làm phiên dịch như tôi. Mẹ em bảo:«Học ngành ấy thì sau này đi mài chữ ra mà ăn à?», trong khi mẹ tôi lại muốn tôi học tiếng Nga để ra nước ngoài giúp đỡ cho gia đình về kinh tế. Nghĩ cũng hay, nghề phiên dịch đâu có gì cao sang đến độ phải mơ ước nhỉ ! Hồi cấp 1, lũ học sinh, con trai thì mơ lái máy cày thay trâu, con gái thì mơ làm « chị lao công đêm đông quét rác » (chị lao công mà chính em cũng muốn giữ mãi trong ký ức về Hà Nội một thời).
Tôi hiểu vì sao mà em trăn trở cho một Hà nội đang đổi thay nhanh quá, người ta hy sinh thiên nhiên vì sự nghiệp đầu tư. Cả Hà nội “chỗ nào cũng là thùng rác”, “cá chết lềnh bềnh trên mặt Hồ Tây”. Hình ảnh cô công an tốt bụng xưa đã giúp đỡ khi em lạc đường có chăng chỉ còn là hoài niệm. Thay vào đó là những cô gái ăn chơi, sa ngã từ những xô đẩy của cuộc đời. Tôi hiểu thế nào là cảm giác thèm khát « mong gặp lại một bà già ngồi mát dưới bóng tre nhai trầu bỏm bẻm nhìn đàn trẻ chăn trâu cười đùa tắm mát dưới lòng sông…con chó nô đùa đuổi gà chạy quanh đống rơm ». Tôi còn nhớ, khi những ao nước quanh nhà tôi bị lấp đi xây nhà, sau những trận mưa, tiếng ếch thưa thớt dần đến khi không còn nữa. Có còn chăng là tiếng ếch trong hồn quê mà thôi.

Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò…
(Sông Lấp - Tú Xương)

CÔN TRÙNG
Những cô bé mang hồn quê thường luôn có một tình yêu mãnh liệt. Em cũng thế. Em như một mầm xanh đang vươn lên thì tình yêu đến tự nhiên như những giọt mưa.
Tạo hóa thường có những sắp đặt trớ trêu. Em từng kêu ca về cái xe đạp « cà khổ » của mình, thế mà chính nó đã đưa đến cho em mối tình đầu trong sáng. Độc giả thương mến em đã dõi theo em từ những rung động đầu tiên của một cô nữ sinh chân quê : một lần xe đạp « cà khổ » tuột xích, một chàng trai đến giúp và để lại chiếc khăn tay mà em đã nâng niu cất tận đáy vali. Rồi những lần gặp lại tình cờ (nhiều tình cờ nhỉ) như sắp đặt của tạo hóa. Để rồi em đã yêu, một tình yêu không cần điều kiện, yêu thiết tha đến độ « cố tình không giặt » áo anh « để hít thở mùi vị » người mình yêu dấu. Bố cục truyện với các tình tiết sắp đặt không theo thứ tự thời gian khiến độc giả phải dồn tâm theo dõi với những linh cảm về một kết cục không có hậu cho nhân vật mà mình thương yêu. Nhưng rồi những ký ức đan chen của em về chàng trai ấy đã làm độc giả thở phào yên tâm : anh ta không phải là một tay săn gái dưới cái vỏ của một trí thức có địa vị xã hội, lịch lãm, ga lăng và điệu nghệ với chiếc khăn tay hay một cánh hồng nhung ép vào tạp chí để làm mềm lòng những cô gái lãng mạn.
Vẫn biết, tiểu thuyết thường nhiều hư cấu, nhưng những xúc cảm quá chân thật của em đã khiến độc giả mơ hồ cảm nhận rằng đây là một tự truyện chứ không còn là một tiểu thuyết được hư cấu nữa. Có thể đó cũng là một thành công của em ? Chân thật đến độ em truyền hết sang tôi những lóng ngóng trong lần đầu tiên ra mắt mẹ, dù chỉ là mẹ của một người bạn đã mất của anh ấy. Rồi cuốn tôi vào chuyến hành trình gian nan cùng em theo anh ấy về rừng đại ngàn tìm xác đồng đội cũ, chuyến đi đã giúp cả em và người đọc hiểu và tin anh ấy hơn. Tin đến độ có thể yên tâm để hai sinh thể yêu nhau ở lại nơi rừng núi hoang vu mà không cần lo lắng. Có gì phải lo đâu, nếu núi lửa tình yêu phun trào thì cũng là từ em thôi:«Tôi muốn cảm nhận được hơi thở dồn dập của anh phả lên mặt tôi, tôi muốn cảm nhận được những cái ôm ghì, siết chặt, muốn cảm nhận được cả độ nặng cơ thể anh đè lên tôi, muốn cảm nhận được hằng hà sa số nhưng sinh linh nhỏ bé tí ti từ cơ thể anh trườn vào trong người tôi…». Còn anh ấy chỉ ôm hôn em và dù thấu hiểu em cũng đã không thể bùng nổ như em mong muốn.

Những tưởng đời đã mang đến cho em quả ngọt tình yêu, có ai ngờ đó lại là một bản tình ca nghiệt ngã. Nghiệt ngã vì tất cả những ấp ôm da thịt tình trần kia đã chỉ đến với em vào lúc đã muộn. Trước đó là bao ngày em đơn phương ôm ấp, khát khao mãi một lần hò hẹn, một nụ hôn của người em yêu. Nụ hôn ấy, chỉ chừng ba mươi giây mà cháy bỏng hàng thế kỷ, đã chỉ đến với em khi người ấy « phát hiện ra chiếc nhẫn lấp lánh trên ngón tay áp út bên bàn tay trái ». Để rồi cả hai nhân vật chính của tôi đều bị cuốn trôi vào những cuộc phiêu lưu sau hôn nhân, thứ hôn nhân như một khuôn thước đạo đức ràng buộc con người mà những cô gái yêu mãnh liệt như em luôn sẵn sàng chồm lên đạp bỏ khi nghe tiếng gọi tình yêu cất lên từ miền hoang dã. Để rồi cả hai phải yêu trong lén lút, sống trong giằng xé. Để rồi người em yêu chỉ tìm được giải thoát khi bỏ lại em một mình nơi cõi trần gian.
Từ đầu truyện, tôi đã ngạc nhiên khi em ví cảm giác kinh sợ của mình “như thoát thiền”. Lạ thật, thiền là để cho tâm tư được tĩnh tại, chẳng lẽ thoát ra đáng sợ đến thế sao? Và vì sao em đặt tên tiểu thuyết là « Côn trùng » ?
Gần cuối truyện em mới đưa ra lời giải đáp. Thì ra, đó là con côn trùng mang tên tình yêu mà tựa như ai cũng có đã rỉ rả gặm nhấm, bào mòn tâm hồn em. Ngay cả khi người em yêu duy nhất không còn nữa, nó vẫn « day dứt ra rả » những bài ca kỷ niệm. Thế nên em đã thiền để cố trục xuất khỏi nội tâm mình con côn trùng ấy và hoảng sợ nghe tiếng nó lại vang về mỗi khi thoát thiền. Đó là lý do em đã tìm đến bác sỹ tâm lý xin một giải pháp cứu rỗi : tiễu trừ con côn trùng ấy.
Kết thúc truyện, vào lúc đã đọc tên con côn trùng gây ra căn bệnh trong em là TÌNH YÊU, em đã tung ra những trang nhật ký riêng tư nhất của mình, những tâm sự với người em yêu, những suy niệm của em về tình yêu, về cuộc sống. Cứ như thể em đã dứt con côn trùng ấy ra khỏi em rồi, để nó mặc sức rỉ rả với người bác sỹ….

Thôi, em hãy thả con côn trùng ấy về với đất lành theo người đã khuất, hãy để nước mắt hòa vào vị mặn của biển như em đã từng mong. Hãy để con côn trùng ấy rời xa những khu vườn đang ngào ngạt hoa thơm của nhà em. Càng xa càng tốt. Để lắng nghe trong vườn nhà có những âm thanh khác của lá, của hoa, của gió. Và của cuộc đời vẫn đẹp bên em khi tắt vắng tiếng côn trùng...

MÊNH MANG TRI THỨC
Chỉ với 124 trang tràn ngập những ký ức và suy niệm, thế mà em đưa độc giả đi khắp nơi. Cô bé thôn quê ngày nào đã đi dọc chiều dài đất nước đến với Huế, vào Trường Sơn, thậm chí tới tận những chốn thâm sơn cùng cốc như làng của tộc người Ve và Bản Thủy.
Có ai đã nghe nói đến thứ thổ ngữ ở Bản Thủy ấy, thứ thổ ngữ mà em nói là độc nhất ở Việt nam chưa ?
Em dẫn độc giả đến với làng của dân tộc Ve dưới chân núi Pèng Giàng, tộc người mà Bộ đội biên phòng mới phát hiện ra vào năm 1980 ( !!!) , nơi những người đàn bà có cặp mắt « nhuốm màu những cánh rừng đại ngàn » và trưởng bản quyết định dời dân chỉ vì một điềm xấu là con gà mái đẻ quả trứng dính máu. Em khám phá ra tộc Ve như khám phá ra «sự hoang sơ giữa thời đại điện tử». Em chua xót khi nghĩ rằng người ta chi hàng ngàn triệu đô la để cố gắng đưa phi thuyền lên vũ trụ khám phá hành tinh khác, các nhà thiên văn cứ mãi dõi mắt lên trời để tìm những vì tinh tú mà bỏ quên cả một tộc người ở ngay trên mặt đất này.

Nghe em kể ở bản làng người Ve chỉ có vài em nhỏ đi học để « chiều theo sự vận động của địa phương », tôi nhớ ngay đến vùng nông thôn Xuyên Mộc của tỉnh Bà rịa Vũng tàu cũng có dân tộc Châu Ro. Khi các nhà đầu tư Belarus đến trồng cao su, họ đã xây cho mỗi xã một trường học. Nhưng trường vắng hoe. Tôi đến các nhà vận động cho con đi học, họ bảo: con cái phải để ở nhà đi làm rẫy, đi học lấy gì ăn. Rồi một hôm thấy họ lùa cả đàn bò vào trong lớp học. Không biết họ lấy đâu ra bò ? Hỏi ra, mới biết đây là chương trình hỗ trợ dân tộc thiểu số của nhà nước. Mấy ông Belarus mừng húm : có bò ăn cỏ thì đỡ phải trả tiền làm cỏ. Vài tuần sau, chẳng thấy bò đâu : hóa ra, họ mổ bò rồi, phần để nhậu, phần để bán lấy tiền…nhậu !

Những người đã đi nhiều thì trải nghiệm cũng nhiều và thường hay liên tưởng. Em liên tưởng để rút ra cho mình một suy niệm nào đó, thường là về tình yêu, lẽ sống, thói đời… Có khi là liên tưởng từ những nét tương đồng: không gian đặc quyện hơi nước ở miền Trung Việt Nam làm em nhớ cánh đồng nổi trồng rau quả ở tận Indonesia , đến cậu Khamalium vì nỗi hận mất người yêu mà phải rời bỏ tộc của mình ; tiếng u u của núi rừng Trường Sơn làm em nhớ đến các hầm mộ Ai Cập, đến nàng Cleopatre đa tình và yêu hết lòng. Cũng có khi liên tưởng từ những đối lập : bóng đêm bao trùm rừng nhiệt đới khiến em nhớ đến Paris, kinh đô ánh sáng với các cửa hàng sang trọng Louis-Vouton, Christan Dior, Yves Saint Lauren, đại lộ Champs-Elyssee, rồi luồn vào các ngóc ngách của lâu đài Versailles, đến bên giường ngủ của vua và hoàng hậu Pháp để nhớ về Marie-Antoinette đa tình, để rồi thấy mình muốn được yêu thật sự, yêu hết lòng để khỏi luyến tiếc cho cuộc sống mong manh quá. Cũng có lúc tôi thấy em giàu liên tưởng quá, đang khi hai đồng đội gặp nhau xúc động đến trào nước mắt, em lại nhìn bếp lửa mà nhớ đến cảnh núi lửa phun trào ở Indonesia.

Em thực là một cô bé chân quê khác lạ. Chưa vào đại học mà trong đầu « chỉ hiển hiện những áng văn chương bất hủ của Zola, Flaubert, Camus, Marcel Pagnon" ….những danh hào mà đến giờ tôi cũng chỉ bập bõm nghe tên. Gái quê mà « vừa đi vừa huýt sáo gió bản nhạc Dòng Danuyp xanh », mà biết đến luật Kacher quy định về những món người Do Thái được phép ăn, đến món ăn Couscous yêu thích của người Hồi giáo…
Em làm tôi khâm phục thực sự với những hiểu biết của mình, bà C. ạ.
Thêm nữa vài dòng lan man từ những cảm nhận còn vội vã….

MIÊN MAN SUY TƯỞNG
Tiểu thuyết của em đầy những trăn trở và suy niệm. Em trăn trở về cái chết, về chiến tranh, về tình đời, tình yêu, về cuộc sống, về số phận con người…
Dưới ngòi bút của em, cái chết luôn rình rập trên từng trang truyện.
Một chàng trai mới 20 tuổi đã ngã xuống khi chưa từng cầm tay bạn gái.
Một chiến sỹ hy sinh trên tay bạn với trăng trối «cậu mang về cho mẹ tớ cái khăn có thêu con chim hòa bình ».
Một người bạn cảnh sát hy sinh khi săn bắt cướp.
Em ôm cả vào mình nỗi đau khi nghe tin những người mình ngưỡng mộ như nhà văn Pháp Gracq qua đời.
Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau phải khi mất đi những người ruột thịt. Tôi cũng từng khóc nấc bao đêm khi mất đứa em trai nên hiểu nỗi đau đớn của em khi chứng kiến đứa em trai chết đuối, « xác vướng vào một búi tre ven sông ». Đau thương dồn dập đến với em: anh trai tử nạn, và tưởng chừng nỗi đau ấy đã tột cùng khi nghe tin mẹ mất mà mình không về được. Tôi nhớ mang máng lời mẹ em, à mà nhiều người cũng nói, khóc được thì khóc cho nỗi khổ tan theo nước mắt. Nhưng em đã không còn nước mắt để khóc nữa khi nghe tin cha mất. Em đã « chạy thục mạng vào cánh rừng » trong sương sớm để hồn mình tan chết trong thiên nhiên, chỉ còn « nghe những hạt sương rơi lộp độp trên đầu ».

Và rồi đôi mắt cạn khô ấy đã nhìn đời trong ánh tang để thấy khắp nơi đều có cái chết lẩn quất . Dòng sông đỏ màu máu, « hồn ma lẩn quất trong những đêm trăng suông », trong sóng có tiếng thì thầm của những người đã chìm dưới lòng đại dương, hoa lả tả, chơi vơi giữa không trung như « những vành tang trắng ». Em hờn oán đất vì « đất không chỉ cho quả ngọt, trái sai, đất không chỉ đem đến những bông lúa, đọt khoai mà đất còn lấy đi cả những người » em yêu thương. Em coi dòng sông đã cướp đi người em trai là kẻ thù và không còn muốn lội xuống nó, dù nó rất hiền hòa trong mùa nước cạn. 

Từ những đau thương vì con người phải chết, em đã viết những dòng lên án chiến tranh, trực tiếp hay gián tiếp. Tôi chắc từ những góc độ chính trị có người sẽ không thích cách nhìn về chiến tranh của em, trong khi cảm nhận của em chỉ thuần túy là cảm nhận của một con người với ý nghĩa nhân văn cao cả nhất, giống như ông già làng dân tộc chữa chạy cho người bị thương mà không cần biết anh ta thuộc phe nào. Em có vẻ chua chát khi gọi Chùa Non Nước, nơi một người anh và chú của em đã hy sinh, là một «điểm tham quan của khách du lịch». Em oán hận chiến tranh đã vắt kiệt sức mẹ, người đã « bao lần sinh nở và làm những công việc nặng nhọc của những người có cơ bắp để đổi lấy hàng bát huân huy chương ». Em lên tiếng bênh vực cho « Nỗi buồn chiến tranh » của Bảo Ninh. 

Số phận của những người thương binh trong truyện sao mang nhiều cay đắng. Chính quyền lãng quên cũng đành, nhưng đau nhất là khi bị chính những người thân yêu nhất phản bội. Có nghiệt ngã nào hơn khi người lính trở về bắt gặp cảnh người vợ hiền lành, bẽn lẽn đêm tân hôn xưa đang làm tình thuần thục như một con đĩ với chính cha ruột của mình. Trời hỡi ! Người cha ấy là một chủ nhiệm hợp tác xã, « thường rao giảng luân lý, đeo xà cột và đọc báo Nhân Dân mỗi ngày ». Ngòi bút của em trút dồn oán hận vào tiếng khóc của người thương binh : « lúc thì tru lên như tiếng sói rừng hú gọi bầy trong các đêm trăng sáng », «khuấy động cả một miền rừng núi sâu thẳm, vọng đến cuối trời, ngấm sâu vào lòng đất đánh thức những oan hồn lẩn khuất đâu đó, khi lại hậm hực, lục khục, như nó quay lại gõ đập vào chính tâm hồn, vào chính con tim ông, nó như muốn nghiền nát ông ra, nhào nặn ông thành một cái bánh để ném cho những con thú hoang đói ngấu tranh giành nhau ăn ».

Em dẫn dắt người đọc từ chuyện nọ đến chuyện kia, tưởng lan man mà không, vì chuyện nào cũng bùng nổ một cách đau thương đến tan hoang hoặc bùng nổ từ tắc nghẽn. Đau xót đến đỉnh điểm là chuyện của người lính trốn cuộc chiến sống dưới hầm để vợ mang thai và mang luôn nỗi khổ bị cả chính quyền, làng xã, thậm chí cả gia đình nhà chồng hắt hủi. Đến nỗi cuối cùng người lính vô tình đào ngũ phải chọn giải pháp tự vẫn để giải thoát cho mình. Em đã đọc SỐNG MÀ NHỚ LẤY của Rasputin chưa ? Tuyệt tác ấy cũng kể về một mảnh đời tương tự ở Nga, cũng kết thúc trong tiếng súng và nước mắt. Có thể, chính từ sau khi đọc truyện ấy, cá nhân tôi chỉ luôn thương xót chứ không lên án những người lỡ lâm vào hoàn cảnh như vậy. Thượng Đế chắc sẽ sẵn lòng cho những người khao khát yêu thương và không làm hại ai quyền được sống trong yêu thương, chỉ có xã hội của con người với những luật lệ và phán xét của mình đã tước đi của họ cái quyền ấy.
Những luật lệ, những ràng buộc của con người đặt ra để làm khổ con người. Bộ phim « Lời nguyền của dòng sông » làm em trăn trở : «Rốt cuộc, con người tự mình nghĩ ra những lề thói để lại trói buộc, bắt mình tuân thủ những lề thói ấy, rồi bỏ qua những gì họ yêu mến ». Tôi cũng từng nghĩ thế khi xem bộ phim ấy và khi đọc một trích đoạn trong Phúc Âm Thánh. Truyện rằng, trước đây người Do Thái chỉ có một ngày nghỉ trong tuần là ngày Sabat vào thứ bảy. Chúa Jesu đã nghĩ thêm ngày Chủ Nhật để ban thưởng cho con người. Một hôm, Chúa cùng các tông đồ đi ngang một cánh đồng và một vị tông đồ vô tình lấy tay tuốt một ngọn lúa. Người ta hỏi : sao ông không phạt học trò vì đã làm việc vào ngày lễ nghỉ ? Chúa Jejus đáp : « Ta nghĩ ra ngày lễ nghỉ là vì con người, nếu phạt thì hóa ra là bắt con người phải khổ vì ngày lễ nghỉ sao ?"

Tình cờ hay hữu ý, em đặt các số phận con người trong các mảng đối lập, sáng tối khác nhau. Đối lập giữa những người đã nhân danh vợ liệt sỹ để được kết nạp Đảng và làm bí thư chi đoàn mà làm điều loạn luân, với người phụ nữ dân tộc một lòng yêu thương, tận tụy phục vụ người chồng tàn phế. Đối lập giữa những người khoác vỏ bọc là giáo sư danh tiếng, được trọng vọng mà thực chất chỉ là những tay đạo đức giả, chuyên săn gái, với những người cựu chiến binh giàu tình nghĩa lặn lội rừng sâu tìm xác đồng đội, từ chối cô gái trẻ dân tộc hừng hực lửa yêu thương vì nhớ đến người vợ ở nhà (oái oăm thay, đó lại chính là người vợ đã phản bội).
Em từng dằn dỗi người yêu vì những vất vả trong chuyến đi về chiến trường xưa nhưng chính từ chuyến đi ấy em đã nhận chân được ý nghĩa cuộc sống và phẩm chất đáng tôn vinh của những con người chân chính. Em đã hiểu vì sao những người sống vật chất đầy đủ thì cứ chật vật đi tìm ý nghĩa cuộc đời, còn những người lính chân dầm bùn, cái chết kề bên vẫn lạc quan yêu đời.

Em đã « làm quen với cái chết » để đến khi cái chết cướp mất người mình yêu, em bình thản đúc kết cho mình nhiều suy niệm pha màu triết học : « Cái chết không đánh dấu sự kết thúc của tình yêu, nhưng sẽ kéo dài mãi trên một hình thái khác….Chết, nhưng để đem tới hành trình sống….Chính cái sợ của con người đã sản sinh ra cái chết. Cỏ cây, động vật chết thì cũng giống như khi chúng sống….Những người quá cố sống trong những người còn sống, những người sống chết trong những người quá cố. … », và thấm đẫm yêu thương: «cái chết của anh xóa nhòa sự nổi loạn của em….Cái chết có lẽ chỉ là một con sóng, và em không muốn người ta giằng anh ra khỏi biển. Biển cũng chia sẻ niềm đau đớn với em về sự ra đi của anh. Cái tang của nó và cái tang của em hòa nhịp vào nhau… ».

Mặc dù còn nhiều điều muốn rỉ rả cùng em, tôi thấy cần dừng bài viết ở đây để cùng em dứt ra khỏi cõi suy tưởng mênh mang. Viết nữa, biết đâu lại khơi lên trong em tiếng Côn Trùng nhức nhối.
                                                                                  
Lưu Minh Phương - 3/10/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét