Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Hamemus Papam = Chúng ta có một giáo Hoàng


Xem phim Habemus Papam = Chúng ta có một giáo Hoàng



Tên phim: Habemus papam

Tên phim tiếng Pháp: Nous avons un pape
Tên phim tiếng Anh : We have a pope
Tiếng Việt (tạm dịch): Chúng ta có một Giáo hoàng
Đạo diễn : Nanni Moretti
Các diễn viên
Michel Piccoli : le cardinal Melville, élu pape
Nanni Moretti: le psychanalyste
Jerzy Stuhr : Bruno Abraham-Kremer : le porte-parole
Renato Scarpa: Jacques Boudet: le cardinal Gregori
Camillo Milli: Gérard Boucaron : le cardinal Pescardona
Roberto Nobile : Gilles Segal : le cardinal Cevasco
Ulrich von Dobschütz: le cardinal Brummer
Franco Graziosi : le cardinal Bollati


Tóm tắt:
Tại Tòa thánh Vatican, sau khi Giáo hoàng băng hà, Hội đồng các Hồng y Giáo chủ họp để bầu người kế vị. Sau phiên bầu đầu tiên, khói đen đã tỏa ra từ vòm cột lò sưởi, chứng tỏ các Hồng y Giáo chủ vẫn chưa chọn được tân Giáo hoàng. Sau nhiều ngày, qua nhiều cuộc bầu phiếu và… Bất ngờ toàn cục, chính Hồng y Giáo chủ Melville người Pháp đã được bầu là tân Giáo hoàng. Ngài vốn không hề có điểm nào nổi bật và không hề nằm trong danh sách có thể được bầu là người lãnh đạo tinh thần cao nhất của Công giáo. Và chuyện gì đã xảy ra sau đó… ?

 Vào lúc vị Hồng y phát ngôn viên của Tòa thánh Vatican, ra ban công để thông báo sự xuất hiện của tân Giáo hoàng trước toàn thể thế giới và cộng đồng con chiên Công giáo đang rất đông đúc trên quảng trường Saint-Pierre, thì vị ứng cử viên may mắn này đã hoảng loạn, ngài thốt ra một tiếng kêu xé lòng trước khi chạy trốn, mà không chịu ra diện kiến trước ban công. Điều này khiến các giáo sỹ cao cấp và đám đông tín đồ sững sờ, chết lặng.
 Để gắng giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể, người phát ngôn của tòa thánh Vatican một mặt né tránh các câu hỏi của giới truyền thông và sự tò mò của các con chiên nên tuyên bố rằng tân Giáo hoàng cảm thấy cần phải chuyên chú cầu nguyện và chiêm nghiệm trước khi nhậm chức và diện kiến các con chiên, mặt khác kín đáo tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Do quan ngại sâu sắc về sự khủng hoảng và trầm cảm của tân Giáo hoàng, các Hồng y Giáo chủ đã đồng ý cho tìm và họ đã tìm được một giáo sư Tâm lý học nổi tiếng nhất nước Italia, giáo sư Brezzi. Dẫu vậy, các hồng y chào đón giáo sư bằng một sự nghi ngờ, nhưng cho phép giáo sư trò chuyện chẩn bệnh cho tân Giáo hoàng. Trước sự có mặt của tất cả các hồng y giáo chủ, Giáo sư Brezzi cố gắng trị liệu tâm lý cho ngài Melville, nhưng không tìm ra bất kỳ triệu chứng nào về căn bệnh của ông.
 Brezzi tiết lộ với một số giáo chức Vatican rằng vợ cũ của anh ta cũng là một nhà Tâm lý học nổi tiếng và mọi người nên bí mật đưa tân Giáo hoàng đến phòng mạch để cô ấy chẩn bệnh và trị liệu. Nhưng Hồng y Giáo chủ Melville, hay còn được gọi là tân Giáo hoàng, nhân một lần đi «khám bệnh » tại phòng mạch của nữ giáo sư tâm lý học kia đã “cắt đuôi” được đám tùy tùng và bỏ trốn. Ngài đi lang thang lẩn quất trên những con đường lắt léo của thành Roma, giữa đám thế dân trần tục trong cuộc sống đời thường vừa náo động hăng say xô bồ, vừa rảnh rỗi vô bổ, vừa mang đậm tình nhân ái, vừa lạnh nhạt thờ ơ…
 Tân Giáo hoàng thất lạc, cả ban lãnh đạo của Vatican như ngồi trên đống lửa…
Theo luật của Giáo hội, chừng nào mà tân Giáo hoàng còn chưa xuất hiện trên ban công, thì lễ bầu cử vẫn chưa kết thúc và các Hồng y Giáo chủ không thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Vậy làm gì để giải trí cho các Hồng y Giáo chủ đây… ?
Một mặt Brezzi bắt đầu tổ chức các nhóm chơi bài, các đội đấu bóng chuyền giữa các Hồng y Giáo chủ! Mặt khác, phát ngôn viên của Vatican khiến mọi người tin rằng tân Giáo hoàng vẫn đang ở trong căn phòng của mình bằng cách yêu cầu một người lính gác Thụy Sĩ, mặc áo trắng đi qua đi lại cửa sổ vào ban ngày, dẫu sao để mọi người tin rằng đó chính là tân Giáo hoàng.
Rút cục, người ta cũng tìm thấy tân Giáo hoàng Melville! Thông tin bị truyền đi, nhưng các Hồng y và con chiên vẫn cho ngài cơ hội để xuất hiện trên ban công thông báo chức phận mới của mình. Nhưng khi xuất hiện trên ban công, Melville đã từ chối đảm nhận vị trí mới, ngài tuyên bố trước các tín đồ và cả toàn thế giới: "Tôi không phải là nhà lãnh đạo mà bạn đang cần đâu. Xin hãy cầu nguyện cho tôi !", và rời khỏi ban công, khiến cả quảng trường Saint-Pierre chìm vào im lặng.
 Lời bình
Với những con chiên Công giáo ngoan đạo thì thật khó chấp nhận bộ phim này. Trong phim, ta sẽ thấy các Hồng Y giáo chủ, dưới một người trên vạn người, được triệu tập đến từ khắp các quốc gia trên thế giới về Vatican để tham dự một sự kiện trọng đại nhất của giới Công giáo, thì hành xử như trong một trại dưỡng lão, nhiều người lại có vẻ hồ nghi về chính Tôn giáo mà mình đang giữ trọng trách, mà điển hình là tân Giáo hoàng.
Thực ra phim Habemus Papam ít liên quan đến tôn giáo và đức tin. Thay vào đó, đúng hơn là một lời than thở, một chiêm nghiệm sâu xa về cuộc đời trong thời đại ngày nay. Người ta làm việc không còn theo thiên hướng thiên triệu nữa, mà sẵn sàng chấp nhận một ngành nghề bất kỳ, miễn sao điều đó đem lại cuộc sống an ổn, ngay cả việc trở thành những nhà lãnh đạo tinh thần, các cha cố, Hồng y giáo chủ… Một câu hỏi được đặt ra: Liệu sẽ tốt hơn cho sức khỏe thể hình cũng như tinh thần nếu như ta cởi mở cùng nhau, vui vẻ và chia sẻ với nhau trong cuộc sống, thay bằng cứ áp dụng thể thức cấp bậc cứng nhắc…?
 Với một sự mỉa mai nhưng hết sức tinh tế, một sự chiêm nghiệm sâu sắc về Tự do và Nghĩa vụ, sự mong manh của tâm hồn con người, được diễn viên gạo cội Michel Piccoli vào vai thực hiện một cách vô cùng ngoạn mục. Một sự chiêm nghiệm đầy chất trữ tình về tự do và niềm hoan hỉ. Tự do và những giới hạn của nó. Phần chính của bộ phim thường xuyên khiến người ta xúc động, mang đầy vẻ u sầu và hoài niệm được dàn cảnh trong một thành phố Roma cổ kính. Sức mạnh cảm xúc trước hết đến từ một người đàn ông, đó chính là Michel Piccoli - diễn viên gạo cội người Pháp đã rất thành công trong vai diễn đầy kịch tính. Một tân Giáo hoàng bỏ lại tòa thánh, bỏ lại hàng triệu con chiên và các Hồng y Giáo chủ để một mình thất lạc trong một thành phố Roma vừa cổ xưa truyền thống, vừa văn minh hiện đại. Trong khi đó thì mọi thứ đang diễn ra tại Tòa Thánh, một trong trụ sở tôn giáo quyền lực nhất thế giới, lại đang như một sân khấu kịch với các màn diễn vừa tồi tệ nực cười, vừa thần khải thăng hoa… Qua đây, ta thấy rõ các nhà làm phim và diễn viên đã chế giễu không ít tất cả mọi giới, từ tôn giáo đến báo chí, từ chuyên gia tâm lý đến thể thao và trên hết, họ chế giễu chính thế giới của họ!
Đây không phải là bộ phim đầu tiên mà các nhà làm phim châu Âu chế giễu Công giáo. Trước đó và sau này còn có khá nhiều phim khác, nhưng tất cả các bộ phim đều được xây dựng một cách hết sức tinh tế, không bao giờ đi quá hạn cho phép.
Còn mình thì thấy hân hoan bởi được xem lại một thành Roma mà mình đã có dịp viếng thăm!
Hiệu Constant
Paris 08/04/2020



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét