Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Đọc bài thơ Mẹ ơi của Hiệu Constant ( Ngọc Bái)

Đọc bài thơ Mẹ ơi của Hiệu Constant ( Ngọc Bái)




Lời bình của nhà thơ Ngọc Bái:
Bài thơ thảng thốt như lời gọi: Mẹ ơi! Mẹ ơi… trong một trưa vắng mông lung giữa cánh đồng, lặng ngắt không tiếng mẹ đáp, chỉ còn có gió vật vã trên luống rạ khô gầy, như có linh hồn ứng nghiệm.
Trải theo tuyến tính, cùng bước trưởng thành của người con, mỗi bước là một dấu mốc hằn vào thời gian. Nào phải bóng bẩy làm dáng gì trong mỗi chặng đời ấy. Nó giản dị như chính cuộc sống thường nhật dẫn dắt. Tác giả chỉ cần phân đoạn theo tuổi đời của mình là đã thành thơ. Bởi mỗi đoạn đời ấy là mỗi nét chạm khắc khó phai mờ.
Đầy đủ lý do để con được thưa với mẹ:
Ở tuổi mười tám, “tóc dài xõa trong gió/mẹ cười vui hớn hở/ngỡ trăng lên”. Mặc sức cho mọi hình dung, những câu thơ như reo hát, như thầm thĩ kỳ vọng. Mẹ thỏa ngắm con của mẹ phổng phao, duyên dáng. Mẹ tự hào vì đã góp cho đời một trang thiếu nữ.
Ở tuổi hăm ba con về, “chững chạc làm người lớn/tấm bằng đỏ trên tay/mẹ ngậm ngùi/nghĩ xa vời vợi”. Kỳ vọng trở thành sự thật. Tấm bằng là khát vọng của mẹ dành cho con. Thế là mẹ đã hoàn thành một phần bổn phận. Chữ nghĩa còn lớn hơn cả tài sản, quý hơn tài sản. Nhưng mẹ vẫn không khỏi ngậm ngùi. Nỗi ngậm ngùi của người mẹ suốt đời quanh quẩn với đồng ruộng, bờ tre mái rạ, hai sương một nắng. Một nỗi ngậm ngùi sâu xa chỉ có ở người mẹ thuần hậu quê mùa hết lòng vì con. Phía trước con còn là một con đường mở ra khiến mẹ không thể không “nghĩ xa vời vợi”.
Ở tuổi hăm sáu con về, “báo tin mừng khấp khởi/mắt mẹ vui buồn/lệ ngấn bờ mi”. Điều mẹ chờ đợi đã tới. Đó là những ngày hạnh phúc đến với con. Mẹ mừng rơi nước mắt. Thế là con mẹ đã vuột khỏi vòng tay mẹ, để đến với lựa chọn của con. Mẹ cũng “mừng khấp khởi” báo tin cho họ hàng làng nước. Con xa mẹ, vui buồn lẫn lộn cả, làm sao cầm lòng được?
Ở tuổi hăm chín con về, “bồng bế cháu mẹ trên tay/mẹ vui mừng/con gái mẹ lớn khôn”. Thế là theo quy luật tự nhiên, con đã mang về cho mẹ món quà của truyền nối sinh thành. Mẹ vui khôn xiết. Trong tâm thức của mẹ, bây giờ con gái mẹ mới thực sự “lớn khôn”.
Ở tuổi ba mốt con về, “cháu ngoại bập bẹ chào bà/mẹ dang rộng vòng tay/mãn nguyện”. Bây giờ, mẹ đã trọn bổn phận. Mẹ đã trọn ao ước. Mẹ đã mặc nhiên trao gửi hết cho con. Đó là sự mãn nguyện của một đời người, của một vòng đời.
Những câu thơ là cả chặng đời nối tiếp nhau. Mang tâm trạng của người con gái xa xứ âm thầm thương mẹ. Mỗi chặng đời là một chặng tác giả khai mở những nét tiêu biểu rành rẽ nhất. Kiệm chất liệu đời sống để đẩy tới một hoàn cảnh chuyển tiếp ngoài mong muốn. Những câu thơ càng dồn nén đến tận cùng để bật tung lên cái kết cục bi liệt, đường đời khó lòng tránh được.

Và hôm nay con về
cháu ngoại mẹ
lớn chừng này
hỏi bà đâu?

Con ra nghĩa địa bãi sau
rặt màu cỏ úa,
hàng đậu giật mình
ngả đầu trong gió…
Một nấm mộ chơ vơ giữa cánh đồng!

Như bật khóc, câu thơ cũng rưng rưng trước màu cỏ úa. Quy luật thời gian không ai cưỡng nổi. Nhưng tình người mới thật lớn lao. Hình ảnh “con ra nghĩa địa bãi sau/rặt màu cỏ úa/hàng đậu giật mình/ngả đầu trong gió…” hạ đúng chỗ, tạo nên ấn tượng mạnh, gieo vào lòng người đọc nỗi xót buốt cao cả. Một nỗi buồn trong suốt. Bao nhiêu năm con xa mẹ, giờ mới cảm hết được nỗi trống vắng trước cảnh tượng “một nấm mộ chơ vơ giữa cánh đồng”!
Cả bài thơ như một lời da diết ân nghĩa. Chỉ có trước mẹ, tâm hồn mới được thanh lọc. Trước mẹ, mới thấm thía được nỗi cao dày của lòng thương kính. Giữa cánh đồng trống vắng, “nấm mộ chơ vơ” lặng lẽ thức tỉnh những gì sâu xa nhất của tâm trí con người. Bài thơ hay bởi sự chân tình, mộc mạc, không vẻ gì cầu kỳ. Mẹ và quê hương bao giờ cũng là mãi mãi, chẳng nguôi ngoai.


Ngọc Bái (Ngày giỗ mẹ, 6/8/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét