Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

Nhớ lại 50 năm ngày ký Hiệp định Paris

 

Nhớ lại 50 năm ngày ký Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết cách đây 50 năm, vào ngày 27/01/1973, tại thủ đô Paris, Pháp. Hiệp định này đã để lại những bài học sâu sắc, trong đó có bài học về chủ trương phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong đấu tranh ngoại giao của Việt Nam.

https://vannghethainguyen.vn/2023/02/08/nho-lai-50-nam-ngay-ky-hiep-dinh-paris/?fbclid=IwAR1LfSBzw-2Lg24WSKNK8e5UqEX-zuo3tLVx0eYQdnMl87yO95uAWCsSLMk

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Hòa bình và Quan hệ Ngoại giao Pháp – Việt do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức

Cuộc đàm phán đã kéo dài suốt 5 năm. Và trong thời gian ấy, hai phái đoàn Việt Nam đã nhận được nhiều trợ giúp và ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng kiều bào tại Pháp và các bạn Pháp yêu chuộng hòa bình và ủng hộ dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh này. Thành công của lễ ký Hiệp định đã mở ra một trang sử mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam trên trường Quốc tế.

Tháng 1/2023 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đông đảo bạn bè Pháp và nhiều hội đoàn đã tổ chức Lễ niệm 50 ngày ký Hiệp định Hòa bình và Quan hệ Ngoại giao Pháp – Việt. Các sự kiện đã khơi lại nhiều kỷ niệm ấn tượng và xúc động khiến nhiều người tham gia không khỏi bồi hồi.

Ý kiến chuyên gia

Tại lễ kỷ niệm ở trụ sở Đại sứ quán Việt Nam, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, có sự tham gia của đông đảo quan khách, kiều bào và bè bạn. Trong bài phát biểu khai mạc của mình, ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp đã đánh giá đây là một cuộc đám phán dài nhất thế kỷ để chấm dứt một cuộc chiến tranh cũng được cho là dài kỷ lục thế giới cũng như những thảm họa và hậu quả tàn khốc do nó gây ra.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại buổi lễ

Ông đánh giá cao và cám ơn sự trợ giúp của bạn bè Pháp nhất là nhân dân thuộc hai thành phố Choisy-le-Roi và Verrières-le-Buisson, những người đã không quản ngại khó khăn để giúp đỡ hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Đại sứ cũng trình bày tóm tắt quá trình phát triển quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngay sau khi đất nước được thống nhất với các quốc gia khác, trong đó có Pháp.

Hội thảo bàn tròn trong đó có hai chuyên gia người Pháp là Pierre Journoud và Jean-Christophe Noel, hai người đã đề cập nhiều đến diễn biến quân sự chính trị, kinh tế và ngoại giao Việt Nam đã ảnh hưởng đến những gì đang diễn ra trên thế giới cùng thời kỳ. Pierre Journoud là Giáo sư Sử học đương đại của Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, và có thể nói ông là một chuyên gia chuyên sâu về Việt Nam, có nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử về Việt Nam. Trong phần chia sẻ của mình tại lễ kỷ niệm, Giáo sư Journoud tái khẳng định đây là một cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới và có lẽ cũng nhọc nhằn nhất, do vậy, ông đánh giá cao sự kiên trì và đường lối kiên định của các phái đoàn Ngoại giao Việt Nam.

Tác giả phỏng vấn Giáo sư Pierre Journoud

Từ trái qua: Chuyên gia Jean – Christophe, Giáo sư Pierre Journoud và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng

Ông đưa ra và phân tích những cuộc đấu trí xen kẽ giữa những lần tranh luận công khai nảy lửa và hội đàm kín diễn ra trong suốt quá trình đàm phán và vai trò của nước Pháp trong đó. Ông gợi lại bài phát biểu nhân chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia của Tướng De Gaulle vào tháng 9/1966. Khi đó viên tướng Pháp đã dự báo rằng Hoa Kỳ sẽ không thể giành chiến thắng ở Việt Nam về mặt quân sự và đề xuất cường quốc này nên tìm kiếm hòa bình trên bình diện ngoại giao, và chỉ có như vậy Mỹ mới có thể rút khỏi sự sa lầy tại Việt Nam trên danh dự…

Jean-Christophe Noel là nghiên cứu hợp tác tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh An toàn của Viện IFRI. Ông phân tích cụ thể nguyên do của những trận oanh tạc năm 1972 và các cuộc đấu tranh cho đến khi ngừng bắn để rồi lại tiếp diễn sau đó. Chuyên gia quân sự này đã liên hệ những trận oanh tạc tại Việt Nam với những trận đấu trên không tại Nhật Bản trong cuộc Đại chiến Thế giới thứ II…

Ấn tượng nhất có lẽ là bài phát biểu của ông Pierre Laurent, Thượng nghị sỹ Pháp thuộc đảng Cộng sản. Ông Laurent đã gần như tái  hiện lại suốt quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản, trong đó có Việt Nam và vai trò của Hồ Chủ tịch trong đảng Cộng sản Pháp. Ông gợi lại sự lừa phỉnh của chính phủ Pháp khi xưa đối với các chiến binh Pháp khi đề nghị họ sang Đông Dương để đánh đuổi quân Nhật.

Ông Pierre Laurent, Thượng nghĩ sỹ Pháp thuộc đảng Cộng sản

Những đóng góp của một số chiến binh trẻ thuộc đảng Cộng sản Pháp đã chiến đấu tại Việt Nam khi trở về đã tố cáo làm dấy lên phong trào phản đối cuộc chiến tranh ấy tại Pháp. Và đương nhiên ông cũng gợi lại sự ủng hộ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp đối với các phái đoàn ngoại giao Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán để dẫn đến thành công ký kết Hiệp định Hòa bình năm 1973.

Hồi ức và cảm xúc sau 50 năm

Sự sa lầy của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ tại chính nước Mỹ và trên toàn thế giới. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, một phong trào ủng hộ một quốc gia đang có chiến tranh lại bùng lên mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp hành tinh đến thế! Hàng triệu người biểu tình trên toàn thế giới đã xuống đường lên án chiến tranh xâm lược của Mỹ và bày tỏ sự ủng hộ với dân tộc Việt Nam. Chính sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhân dân tiến bộ trên thế giới và nhất là kiều bào tại Pháp đã góp phần tạo sức ép trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất của đất nước và dân tộc Việt Nam, chứng tỏ bản lĩnh và tầm vóc của các cán bộ ngoại giao Việt Nam.

Trong suốt quá trình đàm phán, chúng ta phải kể đến sự giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất của các bạn Pháp, những người yêu chuộng hoà bình, sự công bằng, họ đã cùng với dân tộc Việt Nam viết nên một trang sử vàng chói lọi. Họ là những trí thức, những chính trị gia, những lãnh đạo thành phố hay đơn giản chỉ là những nhân viên hành chính, phụ việc bếp núc, hay những lái xe phục vụ đoàn cán bộ. Ai cũng làm hết mình và mong muốn các cán bộ trong đoàn ngoại giao Việt Nam cảm thấy được thoải mái nhất, thư giãn nhất sau mỗi ngày đấu trí căng thẳng. Nhiều người trong số họ giờ đã đi xa hoặc đã cao tuổi nên không thể tham dự ngày hôm nay.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tôi hỏi chuyện bà Jéanine Rubin, một nhân chứng có mặt tại buổi lễ. Bà khi ấy làm công tác hậu cần cho đoàn cán bộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Choisy-le-Roi, do ông Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn: “Ngày đó tôi là nhân viên Tòa Thị chính thành phố, bà Rubin kể. – Tối nào chúng tôi cũng đến phục vụ đoàn ngoại giao Việt Nam. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng làm việc này là ngoài giờ, không liên quan gì đến công việc của tòa Thị chính, bởi với nhiều người thì đây là điều khá khó hiểu, tôi làm việc là tự nguyện và miễn phí. Nhưng với tôi, đây quả là điều kỳ diệu: phục vụ một phái đoàn ngoại giao là điều chưa từng xảy đến với tôi, thế nên tôi rất tự hào được làm điều đó…”. Bà cho biết một số đồng nghiệp khác ở thành phố Choisy cũng tham gia công việc này, họ cũng đã được hỏi chuyện nhiều lần, nhưng có người ngại nói. “Với tôi, – bà tiếp tục thổ lộ, ánh mắt tràn đầy xúc động, – cho đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn luôn là một điều gì đó hết sức đặc biệt, được giao lưu qua lại với các bạn Việt Nam là một điều tuyệt vời”. Về buổi Lễ kỷ niệm 50 năm, bà nói, giọng run run: “Phải nói tôi rất hài lòng được tham gia vào ngày lễ quan trọng này, bởi vì cùng với tuổi tác nhiều người đã bỏ chúng ta mà đi! Ngày trước, với sự đóng góp nhỏ nhoi của mình, tôi đã giúp đỡ phái đoàn ngoại giao, nhưng điều đó đã giúp tôi học hỏi được nhiều điều”.

Ông Michel Strachinescu và bà Jeanine Rubin

Ông Michel Strachinescu đã từng là lái xe riêng cho bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam. Ông chỉ tấm ảnh và kể cho tôi nghe. “Tôi lái chiếc xe này và phía sau trong xe tôi là bà Bình. Tôi không được phép trò chuyện trực tiếp với Bà mà làm việc theo chỉ thị trong ngày…”. Ông cho biết làm việc nhiều trăm giờ liền và trong suốt bốn năm. “…Tôi gần như không trở về nhà, hầu như không gặp vợ con gì cả. Tôi cũng xin nhấn mạnh là công việc tôi làm thì gần như là miễn phí vậy. Cô sẽ hỏi tại sao tôi lại chấp nhận làm phải không? Và cũng cần phải biết điều đó nhỉ!”.

Ông cười và thổ lộ rằng thời đó ông là một thành viên trẻ tích cực của Đảng Cộng sản Pháp, và là Bí thư của một chi bộ Đảng nên có quan hệ chặt chẽ với các chi bộ khác, và họ đã đề nghị ông nhận công tác này.

“Tôi thấy đây là một việc tốt và hữu ích, – ông nói tiếp, – chỉ có điều tôi đã không nghĩ rằng sự kiện lại kéo dài lâu đến vậy. Nói tóm lại, tôi làm việc trên mặt trận ngoại giao, và tôi trở thành lái xe riêng cho bà Bình. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng…”. Và ông kể, đã đưa bà Bình đi nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người, cả Pháp lẫn Việt, gặp gỡ Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng còn nhiều hội đoàn Pháp, Việt khác.

Ông còn kể có lúc phải đi buổi tối để tránh các nhà báo Pháp và Quốc tế cứ suốt ngày bám theo họ. “Có phái đoàn ở Massy và thế là sáng sáng, tôi với chiếc xe DS chở bà Bình đi Massy rồi lại về Verrière-le-Buisson để gặp gỡ những người mà bà Bình cần gặp. Tôi thực sự rất tự hào khi làm công việc này”. Ông nói bà Bình là một người kín đáo nhưng nhân ái.

“Khi biết tôi và các đồng nghiệp không được thường xuyên về nhà, Bà thường quan tâm đến mọi người và hỏi han gia đình, nhưng cô biết đấy, bà Bình khi ấy cũng có gia đình đang ở miền Nam Việt Nam… Tôi xin lỗi, khi kể lại những điều này tôi quả thực rất xúc động…”, ông kể mà mắt ngân ngấn lệ. Ông cũng cho biết sau này đã được bà Bình mời sang Việt Nam và đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ phải qua: Ông Michel Strachinescu, bà Jeanine Rubin và Giáo sư Pierre Journoud

Nói về sự kiện ngày hôm nay: “Tôi cảm thấy một niềm vinh dự, được ở đây, thật đấy, rất ấn tượng. Và nhất là Việt Nam đã rất tiến triển, điều ấy được lộ rõ. Và rồi được gặp gỡ tất cả những nhân vật quan trọng, được bày tỏ suy nghĩ của mình. Tôi thấy thật tuyệt, nhất là chúng tôi đâu có được thường xuyên tham dự những sự kiện trọng đại như thế này. Chúng tôi không biết nói những bài diễn văn bay bổng, chúng tôi rất đơn giản thôi, quen với những gì nhỏ bé tầm cơ sở hơn, như người ta vẫn thường nói là những con người nhỏ bé. Chỉ có điều, như cô biết đấy, nhờ những thứ nhỏ bé mà ta có thể đạt đến những điều lớn lao”. Tôi nghĩ ông có lý.

Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, một Kiều bào đã tham gia giúp đỡ các Phái đoàn năm xưa đã đánh giá cao phương hướng và đường lối của Việt Nam để dẫn đến thành công ký kết Hiệp định, và cho rằng đây như một bài học về ngành Ngoại giao: “Tôi thấy không phải chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam đâu, mà đây là một thắng lợi mà thế giới cần phải nghiên cứu, một đóng góp của Việt Nam vào nền ngoại giao thế giới để giải quyết vấn đề Hòa Bình. Tôi biết là không dễ, nhưng Việt Nam trong một điều kiện khó khăn như thế mà giải quyết được thì tôi tin là các nước khác, nếu mà yêu chuộng hòa bình thì sẽ tìm được cách giải quyết như Việt Nam đã giải quyết một cách thắng lợi”. Rồi ông nói tiếp: “Cảm xúc của tôi trong ngày hôm nay thì thấy buồn vì số người thời đó giờ không còn bao nhiêu, nhưng thấy rõ rằng các thế hệ nối tiếp vẫn luôn luôn tiếp tục và theo dõi. Tôi mong các cháu ở thế hệ sau noi gương những người đi trước, đóng góp xây dựng đất nước, bởi vì Hòa Bình là vô giá”.

Ông Văn Nghĩa Dũng, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO, Đại diện Chủ tịch nước tại tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã là một trong gần 20 sinh viên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sang Pháp năm 1972. Vừa sang được bốn tháng thì diễn ra lễ ký Hiệp Định Paris.

Ông Văn Nghĩa Dũng (bên trái), ảnh do ông Dũng cung cấp

Ông xúc động kể lại:

“Trong thời gian Ký hiệp định thì phải nói chúng tôi rất xúc động bởi khi ra đến đại lộ Klébert để chứng kiến lễ ký Hiệp định thì hàng vạn người Việt Nam và bạn bè quốc tế đã có mặt. Một rừng cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam bay phấp phới, bạt ngàn. Tất cả các cửa ra vào tàu điện ngầm bị đóng hết, bởi lượng người đông quá, cảnh sát Pháp e ngại xảy ra bạo động. Khi đoàn của Cách mạng Chính phủ lâm thời và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thì cả rừng người vỗ tay nhiệt liệt, các cán bộ đã phải đứng lại rất lâu để đáp lại…”.

50 sau, ông cho biết cảm xúc của mình : “Nhớ lại năm ấy, tôi hết sức xúc động! Mới đấy mà đã năm mươi năm rồi, và hôm nay Đại sứ quán kỷ niệm và tôi có mặt tại đây thì cũng rất vui khi được gặp lại bạn bè, những người cũng đã từng chứng kiến Hiệp định Paris”

Có mặt trong lễ kỷ niệm do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Paris, được gặp gỡ những nhân chứng và được nghe kể những câu chuyện của thế hệ trước, tôi khám phá thêm những giai thoại vốn không được ghi trong sử sách. Với những kiều bào và bạn bè Pháp đã từng trợ giúp các phái đoàn Việt Nam, cho dù là Ông Bổnbà Rubin, ông Strachinescu hay nhiều người vô danh khác đã tham gia tích cực vào phong trào yêu Việt Nam, trợ giúp các Phái đoàn đàm phán để đem đến thành công và hòa bình được tái thiết lập ở Việt Nam, thì họ đều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc và niềm xúc động khó tả. Là một con dân đất Việt đang sinh sống xa Tổ quốc, tôi cảm phục và rất biết ơn họ.

Paris, những ngày cuối tháng 01/2023

Hiệu Constant

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét