Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Kiều bào với Trường Sa của Hiệu Constant: THÊM MỘT CỘT MỐC CHỦ QUYỀN CẮM CHO QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

 

                   THÊM MỘT CỘT MỐC CHỦ QUYỀN CẮM CHO QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

                                                          (TRẦN ĐĂNG KHOA)

(Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô)

https://tuoitrethudo.com.vn/them-mot-cot-moc-chu-quyen-cam-cho-quan-dao-truong-sa-162765.html?fbclid=IwAR0cqrJ0-RWIjnB7L83AXLjcn44Ueq0GwAIkQai4jQ71hnegXn_EQ1n6L3E


Đó là cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nữ nhà văn Việt Kiều Pháp Hiệu Constant.

Trường Sa là một vùng lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng nhất của Tổ Quốc chúng ta. Đây cũng là miền khó khăn gian khổ nhất. Nếu đất nước có gì biến động thì sẽ bắt đầu từ quần đảo bão tố này.

Tôi cũng đã từng nói ở đâu đó và không phải chỉ nói một lần rằng, nếu nhìn lên bản đồ thế giới, tổ quốc thân yêu của chúng ta như một bà mẹ gày gò, đội chiếc nón gủ, bước thập thững bên bờ sóng gió. Tấm lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử quay ra ngoài Biển Đông. Phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa, Hoàng Sa đấy.

Hoàng Sa, theo tên gọi thì nó là một dải cát vàng. Ở đấy có đất, có nước ngọt, cha ông chúng ta đã bám trụ gìn giữ từ thời vua Lê Thánh Tông. Thuở đó ra ra giữ đảo, tiếp tế cho đảo chỉ bằng thuyền buồm, thuyền nan và bè nứa. Nhiều người chưa tới được đảo đã bị sóng vùi. Trong kho tàng văn học dân gian từng có bao nhiêu câu ca dao đắng đót: “Hoàng Sa sóng gió trùng trùng – Người đi thì có mà không thấy về”. Năm 1974, Trung Quốc đã trắng trợn cướp quần đảo này. Năm 1978, lại cướp đảo Gạc Ma và nhiều hòn đảo khác nữa trong quần đảo Trường Sa của chúng ta. Họ vẽ ra đường lưỡi bò ma quỷ để nuốt trọn Biển Đông. Đó là một luận điệu vô cùng sai trái mà chẳng có giá trị pháp lý nào. Từ năm 1904 trở về trước, bản đồ của chính Trung Quốc từ thời Nhà Thanh, lãnh hải, lãnh thổ của họ chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Điều ấy chính họ cũng biết và cả thế giới biết. Vì thế, mọi thái độ hung hăng của Trung Quốc chỉ làm cho họ thêm bị cô lập trước cộng đồng thế giới, đặc biệt là với những quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông.


Bây giờ Hoàng Sa, Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập và nhiều hòn đảo khác nữa vẫn còn là những đứa con lưu lạc của bà mẹ Tổ Quốc. Chúng ta tiếp tục đấu tranh bằng con đường hòa bình để thống nhất trọn vẹn lãnh thổ lãnh hải và để những đứa con xa được trở về đoàn tụ trong một mái nhà chung.

Cuốn truyện ký này chỉ xoay quanh chuyến thăm quần đảo Trường Sa của bà con Việt kiều ta ở 24 nước trên thế giới. Đây là những tư liệu rất quý cho chúng ta biết vẻ đẹp của quân và dân Trường Sa, những người đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Quần đảo Trường Sa, cũng theo nghĩa triết tự thì nó là một dải cát dài. Trong đó có những hòn đảo còn chưa có cả cát. Chúng chỉ là những dải đá ngầm còn chìm trong lòng biển. Các chiến sĩ kiên cường của chúng ta đã dựng chòi trên biển để giữ đảo. Ngay cả ở những hòn đảo có cát, khí hậu cũng rất khắc nghiệt. Nhiều đảo không có cây. Bóng râm duy nhất đổ xuống mặt cát mặn nóng bỏng là bóng của những người lính giữ đảo. Nhà văn đầu tiên tới đảo là Duy Khán. Tiếp theo là tôi. Rồi sau đó là rất nhiều nhà văn, nhà báo. Những sáng tác của họ giờ đã thành bảo tàng văn chương, lưu giữ những ngày gian khổ nhất của những người lính biển.

 Giờ thì Trường Sa đã khác rồi. Trên đảo có chùa, có trường học, bệnh xá. Nhiều đảo đã có điện, có sóng truyền hình, đài phát thanh và điện thoại di động. Bất cứ lúc nào, các chiến sĩ cũng có thể gặp được người thân. Trường sa không còn xa cách nữa. Công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng đã vươn tới cả những miền xa xôi nhất, gian nan nhất của Tổ quốc. Cuốn sách này cho ta thấy phần nào thành tựu của công cuộc đổi mới ấy.

Đã rất nhiều năm nay, kiều bào ta luôn gắn bó với Tổ quốc. Đặc biệt trong khó khăn hoạn nạn, như dịch covid, lụt bão ở Miền Trung. Rồi biên giới Tây Nam, biên giới Phía Bắc. Và đặc biệt là Trường Sa, Hoàng Sa. Nhiều bà con đã quyên góp tiền, giúp người dân hoạn nạn và các chiến sĩ bớt đi rất nhiều khó khăn.

Cái hay của cuốn sách này là sự chân thật. Chúng ta gặp một Trường Sa mới, Trường Sa của ngày hôm nay trong thời đại 4.0. Ta cũng gặp nhiều con người rất đẹp trong đoàn khách thăm đảo. Trong đó có những nhà ngoại giao nổi tiếng, những vị thương gia, những nhà hoạt động xã hội. Đặc biệt là những người lính đảo, những người dân nơi đầu sóng ngọn gió. Ta cũng còn được nghe những câu chuyện thú vị của những phóng viên, học giả quốc tế nói về lãnh hải của chúng ta. Họ không phải chỉ nghiên cứu mà còn trực tiếp là người trong cuộc, trực tiếp chứng kiến thái độ hung hăng, ngạo mạn của tầu hải cảnh Trung Quốc.

Đây là cuốn sách quý. Dù chỉ là một phần vể đẹp của Trường Sa. Còn rất nhiều hòn đảo trong quần đảo này mà nhà văn Hiệu Constant còn chưa kịp có mặt. Chúng ta lại có thêm một cột mốc chủ quyền mà nhà văn Hiệu Constant cắm cho quần đảo Trường Sa.

Và như thế, ở Trường Sa có bao nhiêu cột mốc. Ngoài cột mốc bằng xi măng cốt thép thường bị thời gian và sóng gió bào mòn, còn có những cột mốc bất hoại. Đó là sự hi sinh, là xương máu của cha ông và bao nhiêu thế hệ con cháu chúng ta đã đổ xuống để giữ vững núm ruột của Tổ quốc, còn có những cột mốc đặc biệt khác. Đó là những bài hát, bộ phim, tiểu thuyết, thơ, kịch và các loại hình nghệ thuật mà các nghệ sĩ đã cắm cho Trường Sa. Đối với những tài năng lớn, những tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị, thì những cột mốc đặc biệt ấy sẽ còn bền vững đến muôn đời mà không kẻ thù nào, hay sóng gió nào có thể phá nổi.

Cám ơn nhà văn Hiệu Constant. Cám ơn đoàn Việt Kiều đã đến với miền sóng gió Trường Sa và để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc.

                                                                    Hà Nội 3-3-2021

                                                                             TĐK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét