Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Cảm nhận từ truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của Hiệu Constant - Mai Liên

 Cảm nhận từ truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của HIệu Constant

(Báo hải quân)


Vậy là sau 3 năm ấp ủ, cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nhà văn, dịch giả Hiệu Constan (tên thật là Lê Thị Hiệu-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang định cư tại Pháp) đã được Nhà Xuất bản Dân trí ấn hành. Cuốn sách phát hành có thêm một tư liệu quý về Trường Sa dành tặng độc giả trong và ngoài nước…

Những ngày tháng 5 năm 2018, giữa mênh mông biển trời Trường Sa, nhà văn, dịch giả Hiệu Constan đã chia sẻ với chúng tôi về dự định viết một cuốn sách ghi lại hải trình của kiều bào trong đoàn công tác số 10 đến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa. Vì thế, trong suốt hải trình, chị tập trung quan sát chi tiết từng nơi mình đến; chụp lại các hình ảnh; phỏng vấn, ghi chép những câu chuyện, tình cảm của thành viên đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Hải quân… Để rồi chị trở về Pháp với cảm xúc ắp đầy về chuyến đi quá ấn tượng, chị đã dành tâm huyết viết cả cuốn truyện ký dày 180 trang.

 Tôi cũng là một thành viên trong đoàn công tác số 10 năm ấy nên khi đọc tập truyện ký, cảm giác như được gặp lại những người quen trong chuyến hải trình, trong đó có đông đảo kiều bào trở về từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Qua các trang sách của chị Hiệu, tôi hiểu hơn cảm xúc của những người con xa xứ khi được về với vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Từ cảm giác hồi hộp chờ đợi rồi vui mừng, háo hức khi nhận được thông báo tham gia hải trình tới Trường Sa cho đến sự ngưỡng mộ, khâm phục sâu sắc khi các kiều bào tận mắt chứng kiến cuộc sống và tinh thần vững vàng, quyết tâm của quân, dân huyện đảo Trường Sa; niềm xúc động mạnh mẽ trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hay giây phút nghẹn ngào tạm biệt Trường Sa...

Cuốn sách được chia làm nhiều phần: “Trữ tình ngoại đề”, “Trường Sa-Một lần là mãi mãi”, “Những ngôi chùa ở Trường Sa-Cột mốc tâm linh, chủ quyền của Tổ quốc”, “Những nhân vật đặc biệt”, “Lời tâm tình của một số “chiến sĩ Trường Sa” kiều bào”, một số hình ảnh về kiều bào với Trường Sa được tác giả chụp lại trên các đảo…

 180 trang sách là những cung bậc cảm xúc thể hiện tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo và tấm lòng của 70 kiều bào trở về từ Cộng Hòa Sec, Ba Lan, Hungary, Singapore, Canada, Pháp, Hàn, Thái Lan, Lào… đối với Trường Sa. Những hòn đảo tiền tiêu: Song Tử Tây, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Trường Sa… đều là những câu chuyện về sự đổi thay ở Trường Sa hôm nay. Đó là các công trình văn hóa, tâm linh, trường học, bệnh xá, điện, sóng phát thanh-truyền hình, sóng điện thoại... Đoàn đến đảo nào cũng gặp mặt hỏi thăm, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ và từng người dân. Ấn tượng nhất của kiều bào là được tham dự lễ chào cờ Tổ quốc giữa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tất cả đều được tác giả đề cập nhiều trong tập ký.

Với bút pháp tả thực, truyện ký nhấn mạnh rằng, các kiều bào ta dù sinh sống ở nơi nào trên trái đất; dù là chính khách, nhà khoa học, sinh viên hay công nhân; dù nghề nghiệp, tuổi tác, quan điểm chính trị... có thể khác nhau nhưng trong huyết quản mỗi kiều bào đều là dòng máu Việt. Họ ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải mà bao thế hệ người Việt đã đổ mồ hôi, xương máu giữ gìn. Vì thế, những kiều bào yêu nước luôn hướng về đất nước, luôn sẵn sàng sẻ chia khó khăn, sẵn sàng đóng góp cùng với nhân dân cả nước trong sự nghiệp giữ gìn biển, đảo quê hương.

 Nhà văn, dịch giả Hiệu Constan chia sẻ: Đọc cuốn sách nhỏ của tôi, ai đã từng đi Trường Sa rồi thì có thể giữ lại cho mình những kỷ niệm được đóng khung trong các con chữ. Còn ai mà chưa đến Trường Sa thì sẽ ít nhiều khám phá được vùng biển thiêng liêng này trong một cuốn truyện ký liền mạch như vậy. Tôi hy vọng, dưới góc nhìn của một nhà văn kiều bào Pháp sẽ có sự khác lạ hơn.

Ở phần cuối truyện ký “Kiều bào với Trường Sa”, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ghi nhận xét: "...Đây là cuốn sách quý. Dù chỉ là một phần vẻ đẹp của Trường Sa. Còn rất nhiều hòn đảo trong quần đảo này mà nhà văn Hiệu Constant còn chưa kịp có mặt. Chúng ta lại có thêm một cột mốc chủ quyền mà nhà văn Hiệu Constant cắm cho quần đảo Trường Sa”.

Mai Liên

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét